Phiền não tức bồ đề

Chào các bạn,

Hôm qua mình nhắc các bạn mỗi ngày cần nhớ ít nhất là một lần bản chất thật của mình: Tôi là Phật đang thành. Tôi là con Thượng đế.

Nhớ như vậy thì sao?

Phật thì chẳng có gì làm Phật mất tĩnh lặng, vì mình là Phật. Con Thượng đế thì chẳng có gì làm con Thượng đế mất tĩnh lặng, vì mình là con Thượng đế.

Không mất tĩnh lặng, là không điều gì có thể làm cho mình nổi giận, lo sợ, trầm cảm, stress, si mê… Nói chung là không mất tĩnh lặng là không còn xung động.

Các bạn, thước đo mức độ đạt đạo của bạn đến đâu, hay lòng tin của bạn đến đâu, luôn là bạn tĩnh lặng được đến đâu. Hay là ngược lại, bạn thường bị xung động đến đâu?

Đương nhiên là sống ở đời bạn có một số điều để quan tâm: nhà cửa, ăn uống, công việc, tình duyên, gia đạo, con cái, sức khỏe… Các điều này ta phải quan tâm vì đó là các nhu cầu sống, không có không được. Tuy nhiên, quan tâm mà thoải mái là một chuyện, quan tâm mà lo sợ hay stress là một chuyện khác. Đại đa số người của thế giới stress thường xuyên vì các điều này.

Nếu bạn tin vào Cha bạn là Thượng đế thì dù bạn có quan tâm đến điều gì, bạn cũng không hề lo sợ về chuyện đó. Vì Cha đủ quyền năng để chăm sóc bạn. Bạn chỉ cần làm điều gì bạn nên làm, phần còn lại là việc của Cha.

Nếu bạn là Phật đang thành, thì đương nhiên Phật tính của bạn sẽ tạo được nhiều nhân duyên tốt cho bạn, chuyện gì rồi cũng sẽ trôi chảy thoải mái, việc gì phải lo sợ?

Đạt đạo luôn có nghĩa là bạn có lòng tin vững chắc, không xoay chuyển được.

Chính lòng tin này tạo ra nhiều điều cho bạn:

– Bạn sẽ tạo ra nhiều năng lượng tĩnh lặng tích cực, và năng lượng đó tự làm việc để tạo ra điều tích cực cho bạn.

– Đương nhiên là người tĩnh lặng luôn được Thượng đế và chư Phật hỗ trợ. Sự tĩnh lặng của bạn làm cho sợ hỗ trợ của chư Thánh có hiệu quả, vì không bị các xung động và hành động của bạn cản trở (mà bạn không biết).

Đây là câu hỏi các bạn nên nhớ: Nếu mình tin, thì tại sao còn stress?

Nếu còn stress là chưa đủ lòng tin.

Người đã đạt đạo thì không còn gì để xung động. Người ta mắng mình vẫn vui, người ta khen mình vẫn thường, có tiền hay không tiền đều thoải mái, có việc hay không việc đều an lạc…

Đương nhiên là người đạt đạo hay người không đạt đạo đều có thể có thay đổi như nhau trong đời: khi đói khi no, khi giàu khi nghèo, khi có việc khi thất nghiệp, khi có tiền khi không tiền…

Nhưng điều khác nhau là:

– Người đạt đạo luôn an lạc, và người chưa đạt đạo thường stress.

– Người đạt đạo thường có nhiều điều tích cực đến do năng lượng tích cực của mình hấp dẫn, người chưa đạt đạo còn nhiều năng lượng tiêu cực quá nên hấp dẫn cả điều tích cực lẫn điều tiêu cực, hoặc có thể hấp dẫn tiêu cực nhiều hơn tích cực cũng nên.

Nhưng nói đây là giải thích cho các bạn hay thắc mắc.

Sự thật giản dị chỉ là: Sống như Phật đang thành, sống như con Thượng đế, là sống với bản chất thật của ta. Và khi sống được như thế bạn sẽ biết là bạn đã đến được bến bờ an lạc, dù rằng lúc đó bạn sẽ biết là chẳng có bờ bên kia để qua.

Phiền não tức bồ đề là sao? Người ta chửi mình, sỉ nhục mình, đó có thể là phiền não cho phàm phu, đó có thể là gió mát thoảng qua cho Bồ tát. Chỉ một điều, si mê hay giác ngộ, phiền não hay bồ đề, là do thái độ của mình đã đến đâu.

Chúc các bạn luôn thông tuệ.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

23 thoughts on “Phiền não tức bồ đề”

  1. Ồ hay quá ạ!
    “Sự thật giản dị” và “phiền não tức bồ đề” thấy vậy mà thật thâm sâu! Em rất thích cách Anh đặt vấn đề như thế.
    Cảm ơn Anh đã giúp em ngộ ra mỗi ngày một chút.
    Thật hạnh phúc, anh ạ!

    Liked by 1 person

  2. Em chào Anh,

    Em cảm ơn những lời chỉ dạy rất mộc mạc và chân thành của Anh.
    Sự thật là từ khi biết đến dotchuoinon.com của Anh, em nghiện đọc các bài “Trà đàm” của anh giống y hệt người ta nghiệm cà fe sáng. Như vậy có phải em đã vướng phải một loại dính mắc khác không Anh ?

    Chúc Anh và gia đình luôn khỏe và an lạc.

    Em Lê Dư

    Like

  3. Hi Dư,

    Em đọc để học thì chưa vướng mắc. Và cách để không vướng mắc là thực hành, vì thực hành là em đã mở đường của riêng em (Anh chẳng thể nào kinh nghiệm dùm em được, em phải tự trải nghiệm để có kinh nghiệm của riêng em).

    A. Hoành

    Liked by 1 person

  4. Hi Anh Hoanh, ” phot lo Ang Le ” nguoi ta thuong noi ” phot tinh nhu
    nguoi Ang le ” ( Anglais ) ….thi sao Anh Hoanh oi ?
    Minh biet ( theo y nghi rieng cua Minh ) co 2 nuance giua An Lac va
    ” phot tinh ang le ” ….
    Giao su lai phai giang tiep, nua roi …
    Minh het suc nguong mo Anh Hoanh va Chi Tuy Phuong, mong duoc
    Duyen,gap duoc Anh Chi.

    Like

  5. Hi anh Hoành,
    Cám ơn anh nhiều lắm, vì tôi đang bị phiền nào nặng nề do người đời hiểu lầm tôi.
    Nhưng cứ đọc các bài của anh tôi lại thấy mình an tâm hơn, tin vào cuộc sống hơn và nguyện đi theo con đường mà anh đã chỉ dạy: Khiêm tốn, Thành thật, Yêu người và Tĩnh lặng.
    Tôi sẽ cố gắng anh à!
    Chúc anh chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và an lạc!

    Phạm Quốc Mạnh.

    Like

  6. Chị Kim Vinh,

    Theo mình hiểu, phớt tỉnh Ăng Lê, thường có nghĩa là coi như không xảy ra như người Anh. Có nghĩa là, nếu ai nói câu gì mình không thích mình cứ coi như không nghe. Đây chỉ là nói về tác phong bên ngoài, không phải bên trong. Bên ngoài người ta có thể phớt tỉnh Ăng Lê, trong khi bên trong thì hậm hực ấm ức, hoặc coi thường.

    Người tĩnh lặng thật sự luôn có trái tim yêu thương. Ai sỉ nhục mình, mình cũng thấy thương cảm người ta vì người ta còn lạc đường quá — không biết tìm hiểu, hoặc nhiều thành kiến, hoặc không biết cách ứng xử tích cực với nhau…

    Nói chung, yêu người là tinh túy của trái tim Bồ tát, cũng là trái tim con Chúa (hay trái tim của Chúa). Người có trái tim Bồ tát thì luôn dịu dàng và thương cảm. Nếu không làm gì được thì ít ra cũng âm thầm cầu nguyện tốt cho người sỉ nhực mình, cho họ qua khỏi cơn tức giận đang đốt cháy họ và tìm được hạnh phúc. Hoặc nếu mình xin lỗi được một câu để người ta vui, thì mình cũng xin lỗi, dù mình chẳng có tội gì (chỉ là tội vô tình làm người ta buồn vì người ta hiểu lầm mình hoặc có thành kiến với mình).

    PHớt tỉnh Ăng Lê là lặng yên bên ngoài (còn bên trong thì không biết thế nào). Trái tim Bồ tát là luôn tích cực yêu người, dù người sỉ nhục ta.

    Chúc chị vui khỏe.

    Liked by 3 people

  7. Em có một băn khoăn mong được anh chỉ dẫn. Vậy một người đã đạt được trạng thái tĩnh lặng trong tâm rồi thì còn có tình cảm riêng tư (ý em là tình yêu nam nữ) không ạ hay chỉ còn tình yêu thương con người?
    Em cảm ơn ạ.

    Like

  8. Thưa anh chị! Xin được mọi chỉ cho em ngộ rõ nghĩa của từ ” THANH TỊNH ” ạ, em tra từ điển thì có viết nghĩa là trong sạch và yên tĩnh. Em cảm ơn anh chị em vườn chuối, chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ, tâm an lạc. Huythanh!

    Like

  9. Hi Trang,

    Người đã tĩnh lặng, thì dù đã có, hoặc đang có, hoặc sẽ có tình cảm riêng tư, thì đương nhiên là cách ứng xử cũng giống ứng xử với mọi người khác, tức là không giành giật, không ghen tương, không tranh cãi, không bắt bẻ, không tạo stress, không a dua theo… Vấn đề là người kia sẽ ứng xử thế nào?

    Nếu người kia thấy vậy chán quá: Không ghen sao gọi là yêu? Em ghét thằng này mà anh không ghét nó theo em là sao? Em thính đi chơi các môn chơi giật gân, anh lại thích đi bộ như ông già, chán quá!… Nếu trong tình trạng thế này thì anh sợ rằng người không tĩnh lặng sẽ bỏ người tĩnh lặng để tìm người khác.

    Còn nếu cả hai người đều tu tập tĩnh lặng như nhau thì có lẽ sẽ vẫn sống chung tốt. Trong Lĩnh Nam Chích Quái, hai vợ chồng Tiên Dung và Chữ Đồng Tử cùng “học đạo” cho nên vợ chồng vẫn sống với nhau lâu dài được.

    Liked by 1 person

  10. Hi Huy Thanh,

    Thanh Tịnh. Thanh là màu xanh nhạt, thiên thanh là màu xanh da trời, thanh thiên là trời xanh trong. Thanh như vậy còn có nghĩa là “trong”, trong xanh, trong sạch, trong sáng.

    Tinh là yên tĩnh.

    Tâm thanh tinh là trái tim trong sáng yên tĩnh. Từ khác là tâm tĩnh lặng, hay tâm Không. Các từ này trong Phật học có ý nghĩa rất đặc biệt: đó là tâm vô chấp, không dính vào đâu, không vướng mắc vào đâu, không tham sân si ngã mạn, không có xung động nào, hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn tĩnh lặng. Đó còn gọi là Niết Bàn – lửa đã tắt.

    Liked by 1 person

  11. Em rất cảm ơn anh Hoành đã giải thích kỹ cho em.
    Cái duyên để em hỏi cụm này xuất phát từ mối nhân duyên thực tế ạ!

    Quả thực là từ nhỏ tới giờ em mong có một người em trai để cùng nhau phát triển, nên trong tâm thức em luôn tìm kiếm một ai đó để mình có thể tin cậy chia sẽ được. Và em đã được người em tên Hoàng Tịnh, em nhìn thấy được cái bản chất nguyên thuỷ, đức tính căn bản của mình có trong người em này, tuy gặp nhau nhiều, nói chuyện rất ít ( vì chú ấy ít nói, thích yên tĩnh) nhưng tâm em cảm thấy có một lực hút mạnh khiến em muốn làm anh trai của người em này. Trước đây các chị luôn áp đặt em phải sống giả dối để tồn tại trong xã hội này vì lo cho sự thành thật của em, giờ gặp được người như chấp cho em thêm sức mạnh động lực rất lớn để sống với bản chất của mình. Ngay khi cảm nhận được em đã xem chú ấy như em trai mình, em muốn cái duyên này bền mãi để có thể chia sẽ cho người này, rằng cứ giữ mãi đức tính trong sáng đó. Em tự nguyện xem mình là anh thôi chứ không đòi hỏi nhận lại được gì cả. Em vẫn tự hỏi làm vậy thì em có đang vướng vào cái tham trong Nhà Phật không, và em cũng thường xuyên đức Phật xoá tội cho em vì đã chủ động xây dựng mối quan hệ anh em trai này!

    Khiên tốn, thành thật vốn dĩ đã là bản chất rồi, người ngoài muốn thay đổi đâu được. Em luôn tin rằng với đưc tính này thì cũng sẽ là một điểm mạnh, lợi thế cho tương lai của cả hai.

    Em cảm ơn anh nhiều! Chúc anh chị luôn khoẻ mãi để giác ngộ cho tụi em ah!

    Like

  12. Hi Huy Thanh,

    Kết nghĩa anh em là chuyện thường tình ở Trung Quốc ngày trước. Đọc các truyện cổ của TQ, cũng như các truyện kiếm hiệp về thời trước thời hiện đại, chúng ta thấy nhiều chuyện kết nghĩa anh em, như Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi (QUan Công cho đến ngày nay là vị thánh lớn của TQ, và đền thờ Quan tướng công có rất nhiều trong cộng đồng người Hoa ở TQ cuxng như các nước.

    Ở VN thì việc anh em kết nghĩa ít nghe nói hơn. Nhưng xem nhau như anh em là chuyện thường tình với người Việt, chỉ việc kết nghĩa trịnh trọng như uống máu ăn thề kiểu TQ thì không thấy nói đến.

    Tuy nhiên, anh thắc mắc là vì sao mà Huy Thanh lại quan tâm là “làm vậy thì em có đang vướng vào cái tham” không và “em cũng thường xuyên [] đức Phật xóa tội cho em”. Có một điều gì đó làm Thanh áy náy. Anh không cần phải biết điều đó là gì. Nhưng có lẽ Thanh nên quan tâm đến điều đó là gì, để mà hiểu mình hơn trong quan hệ anh em này.

    A. Hoành

    Like

  13. Dạ anh! Áy náy đó là, em thấy có lỗi với người em ruột bị bệnh thần kinh từ khi còn nhỏ, tuy em rất thương em ruột mình nhưng em bị bệnh vậy em không chia sẽ gì được cho em về mặt tinh thần, em sống trong cái bóng của người anh bao năm nay anh ạ. Giờ gặp người anh em này xem như em tinh thần của mình, em cho đi tình thương mà lòng ray rứt như thể có lỗi với em ruột mình quá anh ạ. Có những chuyện không thể nói cho ba mẹ hay các chị gái vì khác giới, vì gia đình lớn, kỳ vọng của dòng họ đôi lúc em quá stress, có người anh em huynh đệ mình tin tưởng để chia sẽ, sẽ tốt cho em hơn. Có thể do tâm em không tĩnh lặng nên cần phải có chỗ dựa tinh thần nơi khác để tạo động lực cho mình.

    Like

  14. Hi Thanh,

    Anh bắt đầu hiểu hơn một chút về chuyện của em. Có lẽ em cảm thấy nhiều lực kéo nhiều hướng quá, có thể còn những lực khác anh không biết, hoặc chính em không biết cũng có thể.

    Tuy nhiên anh thấy vấn đề không cần phải được nhìn dưới nhiều góc rắc rối như thế. Yêu người là yêu người, yêu một người hay yêu vài triệu người cũng như thế thôi. Trái tim luôn có chỗ chứa để yêu rất nhiều người. Bồ tát yêu tất cả mọi sinh linh, chứ không chỉ giới hạn vào con người.

    Yêu người thật sự thì trái tim mình luôn mạnh mẽ và tinh tuyền. Sao lại phải suy nghĩ những điều khác làm gì? Giả sử em nói em rất yêu người Trung quốc, có thể có hàng nghìn người nhao nhao là em phản quốc, tay sai cho Tàu, gián điệp TQ… Rồi sao? Chúa Phật muốn em yêu mọi người mà.

    A. Hoành

    Like

  15. Em thông suốt thêm rồi ạ!
    Em kiên trì tập trung thực hành vào yêu mọi người hàng ngày, rồi mọi điều sẽ tốt đẹp!

    Em cảm ơn anh! Chúc cả nhà chuối một ngày mới tràn đầy yêu thương!

    Like

  16. Em cảm ơn Anh. Nhân anh đề cập đến Lĩnh Nam Trích Quái, em đọc về tích Âu Cơ, Lạc Long Quân và hơi thắc mắc: Âu cơ đã có chồng mà lại bỏ chồng theo LLQ, LLQ thì thấy người ta đã có chồng nhưng vì xinh đẹp lại cướp về cho mình, rồi sau bỏ bê. Những điều đó có vẻ ko đúng đạo lý lắm vậy đấy lại là cha rồng, mẹ tiên của người Việt. Vậy nguồn cơn là sao, anh có thể chia sẻ suy nghĩ của anh ko ạ?

    Like

  17. Hi Trang,

    Theo các ông tổ phân tâm học, Sigmund Freud và Carl Jung, thì huyền thoại của các dân tộc cũng sinh ra như những giấc mơ của người nằm ngủ. Mơ là các hình ảnh để nói lên một điều gì đó trong tiềm thức (subconsciousness) của con người. Huyền thoại là giấc mơ của một dân tộc (sơ khai), dùng hình tượng để nói lên những tư duy và mơ ước của dân tộc đó. Anh nói “sơ khai” vì mọi chuyện thần thoại thường là chuyện cổ thời sơ khai, khi con người suy nghĩ bằng cảm xúc và trưc giác, nhưng không nhiều lý luận như người thời nay.

    Vì vậy chúng ta khảo sát huyền thoại, thấy hình tượng, trong nền văn hóa dân tộc, để tìm hiểu người xưa cảm gì, thấy gì, ước muốn gì, hơn là chú trọng đến logic chính xác hay không. Phân tích các giấc mơ cũng như thế, nhìn hình ảnh giấc mơ, trong lịch sử trưởng thành và kinh nghiệm của một người, để hiều người đó đang cảm gì và muốn gì, chứ không giải thích giấc mơ hợp lý luận không.

    Trong câu chuyện Hồng Bàng này rất rõ là một căng thẳng giữa phụ hệ và mẫu hệ, và căng thẳng Nam Bắc (điều này anh chưa nói trong bài, vì thấy nó không quan trọng và làm rối rắm thêm). Còn những điều hợp lý luận hoặc đạo lý kiểu chúng ta suy nghĩ ngày nay thì không cần quan tâm đến, bởi vì lý luận không phải là ngôn ngữ của các giấc mơ và huyền thoại.

    Một ví dụ nổi tiếng là trong Thánh kinh, Thiên Chúa tạo Adam và Eva là thủy tổ loài người. Vậy, dùng lý luận, thì con người sinh sản đông đúc phải là do anh em lấy nhau, mẹ con lấy nhau. Nhưng hiểu huyền thoại thế là hỏng. Câu chuyện muốn nói: Thượng đế tạo nên loài người, và loài người là anh em. Đó là tư duy và ước muốn của người cổ đại. Hoặc dùng ngôn ngữ Thánh kinh, thì đó là mặc khải của Thượng đế cho loài người thời cổ đại hiều được nguồn gốc và vai trò của loài người, bằng lối cảm nhận và tư duy thời cổ đại – bằng cảm xúc và trực giác hơn là lý luận.

    Lĩnh Nam Chích Quái còn có vấn đề nữa là có thể có rất nhiều người thêm bớt vào sau nhiều ngàn/trăm năm, kiểu như Wikipedia ngày nay, nên câu chuyện lại thêm rối rắm về luận lý. Vì thế nhìn các điểm chính trong truyện thôi, chứ quá chi tiết về logic thì lại càng không được. (Chuyện Adam và Eva, khi được đưa vào Thánh kinh rồi thì không còn thay đổi).

    A. Hoành

    Like

  18. Hi anh, giải thích của anh đã mở mang đầu óc cho em rất nhiều. Cảm ơn Anh! Rất mong được đọc nhiều bài viết của anh để có cơ hội hỏi anh nhiều hơn nữa 🙂

    Like

Leave a comment