Vượt qua si mê

Chào các bạn,

Mình mới nhận được một spam mail, nói về sự đoàn kết và yêu nước của các dân tộc Hàn quốc và Do Thái, có vẻ trách người Việt thiếu đoàn kết, và kêu gọi người Việt, đặc biệt là người Việt nước ngoài, đoàn kết với nhau cho đất nước.

Nam Hàn và Bắc Hàn vẫn gờm nhau và chiến tranh nguyên tử có thể nổ trên bán đảo Triều Tiên bất kỳ lúc nào, cho nên mình chẳng biết dân Hàn có đoàn kết như các bạn nói không. Do Thái thì có lý hơn. Nhưng điều thú vị là có một đoạn, có vẻ như là đoạn kết của spam mail, viết: “Con người phải có ý thức về tổ quốc, dân tộc …, nên sự sung túc hay được đãi ngộ, khen thưởng, ở đất tỵ nạn [ngoài này] chỉ là cái giá được trả cho một đời lao công, làm lợi ích cho nước người, nào có đáng để hãnh diện khoe khoang, và [nên] cứ phải đội ơn, biết ơn kẻ đã đốt nhà, phá nước mình khiến bản thân mình trở thành người vong quốc”.

Các bạn tự phẩm bình đây có phải là tiếng nói đoàn kết của người kêu gọi đoàn kết dân tộc không?

Nhưng mình không nói chuyện chính trị trong trà đàm. Trà đàm chỉ có thuần túy tâm linh và tư duy tích cực mà thôi (Tư duy tích cực là đứa con nhỏ của đời sống tâm linh). Yêu đất nước, yêu đồng bào, là vấn đề tâm linh, không chỉ là vấn đề chính trị như những người mê chính trị lầm tưởng và bóp méo. “Yêu” luôn là tâm linh.

Mình muốn nói với các bạn, người si mê là người đang say rượu dạy con đừng uống rượu. Từ “si mê” trong Phật pháp có nghĩa như vậy đó. Si mê là không biết gì cả. Làm sai cũng không biết mình làm sai, ngay cả khi mình dạy người khác đừng làm sai. Mình chỉ thấy cái tồi của thiên hạ, nhưng luôn thấy mình là thánh nhân, hay ít ra cũng là “đúng” trong mọi việc.

Các từ chính của nhà Phật, như vô thường, vô ngã, vô chấp, niết bàn, đều là các từ cực kỳ sâu sắc. Nhưng hai từ mình thích nhất là si mê và giác ngộ. Hai từ này đi với nhau như hai mặt của một đồng tiền: Hết si mê thì giác ngộ, chưa giác ngộ thì si mê.

Giải thích si mê là gì thì cũng dễ với người đã biết, nhưng rất khó với người chưa biết. Nhưng người đã biết tức là người đã giác ngộ, thì không cần được giải thích si mê là gì. Người chưa biết thì cứ phải chưa biết vì giải thích thì cũng chẳng nắm được.

Cái biết thật sự mà chúng ta đang nói đây – tức là cái biết của người giác ngộ – là cái biết của trực giác (intuition), trực nhận (nhận thức trực tiếp), không qua tiến trình suy luận, nhìn thấy được bản chất thật của cái mình nhìn thấy, mà không bị bóp méo bởi tư duy. Nhìn thấy que diêm đang cháy thì biết đó là lửa, và biết ngay là lửa thì nóng do kinh nghiệm. Hoàn toàn không có lý luận gì cả.

Một ví dụ nữa. Thấy hai người cãi nhau sùi bọt mép, người đã ngộ sẽ không quan tâm ai đúng ai sai vì đúng sai là ảo ảnh. Bây giờ kết luận người A đúng, ngày mai tìm thấy một lý luận gì mới, hoặc một bằng chứng mới, thì chỉnh lại kết luận là người B đúng; ngày mốt nếu tìm thấy lý luận mới hoặc bằng chứng mới nữa, lại có thể kết luận ngược lại là người A đúng. Cứ qua lại như thế, cho đến khi không tìm ra gì mới, thì tạm kết luận. Nhưng đương nhiên là chẳng chắc chắn, vì không tìm ra gì mới chẳng có nghĩa là không có gì mới. Có thể có đâu đó mà tìm không ra thôi. Đó là chưa nói sang nước khác, với văn hóa khác và tư duy khác, thì mọi kết luận đang có ở nước mình đều sai. Đúng sai là ảo ảnh.

Nhưng điều hai người này tranh nhau sùi bọt mép là sự thật. Đó là trực giác.

Và tranh nhau như thế, thì rất căng, stressed, và khổ tâm, là một sự thật nữa thấy được từ trực giác và kinh nghiệm.

Yêu thương hai người này như anh em của mình và cầu mong cho họ sớm hiểu được ảo ảnh là gì, giá trị thật của con người thương nhau là gì, và an lạc trong tâm là gì, là cái nhìn của người đã được tĩnh lặng trong tâm, nhìn mọi người như anh em mình, với đầy ắp tình yêu trong cái nhìn.

Toàn tiến trình “nhìn” này không có một chút lý luận, phân tích, phán đoán gì. Chỉ là nhìn thấy vấn đề rất rõ, như nó là (as it is), và mong anh em mình vượt được lên trên vấn đề để sống an lạc với nhau.

Người đã giác ngộ đứng ở mức cao hơn, mức vĩ mô, để nhìn mọi vấn đề trong tổng thể của vũ trụ: Mỗi chúng ta là một phần của vũ trụ, như một cái chấm cực kỳ nhỏ trong vũ trụ, mọi vấn đề của ta, dù lớn đến mức nào, cũng chỉ là cái chấm siêu nhỏ trong vũ trụ. Đáng gì mà tranh chấp.

Nhưng Phật tính của ta có thể bao trùm vũ trụ, đem lại tĩnh lặng và an lạc cho mọi sinh linh.

Hãy nắm lại được Phật tính đó đang ở trong ta, để mang lại tĩnh lặng và an lạc cho mọi sinh linh trong vũ trụ. Đó là tình yêu cho mọi sinh linh.

Người giác ngộ như thế không nghĩ gì về mình cả – tức là vô ngã – mà chỉ nghĩ về mọi sinh linh. Hay nói đúng hơn, chính vì chỉ nghĩ về mọi sinh linh và không nghĩ gì về mình — tức là vô ngã — mà người được giác ngộ.

Chúc các bạn giác ngộ.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Vượt qua si mê”

  1. Cảm ơn anh Hoành đã nhắc lại việc này. Em nhớ đến câu chuyện Thiền này – Hoạ sĩ tham lam

    Hoa sĩ tham lam

    Chúng ta học được gì từ Thiền sư hoạ sĩ này không? Trong câu chuyện làm cho ai, hay phục vụ ai, ở đâu? Để không bị chấp bám vào “phải yêu nước” hay là “chủ nghĩa dân tộc”

    Like

  2. Thử đi vào ý này tí từ bài viết

    …hai từ mình thích nhất là si mê và giác ngộ. Hai từ này đi với nhau như hai mặt của một đồng tiền: Hết si mê thì giác ngộ, chưa giác ngộ thì si mê.

    Thật sự si mê và giác ngộ hệt như là bóng tối và ánh sáng, hễ bóng tối tan là ánh sáng lộ diện và bóng tối có mặt là ánh sáng biến mất; Không thể có đồng thời vừa ánh sáng vừa bóng tối cùng lúc. Người học đạo và hành đạo cũng vậy bạn không thể vừa có si mê vừa giác ngộ, hễ còn si mê là chưa ngộ, chưa thấy rõ sự thật như thật là thực tại ở đời. Nên cần phải nỗ lực để đốn mê tỏ ngộ và an trú trong sự tỏ ngộ này để không còn đi vào si mê lầm lạc nữa.

    Hãy thử một lần tư duy tìm vào thực tại bạn sẽ đi vào tỏ ngộ như là ngọn đèn chợt vụt sáng và rực sáng mãi từ đó, còn không thì bóng tối cuộc đời cứ bao trùm muôn thuở mà thôi…

    Like

  3. Em cảm ơn Anh. Em đang có một tật rất xấu là hay đánh giá người khác. Mặc dù không nói ra nhưng nó cứ hiện trong đầu. Em quan sát, cứ mỗi lần đánh giá ai (dù chỉ trong ý nghĩ) thì em lại kiêu căng lên một tí, như lời anh nói “luôn thấy mình là thánh nhân, hay ít ra cũng là “đúng” trong mọi việc”. Và em cũng quan sát rằng lúc đó tâm mình chẳng cảm thấy dễ chịu chút nào. Khi em đọc Matthew 7, câu đầu tiên đập vào mắt em là “Do not judge, or you too will be judged”. Em cứ lặp lại câu này trong đầu để không vướng phải sai lầm đó nhưng lâu lâu em cũng bị sẩy chân. Có phải là do em chưa yêu người đủ, chưa có từ tâm?

    Like

  4. Hi Nhàn,

    Đúng là vậy, thường thì khi mình chưa yêu người đủ thì mình hay phán đoán.

    Nhưng cũng đừng quên trong đời sống thực tế thường thì mình phải quyết định công việc (nhưng không phán đoán). Ví dụ có đứa em có tính hay trộm vặt, thì chẳng lý do gì để tiền hay nhẫn vàng ngay trước mặt em để nó ăn trộm. Nhưng không vì thế mà phán đoán rằng em là người tồi tệ, tội lỗi. Có thể em có rất nhiều tính tốt, nếu mình để ý, và tính hay trộm là một tật xấu như là một chứng bệnh tâm thần cần nghiên cứu cách giúp em chữa bệnh.

    A. Hoành

    Like

Leave a comment