Tân Nhạc VN – Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt – Nhạc Phổ Thông – “Tiễn Em Lần Cuối” (“500 Miles”) – Hedy West, Trường Kỳ

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn nhạc phẩm “Tiễn Em Lần Cuối (“500 Miles”, “500 Miles Away From Home”)” của hai nhạc sĩ Hedy WestTrường Kỳ.

“500 Miles”, còn được biết đến với tên “500 Miles Away From Home” hoặc “Railroaders’ Lament” là một bài hát phổ thông của nước Mỹ và Âu Châu trong thời kỳ tái sinh của nhạc dân ca vào thập niên 1960s. Lời lẻ mộc mạc lập đi lập lại trong bài hát nói về lời than thở của một tha nhân xa nhà, hết tiền và quá xấu hổ để quay về.

Bài hát này do ca nhạc sĩ Hedy West sáng tác và hiện nay tác quyền được nắm giữ bởi Atzal Music, Inc (kể từ năm 1961). “500 Miles” là tác phẩm được phát hành nhiều nhất của Hedy West xưa nay.

Hedy West (April 6, 1938 – July 3, 2005) là một ca sĩ, nhạc sĩ, và nhà sáng tác lời chuyên về truyền thống dân ca. Bà sinh ra ở Cartersville trên dãy núi phía bắc của tiểu bang Georgia vào ngày April 6, 1938 với tên cúng cơm Hedwig Grace West.

Hedy West thuộc về thế hệ các nghệ sĩ làm sống lại truyền thống dân ca như Joan Baez and Judy Collins. Bài hát “500 Miles” nổi tiếng của bà là một nhạc phẩm phổ biến nhiều nhất trong những nhạc phẩm truyền thống dân ca của Mỹ. Bà được nhạc sĩ dân ca nổi tiếng người Anh, A. L. Lloyd, tôn vinh bà là “đệ nhất nữ ca sĩ người Mỹ của thời kỳ nhạc dân ca tái sinh.”

Ca nhạc sĩ Hedy West.
Ca nhạc sĩ Hedy West.
Ca sĩ Joan Baez.
Ca sĩ Joan Baez.
Ca sĩ Judy Collins.
Ca sĩ Judy Collins.

Bà chơi cả hai loại đàn guitar và banjo. Bà biểu diễn theo truyền thống clawhammer style đặc biệt với kiểu móc ba ngón tay cho thấy bà vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của nhạc bluegrass và old-time như là blues và jazz.

Bà từng học ở trường Đại Học Western Carolina College. Năm 1959 bà dời đến New York để học nhạc ở Mannes College và kịch nghệ ở Columbia University. Khi bà đến đây và thấy chương trình “Folk Revival” đang thịnh hành, bà chợt nhận ra âm nhạc của những người miền Bắc đang chơi lúc đó lại chính là loại âm nhạc mà bà từng nghe qua trong thời kỳ khôn lớn. Bà chú tâm đến truyền thống “folk” của bà và bà khởi sự trình diễn xung quanh New York.

Nhạc phẩm nổi tiếng nhất của bà, “500 Miles”, được dàn dựng từ những đoản khúc mà bà từng được bác của bà hát cho bà nghe ở Georgia. Bà làm bản quyền cho tác phẩm do kết quả của những đoản khúc này.

“500 Miles” được thu âm bởi Bobby Bare (nằm trong bảng sắp hạng “Billboard Top 10 Hit” năm 1963), The Highwaymen, The Kingston Trio, Peter, Paul and Mary, Peter & Gordon, Rosanne Cash, và nhiều nghệ sĩ khác.

Căn bệnh ung thư hủy hoại giọng hát của bà trong những năm cuối đời. Bà mất ngày 3 tháng 7 năm 2005.

500_500 Miles

Nhạc phẩm “500 Miles” (“500 Miles Away From Home” – Hedy West)

If you miss the train I’m on,
you will know that I am gone,
you can hear the whistle blow a hundred miles.
A hundred miles, a hundred miles,
a hundred miles, a hundred miles,
you can hear the whistle blow a hundred miles.

Lord, I’m one, Lord, I’m two, Lord,
I’m three, Lord, I’m four, Lord,
I’m five hundred miles a way from home.
Away from home, away from home,
away from home, away from home,

Lord, I’m five hundred miles away from home.
Not a shirt on my back,
not a penny to my name.
Lord, I can’t go back home this-a way.
This-a way, this-a way,
this-a way, this-a way,

Lord, I can’t go back home this-a way.
If you miss the train I’m on,
you will know that I am gone,
you can hear the whistle blow a hundred miles.
A hundred miles, a hundred miles,
a hundred miles, a hundred miles,
you can hear the whistle blow a hundred miles.

500_Pháp

Nhạc phẩm “J’entends Siffler Le Train” (“500 Miles” – Lời Pháp: Richard Anthony)

J´ai pensé qu´il valait mieux
Nous quitter sans un adieu.
Je n´aurais pas eu le cœur de te revoir…
Mais j´entends siffler le train,
Mais j´entends siffler le train,

Que c´est triste un train qui siffle dans le soir…
Je pouvais t´imaginer, toute seule, abandonnée
Sur le quai, dans la cohue des “au revoir”.
Et j´entends siffler le train,
Et j´entends siffler le train,

Que c´est triste un train qui siffle dans le soir…
J´ai failli courir vers toi, j´ai failli crier vers toi.
C´est à peine si j´ai pu me retenir!
Que c´est loin où tu t´en vas,
Que c´est loin où tu t´en vas,

Auras-tu jamais le temps de revenir?
J´ai pensé qu´il valait mieux
Nous quitter sans un adieu,
Mais je sens que maintenant tout est fini!
Et j´entends siffler ce train,
Et j´entends siffler ce train,

J´entendrai siffler ce train toute ma vie
J´entendrai siffler ce train toute ma vie

Nhạc sĩ Trường Kỳ.
Nhạc sĩ Trường Kỳ.

500_TELC1

500_TELC2

Nhạc phẩm “Tiễn Em Lần Cuối” (“500 Miles” – Lời Việt: Trường Kỳ)

Trời lạnh giá bước chân buồn bã
Đưa hồn em tới nơi xa vời
Đoàn xe tang tiễn đưa em về
vùng trời xa xôi.

Một ngày nào có mắt em rực rỡ
Môi hồng tươi, tóc xanh mây trời
Nụ hôn xưa ngất ngây tuyệt vời
Ngập ngừng xôn xao.

Thầm lặng bước, tim hồi nhớ
Vang lời kinh chứa chan u buồn
Hàng cây khô hắt hiu bên đường
Lặng nhìn bơ vơ.

Và còn gì nữa, mắt em vội khép
Thế thôi còn đâu, mắt em phai mầu
Nụ hôn xưa lấp sâu trong mơ
Chìm vào hư vô.

Rồi ngày còn đó bóng em đã khuất
Bóng đêm còn đây có anh u sầu
Mộng về em chốn cao Thiên đàng
Ngàn đời chia xa.

Dưới đây mình có bài:

-500 MILES (Tiễn Em Lần Cuối), HEDY WEST (trích)

Cùng với 6 clips tổng hợp nhạc phẩm “Tiễn Em Lần Cuối” (“500 Miles”, “J’entends Siffler Le Train”) do các ca sĩ lừng danh trên thế giới trình diễn để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

500_HN1

500 MILES (Tiễn Em Lần Cuối), HEDY WEST (trích)

(Hoài Nam)

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc được ưa chuộng nhất trong nền nhạc phổ thông của Hoa Kỳ, kỳ này chúng tôi viết về bản 500 Miles, còn được gọi một cách chi tiết hơn là 500 Miles Away from Home, hoặc Railroaders’ Lament. Trước năm 1975, 500 Miles đã được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Tiễn Em Lần Cuối.

Xét về cấu trúc nhạc, 500 Miles là một bản đơn điệu tới mức khó có bản nhạc nào đơn điệu hơn, từ đầu chí cuối chỉ có hai dòng nhạc được lập đi lập lại, thế nhưng đã trở thành một trong những ca khúc phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất của thời kỳ phục hưng dân ca Hoa Kỳ (American folk music revival).

Về lời hát, ca khúc gồm bốn điệp khúc, là lời than thở của một lãng tử xa nhà, không dám trở về vì cạn túi và thất bại trên đường đời… Not a shirt on my back, not a penny to my name…

500 Miles là một sáng tác của nữ ca nhạc sĩ Hedy West (1938-2005), một trong ba nữ ca nhạc sĩ nổi tiếng nhất của thời kỳ phục hưng dân ca Hoa Kỳ; hai người kia là Joan Baez (sinh năm 1941, chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về bản Donna Donna), và Judy Collins (sinh năm 1939, chúng tôi sẽ nhắc tới khi viết về bản Both Sides, Now).

500_HN2

Hedy West tên thật là Hedwig Grace West, ra chào đời tại Cartersville, một vùng núi ở miền nam tiểu bang Georgia, với dòng nhạc dân ca vùng núi Appalachia chảy sẵn trong huyết quản.

[Appalachian folk là nền nhạc dân ca truyền thống của vùng núi Appalachia (Appalachian Mountains), gồm các tiểu bang Kentucky, Tennessee, Virginia, Maryland, West Virginia, North Carolina, và một phần của các tiểu bang Georgia, South Carolina, Pennsylvania, và Ohio; nơi mà mỗi gia đình cư dân (gốc Anh-cát-lợi, Tô-cách-lan và Ái-nhĩ-lan) có thể xem là một ban nhạc nho nhỏ. Nền nhạc “Country music” của Hoa Kỳ chính là sự kết hợp giữa “Appalachian folk” và “Western music” (nhạc cao-bồi ViễnTây)]

Ông bố của Hedy West, Don West, là một thi sĩ kiêm nhà hoạt động văn hóa, từng làm giám đốc Appalachian South Folklife Center ở West Virginia, và đồng sáng lập Highlander Folk Music School ở Tennessee. Ông cậu (great-uncle) Augustus Mulkey là nhạc sĩ vĩ cầm, và bà nội Lillie Mulkey West là người chơi đàn banjo.

Ngay từ tuổi niên thiếu, Hedy West đã bắt đầu đàn hát tại các folk festival ở Georgia cũng như các tiểu bang kế cận. Năm 16 tuổi, Hedy West đã đoạt một giải ca hát tại Nashville, Tennessee.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Hedy theo học tại Western Carolina Teachers College với ý định trở thành cô giáo, nhưng tới năm 1959, cô đã bỏ dở để lên New York, theo học nhạc tại Mannes College và kịch nghệ tại Columbia University.

Thời gian Hedy West tới New York cũng là lúc phong trào phục hưng dân ca đang phát triển mạnh, và khu nghệ sĩ Grennwich Village đã trở thành môi trường cho cô gái miền Nam sáng tác và trình diễn dân ca.

Tới giữa năm 1961, Hedy West đã nổi tiếng khắp tiểu bang, với tiếng đàn guitar và banjo, với giọng hát được xưng tụng là hay nhất trong số các nữ ca sĩ hát dân ca đương thời, và với những ca khúc do chính cô sáng tác, trong đó có bản 500 Miles.

Về sau, Hedy West cho biết 500 Miles không phải là một sáng tác hoàn toàn của mình, mà về giai điệu cô đã sử dụng một số đoạn còn nhớ được từ một nhạc khúc xưa kia ông cậu Augustus Mulkey thường đàn vĩ cầm, còn lời hát là gom góp từ những ca khúc mà bà nội Lillie thường hát cho cô nghe từ những ngày ấu thơ ở Georgia.

500 Miles

If you miss the train I’m on,
you will know that I am gone,
you can hear the whistle blow a hundred miles.
A hundred miles, a hundred miles,
a hundred miles, a hundred miles,
you can hear the whistle blow a hundred miles.
Lord, I’m one, Lord, I’m two, Lord,
I’m three, Lord, I’m four, Lord,
I’m five hundred miles a way from home.
Away from home, away from home,
away from home, away from home,
Lord, I’m five hundred miles away from home.
Not a shirt on my back,
not a penny to my name.
Lord, I can’t go back home this-a way.
This-a way, this-a way,
this-a way, this-a way,
Lord, I can’t go back home this-a way.
If you miss the train I’m on,
you will know that I am gone,
you can hear the whistle blow a hundred miles.
A hundred miles, a hundred miles,
a hundred miles, a hundred miles,
you can hear the whistle blow a hundred miles.

Nội dung các ca khúc cũng như tiếng hát của Hedy West được mô tả là tuyệt đối trung thành với dân ca vùng núi Appalachia. Viết cách khác, thế hệ trẻ và những người ưa chuộng dân ca đương đại chưa chắc đã thưởng thức được những sáng tác và tiếng hát của Hedy West. Vì thế, mặc dù được xưng tụng là một trong những nữ ca sĩ hay nhất của thời kỳ phục hưng dân ca, và được trao tặng những vinh dự cao quý nhất, trong sự nghiệp kéo dài 45 năm (1960-2005), Hedy West thường chỉ trình diễn “sống” (live) cho thành phần khán giả chọn lọc, và thu hai album mang tính cách bảo tồn nền dân ca hơn là với mục đích thương mại.

Hedy West qua đời vì ung thư năm 2005.

Theo các nhà viết tiểu sử Hedy West, ngày ấy có nhiều ông chủ hãng đĩa đã khuyên, thậm chí áp lực, bà chuyển hướng theo dân ca đương đại để bán đĩa hát, nhưng bà dứt khoát từ chối. Vì thế cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ca khúc 500 Miles của Hedy West lại không do bà mà do ban tam ca The Journeymen thu đĩa đầu tiên.

The Journeymen gồm ba thành viên John Phillips, Scott McKenzie, và Dick Weissman. Sau khi chia tay nhau vào giữa thập niên 1960, John Phillips đứng ra thành lập ban The Mama’s and the Papa’s (nổi tiếng với các bản Monday Monday, California Dreaming…), Scott McKenzie thì theo đuổi sự nghiệp đơn ca, đạt thành công rực rỡ với bản San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair), còn Dick Weissman trở thành nhà sản xuất đĩa nhạc.

Lúc ấy, năm 1961, The Journeymen không phải là một ban nhạc folk nổi tiếng, cho nên đĩa 500 Miles của họ cũng chẳng mấy người biết tới. Qua đầu năm 1962, khi album College Concert của ban tam ca Kingston Trio phát hành, người ta được biết ban này đã từng hát “live” 500 Miles trong khuôn viên đại học.

500_HN3

Phải đợi tới giữa năm, khi album đầu tay của ban tam ca nổi tiếng Peter, Paul and Mary trong đó có bản 500 Miles lên No.1 trong bảng xếp hạng, 500 Miles mới trở thành ca khúc được nhiều người ưa chuộng; rồi chỉ trong một thời ngắn sau đó, qua sự trình bày của hàng chục ca sĩ nổi tiếng, như Bobby Bare, Elvis Presley, Johnny Rivers, The Brothers Four, Joan Baez, Rosanne Cash (con gái Johnny Cash)… của Mỹ, ban tứ ca The Seekers của Úc, v.v…, 500 Miles đã trở thành ca khúc dân ca Hoa Kỳ nổi tiếng và được ưa chuộng bậc nhất thế giới. Riêng giới trẻ ở Sài Gòn trước năm 1975, 500 Miles do đôi song ca Peter and Gordon của Anh quốc thu đĩa là bản phổ biến nhất.

Về phiên bản lời ngoại quốc, 500 Miles đã được đặt lời bằng hàng chục ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt, Hoa, Nhật, Đức, Đan-mạch, Pháp… Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới phiên bản lời Pháp và lời Việt.

Phiên bản lời Pháp của Jacques Plante có tựa J’entends Siffler Le Train (Anh nghe tiếng xe lửa hú còi). Tuy cùng có “xe lửa” trong nội dung, chủ đề của phiên bản lời Pháp hoàn toàn khác với nguyên bản lời Anh: thay vì diễn tả nỗi nhớ nhà của một khách giang hồ như trong 500 Miles, lời hát của J’entends Siffler Le Train lại nói về tâm trạng của một chàng trai từ xa xa nghe thấy tiếng còi tàu của chuyến xe lửa sẽ đưa người yêu của chàng ra đi không trở lại.

J’entends Siffler Le Train

J´ai pensé qu´il valait mieux
Nous quitter sans un adieu.
Je n´aurais pas eu le cœur de te revoir…
Mais j´entends siffler le train,
Mais j´entends siffler le train,
Que c´est triste un train qui siffle dans le soir…
Je pouvais t´imaginer, toute seule, abandonnée
Sur le quai, dans la cohue des “au revoir”.
Et j´entends siffler le train,
Et j´entends siffler le train,
Que c´est triste un train qui siffle dans le soir…
J´ai failli courir vers toi, j´ai failli crier vers toi.
C´est à peine si j´ai pu me retenir!
Que c´est loin où tu t´en vas,
Que c´est loin où tu t´en vas,
Auras-tu jamais le temps de revenir?
J´ai pensé qu´il valait mieux
Nous quitter sans un adieu,
Mais je sens que maintenant tout est fini!
Et j´entends siffler ce train,
Et j´entends siffler ce train,
J´entendrai siffler ce train toute ma vie
J´entendrai siffler ce train toute ma vie

Đọc qua lời hát của J’entends Siffler Le Train, độc giả nào có chút vốn liếng tiếng Pháp sẽ nhận ra ngay tính cách ủy mị, có thể nói là khá “cải lương”, và hơi cường điệu!

Nào là “Anh nghĩ rằng tốt hơn hết chúng mình chia tay nhau mà không phải nói lời vĩnh biệt, bởi anh không có đủ can đảm nhìn em ra đi…”

Nào là “Nhưng anh có thể tưởng tượng em ra đi đơn côi, nơi sân ga huyên náo với những cảnh tạm biệt…’

Nào là “Anh nghe thấy tiếng còi tàu của chuyến xe lửa đưa em ra đi, và tiếng còi tàu ấy sẽ theo anh một đời…”

Nhưng bên cạnh đó, có lẽ đa số độc giả cũng đồng ý với chúng tôi, ủy mị, “cải lương”, và cường điệu lại chính là ba yếu tố ăn khách của các ca khúc phổ thông ở bất cứ quốc gia nào.

J’entends Siffler Le Train là ca khúc đã giới thiệu tiếng hát Richard Anthony tới thính giả yêu nhạc Pháp khắp nơi trên thế giới. Richard Anthony ở đây là người đã đặt lời và thu đĩa bản Dis à Laura, tức Tell Laura I Love Her – Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu đã được chúng tôi nhắc tới trong một kỳ trước.

500_HN4

Nói tới Richard Anthony, không thể không nhắc tới chi tiết thú vị là nam ca sĩ Pháp đã thu đĩa trên 600 ca khúc và bán ra gần 50 triệu đĩa hát này lại không có một chút máu Gô-loa nào trong huyết quản!

Richard Anthony tên thật là Ricardo Anthony Btesh, ra chào đời vào năm 1938 tại Cairo, thủ đô Ai-cập; ông bố Edgar Btesh gốc Syria, là một doanh gia ngành dệt vải ở Ai-cập, bà mẹ Margaret là ái nữ của Đại sứ Anh quốc tại Iraq.

Do nghề nghiệp của ông bố, Ricardo Anthony sống tuổi niên thiếu lần lượt ở Ai-cập, Á-căn-đình, và Anh quốc, nơi cậu được theo học trường nổi tiếng Brighton College, rồi tới năm 13 tuổi (1951) sang Pháp học ở Lycée Janson de Sailly.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Ricardo Anthony theo học ngành luật. Tới khi cha mẹ dời sang Milan, Ý, Ricardo Anthony ở lại Paris với cô bạn học Michelle, người sau này trở thành đời vợ thứ nhất của chàng. Sau đó Ricardo Anthony bỏ học, vừa làm đại diện thương mại cho các hãng sản xuất tủ lạnh, vừa thực tập kèn saxophone trong các quán nhạc jazz.

Năm 1958, với kiến thức về nền nhạc phổ thông Anh quốc, cộng với khả năng nói được 5 ngôn ngữ, Ricardo Anthony quyết định chuyển sang lĩnh vực ca hát với cái tên nghệ sĩ “Richard Anthony”. Hai đĩa hát đầu tiên của Richard Anthony (hát tiếng Anh) do hãng Columbia phát hành là You Are My Destiny của Paul Anka và Peggy Sue của Buddy Holly đã không được người yêu nhạc chú ý, nhưng đĩa thứ ba, bản Nouvelle Vague (Đợt Sóng Mới), nguyên là bản Three Cool Cats của ban tứ ca Mỹ The Coasters được Richard Anthony đặt lời Pháp, đã thành công rực rỡ.

Tiếp theo là những ca khúc nổi tiếng khác thu đĩa tại Luân-đôn hoặc Paris, trong đó có bản J’entends Siffler Le Train (500 Miles), đứng No.1 trong danh sách đĩa hát bán chạy nhất suốt 22 tuần lễ.

Trong sự nghiệp ca hát của mình, Richard Anthony có 16 đĩa đứng No.1 trong danh sách đĩa hát bán chạy nhất tổng cộng 21 lần; nghĩa là có những đĩa hát đứng No.1 hai lần. Tính cho tới nay, chưa có một ca sĩ Pháp nào khác đạt được kỷ lục này.

Richard Anthony cũng là một trong số hiếm hoi ca sĩ Pháp có đĩa hát đứng No.1 tại ngoại quốc: Ý, Đức, Bồ-đào-nha, Tây-ban-nha, Thụy-sĩ, Bỉ, Á-căn-đình, Chí-lợi, và Iran.

Tới đây, chúng tôi xin phép được “lạc đề” để viết một điều thú vị khác liên quan tới Richard Anthony: bản J’entends Siffler Le Train trong khi làm say mê hàng triệu người yêu nhạc Pháp, lại không phải đĩa hát có số bán cao nhất của ông, mà là bản Aranjuez, mon amour, nguyên là bản hòa tấu Concerto de Aranjuez được đặt lời hát.

Cái tựa “Concerto de Aranjuez” có thể xa lạ với một số độc giả, nhưng riêng những người đàn tây-ban-cầm cổ điển (classic guitar) ắt phải biết tới. Đây là bản concerto nổi tiếng bậc nhất trong nền nhạc cổ điển của Tây-ban-nha, trong đó tiếng tây-ban-cầm là chính yếu.

Tác giả của Concerto de Aranjuez là Joaquin Rodrigo Vidre (1901-1991), một nhà quý tộc (1st Marquis of the Gardens of Aranjuez) và nhà soạn nhạc nổi tiếng kiêm danh thủ dương cầm, được biết tới với nghệ danh Joaquin Rodrigo.

Bản Concerto de Aranjuez được Joaquin Rodrigo lấy cảm hứng từ cảnh sắc trong khuôn viên và nội thất của lâu đài Gardens of Aranjuez ở thị trấn Aranjuez, Tây-ban-nha. Bản concerto này gồm ba phần (movements): Allegro con spirito, Adagio và Allegro gentile, trong đó, phần thứ hai (Adagio, chậm rãi êm ái) dành cho “kèn co” và tây-ban-cầm là phần được ưa chuộng nhất.

[Kèn co: tức “cor anglais” nguyên là tiếng Pháp đã được quốc tế hóa; người Mỹ gọi là “English horn”]

Trong số CD, DVD Concerto de Aranjuez – Adagio, bản do danh cầm gốc Úc John Williams hợp tấu cùng dàn nhạc thành phố Sevilla, Tây-ban-nha, vào năm 1993, là một trong những bản phổ biến nhất.

Tới năm 1967, Guy Bontempelli, một nhạc sĩ trẻ của Pháp đã đặt lời hát cho Concerto de Aranjuez – Adagio với tựa “Aranjuez, mon amour”, được Richard Anthony thu đĩa, và trở thành một hiện tượng. Từ đó tới nay, “Aranjuez, mon amour” (lời Pháp) và “Aranjuez, con tu amor” (lời Tây-ban-nha) đã trở thành ca khúc “ăn khách” của hầu hết ca danh ca hát nhạc cổ điển, chẳng hạn Luciano Pavarotti, Andrea Bocelli của Ý, Jose Carreras, Paloma San Basilio của Tây-ban-nha, Demis Roussos, Nana Mouskouri của Hy-lạp, Sarah Brightman của Anh…

Riêng Richard Anthony, ngày ấy đã bán được trên 5 triệu đĩa (lời Pháp và Tây-ban-nha), đứng No.1 tại Pháp, Bỉ, Thụy-sĩ, Tây-ban-nha, và nhiều quốc gia Nam Mỹ.

* * *

Trở lại với bản 500 Miles, trước năm 1975 đã được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Tiễn Em Lần Cuối. Vì ngày ấy, trong giới nghe nhạc ngoại quốc ở miền nam VN, phiên bản lời Pháp J’entends Siffler Le Train phổ biến hơn là ca khúc nguyên thủy 500 Miles, chúng tôi cho rằng Trường Kỳ đã lấy cảm hứng từ phiên bản lời Pháp, và bi thảm hóa bằng cách thay “xe lửa” bằng “xe tang”.

500_HN6

Tiễn Em Lần Cuối

Trời lạnh giá bước chân buồn bã
Đưa hồn em tới nơi xa vời
Đoàn xe tang tiễn đưa em về
vùng trời xa xôi.

Một ngày nào có mắt em rực rỡ
Môi hồng tươi, tóc xanh mây trời
Nụ hôn xưa ngất ngây tuyệt vời
Ngập ngừng xôn xao.

Thầm lặng bước, tim hồi nhớ
Vang lời kinh chứa chan u buồn
Hàng cây khô hắt hiu bên đường
Lặng nhìn bơ vơ.

Và còn gì nữa, mắt em vội khép
Thế thôi còn đâu, mắt em phai mầu
Nụ hôn xưa lấp sâu trong mơ
Chìm vào hư vô.

Rồi ngày còn đó bóng em đã khuất
Bóng đêm còn đây có anh u sầu
Mộng về em chốn cao Thiên đàng
Ngàn đời chia xa.

Chúng tôi không nhớ trước năm 1975 đã có ca sĩ nào thu băng bản Tiễn Em Lần Cuối hay chưa. Sau khi ra hải ngoại, trong CD “Liên Khúc Tình Yêu 1” với ba tiếng hát Trung Hành, Ngọc Lan và Kiều Nga, Ngọc Lan đã hát hai đoạn lời Việt khác hẳn bản của Trường Kỳ, như sau:

Người tình hỡi nếu trên đường phố
Có anh từng khuya đón đưa em về
Giọt mưa rơi sẽ không não nề
Mình càng đam mê…
Người tình hỡi những đêm lặng lẽ
Dưới trăng vàng khuya có đôi môi kề
Nghìn trăng sao với em vui đùa
Kể chuyện tình anh nghe…

Theo thông tin trên các trang mạng, tựa đề của bản này là “Người tình ngàn dặm” nhưng không ghi tên tác giả, và cũng không ai được biết chỉ có hai đoạn trên hay còn nữa?

500_HN5

Riêng bản Tiễn Em Lần Cuối (lời của Trường Kỳ) về sau đã được Trung Hành thu vào CD. Sau khi Ngọc Lan qua đời vào năm 2001, những người ái mộ cô đã sử dụng bản này đưa lên YouTube để bày tỏ lòng tiếc thương.

(Hoài Nam)

oOOo

500 Miles – Ca nhạc sĩ Hedy West:

 

500 Miles – Nhóm The Brothers Four:

 

500 Miles – Ca sĩ Joan Baez:

 

500 Miles – Ca sĩ Rosanne Cash:

 

J’entends Siffler Le Train (500 Miles) – Ca sĩ Richard Anthony (bản tiếng Pháp):

 

Tiễn Em Lần Cuối – Ca sĩ Trung Hành:

 

2 thoughts on “Tân Nhạc VN – Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt – Nhạc Phổ Thông – “Tiễn Em Lần Cuối” (“500 Miles”) – Hedy West, Trường Kỳ”

  1. wow, time flies indeed. Em nhớ lần đầu tiên nghe và biết bài này chắc cũng hơn 20 năm. Em rất thích

    Cảm ơn chị Phượng giới thiệu những ca khúc hay, không bao giờ cũ 🙂

    Like

Leave a comment