Tân Nhạc VN – Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt – Thời kỳ Hiện Đại – “Vũ Nữ Thân Gầy” (“La Cumparsita”) – Geraldo Matos Rodriguez

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn nhạc phẩm “Vũ Nữ Thân Gầy” (“La Cumparsita”) của hai nhạc sĩ Geraldo Matos RodriguezPhạm Duy.

Gerardo Hernán Matos Rodríguez (còn gọi là Becho; 28 tháng 3 năm 1897 – 25 tháng 4 năm 1948) là một nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nhà báo người Uruguay. Ông là tác giả của nhạc phẩm tango nổi tiếng “La Cumparsita”.

Ông sinh tại Montevideo, Uruguay, là con trai của chủ nhân Cabaret Moulin Rouge nổi tiếng ở đây. Ông học kiến trúc nhưng không theo đến cùng. Sự nghiệp viết nhạc của ông bắt đầu khi còn là anh sinh viên trẻ vào năm 1916. Tác phẩm đầu tiên được biết đến là “La Cumparsita” – bản nhạc ông viết cùng cây đàn dương cầm của Liên Đoàn Sinh Viên Uruguay (Federación de Estudiantes of Uruguay). Bản “La Cumparsita” trở thành một trong những nhạc phẩm tango được biết đến rộng rãi nhất nhưng thật đáng tiếc, buổi đầu ông không tự chơi nó và bán tác quyền nhạc phẩm lại cho một nhà xuất bản khi ông 17 tuổi; bản nhạc vì thế mà được biết đến nhiều qua phần biểu diễn của những người khác.

Ông chu du qua nhiều nước khắp châu Âu và sống tại Paris, Pháp một thời gian, cũng như từng làm lãnh sự Uruguay ở Đức. Năm 1931, ông cộng tác soạn nhạc cho phim Luces de Buenos Aires (được quay ở Joinville-le-Pont, Pháp).

Nhạc sĩ Gerardo Matos Rodriguez.
Nhạc sĩ Gerardo Matos Rodriguez.

Ông qua đời sau thời gian dài bệnh tật vào năm 1948 tại quê hương Montevideo.

Tác phẩm tango kinh điển “La Cumparsita” được ông soạn năm 1916, nguyên thủy là một bản hành khúc dành cho Carnaval. Roberto Firpo thì bổ sung những đoạn trích từ các bản tango “La Gaucha Manuela”“Curda Completa” của ông vào hành khúc của Gerardo Matos Rodríguez để tạo thành bản nhạc “La Cumparsita”. Về sau nó được Pascual Contursi và Enrique Pedro Maroni đặt thêm lời.

Ngoài ra, ông còn sáng tác một số nhạc phẩm dành cho các vở kịch trong nhà hát công diễn tại Buenos Aires, Argentia. Ông chỉ huy một dàn nhạc tango của riêng ông ở Montevideo trong một thời gian ngắn sau đó.

Gerardo Matos Rodríguez từng hợp tác với những người viết lời bài hát gồm Enrique Cadícamo, Victor Soliño, Juan B. A. Reyes, Manuel Romero và Fernán Silva Valdés.

“La Cumparsita” (nghĩa: “Cuộc Diễn Hành Nhỏ”) ra đời vào năm 1916. Thực tế, Roberto Firpo (giám đốc kiêm nghệ sĩ vĩ cầm của dàn nhạc biểu diễn ra mắt bản nhạc này) đã bổ sung những đoạn trong các bản tango “La Gaucha Manuela”“Curda Completa” của ông vào bản hành khúc dành cho Carnaval của Matos (“La Cumparsita”), từ đó tạo nên bản “La Cumparsita” như được biết đến hiện nay.

Đây là tác phẩm được các nhà nhạc sử học phân loại là một “nhạc phẩm hiện đại” (modern song) trong Thời kỳ Hiện Đại (Modern Era) dựa theo hình thức nội dung thể loại và thời gian nó xuất hiện.

rodriguez_bìa

Bản nhạc vốn dĩ không có lời, về sau Pascual Contursi và Enrique Pedro Maroni đặt lời, biến nó thành bài hát. “La Cumparsita” được coi là một trong những khúc tango nổi tiếng nhất và dễ nhận ra nhất.

Ở Việt Nam chúng ta nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt cho khúc tango nức tiếng này có tên là “Vũ Nữ Thân Gầy”.

Bài hát vốn là một bản hành khúc dành cho Carnaval của Uruguay, phần giai điệu được anh sinh viên ngành kiến trúc 17 tuổi tên Gerardo Hernán “Becho” Matos Rodríguez soạn vào đầu năm 1916 ở Montevideo. Ngày 8 tháng 2 năm 1916, Matos Rodríguez nhờ người bạn Manuel Barca đưa bản nhạc cho Roberto Firpo xem, tại quán cà phê La Giralda. Roberto Firpo nhanh chóng nhận ra rằng ông có thể biến nó thành một bản nhạc tango. Bản nhạc khi ấy gồm hai đoạn, và Roberto Firpo bổ sung một đoạn nữa trích từ những bản tango của ông nhưng ít người biết là “La Gaucha Manuela” and “Curda Completa”. Ông cũng dùng một phần của bài hát “Miserere” (của Giuseppe Verdi) lấy từ opera. Nhiều năm sau đó, Roberto Firpo thuật lại khoảnh khắc đáng nhớ ấy như sau:

Vào năm 1916, tôi đang chơi nhạc tại quán cà phê La Giralda ở Montevideo, một ngày nọ có một người đàn ông đi với khoảng chừng 15 cậu trai – tất cả đều là học sinh sinh viên – đến nói rằng anh ta mang theo một bản hành khúc Carnaval và muốn tôi phê bình nó vì họ nghĩ là nó có thể thành một bản tango. Họ nhờ tôi xem lại và tinh chỉnh bản nhạc ngay đêm ấy vì một cậu bé tên là Matos Rodríguez cần nó. Trong bản nhạc nhịp 2/4 này, phần giai điệu của nửa phần đầu có vẻ ít hữu dụng, còn nửa phần sau thì chẳng có gì. Tôi có chiếc dương cầm và nhớ đến hai bản tango tôi sáng tác hồi 1906 nhưng không thành công: “La Gaucha Manuela” và “Curda Completa”. Và thế là tôi trích một phần từ mỗi bài để đưa vào bản nhạc. Đêm đó tôi biểu diễn bản nhạc cùng với “Bachicha” Deambroggio và “Tito” Roccatagliatta, nhận được tán dương nhiệt liệt. Matos Rodríguez cứ đi qua đi lại như một nhà vô địch… Tuy nhiên bản tango bị quên lãng, về sau mới bắt đầu thành công trở lại khi Enrique Maroni và Pascual Contursi soạn lời ca cho nó.

Roberto Firpo thu âm bản nhạc vào tháng 11 năm 1916 cho hãng Odeon Records – đĩa số 483. Ông thu tại phòng thu của Max Glücksmann ở Buenos Aires, Argentina và thuê hai nghệ sĩ vĩ cầm, một nghệ sĩ bandoneón (Juan Bautista “Bachicha” Deambrogio) và một nghệ sĩ flute còn ông làm trưởng dàn nhạc và chơi dương cầm. Bản nhạc ra mắt trên mặt B của đĩa hát 78 vòng, thu được thành công ít ỏi và chìm vào quên lãng sau vài năm.

rodriguez_Nhạc sĩ Gerardo Matos Rodriguez2

Năm 1924, nghệ sĩ người Argentina, Pascual Contursi, đặt lời cho bản nhạc, khiến nó nhanh chóng biến thành một bản hit. Phiên bản này hiện được coi là bài hát tango nổi tiếng nhất trên thế giới, đứng ngay phía trước bản “El Choclo”. Pascual Contursi thu âm bài hát dưới nhan đề “Si Supieras” (nghĩa: “Nếu Bạn Biết”). Thời gian đó Matos Rodríguez đang sống tại Paris, Pháp. Anh phát hiện tác phẩm đã trở nên nổi tiếng lúc nói chuyện với nghệ sĩ vĩ cầm kiêm trưởng dàn nhạc tango người Uruguay, Francisco Canaro, khi ông đang biểu diễn bài hát dưới tựa đề “Si Supieras”. Francisco Canaro cho anh biết rằng bài hát được “tất cả các dàn nhạc cuồng mê”. Matos Rodríguez dành hai thập niên tiếp theo để đấu tranh pháp lý đòi tiền tác quyền và cuối cùng cũng thành công khi đảm bảo rằng bài hát từ giờ sẽ lấy lại nhan đề cũ là “La Cumparsita”. Tuy nhiên, phần lời hát của Pascual Contursi đã gắn chặt với bài hát.

Năm 1948, Francisco Canaro dàn xếp một thỏa thuận giúp chấm dứt các vụ kiện tụng. Ông xác định 20% tiền tác quyền sẽ thuộc về Pascual Contursi và đối tác kinh doanh của Pascual Contursi là Enrique P. Maroni. 80% còn lại sẽ thuộc về Matos Rodríguez. Francisco Canaro cũng định ra rằng các tờ nhạc in trong tương lai sẽ in phần lời của Pascual Contursi kèm với các phần lời ít nổi tiếng do Matos Rodríguez viết, ngoài ra không in bất cứ phần lời nào khác.

Năm 1997, Quốc hội Uruguay thông qua Luật số 16.905 quy định phần nhạc của “La Cumparsita” là bản nhạc văn hóa và đại chúng của quốc gia.

Bài hát xuất hiện trong nhiều phim như Anchors Aweigh (1945), Sunset Boulevard (1950), Some Like It Hot (1959), Take the Lead (2006). Trong tập “Down Beat Bear” của phim hoạt hình Tom and Jerry cũng chèn bài hát. Bài hát nằm trong đoạn mở đầu của vở kịch truyền thanh khét tiếng The War of the Worlds – vở kịch có nội dung khiến nhiều thính giả tin rằng “người sao Hỏa” đã đến Trái Đất.

Trong “Thế Vận Hội Mùa Hè Sydney 2000”, đội tuyển Argentina đã diễn hành bằng bản nhạc này khiến Chính phủ Uruguay phải lên tiếng phản đối. Nhiều vận động viên thể dục dụng cụ cũng dùng các biến thể của bài này khi biểu diễn như Vanessa Atler (1998–99), Jamie Dantzscher (2000), Oana Petrovschi (2001–02), Elvire Teza (1998), Elise Ray (1997–98), Natalia Ziganchina (2000), Maria Kharenkova (2013) và Mykayla Skinner (2011–12).

rodriguez_La Cumparsita1

rodriguez_La Cumparsita2

Nhạc phẩm “La Cumparsita” (Lời nguyên thủy của Geraldo Matos Rodriguez)

La Cumparsa
de miserias sin fin desfila,
en torno de aquel ser enfermo,
que pronto ha de morir de pena.

Por eso es que en su lecho
solloza acongojado,
recordando el pasado
que lo hace padecer/estremecer.

Nhạc phẩm “La Cumparsita” (bản tiếng Tây Ban Nha của Enrique P. Maroni & Pascual Contursi – 1924)

Si supieras que aun dentro de mi alma,
conservo aquel cariño
que tuve para ti…
Quien sabe si supieras
que nunca te he olvidado,
volviendo a tu pasado
te acordaras de mi…

Mis amigos ya no vienen
ni siquiera a visitarme,
nadie viene consolarme
en mi afliccion…
Desde el dia que te fuiste
siento angustias en mi pecho,
deci, percanta, que has hecho
de mi pobre corazon?

Sin embargo, yo siempre te recuerdo
con el cariño santo
que tuve para ti.
Y estas en todas partes,
pedazo de mi vida,
y aquellos ojos que fueron mi alegria
los busco por todas partes
y no los puedo hallar.

Al cotorro abandonado
ya ni el sol de la mañana
asoma por la ventana
como cuando estabas vos,
y aquel perrito compañero
que por tu ausencia no comia,
al verme solo, el otro dia,
tambien me dejo.

Nhạc phẩm “La Cumparsita” (bản tiếng Anh do Alberto Paz chuyển ngữ)

If you knew, that still deep in my soul
I keep that affection
that I had for you…
Who knows if you could know
that I have never forgotten you,
going back into your past,
you will remember me…

My friends no longer come
not even to visit me,
nobody wants to console me
in my afliction…
Since the day that you left,
I feel anguish in my chest,
say, woman, what have you done
with my poor heart?

However, I always remember you
with the saintly affection
that I had for you.
And you are everywhere,
piece of my life,
and those eyes that were my joy
I look for them everywhere
and I can’t find them.

To the abandoned pad
not even the morning sun
peeks through the window
like when you were here,
and that friendly puppy
who because of your absence did not eat,
when it saw me all alone, the other day
it also left me.

Ca sĩ Julio Iglesias.
Ca sĩ Julio Iglesias.

Nhạc phẩm “La Cumparsita” (bản tiếng Tây Ban Nha do ca sĩ Julio Iglesias trình bày):

Si supieras que aún dentro de mi alma
Conservo aquel cariño que tuve para ti
Quién sabe si supieras que nunca te he olvidado?
Volviendo a tu pasado te acordarás de mí

Los amigos ya no vienen
Ni siquiera visitarme
Nadie quiere consolarme en mi aflicción

Desde el día en que te fuiste
Siento angustias en mi pecho
Decí, percanta
Qué has hecho de mi pobre corazón?

Si supieras que aún dentro de mi alma
Conservo aquel cariño que tuve para ti
Quién sabe si supieras que nunca te he olvidado?
Volviendo a tu pasado te acordarás de mí

Nhạc phẩm “La Cumparsita” (bản tiếng Pháp)

Si tu savais…
que dans mon âme
je conserve toujours cette tendresse
que j’ai eu pour toi.

Qui sait, si tu savais…
que jamais je ne t’ai oubliée,
revenant à ton passé
tu te souviendrais de moi.

Les amis ne viennent plus,
pas même une visite,
personne ne veut me consoler
dans mon désespoir.

Depuis le jour où tu es partie
je sens l’angoisse dans ma poitrine,
dis-moi, petite, qu’as-tu fait
de mon pauvre cœur ?

Nhạc sĩ Phạm Duy.
Nhạc sĩ Phạm Duy.

Nhạc phẩm “Vũ Nữ Thân Gầy” (“La Cumparsita” – bản tiếng Việt của NS Phạm Duy)

Đàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi
Đàn khóc ai hoài, cho héo hon lòng tôi
Đàn nhớ nhung người, như sắc hương tàn phai
Đàn cố nuôi lời, cho giấc mơ còn lơi

Ôi ! Nghe tiếng đàn réo mà thương người
Nghe tiếng cười reo xót xa đời
Nhớ nhung đau thương mà thôi
Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi

Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười
Nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi.
Người vũ nữ ngồi bên cốc lên men

Bát ngát hương môi cho anh say mềm
Nhịp nhàng gieo trên sàn êm
Rộn ràng nghe bao lời điên
Của khách giang hồ say triền miên

Ta ghì cho tan vỡ trái tim này
Cho người ăn chơi nhíu đôi lông mày
Ta cười cho xanh ngát kiếp lưu đầy
Cho người vũ nữ khóc tấm thân gầy

Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau
Chưa nói mê say mà tình đã bay
Chưa biết môi em mà hồn đã quên
Đã qua một đêm…

Dưới đây mình có bài:

– La Cumparsita (Vũ nữ thân gầy), RODRIGUEZ (trích)

Cùng với 10 clips tổng hợp nhạc phẩm “Vũ Nữ Thân Gầy” (“La Cumparsita”) do các ca nhạc sĩ quen thuộc trên thế giới trình diễn để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

rodriguez_bìa

La Cumparsita (Vũ nữ thân gầy), RODRIGUEZ (trích)

(Hoài Nam)

Tới đây chúng tôi xin đi vào đề tài chính của kỳ này: bản La Cumparsita, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Vũ nữ thân gầy.

Theo sự phân định thời gian của các nhà nhạc sử học cũng như hình thức nội dung của thể loại, La Cumparsita nói riêng, các ca khúc Tango nói chung, được phân loại là “ca khúc hiện đại” (modern songs).

Cho tới nay, La Cumparsita không chỉ được xem là ca khúc theo thể điệu Tango phổ biến nhất thế giới, mà còn là tác phẩm âm nhạc gây tranh cãi, thưa kiện nhiều nhất, giữa các cá nhân cũng như giữa hai quốc gia Nam Mỹ cùng nhận là xuất xứ của La Cumparsita là Á-căn-đình và Uraguay.

Trước khi nói về La Cumparsita, chúng tôi xin viết sơ qua về thể điệu Tango.

Quê hương của Tango là vùng Rio de la Plata (Silver River, Dòng Sông Bạc), một cửa sông rộng tới 220 cây số, và cũng là biên giới giữa hai quốc gia Uraguay và Á-căn-đình; ở tả ngạn là Montevideo, thủ đô Uraguay, ở hữu ngạn là Buenos Aires, thủ đô Á-căn-đình.

Vùng Rio de la Plata không chỉ được xem là trung tâm văn hóa của cả Nam Mỹ mà còn là nơi quy tụ tới hơn 50% dân số của Uraguay và Á-căn-đình (thời gian cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20), gồm đủ mọi thành phần xã hội: quý tộc, tài phiệt, nghệ sĩ, anh chị, tội phạm, lao động cùng đinh, da đỏ Nam Mỹ (Incas), cự nô lệ da đen… Và trong bối cảnh ấy, thể điệu và vũ điệu Tango – vũ điệu nóng bỏng, gợi tình nhất – đã ra đời.

Thể điệu Tango được hình thành tại Rio de la Plata từ giữa tới cuối thế kỷ thứ 19; thời gian đầu đã bị tầng lớp thượng lưu, trung lưu đánh giá là chỉ dành cho các thành phần anh chị giang hồ – thường là di dân gốc Ý, Pháp, Tây-ban-nha, và các cô gái điếm.

Nhưng sau khi Tango được các ban nhạc và ca sĩ Á-căn-đình đưa sang Paris vào thời gian trước Đệ nhất Thế chiến, thì đã được cả tầng lớp thượng lưu, trung lưu lẫn bình dân nồng nhiệt đón nhận. Rồi từ kinh thành ánh sáng, Tango đã chinh phục cả thế giới.

* * *

Trong bài kỳ trước, giới thiệu bản La Paloma, một ca khúc theo thể điệu Habanera, chúng tôi đã viết “…nửa thế kỷ sau khi Sebastian Yradier viết bản La Paloma, thể điệu Tango mới ra đời”.

Trên thực tế, trước đó đã có Tango, nhưng không phải là thể điệu Tango mà ngày nay chúng ta đang nghe, đang khiêu vũ, mà là hai loại Tango của thế kỷ thứ 19, là “Tango Habanera” và “Tango adaluz” (còn gọi là “Tango flamenco”).

Để độc giả đỡ “nhức đầu”, chúng tôi ghi ra công thức sau đây trước khi cố gắng giải thích một cách ngắn gọn:

Tango (hiện đại) = thể điệu Milonga + thể điệu Tango Habanera

Milonga là một điệu nhạc, điệu vũ dân gian rất phổ biến trong tầng lớp lao động ở Uruguay và Á-căn-đình vào thế kỷ thứ 19, gồm những tiết điệu Tây-ban-nha phối hợp với nhịp phách dân dã châu Phi (của người da đen sống ở Nam Mỹ). Ngày nay, chữ “milonga” trong tiếng Tây-ban-nha, tiếng Anh, còn có nghĩa là “một party công cộng có khiêu vũ”.

Còn Tango Habanera là sự phối hợp giữa thể điệu Tango adaluz (tức Tango flamenco) được du nhập từ Tây-ban-nha vào giữa thế kỷ 19, và thể điệu Habanera từ Cuba được đưa vào Nam Mỹ trong thập niên 1860.

Thời gian đầu, Tango Habanera rất được ưa chuộng, nhưng không bền lâu; và tới những năm cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20, sau khi được phối hợp với Milonga để trở thành Tango (hiện đại) thì hầu như không còn mấy ai thưởng thức Tango Habanera nữa, trừ những người có tinh thần hoài cổ.

[Viết thêm: trong nền tân nhạc VN trước năm 1975, có một số ca khúc được tác giả ghi thể điệu là “Tango Habanera”, điển hình là bản Nỗi Buồn Gác Trọ của Mạnh Phát, ngày ấy đi liền với tiếng hát Phương Dung. Thực ra, Nỗi Buồn Gác Trọ là một ca khúc được viết theo thể điệu Tango, và được đệm ghi-ta theo kiểu Habanera, nghĩa là không có gì liên quan tới thể điệu Tango Habanera của thế kỷ thứ 19 mà chúng tôi nhắc tới ở trên. Khi viết ra điều này, chúng tôi không có tham vọng làm công việc sửa sai, mà chỉ để nhấn mạnh: trong nền tân nhạc VN, hai chữ “Tango Habanera” chẳng qua chỉ là một cách đệm Tango chứ không phải là một thể điệu riêng biệt]

Bản Tango đầu tiên được thu đĩa (năm 1889) là La Canguela của một tác giả vô danh; và bản Tango nổi tiếng quốc tế đầu tiên là El Choclo (The Ear of Corn: trái bắp, bắp ngô) của nhà soạn nhạc Á-căn-đình Angel Villoldo, viết năm 1903.

Ngày nay, El Choclo đã được giới thưởng ngoạn xem là bản Tango được ưa chuộng thứ nhì, chỉ đứng sau bản La Cumparsita. Về sau, El Choclo được nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt với tựa Tình yêu như mũi tên.

Khi nói tới một thể điệu trong âm nhạc, mà ở đây là Tango, là nói tới hai thứ: thể loại nhạc (music genre) và thể điệu vũ (dance).

Như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu, Tango phát xuất từ vùng Rio de la Plata của hai quốc gia láng giềng Uraguay và Á-căn-đình. Thế nhưng, vì Tango được phát triển tại thủ đô Buenos Aires của Á-căn-đình, và từ đây được “xuất khẩu” đi khắp nơi trên thế giới, cho nên cả thể loại nhạc lẫn thể điệu vũ nguyên thủy thường được gọi là “Tango Á-căn-đình” (Argentine Tango, hoặc Tango Argentino).

Ngày nay, vũ điệu Tango có tới hơn một chục biến thể, mà phổ biến nhất là Ballroom Tango (Tango quốc tế), Tango Mỹ (American Tango), Tango Âu châu, Tango Phần-lan (Finnish Tango), v.v…, và dĩ nhiên không thể không nói tới các thể điệu “Tango không tên”, tiếng Anh gọi là “social tango”, là Tango đã được đơn giản hóa, địa phương hóa để ai cũng có thể dìu nhau ra sàn nhảy.

Cặp nhẩy Tango Á-căn-đình.
Cặp nhẩy Tango Á-căn-đình.

Trong số hơn một chục cách nhảy Tango nói trên, chúng tôi chỉ nói về Tango Á-căn-đình và Ballroom Tango, tức Tango quốc tế.

[Ballroom dance được định nghĩa là “hình thức khiêu vũ với nhiều cặp tham gia, và tuân theo những nguyên tắc, quy luật chung của điệu khiêu vũ đó”. Thể điệu khiêu vũ đầu tiên được nhìn nhận là Ballroom dance là điệu Valse]

Có thể nói Tango quốc tế chính là Tango Á-căn-đình đã được người Anh cải biến; một cách chính xác hơn là giảm bớt mức độ gợi tình của vũ điệu đã từng bị Giáo hội Công giáo lên án và nhà nước Ý-đại-lợi ra lệnh cấm vào đầu thế kỷ thứ 20. Lệnh cấm này chỉ được bãi bỏ sau khi giới trẻ thượng lưu yêu thích Tango tổ chức một buổi biểu diễn vào tháng 3/1914 dành riêng cho Đức Giáo hoàng Pi-ô X và các vị Hồng Y ở Rome thưởng lãm; kết quả Ngài đã tỏ ra thích thú và phán: Ta rất hiểu các con thích nhảy nhót. Chúng ta đang ở trong mùa hội và các con còn trẻ. Vậy thì hãy cứ nhảy và vui hưởng. Nguyên văn: I understand very well that you like to dance; we are in carnival time and you are young. So dance and enjoy it (theo cuốn Crónica General del Tango của José Gobello, xuất bản 1986).

Tới năm 1920-1921, Tango quốc tế đã được chuẩn hoá trong một hội nghị của Liên đoàn Khiêu vũ Quốc tế ở Luân Đôn.

Khác biệt căn bản giữa hai vũ điệu là khi nhảy Tango Á-căn-đình, phần trên thân thể của đôi nam nữ ghì sát vào nhau, trong khi phần dưới thì lại cách rời, Tango quốc tế thì ngược lại, phần trên thân thể cách rời nhưng phần dưới lại quyện vào nhau.

Tango Á-căn-đình không chỉ có những bước cầu kỳ hơn Tango quốc tế, mà đòi hỏi cả “diễn xuất bằng nét mặt”, cho nên mức độ phổ biến ngày càng suy giảm so với Tango quốc tế.

Đó là khác biệt giữa hai điệu khiêu vũ (dance) Tango Á-căn-đình và Tango quốc tế. Còn nói về khác biệt giữa thể loại nhạc (music genre) Tango Á-căn-đình và Tango quốc tế thì rất phức tạp, cho nên chúng tôi xin giản lược như sau:

Trong khi Tango Á-căn-đình là một thể loại nhạc có những quy tắc truyền thống riêng biệt thì Tango quốc tế chỉ là bất cứ bản Tango hiện đại nào thích hợp với những bước nhảy của điệu vũ.

Quy tắc thứ nhất của Tango Á-căn-đình là thành phần ban nhạc bắt buộc phải có ít nhất 6 người (sextet), gồm 2 vĩ cầm, 1 dương cầm, 1 đại hồ cầm (double bass), và 2 đàn Bandonéon.

Đàn Bandonéon.
Đàn Bandonéon.

Bandonéon, vốn được xem là “linh hồn của Tango Á-căn-đình”, là một loại đàn Concertina của Đức, có nguồn gốc từ đàn Accordéon.

Accordéon là nhạc cụ phong phú nhất xưa nay, thường được xưng tụng là “one man band”. Tuy nhiên không phải nhạc sĩ nào cũng có khả năng tài chính để sắm Accordéon, vì thế người Đức mới sử dụng nguyên tắc của Accordéon để chế của một nhạc cụ đơn sơ có tên là Concertina (tiếng Đức: Konzertina) để phổ biến trong dân gian.

Khác biệt căn bản là trong khi Accordéon có phím (keys) như phong cầm, dương cầm, thì Concertina chỉ có những nút bấm (buttons) hình tròn.

Tới giữa thế kỷ thứ 19, nhà làm và bán nhạc cụ Heinrich Band cải tiến đàn Concertina thành một nhạc cụ phong phú hơn nhiều, và sau ông mất sớm (năm 1860) người ta đã lấy họ của ông (Band) ghép với chữ Accordéon thành Bandonéon để đặt tên cho loại nhạc cụ này.

Mục đích ban đầu của Heinrich Band là giúp các họ đạo nghèo không đủ khả năng sắm đại phong cầm (organ) có một nhạc cụ tương ứng để sử dụng trong thánh đường. Nhưng về sau, vì hai đặc điểm gọn nhẹ mà phong phú, Bandonéon đã được các thủy thủ và công nhân tha phương cầu thực đem theo khắp bốn bể, và khi tới Nam Mỹ đã dần dần thay thế tiếng sáo (của người da đỏ địa phương) trong các ban nhạc chuyên trình diễn thể điệu Tango.

* * *

Geraldo Matos Rodriguez (1897-1948).
Geraldo Matos Rodriguez (1897-1948).

Tác giả của La Cumparsita là công dân Uraguay Geraldo Matos Rodriguez, một nhạc sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc kiêm ký giả sinh năm 1897 và mất năm 1948.

Là con trai của chủ nhân phòng trà Moulin Rouge quen thuộc ở thủ đô Montevideo, Rodriguez được gia đình cho theo học ngành kiến trúc,nhưng sau đó bỏ sở. Geraldo Rodriguez viết La Cumparsita vào năm 17 tuổi trên chiếc dương cầm tại trụ sở Hiệp hội Sinh viên Uraguay (Federacion De Los Estudiantes Del Uraguay), và sau đó bán cho nhà xuất bản Breyer với giá 20 pesos. Mặc dù Geraldo Rodriguez có viết lời hát cho La Cumparsita, nhưng qua năm sau, khi tác phẩm này được ra mắt tại hội quán Confeteria La Giralda ở thủ đô Montevideo, người ta chỉ trình tấu phần nhạc, và chỉ được vài lần rồi chìm vào quên lãng.

Năm 1924, tức là 7 năm sau, khi Rodriguez đang sống ở Paris, thì Francisco Canaro, một nhạc trưởng Á-căn-đình, đem ban nhạc của ông sang Paris trình diễn, và nổi tiếng với bản La Cumparsita. Chỉ tới lúc đó, Rodriguez mới biết sáng tác của mình đang nổi như cồn ở thủ đô Á-căn-đình. Nhưng tựa đề và lời hát nguyên thủy đã bị thay bằng tựa đề và lời hát khác.

La Cumparsita, tiếng Tây-ban-nha có nghĩa là buổi diễn hành nho nhỏ (the little parade) mà trong đó người tham dự mang mặt nạ. Lời hát do Rodriguez đặt có nội dung thở than cho kiếp sống bi thảm của những con người bất hạnh.

Nhưng sau khi tác quyền của La Cumparsita được nhà xuất bản Breyer bán lại cho nhà xuất bản Ricordi ở Buenos Aires, thủ đô Á-căn-đình, thì đã được Enrique Maroni và Pascual Contursi – hai tác giả chuyên đặt lời cho các bản Tango – đổi tựa thành “Si Supieras”, nghĩa là “Người ơi thấu chăng”, với lời hát mới, diễn tả nỗi lòng thương nhớ người yêu xưa, được mở đầu bằng câu:

“Người ơi thấu chăng, tình yêu ta trao trọn cho người thưở ấy, giờ này vẫn sống mãi trong hồn ta…”

Lẽ dĩ nhiên, ai cũng thích hát lời hát mới. Thế nhưng sau bốn vụ kiện liên quan tới tác quyền của ca khúc này, cho dù sử dụng lời hát mới, người ta cũng bắt buộc phải ghi tên bài hát là La Cumparsita, chứ không được gọi là Si Supieras!

Trong vụ kiện thứ nhất, Geraldo Rodriguez kiện nhà xuất bản Breyer, nơi ông đã bán tác quyền bản La Cumparsita với giá 20 pesos, và nhà xuất bản Ricordi, nơi đã mua lại bản quyền từ nhà xuất bản Breyer.

Kết quả, Rodriguez đã thắng kiện với lý do: ngày ấy ông mới 17 tuổi, tức là còn ở tuổi vị thành niên, nên việc mua bán không có giá trị pháp lý.

Trong vụ thứ nhì, Rodriguez kiện hai tác giả Enrique Maroni và Pascual Contursi vì đã đổi tựa và đặt lời hát khác cho bản La Cumparsita mà không xin phép ông trước.

Vụ thứ ba, Rodriguez kiện đòi chia tiền lời bán đĩa hát của nam ca sĩ thần tượng Carlos Gardel, người mà tên tuổi đã gắn liền với bản Si Supieras – tức La Cumparsita đã được đổi lời đổi tựa. Nhưng khi cả vụ kiện thứ hai lẫn vụ kiện thứ ba chưa ngã ngũ thì tới năm 1948, Rodriguez qua đời vào tuổi 53.

Cũng trong năm 1948, ít lâu sau khi Rodriguez qua đời, xảy ra vụ kiện thứ tư: hai bà vợ góa của Enrique Maroni và Pascual Contursi – tức hai tác giả đã đổi tựa và đặt lời hát mới cho bản La Cumparsita – kiện các nhà sản xuất đĩa nhạc, đòi chia tiền lời.

Không biết phân xử ra sao, cuối cùng tòa án Á-căn-đình đã ủy thác cho nhạc trưởng lão thành Francisco Canaro, lúc ấy là Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc Á-căn-đình, xử dứt khoát một lần rồi thôi.

Kết quả, nam danh ca Carlos Gardel và hãng đĩa phải liên đới bồi thường cho hai góa phụ 5000 pesos, là thiệt hại trong mấy chục năm qua, và tự hậu, các người thừa kế của hai tác giả nói trên sẽ được hưởng 20% tiền tác quyền mỗi khi có ca sĩ hát bản La Cumparsita với lời hát của Si Supieras; còn những người thừa kế của Rodriguez thì được hưởng 80%.

Điểm cuối cùng trong phán quyết của nhạc trưởng Francisco Canaro là tự hậu, trong tất cả mọi bản in ca khúc La Cumparsita, bắt buộc phải có đủ hai lời hát cũ và mới; đồng thời cấm chỉ việc đặt thêm lời thứ ba.

Thế là do uy tín của nhạc trưởng Francisco Canaro, tới đây mọi rắc rối liên quan tới tác quyền La Cumparsita giữa các cá nhân xem như đã ổn thỏa, nhưng những rắc rối mang tầm vóc quốc tế thì không một cơ quan, tổ chức nào, kể cả Liên Hiệp Quốc, có thể giải quyết. Đó là việc cả Uraguay lẫn Á-căn-đình đều nhất quyết nhận La Cumparsita là của mình.

Năm 1997, chính phủ Uruguay đã ra một đạo luật lấy La Cumparsita làm “quốc thiều văn hóa” (cultural anthem) để sử dụng trong tất cả các buổi sinh hoạt văn hóa. Ba năm sau, trong lễ khai mạc Thế vận hội Sydney 2000, Á-căn-đình đã sử dụng La Cumparsita làm bản nhạc diễn hành cho đoàn lực sĩ của họ, dẫn đưa tới việc chính phủ Uruguay gửi công hàm phản đối, và diễn ra một cuộc bút chiến gay gắt giữa truyền thông hai nước.

Nhưng Uruguay và Á-căn-đình chỉ tranh giành nhau bản La Cumparsita, còn thể điệu Tango thì hai quốc gia lại hoan hỉ chia đôi vinh dự. Tháng 10 năm 2009, theo đề nghị của Uruguay và Á-căn-đình, tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận thể điệu Tango là “di sản văn hóa của nhân loại”, và ghi xuất xứ là vùng Rio de la Plata, nơi có thủ đô Montevideo của Uruguay và thủ đô Buenos Aires của Á-căn-đình.

* * *

Cảnh nhẩy Tango trong phim Đại lộ Hoàng hôn (Sunset Boulevard).
Cảnh nhẩy Tango trong phim Đại lộ Hoàng hôn (Sunset Boulevard).

Trong gần một thế kỷ qua, La Cumparsita vẫn tiếp tục là bản Tango được ưa chuộng nhất trên thế giới, dưới hình thức bản hòa tấu hay ca khúc. Trong số những lần La Cumparsita được sử dụng trong phim ảnh, nổi tiếng nhất phải là cảnh Norma Desmond (Gloria Swanson), một nữ minh tinh màn bạc về chiều nhưng không chấp nhận thực tế mình đã hết thời, nhảy Tango theo ca khúc này với chàng tình nhân trẻ (William Holden) trong cuốn phim bất hủ Đại lộ Hoàng hôn (Sunset Boulevard), năm 1950.

Khi Phạm Duy đặt lời Việt cho La Cumparsita với tựa Vũ nữ thân gầy, chúng tôi không biết có phải ông đã cảm tác sau khi xem cuốn phim bi thảm ấy hay không. Chỉ biết Vũ nữ thân gầy cũng có nội dung thật buồn, và đã trở thành ca khúc Tango nhạc ngoại quốc lời Việt phổ biến nhất ở miền Nam VN, trước khi bản Tango “thời thượng” L’amour C’est Pour Rien (Tình cho không, cũng do Phạm Duy đặt lời Việt) làm mưa gió.

(Hoài Nam)

oOOo

Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita) – Ca sĩ Khánh Ly

 

Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita) – Ca sĩ Ý Lan:

 

Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita) – Ca sĩ Thanh Hà:

 

Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita) – Ca sĩ Nhật Hạ:

 

Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita) – Ca sĩ Lệ Thu:

 

Vũ Nữ Thân Gầy (La Cumparsita) – Ca sĩ Thanh Lan:

 

La Cumparsita – Ca sĩ Julio Iglesias:

 

La Cumparsita – Ca sĩ Carlos Gardel:

Sensual Tango – La Cumparsita:

 

La Cumparsita – Franz Waxman – Nhạc soundtrack trong phim “Sunset Boulevard”:

 

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Tân Nhạc VN – Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt – Thời kỳ Hiện Đại – “Vũ Nữ Thân Gầy” (“La Cumparsita”) – Geraldo Matos Rodriguez”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s