Giản dị

Chào các bạn,

Các bạn có biết là cách viết và nói hay nhất là giản dị không?

Giản dị là:

– Viết từng câu ngắn, rõ ràng, chấm phết tử tế.

– Nên phân đoạn (paragraph, tức là xuống hàng) ngắn, vì ngắn thì dễ hiểu, lại không bị nhức mắt và nhức đầu với những đoạn dài như xe lửa.

– Mỗi ý tưởng ngắn nên là một câu. Ý tưởng khác thì câu khác. Nối kết một số câu thành một đoạn rõ ràng.

Rồi khi qua nhóm ý tưởng khác, thì lại viết một số câu ngắn. Nối kết các câu ngắn này lại thành một đoạn ngắn cho ý tưởng mới.

Những đoạn dài như rồng rắn đi biểu tình thường rất khó theo dõi.

Bốn đoạn này là ví dụ các câu và đoạn ngắn cho các bạn. Nhưng các bạn không cần phải phân đoạn quá ngắn như trong ví dụ này, trừ khi bạn có lý do để có đoạn rất ngắn.

– Dùng từ giản dị, mọi người đều hiểu được. Từ giản dị thường có hiệu quả rất mạnh. Ví dụ: “Anh khoan đi đã” thì mạnh hơn là “Anh khoan nói từ giã.”

Nếu từ hơi lạ, hoặc từ mà ý mình viết/nói với một nghĩa đặc biệt nào đó, thì hãy định nghĩa rõ ràng.

– Đừng dùng từ cải lương – tức là các từ mà tiếng Anh gọi là cliché (thực sự đây là tiếng Pháp) – tức là các từ quý vị dùng ồ ạt trong các bài thơ… cliché: bâng khuâng, đau đáu, da diết, thiết tha, bùng vỡ, tiêu điều… Các từ này nếu dùng được kiểu không cliché và ý nghĩa rõ ràng thì tốt, nhưng dùng kiểu cliché thì vừa rẽ tiền vừa không rõ nghĩa. (“Anh ngồi nhìn màn đêm huyền hoặc mà nghe nhớ nhung dằng dặc da diết thịt da, em có cảm nhận được mối chân tình u uất của anh không?” “Anh nói gì vậy?”)

– Các đại từ bất định (indefinite pronouns) thường không rõ trong bất kì ngôn ngữ nào, nên tránh dùng: Nó, chúng nó, họ, người ta… Nếu dùng thì cần đọc lại để chắc chắn là câu không bị hiểu lầm. Ngoài ý nghĩa mù mờ, các đại từ bất định thường không mang được tình cảm, cho nên các bạn cẩn thận khi dùng.

– Tránh dùng từ Hán Việt, trừ khi nói về kinh sách cổ, triết lý cổ, hoặc từ chuyên môn ngày nay. Thức ăn thì hay hơn thực phẩm, tình yêu thì hay hơn tình ái, người yêu thì hay hơn tình nhân, buồn thì hay hơn sầu, vui vẻ hay vui sướng thì hay hơn hạnh phúc… (Nhưng mình thường cố tình dùng tiếng Anh hay tiếng Hán Việt để các bạn biết thêm tiếng Anh và kinh sách cổ).

Đại khái giản dị thì chỉ giản dị có vậy. Đừng bày vẽ quá khi viết, vừa khó hiểu vừa chẳng có được cảm xúc (vì người đọc không hiểu rõ, thì không thể có cảm xúc được). Bài này là một ví dụ viết giản dị cho các bạn.

Chúc các bạn luôn giản dị.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Giản dị”

  1. Hay quá ạ. Em cảm ơn anh Hoành. Chúc anh cuối tuần thật nhiều niềm vui.

    Like

  2. Hi anh Hoành,
    Cho em hỏi từ ở “trục hoành” trong hình ảnh đầu bài là gì vậy anh? Vì chữ mất gần một nửa nên em nhìn k rõ ạ. Thanks a.
    Chúc anh ngày mới vui vẻ!

    Like

  3. Hi anh Hoành và cả nhà,

    Em cám ơn bài viết này của anh.

    Nhờ anh mà em biết được một chút cách viết giản dị. Và hiểu được một chút rằng: Không phải mình viết cái gì mà là mình viết như thế nào (It’s not what you write but how you write it.)

    Cũng nhờ tập viết giản dị, em thấy mình focus tốt hơn (nếu không focus thì rất khó viết giản dị). Mà focus là bước đầu tiên của Thiền. Focus vào một điểm giúp tâm trí được tĩnh lặng. Mà tâm trí càng được tĩnh lặng thì càng focus hơn, càng viết giản dị hơn.

    Cái hay của viết giản dị là có khi chỉ với một vài từ mà có thể chứa đựng gần như mọi cảm xúc của người viết trong đó. Nhờ đó, người đọc có thể cảm nhận gần như mọi cảm xúc của người viết. Lúc này, người viết và người đọc có thể gần như được hòa vào một – hòa cùng một cảm xúc.

    Nếu đó là cảm xúc Tình yêu thì những người này đang hòa vào Tình yêu, đang hòa vào Thượng đế (vì Thượng đế là Tình yêu, 1 John 4:8).

    Đó có lẽ là một trong những cách giúp chúng ta có thể cảm nhận được (một phần nào đó ) như thế nào là nối kết làm Một, trong Thượng đế, trong Không.

    Một con đường thực hành nhiều màu nhiệm.

    Em cám ơn anh.

    Em Hương,

    Like

  4. Comment này của Thu Hương là trải nghiệm rất sâu sắc không những về truyền thông và còn về đời sống tâm linh (tức là truyền thông với Chúa Phật). Cám ơn em.

    Like

Leave a comment