Tân Nhạc Việt Nam – Nhạc Kim Vân Kiều & Chinh Phụ Ngâm

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn Nhạc Kim Vân Kiều & Chinh Phụ NgâmNhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện tiếp theo “Nhạc Hải Ngoại”.

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện sinh ngày 18 tháng 5 năm 1943 tại Sài Gòn, nhằm ngày lễ Phật Đản. Anh sinh trưởng trong một gia đình 8 anh em, học Trung học ở trường Pétrus Ký Sài Gòn. Sau khi thi đậu Tú Tài năm 1964, anh sang Pháp du học và trở thành Kỹ sư Điện toán.

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện học đàn Tây Ban Cầm từ thuở nhỏ, từ 6 tuổi cho đến 14 tuổi anh được nhạc sĩ Hoàng Bửu truyền dạy môn nghệ thuật này. Ngoài Tây Ban Cầm, anh còn đàn Accordéon, Piano, Guitare Hawaienne, Mandoline, Đàn Bầu… Anh yêu thích và chơi từ nhạc cổ điển Tây phương cho đến Jazz, Rock and Roll.

Trong thời gian học tại trường Pétrus Ký, anh là trưởng ban văn nghệ, mổi năm ban nhạc Pétrus Ký sang trường Gia Long đệm nhạc cho các cô học sinh Gia Long trong ngày phát phần thưởng cuối năm (trong đó có ca sĩ Hoàng Oanh). Thuở ấu thơ anh ưa thích võ nghệ và âm nhạc, anh học võ Tàu từ lúc 9 tuổi, kế tiếp anh học Không Thủ Đạo tới đai đen.

NS Quách Vĩnh Thiện và Phu nhân.
NS Quách Vĩnh Thiện và phu nhân.

Lúc 15 tuổi anh từng đệm đàn Tây Ban Cầm cho những Đại Nhạc Hội Âm Nhạc với các ca sĩ danh tiếng thời ấy như ban Thăng Long, Cao Thái, Thanh Thúy, Elvis Phương, Công Thành… và thành lập ban kích động nhạc tại Sài Gòn vào thập niên 60. Trong thời còn là sinh viên ở Pháp anh đệm đàn cho các ca sĩ Bích Chiêu, Tiny Yong… Anh còn là người có biệt tài lên dây đàn Piano và được công nhận có lổ tai tuyệt đối (l’oreille absolue). Tại Pháp anh được vào Hàn Lâm Viện Pháp về Tây Ban Cầm.

Năm 1996 anh theo học Thiền, sau khi anh cảm nhận định luật Nhân Quả và Sanh Lảo Bệnh Tử, từ đó anh phổ nhạc tâm linh qua thơ của các Thiền Sư: Tô Lục Chuốc Hồng, Lục Tự Khai Minh, Chấn Động Lục Tự Di Đà, Lục Căn Lục Trần…, anh cũng sáng tác rất nhiều nhạc tình cảm như “Paris Tình Nở”, “Gởi Em Lời Nhung Nhớ”, “Tình Không Phai”… Đồng thời anh còn làm nhạc “Pop Music” như “Living On Earth”, “Par Amour”…

Một lần tình cờ anh được dịp đọc quyển sách “Kim Vân Kiều” của cụ Nguyễn Du và thấu hiểu đó là kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam mà UNESCO cũng công nhận là tuyệt tác của nhân loại, anh tự nguyện phổ nhạc toàn bộ tập thơ “Kim Vân Kiều” với 77 bài hát để cho các thế hệ sau có dịp thưởng thức tuyệt tác này qua âm nhạc.

quachvinhthien1

77 bài hát “Kim Vân Kiều” được thể hiện qua 7 CD với các ca sĩ trẻ nhưng giọng hát rất điêu luyện:

CD1 – Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
CD2 – Bên Tình Bên Hiếu
CD3 – Quyến Gió Rũ Mây
CD4 – Tài Tử Giai Nhân
CD5 – Cá Chậu Chim Lồng
CD6 – Hại Nhân Nhân Hại
CD7 – Chữ Tài Chữ Mệnh

Song song với 7 CD trên là 7 CD nhạc hoà tấu Kiều có tựa đề “Le Destin” từ 1 cho đến 7.

Công trình phổ nhạc Kim Vân Kiều là một việc làm rất khó khăn về sáng tác và kỹ thuật vì phải tìm đủ thể loại nhạc để tránh sự lập đi lập lại nhàm chán. Vừa sáng tác vừa hòa âm cho tròn bộ tác phẩm cũa thi hào Nguyễn Du mà vẫn tôn trọng nguyên vẹn không thay đổi một chữ một lời trong tuyệt tác nafy, nên NS Quách Vĩnh Thiện đã bắt đầu công trình từ năm 2005 và hoàn tất vào năm 2009.

Hiện nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đang cùng gia đình sống tại vùng phụ cận Paris, Pháp. (theo NS Trần Quang Hải)

Dưới đây mình có các bài:

– Truyện Kiều: Thơ và Nhạc
– Người kỹ sư phổ nhạc toàn bộ Truyện Kiều

Cùng với toàn bộ 77 clips nhạc “Kim Vân Kiều” và 21 clips nhạc “Chinh Phụ Ngâm” do NS Quách Vĩnh Thiện sáng tác để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn

Túy Phượng

GS TS Nguyễn Thanh Liêm và NS Quách Vĩnh Thiện (2010)
GS TS Nguyễn Thanh Liêm và NS Quách Vĩnh Thiện (2010)

Truyện Kiều: Thơ và Nhạc

(GS TS Nguyễn Thanh Liêm)

Truyện Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du ra đời đến nay đã có trên dưới hai trăm năm. Trong suốt thời gian hai trăm năm đó Truyện Kiều vẫn luôn đứng vững ở vị thế số một trong nền văn học Việt Nam. Cho đến hết thập niên đầu của thế kỷ 21, Đoạn Trường Tân Thanh vẫn được xem như một tác phẩm vô tiền tuyệt hậu, có nghĩa là trước đó chưa có và sau đó cũng chưa có một tác phẩm nào khác ngang bằng hay vượt qua được. Tạo được một tác phẩm như vậy Nguyễn Du quả thật là một thiên tài có một không hai của nền văn chương nước nhà. Từ lúc tác phẩm này ra đời đến giờ không biết đã có bao nhiêu người đọc, đã có bao nhiêu người học và thuộc lòng?

Không có con số thống kê để biết rõ, nhưng theo sự ước tính của nhiều học giả, giáo sư, nhà văn, nhà thơ thì con số đó có thể, nếu không đến một trăm phần trăm, thì cũng phải tám chín mươi phần trăm dân chúng. Nói như một nhà văn thời tiền chiến thì “Từ xưa đến nay, không có quyển chuyện nào phổ thông cho một nước bằng chuyện Kiều, từ bực tài cao học rộng cho đến người chí thiển học sơ, từ bực khuê các giai nhân cho đến con sen, con đỏ, ai cũng xem, ai cũng đọc, ai cũng ngâm nga, mỗi người đọc một cách, hiểu một cách, thích một cách. Nhiều người đọc đến đem ra làm vật dụng hằng ngày: người ta mừng nhau bằng Kiều, khóc nhau cũng bằng Kiều, chuyện Kiều là sách đố, chuyện Kiều là sách bói…” (Song An Hoàng Ngọc Phách, bài đọc ở hội Khuyến Học Bắc Ninh, 1935). Đó là tình trạng người ta biết và thích Truyện Kiều hồi trước 1945.

Sau này, vì chiến tranh, loạn ly, vì thời thế và tình hình chính trị không cho phép cho nên số người đọc Truyện Kiều, thưởng thức tài nghệ của Nguyễn Du có phần giảm bớt. Riêng ở Miền Nam tự do, việc dạy Đoạn Trường Tân Thanh trong học đường, cũng như việc nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn được giới trí thức đặc biệt chú ý trước biến cố lịch sử 1975.

Từ sau 1975 đến nay trong sinh hoạt văn hoá của người Việt hải ngoại, Nguyễn Du với Truyện Kiều, cũng như những tác giả khác trong văn học Việt Nam, ít có cơ hội được nói tới. Tuy nhiên trong thầm lặng vẫn có một ít người nhớ và nghĩ tới Đoạn Trường Tân Thanh và tác giả của nó. Trong những năm 2003, 2004, 2005, tập san Dòng Việt ở Nam Cali cho ra đời 3 Tuyển Tập Phê Bình Đoạn Trường Tân Thanh với cả thảy gần bảy mươi (đúng ra là 68) bài viết của nhiều học giả, giáo sư, văn thi sĩ, từ xưa đến giờ. Thật ra thì 68 bài viết mới chỉ là con số nhỏ đối với khoảng trên dưới 600 bài về Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh theo tin tức thu lượm được. Trong lúc đó, ở lãnh vực khác của nghệ thuật, lại có một người đã ròng rã gần năm năm trời đem hết tài năng của mình ra phổ nhạc trọn cả tác phẩm hơn ba ngàn câu thơ lục bát của Nguyễn Du, kết thành một bộ đĩa 7 CDs với 77 bản nhạc về Kim Vân Kiều. Người đó là kỹ sư/nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện mà Hàn Lâm Viện Âu Châu gần đây vừa mời làm thành viên sau khi tác phẩm Kim Vân Kiều, của nhạc sĩ hoàn thành.

Bỏ ra gần năm năm trời, ròng rã sáng tác để phổ hơn ba ngàn câu thơ lục bát của Nguyễn Du thành 77 bản nhạc, Quách Vĩnh Thiện đã hoàn thành một công trình nghệ thuật thật vĩ đại. Từ trước đến giờ chưa có một nhạc sĩ nào làm được việc đó, và về sau cũng chưa chắc sẽ có người làm nổi việc này. Ở đây không phải chỉ có đủ kiên nhẫn, chịu khó làm việc, hay có động cơ ham muốn thúc đẩy, mà còn phải có óc sáng tạo, tính nhạy cảm, óc tưởng tượng, năng khiếu âm nhạc, và nhất là lòng thương cảm đối với Đoạn Trường Tân Thanh và nhất là với thiên tài Nguyễn Du. “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” Câu hỏi của Nguyễn Du khi ông khóc cho nàng Tiểu Thanh đã có câu trả lời từ sau khi tác phẩm bất hủ của ông ra đời. Từ Mộng Liên Đường chủ nhân đến Chu Mạnh Trinh và nhiều văn thi sĩ sau này đã có nhiều người chia sự thương cảm của ông đối với người tài tử, giai nhân, hay nói rộng ra, con người ở trên trần gian này. “Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?”.

Thật sự nếu nghĩ cho kỹ thì đâu có phải chỉ tài tử, giai nhân mới bị định mệnh vùi dập, mà hể đã là người thì phần đông người ta đều bị khốn khổ vì định mệnh, đều bị chung số phận “bạc mệnh” như nhau. Nếu ở địa hạt văn chương đã có người thương cảm khóc với Tố Như, thì ở địa hạt âm nhạc nay cũng có người đồng cảm. Quách Vĩnh Thiện chính là người đồng cảm đó. Bảy mươi bảy bản đàn phổ từ toàn tác phẩm ĐTTT đã nói lên điều đó.

Sách “Truyện Kiều: Thơ và Nhạc” ra đời hôm nay vừa để vinh danh thiên tài Nguyễn Du sau gần, hay trên, hai trăm năm ĐTTT ra đời, vừa đánh dấu sự xuất hiện tác phẩm phổ nhạc Kim Vân Kiều của Quách Vĩnh Thiện. Cho nên sách gồm hai phần chính: Phần Một chứa đựng trên 20 bài viết của các học giả, giáo sư, văn thi sĩ nổi tiếng từ trước tới giờ về thiên tài Nguyễn Du và tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, và Phần Hai gồm 10 bài viết về nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện và tác phẩm phổ nhạc Kim Vân Kiều của người nhạc sĩ/Hàn Lâm Viện sĩ này.

Về Phần Một, vì điều kiện và phương tiện hạn chế, chúng tôi chỉ xin đăng một số ít bài xem như tiêu biểu cho một số khuynh hướng/quan điểm quan trọng mà thôi. Từ trước đến giờ đã có rất nhiều bài viết có giá trị về tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh và tác giả Nguyễn Du. Sự lựa chọn một ít bài của chúng tôi ở đây hoàn toàn chủ quan, và không theo những tiêu chuẩn khoa học nào cả. Có điều những bài chúng tôi lựa chọn dù là từ nhiều quan điểm cũng như khía cạnh khác nhau, vẫn có một mẫu số chung là góp phần vào việc vinh danh Truyện Kiều là một tuyệt phẩm, một kiệt tác, và Nguyễn Du quả là một thiên tài [1], [2]. Với sức sáng tạo mạnh mẽ, óc tưởng tượng phong phú, một con tim dễ rung cảm, một tâm hồn cao đẹp và với khả năng tổng hợp khéo léo, thiên tài Nguyễn Du đã vận dụng cả vốn văn hoá xã hội mà môi trường và hoàn cảnh đã cung ứng cho ông để dựng nên tác phẩm vô tiền tuyệt hậu.

Từ câu chuyện ngắn của Dư Hoài về một nàng Kiều kỷ nữ, và từ một chương hồi tiểu thuyết 20 hồi của Thanh Tâm Tài Nhân [3], óc sáng tạo của Nguyễn Du đã dựng nên câu chuyện Đoạn Trường Tân Thanh với bao nhiêu tình tiết éo le, khúc chiết, làm nổi bật vai trò phi lý của định mệnh đối với thân phận bi đát của con người. Óc tưởng tượng phong phú đã giúp tác giả tạo nhiều hình ảnh thi ca tuyệt vời trong việc biểu tả các hạng người, các cảnh vật, các tâm trạng vui buồn của nhân vật chính. Tính dễ rung cảm giúp Nguyễn Du tạo ra tâm lý nhân vật Thúy Kiều thật xuất sắc, rất hợp lý với chuỗi cảm nghĩ và hành động đưa đến cuộc đời đầy gian truân, khốn khổ, đầy nước mắt của con người ở mọi nơi, mọi lúc.

Nguyễn Du có học kinh sách của Nho gia, nhưng không bắt buộc phải theo đúng con đường của Trình Tử hay Chu Tử.

Nguyễn Du có đọc có thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, nhưng ông không bắt buộc phải đi đúng con đường giải thoát của Đức Thích Ca. Ông còn tin ở Trời, ở định mệnh, ở sự sắp đặt của Trời cũng như tin ở nhân quả nghiệp báo, như đa số người dân Việt cùng tin. Tinh thần cao đẹp đã giúp ông vượt qua tư tưởng của riêng một tôn giáo để đi đến tinh thần tổng hợp tam giáo, vượt qua khung cảnh của Việt Nam thế kỷ 19 để đi đến tinh thần nhân bản với hình ảnh của cuộc đời và con người ở mọi nơi, mọi lúc. Tác phẩm của ông có giá trị ngàn đời, và có giá trị trên nhiều nước ngoài Việt Nam. Hơn hai mươi bài viết trong Phần Một sẽ cung ứng nhiều bằng chứng cho thiên tài Nguyễn Du và tác phẩm bất hủ Đoạn Trường Tân Thanh như vừa trình bày. Ban biên tập sách này xin hết lòng cám ơn các tác giả có bài viết đăng trong Phần Một này nếu chúng tôi không liên lạc được với tác giả để xin phép.

Phần Hai gồm những bài nói về tác giả Quách Vĩnh Thiện và về công trình phổ nhạc lớn lao của nhạc sĩ. “Nhân bất phong sương vị lão tài”, cuộc đời từng trải phong sương dâu bể của người nhạc sĩ được Thanh Vân vẽ lại khá đầy đủ. Dòng nhạc Quách Vĩnh Thiện đi vào Đoạn Trường Tân Thanh, óc sáng tạo của tác giả, tâm hồn dễ rung cảm, lòng thương cảm của tác giả đối với thiên tài Nguyễn Du và thân phận bạc mệnh của Thúy Kiều, sẽ được các nhạc sĩ, giáo sư, nổi tiếng như Trần Văn Khê, Lê Mộng Nguyên, Trần Quang Hải, Anh Bằng, Cao Minh Hưng, Đỗ Bình, Nguyễn Văn Huy, Trọng Minh, Dáng Thơ và Việt Hải nói đến đầy đủ trong Phần Hai của quyển sách. Ban biên tập xin có lời cám ơn chân thành gởi đến tất cả quý vị.

Nhân vô thập toàn, việc làm của con người, dù có cố gắng đến đâu cũng không tránh hết được những sai lầm, thiếu sót.

Ban biên tập quyển sách này rất mong sự thông cảm của quý độc giả, quý đồng hương, và sự chỉ giáo của quý vị để cho quyển sách được hoàn thiện hơn nếu có cơ hội tái bản.

Phụ chú:

[1] Một số ít nhà phê bình, hoặc đứng ở quan điểm luân lý của nho gia hoặc tựa trên học thuyết mác xít để chỉ trích nội dung của tác phẩm, nhưng không một ai phủ nhận giá trị nghệ thuật của thiên tài Nguyễn Du. Cụ Ngô Đức Kế, trong bài “Luận Về chánh học cùng tà thuyết’ đã có nhận xét rằng: ”Nói về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du thời vẫn là hay thiệt ; song cái lối văn vần ngâm nga ngợi hát, chỉ là một lối trong đạo văn chương, văn tuy hay mà truyện là truyện phong tình thời có vẽ “ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi”, tám chữ ấy không tránh đằng nào cho khỏi. Trong khi đó Nguyễn Bách Khoa viết: “Thế là do yếu tố chiến bại mà nói ra yếu tố đoạn trường của Truyện Kiều. Đã thua, đã thất bại đến đầu hàng, thất bại đến phải tiêu ma, thì sao không đoạn trường cho được?

…Truyện Kiều quả đã chứa đựng một trời sầu thảm và ai oán không bờ bến”. Thật ra thì những sầu oán, bi thương, những thất bại khổ đau của con người, hay nhân vật trong tác phẩm văn chương thuộc về đề tài của tác phẩm, và đề tài không phải nghệ thuật, thành ra thất bại, bi thương, sầu khổ trong Đoạn Trường Tân Thanh không là dấu hiệu của sự thất bại, hay yếu kém về nghệ thuật của tác giả Nguyễn Du.

[2] Mổ xẻ nhân cách, hay tâm lý, hay tâm sinh lý của con người, phần đông các khoa học gia đều chấp nhận có hai yếu tố quyết định. Trước kia thì hai yếu tố đó là di truyền (heredity) và môi trường hay ngoại cảnh (environment).

Ngày nay người ta dung từ ngữ tự nhiên (nature) và giáo dục (nurture) thay vì di truyền và môi trường để gọi hai yếu tố quyết định tâm lý của con người. (Judith Rich Harris: “The nurture assumption”; Peter J. Richerson: “Not by Genes Alone” ; Barbara Rogoff: “The Cultural Nature of Human Development” ; Steven Pinker: “The Blank Slate”)

Yếu tố môi trường /ngoại cảnh hay giáo dục giữ vai trò vô cùng quan trọng. Con người sinh ra và lớn lên trong khuôn khổ văn hoá xã hội nào thì sẽ phải được dạy dỗ, đào tạo nên một phần tử của xã hội, văn hoá đó. Tiến trình xã hội hoá (socialization) qua ba nguồn giáo dục gia đình, học đường, và trường đời, đã cung ứng cho con người cả một kho ngữ vựng (và văn phạm), một hệ thống giá trị xã hội, một nền học thuật tư tưởng, bao nhiều những cách thế xử sự ở đời. Cả một cái vốn văn hoá xã hội mà con người thu nhận được từ những người xung quanh từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành là do quá trình xã hội hoá mà ra. Nếu người ta được sinh ra trong một gia đình thế gia, vọng tộc, có nhiều người (cha mẹ, anh em, họ hàng) khoa bảng, quan trường như Nguyễn Du thì tất nhiên người ta sẽ học được rất nhiều những từ ngữ trí thức, bóng bẩy, lối diễn tả suông sẻ, chải chuốt, cả một ngôn ngữ của một “chi văn hóa” (subculture) đặc biệt của xã hội quan quyền, sang trọng. Khi bước chân vào trường học, chắc chắn Nguyễn Du phải được học với những ông thầy gỉỏi, có tiếng ở trong vùng. Nguyễn Du cũng sẽ có cơ hội đọc nhiều kinh sách, tác phẩm văn chương giá trị, có nhiều dịp trau đổi ý kiến, tư tưởng với những người có học thức, thuộc giới trí thức lúc bấy giờ.

Hệ thống giá trị xã hội, những tư tưởng về thiên mệnh, thuyết chính danh, thuyết trung dung, tư tưởng tu-tề-trị-bình, luân lý tam cương ngũ thường, tứ đức tam tùng của Nho giáo (từ Khổng, Mạnh, đến Trình, Chu), thuyết vô vi, nhàn hạ của Lão Trang, hay Tứ Diệu Đề và Thập Nhị Nhân Duyên cùng với lẽ vô thường, luật nhân quả, nghiệp báo, vv… của Phật giáo, tất cả những tư tưởng/triết lý đó đều có đầy trong ký ức (xem như thư viện tinh thần) của Nguyễn Du. Từ cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19 Thơ Nôm đã đến thời cực thịnh. Các tác phẩm lớn đã ra đời. Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Hoa Tiên truyện đã có mặt trên văn đàn, v.v… Thời ly loạn, cuộc bể dâu, cảnh tranh quyền đoạt lợi trong phủ Chúa triều Lê Mạt, sự nổi dậy của Tây Sơn, sự đánh chiếm Thăng Long của Nguyễn Huệ, sự sụp đổ của nhà Lê, sự thống nhất đất nước của Nguyễn Ánh, tất cả bức tranh bi thảm của người dân Việt thời chiến tranh ly loạn phải hằn sâu trong tâm tư Nguyễn Du. Tất cả những dữ kiện, hình ảnh, tín liệu, tư tưởng đó đều thuộc yếu tố môi trường/hoàn cảnh mà Nguyễn Du đã thu nhận được từ quá trình xã hội hoá.

Đây là yếu tố cần thiết góp phần vào việc dựng nên đời sống tâm lý của Nguyễn Du, nhưng yếu tố quan trọng này chưa phải là đủ để quyết định một thiên tài. Các khoa học gia nghiên cứu về di truyền, về genes, về cấu trúc não bộ của con người cho biết những yếu tố này có phần quyết định trong đời sống tâm lý của con người nhưng không thể nói được bộ óc hay genes của một thiên tài khác với người thường như thế nào? Những trắc nghiệm tâm lý thường dùng ở Mỹ bây giờ như Stanford Binet, những aptitude tests, những interest inventories có thể cho biết chỉ số IQ, số điểm percentiles ở một địa hạt nào, hay sở thích của người ta ra sao, v.v… nhưng cũng không trắc nghiệm được một thiên tài.

Tuy nhiên một số các nhà tâm lý có thể nhận ra những hoạt động tâm lý vượt trội của một thiên tài ở địa hạt nghệ thuật như óc sáng tạo, óc tưởng tượng, khả năng phân tích/tổng hợp, trực giác, tính nhạy cảm (dễ cảm xúc), v.v…

[3] Câu chuyện có thể là một vay mượn, có thể lấy từ chuyện phong tình của Dư Hoài hay Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa nhưng đây không phải là một tác phẩm dịch mà là một tác phảm có phần sáng tạo quan trọng của Nguyễn Du. Chuyện của Dư Hoài chỉ là câu chuyện ngắn có mấy trang kể lại cuộc đời của một ca kỷ có thật ở trên đời tên là là Vương Thúy Kiều. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là một quyển chương hồi tiểu thuyết gồm 20 hồi. Ở đầu mỗi hồi có 2 câu đối làm tiểu đề như phần nhiều những truyện Tàu mà ta thường thấy. Truyện Kiều của Nguyễn Du có tất cả 3254 câu lục bát, không phân thành hồi như chương hồi tiểu thuyết. Thành ra Nguyễn Du sáng tác hay phóng tác nhiều hơn là dịch thuật. Đã sáng tác, hay dù là phóng tác đi nữa thì yếu tố sáng tác, yếu tố tạo cái gì mới mẻ vẫn có ở nơi tác giả.

KS/NS Quách Vĩnh Thiện, viện sĩ hàn lâm viện Âu Châu, người đã bỏ ra 5 năm để phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
KS/NS Quách Vĩnh Thiện, viện sĩ hàn lâm viện Âu Châu, người đã bỏ ra 5 năm để phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Người kỹ sư phổ nhạc toàn bộ Truyện Kiều

(Ngọc Lan-Người Việt)

WESTMINSTER (NV) – Cho đến thời điểm này, có lẽ bài hát được xem là dài nhất thế giới, chứa trong 7 đĩa CD, có độ dài tổng cộng hơn 8 giờ, chính là “ca khúc” Kim Vân Kiều, thơ của đại thi hào Nguyễn Du, do kỹ sư-nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc.

Công trình phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều được Viện Hàn Lâm Khoa Học, Nghệ Thuật, Văn Chương Châu Âu ghi nhận, và công nhận người nhạc sĩ đã dành ra thời gian 5 năm để phổ nhạc tác phẩm vĩ đại này làm viện sĩ vào năm 2009.

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện bắt đầu phổ nhạc Kim Vân Kiều của Nguyễn Du từ năm 2005, và kết thúc “công trình vĩ đại” đó vào năm 2009. Ngay sau đó, ông lại bắt tay vào phổ nhạc một tác phẩm thơ nổi tiếng khác trong văn học Việt Nam, đó là Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm.

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, hiện đang sống tại Pháp, sinh năm 1943 tại Sài Gòn. Từ năm 1964, ông đã sang Pháp du học và tốt nghiệp ngành kỹ sư tin học.

Nhân dịp nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đến Hoa Kỳ và Orange County để giới thiệu ra mắt CD Kim Vân Kiều và Chinh Phụ Ngâm, Người Việt đã có cuộc trò chuyện cùng ông xoay quanh vấn đề này.

-Ngọc Lan (N.V): Xin nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cho biết con đường ông trở thành một nhạc sĩ đã diễn ra như thế nào?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Tôi chơi nhạc từ năm 6 tuổi. Ngoài đàn guitar, tôi còn có thể chơi được đàn accordéon, piano, mandoline, đàn bầu. Có thời gian, tôi chơi chung trong ban Kích Ðộng nhạc của ca sĩ Công Thành, Elvis Phương… Nhạc với tôi không phải là nghề nghiệp chính, mà chỉ là một loại hobby. Năm 20 tuổi được đi du học ở Pháp. Cuối thập niên 60, tôi có học nhạc tại Hàn Lâm Viện Pháp về tây ban cầm.

-Ngọc Lan (N.V): Duyên cớ gì đưa một người kỹ sư như ông đến chỗ quyết định phổ nhạc Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Phổ nhạc Truyện Kiều cũng là một ‘hobby’ của tôi. Tình cờ một lần tôi đọc lại truyện Kim Vân Kiều. Tới câu 890, “Sống nhờ đất khách, thác cho quê người,” thì tự dưng tôi thấy cảm động đến chảy nước mắt.

Tôi tự hỏi: “Tại sao mình không gìn giữ nền văn hóa Việt Nam qua tiếng hát, qua Truyện Kiều?” Truyện Kiều khi đọc có thể khó hiểu, hoặc người ta chỉ đọc một lần. Nhưng qua tiếng hát thì ai cũng có thể thấu hiểu dễ dàng hơn, tạo nên sự rung động và có thể nghe nhiều lần. Từ đó bắt đầu bước vào cuộc phổ nhạc Truyện Kiều.

-Ngọc Lan (N.V): Nhạc sĩ có thể nói rõ hơn về quá trình ông phổ nhạc Truyện Kiều có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Hết sức khó khăn. Trong 5 năm tôi mới phổ nhạc hết được Truyện Kiều.

Suốt thời gian đó, mỗi ngày tôi thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, phổ nhạc đến 7 giờ 30 đi làm việc kỹ sư. Về đến nhà cũng 8, 9 giờ tối, rồi lại phổ nhạc tiếp. Mỗi đêm ngủ có 5 tiếng thôi. Cuối tuần cũng dành thời gian để hòa âm và làm nhạc. Trong 5 năm đó quả thực rất vất vả. Cuối cùng tác phẩm cũng hoàn tất bao gồm 77 bài, chứa trong 7 đĩa CD, tổng cộng độ dài hơn 8 tiếng để nghe.

Trước khi bắt tay vào phổ nhạc, tôi mất 6 tháng để nghiền ngẫm những điều được gửi gắm trong Truyện Kiều. Phải hiểu thấu đáo những từ ngữ, điển tích trong đó thì mới phổ nhạc được chứ không hiểu lời thơ thì nhạc mình không có giá trị gì hết.

Thêm vào đó, Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm, nhiều bản dịch không giống nhau thành ra làm cho mình cảm thấy khó khăn, không thể dựa trên bản này, bỏ bản kia được. Tôi đọc khoảng 30 bản dịch của nhiều người để tìm kiếm chữ phù hợp với bài mình. Chính vì điều này mà hiện nay có nhiều người cho rằng bản phổ nhạc của tôi có thể xem như bản thống nhất tạm thời.

-Ngọc Lan (N.V): Khi phổ nhạc, ông giữ nguyên toàn bộ lời thơ hay viết lại cho phù hợp với khuôn nhạc như những nhạc sĩ khác hay?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Tôi giữ lại tất cả lời thơ, bởi Nguyễn Du đã đắn đo trong từng chữ một, nên nếu mình đổi chữ, có thể đi sai ý của nhà thơ. Với Chinh Phụ Ngâm của Ðoàn Thị Ðiểm, tôi vẫn làm như thế.

-Ngọc Lan (N.V): Nhạc sĩ đã dùng những thể loại nhạc nào cho tác phẩm Kim Vân Kiều?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Lúc đầu tôi tính nếu chỉ làm nhạc ngũ cung thì không thể nào làm hết 77 bài hát được vì cứ lẩn quẩn trong lục bát thì rất khó, rất chán.

Do Truyện Kiều được UNESCO công nhận là di sản thế giới nên tôi nghĩ đến việc tại sao không sử dụng tất cả những điệu nhạc trên thế giới để phổ nhạc? Thế là tôi làm nên 7 đĩa nhạc, mỗi đĩa là một khuynh hướng nhạc khác nhau.

Ðĩa 1, từ câu thơ 1 đến câu 422, mang tên “Trăm năm trong cõi người ta,” tôi sử dụng loại nhạc cổ truyền Việt Nam.

Ðĩa 2, từ câu 423 đến câu 890, mang tên “Bên tình bên hiếu,” tôi sử dụng các thể nhạc ở Âu Châu.

Ðĩa số 3, từ câu 891 đến 1312, tên “Quyến gió rủ mây” và đĩa 4, từ câu 1313 đến 1780, tên “Tài tử giai nhân,” tôi sử dụng các loại nhạc Salsa, Lambada,…

Ðĩa số 5, từ câu 1781 đến 2264, tên “Cá chậu chim lồng,” và đĩa số 6, từ câu 2265 đến 2778, tên “Hại nhân nhân hại,” tôi làm theo thể loại Rock&Roll cho sống động.

Ðĩa cuối cùng tên “Chữ tài chữ mệnh” tôi lại dùng nhạc cổ truyền, nhưng có nét tân thời hơn so với đĩa 1.

Tóm lại, mỗi đĩa đều có sắc thái nhạc khác nhau.

-Ngọc Lan (N.V): Khi chuẩn bị phổ nhạc Truyện Kiều, nhạc sĩ có chia sẻ những cảm xúc của mình với bất kỳ người nào không? Và ý kiến từ những người đó là gì?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Tôi chỉ âm thầm làm một mình. Riêng một số người bạn chí thân thì cho rằng tôi sẽ chết trước khi tôi làm xong truyện Kiều, bởi họ thấy khó quá!

7 CD Kim Vân Kiều, gồm 77 bài, và 2 CD Chinh Phụ Ngâm được nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc với mục đích góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
7 CD Kim Vân Kiều, gồm 77 bài, và 2 CD Chinh Phụ Ngâm được nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc với mục đích góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Mục đích duy nhất của tôi chỉ là muốn đóng góp sức mình vào sự bảo tồn văn hóa Việt Nam mà thôi, nhất là ở hải ngoại. Số tiền mà tôi đã bỏ ra để hoàn thành bộ CD Kim Vân Kiều này bằng với giá tiền một chiếc xe Mercedes đời mới hiện nay.

Nhưng tôi không hề có ý định kiếm lời trong chuyện làm những CD này. Tôi là một kỹ sư, tôi có đủ tiền để sống mà, những tiền còn dư lại thì dốc hết vào đây.

Khi nghe những email, những lời phản hồi từ nhiều người như có người nói hồi nhỏ má tôi ru tôi bằng Truyện Kiều, giờ nghe lại cảm thấy rất xúc động nên muốn nghe mỗi ngày, hay những người trẻ nghe những CD này lại hiểu thêm về văn hóa dân tộc, hay những thầy cô giáo ở Việt Nam đã hướng dẫn học trò mình nghe những CD đó cho những trích đoạn trong sách giáo khoa,…

Những câu chuyên như vậy cũng khiến tôi vui vui.

-Ngọc Lan (N.V): CD Kim Vân Kiều và Chinh Phụ Ngâm đã được giới thiệu ở đâu?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Ðã có ra mắt ở Paris 2 lần, rồi sang Bỉ, sang Ðức. Ở đâu tôi cũng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt. Riêng ở Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều CD Kim Vân Kiều, nhưng không phải do tôi phát hành mà do họ sao chép ra.

Như đã nói từ đầu, tôi làm việc này chỉ vì muốn bảo tồn văn hóa Việt Nam nên chuyện copy, sao chép đó không ảnh hưởng gì đến tôi, phổ biến ra cho nhiều người bài hát này cũng là tốt thôi. Ngay trên website: thienmusic.com của tôi cũng để sẵn những bản mp3 trên đó, ai muốn download xuống cũng được. Ở Mỹ, theo lời mời của Văn đàn Ðồng Tâm và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, tôi sẽ có những buổi giới thiệu những CD này ở San Diego, Orange County, San Jose và ở Houston Tesax từ nay đến cuối tháng 11 này.

-Ngọc Lan (N.V): Trong thời gian 5 năm phổ nhạc Truyện Kiều, có lúc nào ông cảm thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc không?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Nếu nản chí thì tôi đã không làm thêm Chinh Phụ Ngâm, điều này chứng tỏ mình còn hăng say, còn muốn tiếp tục, đúng không? Phổ nhạc Chinh Phụ Ngâm khó hơn Kim Vân Kiều, bởi Chinh Phụ Ngâm ra đời trước Truyện Kiều 71 năm. Chinh Phụ Ngâm làm theo thể song thất lục bát, để giữ nguyên lời đó phổ nhạc rất khó. Sau khi hoàn tất Kim Vân Kiều mới chuyện sang làm Chinh Phụ Ngâm, gồm 2 CD, làm trong 1 năm.

Nhờ bộ truyện phổ nhạc này mà tôi được công nhận vào Hàn Lâm Viện Âu Châu. Hàn Lâm Viện này có 600 người, và 72 người trong số đó được giải Nobel. Khi biết điều đó, tôi mới nhận ra rằng việc mình được ngồi chung với họ quả là một danh dự.

-Ngọc Lan (N.V): Sau Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm, nhạc sĩ còn dự định phổ nhạc tác phẩm nào nữa không?

-NS Quách Vĩnh Thiện: Chắc chắn là tôi không dừng tại đây rồi. Nhưng cũng chưa thể tuyên bố điều gì bây giờ. Tôi muốn giữ sự im lặng cho đến khi một tác phẩm mới chính thức công bố.

oOo

VIETFACESHOW – Quách Vĩnh Thiện – Phần 1:

VIETFACESHOW – Quách Vĩnh Thiện – Phần 2:

Chinh Phụ Ngâm – Toàn bộ – NS Quách Vĩnh Thiện:

 

Kiều History 01 – Les deux soeurs Thúy Kiều et Thúy Vân – Toàn bộ – NS Quách Vĩnh Thiện:

 

5 thoughts on “Tân Nhạc Việt Nam – Nhạc Kim Vân Kiều & Chinh Phụ Ngâm”

  1. Hi Chị Phượng,

    Quá hay, cảm ơn Chị Phuơng.
    Cảm ơn NS Quách Vĩnh Thiện đã phổ nhạc cho tuyệt tác phẩm này của Đại Thi Hào Nguyễn Du.

    Hùng.

    Like

  2. Thật là vinh hạnh được Túy Phượng viết bài Tân Nhạc Việt Nam – Nhạc Kim Vân Kiều & Chinh Phụ Ngâm trên Web Dọt Chuối Non.
    Trong công cuộc bảo tồn Văn Hóa Việt Nam qua âm nhạc để thế hệ mai sau ở Hải Ngoại con cháu chúng ta không quên lãng những tuyệt tác của Dân Tộc Việt Nam.
    Không quên cám ơn lời khen tặng của Hùng.
    Quách Vĩnh Thiện – Paris
    http://www.thienmusic.com
    http://www.youtube.com/user/thienmusic
    Voyage en Images et en Musique :
    http://thienmusic.free.fr/NotaBene.htm

    Like

  3. Thân chào anh Thiện,

    The pleasure is all mine truly. 🙂

    Được đồng hành cùng anh đóng góp trong công cuộc bảo tồn Văn Hóa Việt Nam cho các thế hệ con cháu chúng ta mai sau là niềm vui lớn của mình. Mừng anh đã hoàn thành tâm nguyện.

    Chúc anh và toàn gia đình luôn được hồng ân của các đấng bề trên.

    Túy Phượng.

    Like

Leave a comment