Nhạc cụ cổ truyền VN – Sênh Sứa

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn nhạc cụ Sênh Sứa của người Việt/Kinh.

Sênh Sứa (Cặp Kè) là nhạc khí tự thân vang chỉ có ở Việt Nam, do người Việt/Kinh sáng tạo.

Sênh Sứa là loại phách gồm hai miếng tre giống như hình chiếc lá, chiều dài khoảng 14cm, chiều ngang đoạn giữa khoảng 5cm, bề cật tre là lưng, bề ruột tre là mặt. Thanh âm trong, dòn, có những tiếng rung rất đặc trưng.

Sênh Sứa/Cặp Kè.
Sênh Sứa/Cặp Kè.

Sênh Sứa được sử dụng trong Hát Xẩm. Khi diễn tấu Sênh Sứa nghệ nhân cầm đôi Sênh Sứa trong lòng bàn tay, hai mặt lưng ấp vào nhau, Sênh Sứa thường được sử dụng hai đôi, cầm ở hai tay, với bàn tay điêu luyện, lúc mở lúc nắm vào, lúc rung các ngón tay, lúc tay này nắm tay kia mở, lưng cặp kè gõ vào nhau, tạo nên tiết tấu và hiệu quả âm thanh vui tươi hấp dẫn.

Dưới đây mình có trích đoạn bài “Nhạc cụ thường dùng trong nghệ thuật hát xẩm” cùng với 4 clips diễn tấu Sênh Sứa trong Hát Xẩm để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn

Túy Phượng

(Theo Viện Âm Nhạc)

xam13_sênh sứa

Nhạc cụ thường dùng trong nghệ thuật hát xẩm

Nói đến hát Xẩm, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh một người khiếm thị với cây đàn nhị trên tay, đưa đẩy những tiếng đàn làm nao lòng người nghe. Nhị là một nhạc cụ quan trọng, đóng vai trò chủ đạo không thể thiếu trong nghệ thuật hát Xẩm. Ngay như nghệ nhân Hà Thị Cầu khi kể chuyện đời hát Xẩm của mình cũng không bao giờ quên nhắc về cây nhị. Nhưng bên cạnh nhị còn có nhiều nhạc cụ khác nữa mà chúng ta hiếm khi được nhìn thấy một cách đầy đủ. Một nhóm hát Xẩm đông người mới hay dùng thêm những nhạc cụ khác, còn về cơ bản, bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát Xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh.

xam13_sênh

Sênh

Có hai loại là: Sênh sứa hoặc Sênh tiền.

Sênh tiền: là một cặp phách hai lá bằng gỗ cứng. Lá phách thứ nhất gọi là “lá phách kép“, lá phách thứ hai gọi là “lá phách đơn“. Lá phách kép gồm hai thanh gỗ một dài (25 cm), một ngắn (11 cm) được gắn úp vào nhau bằng một miếng da hay một bản lề. Phía đầu thanh dài có gắn các cọc tiền chinh. Lá phách đơn dài 25 cm có các đường rǎng cưa ở cạnh và ở mặt lá phách.

Khi đánh phách, tay trái cầm lá phách kép, tay phải cầm lá phách đơn vừa đập, vừa ung, vừa quẹt tạo ra các tiết tấu nghe rất rộn ràng. Sênh tiền chủ yếu dùng đệm nhịp điệu ở các dàn nhạc tế, lễ, dàn đại nhạc cung đình và nhạc múa cổ truyền.

Sênh sứa: là loại phách gồm hai miếng tre giống như hình chiếc lá, chiều dài khoảng 14cm, chiều ngang đoạn giữa khoảng 5cm, bề cật tre là lưng, bề ruột tre là mặt. Cặp Kè tiếng trong, dòn, vui tươi, có những tiếng rung rất độc đáo.

Khi biểu diễn Sênh Sứa, người chơi cầm đôi Cặp Kè trong lòng bàn tay, hai mặt lưng ấp vào nhau, cặp kè thường sử dụng hai đôi, cầm ở hai tay, với bàn tay điêu luyện, lúc mở lúc nắm vào, lúc rung các ngón tay, lúc tay này nắm tay kia mở, lưng cặp kè gõ vào nhau, tạo nên tiết tấu và hiệu quả âm thanh hấp dẫn.

Sênh Sứa thường được sử dụng trong Ban nhạc Xẩm, đi cùng với Mõ tre nghe rất bình dị, hài hòa.

Phách.
Phách.

Phách

Phách là nhạc cụ gõ, xuất hiện trong nhiều thể loại ca, múa nhạc ở Việt Nam từ lâu đời. Phách có nhiều loại và tên gọi khác nhau. Trong hát xẩm phách gọi là cặp kè; trong cải lương và dàn nhạc tài tử phách là song lang; trong ca Huế phách là sênh, còn trong dàn nhạc tuồng, đám ma, múa tôn giáo và múa dân gian người ta mới gọi là phách…

Nhiệm vụ của phách là giữ nhịp cho dàn nhạc, người hát hoặc múa. Nhịp của phách đơn giản trong cải lương, nhưng phức tạp và biến tấu trong những dàn nhạc sân khấu.

oOo

Sênh Sứa & Phách trong Xẩm Thập Ân – NNƯT Hà Thị Cầu:

 

Sênh Sứa trong Xẩm Chợ Đồng Xuân – NSND Xuân Hoạch & NSƯT Thanh Ngoan :

 

Sênh Sứa trong Xẩm Cô Hàng Nước – NSƯT Thanh Ngoan & Tuyết Hoa:

 

Sênh Sứa trong Xẩm Phồn Huê – NSND Xuân Hoạch:

 

Leave a comment