30 tháng 4, 1975

Sài Gòn – thứ Bảy – 8:30 AM – ngày 26 tháng 4, 1975 – tôi đến trụ sở công ty xuất nhập cảng Asian Development Corporation nằm ở Đại lộ Nguyễn Huệ, nơi tôi làm việc, để lấy tập hồ sơ công tra tôi bỏ quên và chuẩn bị ra phi trường bay đi công tác ở Rạch Giá theo chu kỳ đã được ấn định trước như thường lệ.

Khóa xe gửi xong tôi thư thả bước qua phòng tiếp tân của công ty để vào phòng làm việc của tôi. Vừa đến trước cửa phòng, đưa tay đẩy cửa, thì đột nhiên tôi nghe tiếng gọi của ông phó giám đốc công ty và là xếp của tôi, Mr. Nigel Hogge, từ cửa phòng của ông bên cạnh:

– Phượng, come in to my office please. We need to talk.

Tôi hơi thảng thốt vì tiếng gọi đột ngột có vẻ bất bình thường của ông xếp, nhưng vội bước theo chân ông vào phòng lòng thầm nghĩ chắc lại có điều gì không ổn có liên quan đến công việc của mình. Ông Nigel bước đến ngồi xuống ghế làm việc thường ngày của ông vừa chỉ tay bảo tôi hãy ngồi xuống ghế trước mặt với khuôn mặt nghiêm trọng:

– Sit down please.

Đại lộ Nguyễn Huệ, từ hướng Tòa Đô Chính nhìn ra Bến Bạch Đằng, thập niên 1970s. Văn phòng ADC nơi tác giả làm việc là building cao nhất bên tay trái.
Đại lộ Nguyễn Huệ, từ hướng Tòa Đô Chính nhìn ra Bến Bạch Đằng, thập niên 1970s. Văn phòng ADC nơi tác giả làm việc là building cao nhất bên tay trái.

Lại thêm một điều bất thường khác từ ông Nigel. Thái độ của ông hôm nay làm tôi thêm bối rối vì nó quá khác thường với tính tình cởi mở dễ mến của ông đối với tất cả nhân viên hàng ngày. Tôi không yên tâm nên thay vì ngồi xuống ghế như ông bảo tôi vẫn đứng trước mặt ông và hỏi:

– What happened? Have I done something wrong?

– You need to sit down first before we talk. Ông Nigel nói tiếp.

Tôi vội ngồi ngay xuống ghế ngước nhìn ông rồi chờ đợi…

Ông Nigel ngồi ngiêng người về phía trước, hai bàn tay ông đan ngón nắm chặt nhau gác trên mặt bàn, mắt ông nhìn tôi chăm chăm không chớp. Đây là một tư thế theo thói quen của ông mỗi khi ông có việc nghiêm trọng trong những buổi họp mặt của công ty hàng tuần. Giọng ông cất lên liên tục:

– Listen… I want your undivided attention okay…
The Embassy’s red light is on…
The communist will come in and take over Sai Gon and the South…
No buts, no ifs about it…
The North’s army is not too far from Sai Gon’s perimeter at the moment…
Our company will pull out…
We are going home…
You are one of us…
You have been a good employee and you have served our company well…
Because of your involvement with us… your safety is our concern…
It’s not safe for you to stay here when the communist comes in…
We would like to take you home with us to the US… including your family members…
You don’t have to go to Rach Gia today… Just go home and talk it over with your family…
You have 36 hours from now, to give me your decision…
Here is the paperwork for your family members…
Just fill them out and give it back to me before the 28th…
And Phượng… this is a one way ticket… there is no return…
That means you and your family will live in the US for good…

Nói đến đây ông dừng lại thở dài cùng lúc đưa cho tôi một bao thư hồ sơ lớn trên bàn của ông.

Khởi thủy đường Nguyễn Huệ là 1 con kênh dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835). Người Pháp gọi là Kênh Grand, người Việt gọi là Kênh Chợ Vải.
Khởi thủy đường Nguyễn Huệ là 1 con kênh dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835). Người Pháp gọi là Kênh Grand, người Việt gọi là Kênh Chợ Vải.

Phần tôi từ nãy giờ người cứ như không còn cảm giác. Tai tôi lùng bùng nghe tiếng được tiếng mất. Tay chân tôi cứ di động bần bật không thể chế kềm. Nước mắt tôi rơi liên miên làm tôi nghe ấm từ má xuống đến tận cổ. Toàn thân tôi nhẹ tưng khiến tôi phải tựa phệt nhoài người ra phía sau lưng chiếc ghế tôi đang ngồi. Miệng tôi lấp bấp:

– Why?

Ông Nigel đứng lên bước đến đưa tay vịn vai tôi trong cái nhìn ái ngại nói tiếp:

– I know. I’m so sorry. I’m as shocked as you are, but we don’t have a choice in the matter here. This is the only thing that we can do for you now and I’m counting on you to know your situation best. Hopefully you will make the right decision for yourself and your family. Just go home now and talk it over with your family and please get back to me with your decision one way or the other as soon as you’re able to.

Tôi chỉ còn biết gật gật đầu và cám ơn ông. Hình như tôi không còn năng lực để di động. Tôi phải làm gì trước bây giờ? Tôi phải về nhà ngoại tôi ở Gò Công trước? Hay tôi phải về nhà mẹ tôi ở Tây Ninh trước? Tôi chỉ có 36 giờ để tụ hội mọi thành viên trong gia đình lại để nói chuyện với họ về một quyết định cho một chuyến đi định cư ở một xứ sở hoàn toàn xa lạ có thể thay đổi đời sống của họ và tôi vĩnh viễn. Ngoại tôi không biết Anh ngữ. Mẹ tôi cũng thế. Làm sao mà ông ngoại tôi lại có thể từ bỏ mồ mã của bà ngoại tôi mà ông đã gần gũi chăm sóc cả đời ông. Làm sao mẹ tôi có thể bỏ ông ngoại tôi ở lại một mình trong khi ông là điểm tựa cho bà một đời và hai cha con họ chưa hề rời xa nhau nữa bước? Làm sao tôi có thể bỏ rơi họ ở lại trong khi cuộc sống của họ từ giờ trở đi hoàn toàn lệ thuộc vào tôi. Còn chồng tôi và gia đình nhà chồng với đàn em nhỏ dại. Làm sao để chồng tôi có thể tin rằng sự an nguy của bản thân anh ấy và tất cả mọi thành viên trong gia đình sẽ tùy thuộc vào quyết định của hai chúng tôi? Làm sao để chồng tôi tin rằng Sài Gòn sẽ mất trong một thời gian rất ngắn? Cái đầu tôi đang lan man liên tục với bao suy tưởng thì giọng ông Nigel lại vang lên:

– Do you need me to call a taxi for you or are you okay to drive home yourself?

Tôi xin ông Nigel cho tôi ngồi lại thêm chốc lát rồi tôi sẽ tự về nhà được. Ông gật đầu vỗ vai tôi rồi kêu cô thư ký đem cho tôi ly nước:

– Sure, take your time, and if anything else that I can do, please let me know.

Rồi ông cho tôi lời cảnh báo cuối cùng:

– Please do not talk to anybody else about what I’ve just told you, just your family only, because if you talk to the wrong people, they will put you in jail for good, and I don’t want them to put you in jail.

Tôi gật đầu trong bấn loạn.

oOo

Dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner (đường bên phải trong ảnh), hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly.
Dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner (đường bên phải trong ảnh), hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly.

Trên đường về nhà tôi để ý quan sát quan cảnh xung quanh tôi thận trọng hơn thường ngày nhưng tôi thấy Sài Gòn hôm ấy vẫn không có gì khác lạ. Đại lộ Nguyễn Huệ vẫn những kiosks dẫy đầy hàng hóa. Đại lộ Lê Lợi vẫn các quày và nhà sách nổi tiếng mà tôi hay thích ghé thường xuyên. Chợ Bến Thành vẫn không ngớt người qua kẻ lại. Đại lộ Công Lý với dòng người tấp nập ngược xuôi. Sài Gòn thương yêu của tôi sao lại có thể mất như ông Nigel đã nói được.

Từ nhỏ tới lớn tôi không hề để ý đến chuyện chiến tranh và tình hình chính trị về chuyện nội chiến giữa hai miền Nam & Bắc, Việt Nam. Một phần vì tôi không ưa thích chuyện chính trị, phần khác vì tôi cũng không ưa thích chuyện chiến tranh. Vả lại, tôi không có được cái xa xỉ để lo bất cứ gì khác ngoài việc lo có đủ thức ăn hàng ngày cho gia đình tôi. Hơn thế, do nơi chiến tranh mà cả gia đình nhà tôi, ngoại tôi, mẹ tôi, em tôi, và bản thân tôi phải trải nghiệm nhiều tai ách trong thời chiến. Có những tai ách xảy ra cho tôi từ năm tôi 10 tuổi đến năm tôi 19 tuổi vẫn còn ảnh hưởng tôi mãi tận giờ.

Làm thân con gái trong thời chiến tranh, và là con gái trưởng, trong một gia đình mẹ góa con côi từ nhỏ nên tôi chỉ biết lo học hành tử tế đến nơi đến chốn để về sau còn có khả năng phụ giúp mẹ tôi lo cho ngoại và em tôi cuộc sống được ổn định. Học hành tốt nghiệp xong xuôi tôi may mắn có cô bạn gái rất thân học cùng lớp giới thiệu giúp tôi có một công việc ổn định với công ty Asian Development Corporation ở Sài Gòn. Thời lớn lên đó của tôi, có được một công việc tốt với số lương ổn định hàng tháng sau khi tốt nghiệp là niềm mơ ước của rất nhiều người kể cả trai lẫn gái.

Chợ Bến Thành thời Pháp thuộc.
Chợ Bến Thành thời Pháp thuộc.

Tôi đinh ninh đời sống gia đình tôi đã được ổn định nhờ vào công việc của tôi với ADC. Nhưng thật tôi không thể nào ngờ được rằng việc tôi làm nhân viên cho ADC đã liệt kê tôi vào danh sách “làm việc cho Mỹ” đối với phe miền Bắc. Thế nên việc tôi phải bỏ xứ ra đi theo công ty của tôi là một chuyện phải đành. Giờ thì tôi phải dùng 36 giờ còn lại để tụ hội gia đình rồi quyết định.

Quả đúng như tôi dự đoán. Tôi không thuyết phục được mẹ chồng vì mẹ không muốn đi đâu. Chồng tôi thì cũng không đi vì anh ấy cảm thấy còn trách nhiệm với chính phủ miền Nam. Nhưng anh đồng ý bảo tôi cứ đem con đi trước cho an toàn, sau này có gì thì một mình anh đi dễ hơn.

Đến chiều tôi chạy về quê ngoại ở Gò Công gặp ngoại tôi vì ông là người xưa nay luôn hướng dẫn tôi mọi điều trong cuộc sống mỗi khi tôi rối rắm. Ngoại tôi từ chối không theo tôi vì lý do ông đã lớn tuổi sẽ không giúp được gì cho tôi mà còn là một gánh nặng không cần thiết, nhưng quyết liệt khuyên tôi phải nhanh chóng trở về Sài Gòn theo công ty đi Mỹ, đơn giản chỉ vì khi tôi còn sống sót thì tôi mới có thể tiếp tục giúp đỡ mọi người trong gia đình sau này. Còn nếu như tôi chết đi rồi thì tôi sẽ không thể giúp gì cho ai được hết. Ông còn bảo tôi cứ yên tâm ra đi, người nào trong nhà bây giờ không đi mai mốt cũng sẽ theo tôi nên tôi không cần phải lo toan nhiều. (Giờ này hẳn ông đang mỉm cười hạnh phúc nhìn thấy đám cháu chắt của ông đang sống yên lành hạnh phúc gắn bó bên nhau trên đất nước mà ông là người đã chỉ định cho tôi ngày tôi bỏ xứ)

Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường ở hai bờ lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp. Trong ảnh chúng ta thấy cha ông đang trải nhựa cho con đường mới hết sức cực nhọc bằng phương tiện thủ công.
Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường ở hai bờ lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp. Trong ảnh chúng ta thấy cha ông đang trải nhựa cho con đường mới hết sức cực nhọc bằng phương tiện thủ công.

Rạng sáng ngày 27 tôi lo chạy về nhà ở Tây Ninh để gặp mẹ tôi nói chuyện. Khi đi đến Gò Dầu thì quốc lộ 22 đã bị một đoàn người của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong tư thế tác chiến mang đầy súng ống chiếm đóng, đắp ụ, không cho người dân qua lại. Tôi xin họ cho tôi qua vì tôi cần phải về nhà tìm mẹ tôi ở Tây Ninh. Họ bảo tôi không ai được qua lại trên con lộ này, nếu cải lệnh họ sẽ “bắn bỏ” nên tôi đành phải quay trở lại Sài Gòn.

Về đến Sài Gòn tôi đến gặp ông Nigel và cho ông biết có khả năng là chỉ có tôi và con gái đi với công ty mà thôi vì tôi không thể về nhà gặp mẹ tôi được và tôi cũng không thể thuyết phục được những thành viên khác trong gia đình đồng ý đi cùng tôi. Ông nói sẽ lo thủ tục với Tòa Đại Sứ Mỹ cho tôi, đồng thời ông kêu tôi còn bao nhiêu tiền Việt thì đưa hết cho ông để ông sẽ đổi thành tiền USD ở Tòa Đại Sứ dùm tôi, vì khi đến Mỹ tôi không thể dùng tiền Việt Nam được. Kế đến ông căn dặn tôi đến văn phòng công ty ngày mai (28 tháng 4) lúc 12:00 PM để cùng mọi người ra phi trường Tân Sơn Nhất để bay về Mỹ. Hành lý tôi được cho phép mang theo 20 lbs. Tôi mở ví đưa cho ông số tiền 75,000$, tôi chừa lại một ít làm lộ phí về nhà gặp mẹ.

Sáng sớm ngày 28 tôi tìm đường về nhà mẹ tôi lần nữa nhưng cũng không thể vì ụ đắp của đoàn người MTGPMN vẫn còn chận mọi người ở Gò Dầu. Đợi tìm đường mãi không được, lại sắp đến giờ tôi phải đến điểm hẹn ở công ty với mọi người nên tôi, đành phải quay lại Sài Gòn trong bấn loạn và tìm đến điểm hẹn đúng 12 giờ như ông Nigel đã dặn.

Chợ Bến Thành cũ, hướng nhìn ra đường Kinh Lấp - Charner.
Chợ Bến Thành cũ, hướng nhìn ra đường Kinh Lấp – Charner.

Đại lộ Nguyễn Huệ hôm nay thưa thớt người qua lại. Các cửa hàng kiosks có nhiều cửa đóng. Nơi gửi xe trước cửa vào văn phòng công ty không thấy bóng người và cũng không thấy có xe. Tôi ẳm con bước nhanh trong bầu không gian yên lặng của buổi trưa qua cửa chính. Các thành viên trong công ty mà tôi biết đang ngồi quay quần trong phòng tiếp tân của công ty chờ đợi từ bao giờ. Ông Nigel cũng đã có mặt. Ông mỉm cười chào tôi khi thấy tôi bước vào và đến bên tôi đưa cho tôi $50 USD của ông đổi dùm tôi.

Một chiếc xe buýt của quân đội Mỹ đến đón chúng tôi không lâu sau đó và chở đoàn 11 người trong công ty ADC chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất. Nhìn quanh thành phố Sài Gòn thân yêu của tôi lần cuối để từ giã, lòng tôi chợt chùng xuống với bao nỗi buồn man mác kéo dài suốt chặng đường. Thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông này, nơi tôi sinh ra và lớn lên hơn 20 năm. Nơi đã nuôi dưỡng tôi suốt quãng đời thơ dại cho đến giây phút này. Nơi đã cho tôi một tình yêu đầm thấm mà nhiều người ao ước. Nơi đã giúp tôi trưởng thành trong yêu thương với nền âm nhạc truyền thống cùng với những người thầy. Tôi thật sự sắp mất nó vĩnh viễn thật rồi sao?

Đường ra phi trường mọi người như có vẻ vội vàng hơn mấy ngày trước. Hình như không ai buồn nói đến ai trong những bước đi cúi đầu vội vàng trên đường phố. Thấp thoáng bên vòng đai phi trường có những chiếc xe nhà hình như được bỏ lại đang đậu ngổn ngang không ngay hàng thẳng lối chạy dài đến cổng phi trường. Xe buýt chúng tôi phải dừng lại ở cổng phi trường để cho một nhóm lính người Mỹ vũ trang đầy đủ kiểm tra giấy phép của Tòa Đại Sứ Mỹ, trước khi cho phép chúng tôi vượt qua cổng để đến nơi phi cơ đang chờ đợi.

Trong phi trường đã có vô số người khác đang chờ các chuyến bay của họ. Đúng 4:11 PM đoàn chúng tôi được cho lên một chiếc phi cơ chở hàng của quân đội Mỹ. Chiếc máy bay đi khoảng nhiều giờ đồng hồ, rồi đáp xuống một phi trường quân đội. Xuống máy bay rồi, có vài người lính Mỹ đón dưới chân máy bay và chào: “Welcome to Guam Island”. Lúc đó chúng tôi mới biết đó là đảo Guam, mà chẳng ai biết nó ở đâu.

Đại lộ Charner - Kinh Lấp nhìn về hướng sông Sài Gòn, tòa nhà ta thấy bên phải ngày nay vẫn còn, đó chính là thương xá Tax.
Đại lộ Charner – Kinh Lấp nhìn về hướng sông Sài Gòn, tòa nhà ta thấy bên phải ngày nay vẫn còn, đó chính là thương xá Tax.

Bước chân xuống đảo Guam tôi ngước nhìn đồng hồ thấy hai kim chỉ 10:40 PM (giờ địa phương). Kế đến đoàn chúng tôi được xe buýt của quân đội Mỹ đưa chúng tôi đến một trại quân đội dành riêng cho những người tỵ nạn. Có lẽ đã có cả trăm chiếc lều đóng ở đó. Và chúng tôi được phân phối các đồ dùng cần thiết; mỗi gia đình được cho vào ở trong một chiếc lều.

Bình minh ngày 30 tháng 4, 1975 – tôi bật dậy khi nghe tin ông Dương Văn Minh đầu hàng, quân đội miền Bắc và đoàn xe thiết giáp của họ đã càn phá cổng chính tràn vô Dinh Độc Lập của Sài Gòn. Đất nước của tôi lại bước qua một trang sử mới. Một trang sử mà có lẽ nhiều người Việt trong thế hệ chúng tôi không dễ gì quên. Tôi nhắm mắt cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ lòng lành của tôi xin cho mẹ con tôi, chồng tôi, gia đình hai bên của tôi, bạn bè tôi, quê hương tôi, được thoát khỏi mọi tai ách trong nỗi kinh hoàng lo lắng cho các người thân đang còn kẹt lại.

Khoảng 6 tuần sau đó tôi được đưa vào đất liền nước Mỹ. Rồi khoảng gần 8 tháng sau nữa thì vợ chồng chúng tôi được sum họp đoàn tụ gia đình. (Chồng tôi thoát nạn, ra khỏi Việt Nam ngày 30/4, trong những tình huống ly kì thập tử nhất sinh, nhưng đó lại là một chuyện dài khác). Kết cuộc chúng tôi được định cư vĩnh viễn ở Mỹ và gầy dựng lại từ đầu cho tất cả. 12 năm chờ đợi sau đó gia đình chồng tôi cùng chúng tôi đoàn tụ. Sau 40 năm kiên trì chăm chỉ học tập và làm việc, chúng tôi đã nhận được nhiều ân sủng từ Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Công viên nhỏ rất đẹp trước dinh Xã Tây (nay là UBND TPHCM), vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Công viên nhỏ rất đẹp trước dinh Xã Tây (nay là UBND TPHCM), vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

3 năm đầu tôi không thể liên lạc trực tiếp từ Mỹ qua Việt Nam được với ngoại, mẹ, và em tôi vì lệnh cấm vận của nước Mỹ. Sau khi lệnh cấm vận giải tỏa, liên lạc được về nhà tôi mới hay mẹ và em gái tôi bị một gia đình hàng xóm VC nằm vùng sát bên nhà tố giác tội có thân nhân là “phản động làm việc cho Mỹ” nên được bắt đi vùng kinh tế mới trên núi để lao động khai khẩn đất rừng 3 năm qua và mới được thả cho về, nhưng phải đến phòng tổ trưởng trình báo mỗi ngày. Lý do mẹ và em tôi được thả cho về là vì cả hai đều bị bệnh nặng. Còn ngoại của tôi đã mất sau một cơn bạo bệnh cuối năm 1976. Tang chế của ông được gia đình Bà Chín tôi (em gái của ông) lo liệu giúp vì mẹ và em tôi không thể về nhà.

Em gái tôi kể lại trong thời gian mẹ tôi và em được cho đi khai khẩn đất rừng vùng kinh tế mới em tôi còn bị ban lãnh đạo trại bắt đem nhốt xuống hầm đất kín liên tục 12 tháng vì các tội: có chồng là “quân ngụy” (dù chồng em tôi đã tử trận gần 10 năm trước đó), có chị là “phản động”, và “không tuân theo lệnh”. Khi được thả ra cho về nhà là lúc toàn thân em tôi bị lở loét từ đầu đến chân vì phải ngồi dưới hầm đất kín ẩm ướt nhiều ngày không có ánh sáng. Rất may không lâu sau đó em tôi vượt biên và đoàn tụ với tôi bình an ở Mỹ cho đến giờ.

Theo chính sách mở cửa của VN, năm 1992 tôi mới có thể trở về gặp lại thăm mẹ tôi lần đầu tiên sau ngày tôi bỏ xứ ra đi. (Đó là dịp chồng tôi về dạy luật cho các luật gia ở Bộ Tư Pháp ngoài Hà Nội và Sở Tư Pháp trong Sài Gòn). Khỏi cần phải nói chắc các bạn cũng hiểu mẹ con chúng tôi vui mừng đến dường nào. Mẹ tôi bất tỉnh vì cơn xúc động những tưởng mẹ con không còn được gặp lại. Từ năm 1992 mẹ tôi sống vui hạnh phúc với chị em tôi và các con cháu mỗi năm 1 lần trong những ngày chúng tôi nghỉ phép cho đến khi bà mất vì bệnh năm 2004.

Vào thập niên 50, Đại Lộ Charner - Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông - Sài Gòn. Trên không ảnh chúng ta có thể thấy đàng xa là hai tháp chuông của nhà thờ Đức Bà.
Vào thập niên 50, Đại Lộ Charner – Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông – Sài Gòn. Trên không ảnh chúng ta có thể thấy đàng xa là hai tháp chuông của nhà thờ Đức Bà.

30 tháng 4, 1975 là những thành số luôn canh cánh bên tôi và cho tôi những nỗi vui buồn lẫn lộn, những chuyện nằm sâu trong ký ức khó diễn tả mỗi khi được nhắc đến trong nhiều năm.

Nhưng những năm gần đây mỗi khi ôn lại từng chặng đường đi qua trong đời, tôi nhận biết không thể lầm lẫn tôi luôn được Chúa Cha và Đức Mẹ lòng lành của tôi sắp xếp mọi sự cho tôi và luôn ở bên cạnh bảo vệ tôi từng bước một trong mọi tình huống.

30 tháng 4, 1975 đối với tôi hiện nay là một ấn tích của ân phúc, cho tôi biết tri ân các đấng quyền năng đã ban cho tôi và các thành viên trong gia đình tôi hạnh phúc an vui trong cuộc sống mỗi ngày trên đất nước thân yêu thứ hai này cùng những tấm lòng nhân ái vượt bực khắp chốn, và từ đó đến nay gia đình chúng tôi không một ai còn nhìn thấy và biết đến chiến tranh là gì nữa.

Tạ ơn Chúa Cha của tôi. Tạ ơn Đức Mẹ của tôi.

Trần Lê Túy Phượng
27.4.2015
Washington DC, USA

21 thoughts on “30 tháng 4, 1975”

  1. Em cảm ơn câu chuyện của chị, với thật nhiều hình ảnh và chi tiết, giúp em như nhìn thấy Sài Gòn xưa qua lời kể của chị, hiểu hơn về suy nghĩ và tình cảm của những người miền Nam trong sự kiện 30/4/1975.

    Chỉ khi hiểu rõ những việc đã xảy ra, qua những câu chuyện, những mảnh đời thực như thế này, em nghĩ rằng hòa giải hòa hợp dân tộc mới có thể thực hiện được mà không chỉ là những lời nói chót lưỡi đầu môi.

    Em sinh ra sau thời chiến, biết rõ sự phân biệt đối xử và nặng nề về “lý lịch gia đình”, nhưng giống như bao nhiêu đứa trẻ ngây thơ khác, chỉ nhìn vậy, biết vậy nhưng không hiểu rằng điều đó xoáy sâu vào sự chia rẽ dân tộc. Em những tưởng rằng thế hệ nào chịu trách nhiệm về việc làm của thế hệ ấy, và đến thế hệ của em thì gần như không còn chia rẽ gì nữa cả, bằng chứng là em có những người bạn miền Nam rất thân, và cả cơ duyên được gần gũi với Anh chị. Nhưng gánh nặng của sự chia rẽ vẫn oằn lên vai những thế hệ kế tiếp trong tiềm thức, mà việc chối bỏ nó hay nhìn sự việc một cách phiến diện không giúp gì cho sự hòa giải, thấu hiểu hay làm được việc gì đó có ý nghĩa hàn gắn thực sự.

    Dù sao, em cũng chỉ muốn chia sẻ là câu chuyện của chị rất chân thực và đầy cảm xúc, em rất vui vì câu chuyện đã có kết thúc “có hậu”. Em cũng cùng chị Tạ ơn Cha, Tạ ơn Đức Mẹ, và cầu nguyện một kết cục “có hậu” cho Việt Nam.

    em Hường

    Liked by 1 person

  2. Dear Chị Hai

    Em được đọc lại chặng đường 40 năm của Chị Hai đã đi qua với thật nhiều xúc cảm làm em cứ ngỡ như vừa mới xảy ra hôm nay!

    Có lẽ trong cuộc đời ít có cơ hội nào để chị Hai tự đấu tranh với những quyết định của mình gay go đến như vậy?

    Nhưng rồi Tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

    Em M Lành

    Liked by 1 person

  3. Cảm ơn chị Phượng, em rất xúc động khi nghe câu chuyện của chị.
    Em Xuân Duy

    Like

  4. Cảm ơn Chị Phượng đã chia sẽ, Chị rất may mắn có Ông Xếp thương Chị và đặc biệt có Cha, Đức Mẹ đã yêu thương và che chở và vượt qua biến cố 30/4.

    Kết thúc thật có hậu bên Chồng con vì vậy tụi em mới có cơ hội được biết Anh Chị và học rất nhiều từ Anh Chị.

    Thanks God!!!

    Em Tâm

    Like

  5. Hi Thu Hường,

    Sự kiện 30 tháng Tư là một sự kiện lắm đau lòng cho người dân miền Nam không thể nào tránh được em ạ.

    Chính xác như em nghĩ, chỉ khi có sự hiểu biết thấu đáo cho những việc đã xảy ra thì việc hòa hợp hòa giải dân tộc mới có thể thực hiện mà không chỉ là ngoài đầu môi chót lưỡi.

    Dù muốn dù không, thì sự chia rẻ dân tộc vì những chính sách sai lầm không thể nào chối cải theo lịch sử. Nhưng chị luôn nghĩ thế hệ của em là niềm hy vọng không nhỏ cho đất nước mình.

    Cám ơn em đã chia sẻ, cảm thông, luôn đồng hành, luôn hiệp lòng cầu nguyện cùng chị. Lần nào nhắc lại chuyện này là chị đều bị emotional attacked nhiều ngày sau đó. Hèn lâu lắm rồi chị mới nhắc lại ở đây nhân có loạt bài cho ngày 30 tháng 4.

    Ừ, chị cũng hiệp lòng cùng em cầu nguyện cho một kết cuộc “có hậu” cho Việt Nam. Bình an của Cha luôn ở cùng em Hường nghe. XO

    Liked by 1 person

  6. Hi Lành,

    Quả đúng như em nói, trong cuộc đời của chị Hai đó là lần duy nhất trong đời mà chị Hai phải tự đấu tranh với những quyết định cam go sống chết của mình trong vòng 36 giờ đồng hồ. Và chị Hai cầu nguyện xin đừng cho chị Hai có một cơ hội nào khác giống như thế nữa.

    Hèn lâu lắm rồi chị Hai không nhắc đến chuyện này. Lý do là chị Hai sẽ bị emotional attacked nhiều ngày sau đó mỗi khi nhắc lại. Lần này cũng vậy. Tất cả mọi chuyện vẫn rõ mồn một như mới đây đối với chị Hai làm chị Hai chạnh lòng. Chị Hai nhớ nhất là ông Ngoại của chị Hai.

    Chị phải thú nhận là nếu không có Chúa và Mẹ thì có lẽ chị Hai đã chết mất đời rồi chứ không thể nào còn ngồi đây kể lễ láp nháp cho em và các bạn nghe đâu.

    Thật vậy Lành ạ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương với chị.

    Bình an Thiên Chúa luôn ở cùng em Lành nghe. XO

    Liked by 1 person

  7. Hi Tâm,

    Biết bao lâu rồi chị mới dám nhắc lại câu chuyện vì biến cố 30/4 như là một dấu ấn rất sâu trong tiềm thức của chị luôn làm cho chị bị chấn động mỗi khi nói đến.

    Chị tuyệt đối tin rằng vì có Chúa và Đức Mẹ thương chị cho chị làm việc rất tốt cho công ty nên chị mới được Xếp thương tình để rồi giúp đở. Ông Xếp này của chị có một tấm lòng nhân ái vượt bực hơn hẳn người thường đó Tâm. Vì ngoài chị ra ông cũng giúp cho các nhân viên khác có tình cảnh giống như chị vậy.

    Chị cám ơn Tâm đã chia sẻ và luôn đồng hành cùng anh chị. Nguyện xin Thiên Chúa và Đức Mẹ luôn ban ân phúc xuống em và gia đình. XO

    And yes. Thanks be to God !!!

    Liked by 1 person

  8. Chị Phượng, em đọc đi đọc lại bài viết của chị và cảm thấy tim mình như “thắt lại” . Bây giờ em mới tìm ra được từ đó để viết, chứ lúc đầu tiên đọc em bị cảm giác chịu đựng không nổi, em phải bỏ qua rồi hôm sau khi bình tâm hơn mới dám đọc lại… Em không biết nói gì hơn, Cảm ơn chị đã chia sẻ.
    Và cũng như chị, em luôn tin mình được Phật che chở. Nguyện cầu Anh Chị luôn bình an. Đất nước mình được bình an …
    Em Minh Trang

    Like

  9. Hi Minh Trang,

    Chị hết sức xúc động đọc những chia sẻ của em. Chị biết ơn sự cảm thông của em dành cho chị. Trời à, chị chẳng còn nhớ đã bao lâu rồi chị mới được nghe lại từ “thắt lại” của em dùng. Chị rất chi là thích từ này vì hàm ý của nó.

    Cám ơn em đã chúc lành cho anh chị và cho đất nước của mình. Chị nguyện xin mười phương Chư Phật luôn gia hộ cho em và toàn gia đình Trang nhé. XO

    Like

  10. Em cám ơn chị đã chia sẻ.

    Nguyện xin Chúa Cha và Đức Mẹ luôn ban ân phúc cho anh chị và gia đình.

    Like

  11. Hi Lam,

    Chị cũng không khỏi xúc động khi đọc những chia sẻ của Lam. Chị cám ơn em đã ghé thăm và chia sẻ cùng chị.

    Nguyện xin em và toàn gia đình luôn được Thiên Chúa & Đức Mẹ gìn giữ trong an vui.

    Like

  12. Chị Phượng ơi! Em đọc hồi ký của chị mà lòng cảm thấy rất bồi hồi khi nhớ lại những ngày đó với những hồi ức tang thương, và… những năm tháng sau đó.
    Những năm tháng mọi người sống trong thiếu đói, mệt mỏi, lo âu và tương lai mù mịt, vô định.
    Lúc đó chỉ còn biết cậy dựa vào Thiên Chúa mà thôi.
    Yêu Anh Chị và mọi người rất nhiều.
    Xin Chúa hướng dẫn và chúc lành cho các nhà lãnh đạo Việt Nam và toàn Thế giới.
    Xin Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ dân tộc Việt Nam và nước Việt Nam bây giờ và mãi mãi về sau.
    Xin mọi người chúng ta nắm chặt tay nhau với trái tim yêu thương.
    ❤️❤️❤️❤️❤️
    With Love/Quỳnh Như

    Like

  13. Câu chuyện của cô Phượng rất cảm động! Rất chân thực từ con người nhân hậu của cô theo cháu là lý do Sếp Nigel chon cô! Chúc gia đình cô luôn hạnh phúc viên mãn! Chúc Hoa Kỳ và Việt nam thấu hiểu và xích lại gần nhau hơn để những con dân đất Việt dù ở đâu cũng vẫn là những con người Việt nam yêu dấu!

    Like

Leave a comment