Mệnh Lệnh Năng Lượng Bắt Buộc – CHƯƠNG 5 (PHẦN 7)

Người dịch: Nguyễn Thùy Dương

MỆNH LỆNH NĂNG LƯỢNG BẮT BUỘC:
100% TÁI TẠO NGAY BÂY GIỜ

CHƯƠNG 5: NĂNG SUẤT SIÊU TƯỞNG (Phần 7)

5D. SỰ CẢN TRỞ: NHỮNG CƠ HỘI TƯƠNG LAI CHO CÁC QUỐC GIA XUẤT KHẨU NĂNG LƯỢNG

Trong một thời gian dài, chính Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã cản trở các nỗ lực quốc tế để phá bỏ hệ thống năng lượng truyền thống. Điều này được minh chứng tại hội nghị Rio 1992, nơi họ đã bác bỏ đề xuất mà Agenda 21 (Chương trình nghị sự 21 định hướng chiến lược phát triển bền vững – ND) đã phải nêu bật tầm quan trọng đặc biệt của năng lượng tái tạo trong bảo vệ khí hậu thế giới và phát triển kinh tế bền vững. Những quốc gia OPEC sợ rằng việc tập trung vào năng lượng tái tạo ở các nước công nghiệp sẽ gây tổn hại đến những khoản lợi từ xuất khẩu của họ và họ đã đi quá xa đến mức đề xuất rằng những quốc gia công nghiệp chuyển tiếp sang năng lượng tái tạo cần chi trả khoản bồi thường tài chính cho các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Tại những hội nghị khí hậu thế giới bắt đầu từ giữa những năm 90, người ta có thể thấy cách mà những luật gia được trả tiền bởi các công ty dầu mỏ xuyên quốc gia và các nước OPEC liên tục cung cấp cho các đại diện chính phủ những khẩu hiệu trong suốt hội nghị để nhằm ngăn trở đạt được hiệp ước về bảo vệ khí hậu.

Một vài quốc gia xuất khẩu năng lượng này chỉ vừa mới hiểu ra nhu cầu phải chuẩn bị cho “thời điểm sau này”, khi những nguồn dự trữ năng lượng của họ trở nên bị cạn kiệt. Đã có một nỗ lực để thực hiện theo ví dụ của Na Uy, nơi trong nhiều năm đã dành ra một phần lớn thu nhập của mình từ việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt ở Biển Bắc dưới dạng vốn dành cho tương lai. Ở hầu hết các quốc gia xuất khẩu năng lượng, toàn bộ nền kinh tế dựa trên doanh thu xuất khẩu này. Đây là trường hợp không chỉ ở các quốc gia xuất khẩu dầu và khí đốt Ả Rập, mà còn ở các quốc gia như Nga, Venezuela, Mexico và cả Australia, nơi xuất khẩu than đá. Nếu những quốc gia này thất bại trong việc tái cấu trúc nền kinh tế của mình tại thời điểm thích hợp, tất cả sẽ chịu nguy cơ sụp đổ kinh tế khi những nguồn dự trữ của họ cạn kiệt.

Tuy nhiên, những lợi ích của các quốc gia xuất khẩu năng lượng lại cực kì mâu thuẫn. Những lợi ích kinh tế hiện tại thúc đẩy họ trì hoãn càng lâu càng tốt sự thay đổi trong công nghiệp năng lượng – một mục tiêu chung mà họ có cùng các công ty năng lượng.

Trong một vài quốc gia xuất khẩu năng lượng, thiếu đi sự phân biệt chính thức giữa chính phủ và các công ty năng lượng, khi mà khai thác dầu lửa và khí đốt được quốc hữu hóa. Nhưng chính những quốc gia này lại có khả năng điều động tài chính lớn hơn khi nói đến việc đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ảnh hưởng từ những khái niệm như DESERTEC (một dự án quy mô lớn nhằm khai thác năng lượng tái tạo từ nơi có dồi dào nguồn này – như năng lượng mặt trời trên sa mạc, sau đó truyền tải điện cao áp một chiều đến nơi tiêu thụ – ND), một số nước xuất khẩu năng lượng đang cân nhắc việc tiếp tục vai trò xuất khẩu năng lượng của mình nhưng dưới dạng điện năng sản xuất từ nguồn tái tạo, do đó giữ lại cấu trúc cung cấp năng lượng tập trung. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, khái niệm này và khả năng thực hiện chúng là cực kì đáng nghi ngờ, đi ngược lại những đặc điểm cụ thể của năng lượng tái tạo và các công nghệ liên quan.

Liệu có hay không, và bằng cách nào, những quốc gia hiện xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sẽ tham gia vào quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo là một câu hỏi trung tâm, bởi vì, cân nhắc tình hình doanh thu hiện tại, những nước này không chắc là sẽ sẵn sàng hy sinh bằng việc chỉ tập trung thỏa mãn nhu cầu năng lượng nội địa. Vai trò quan trọng của các quốc gia này trong nền kinh tế thế giới, một vai trò đạt được nhờ vào năng lượng họ xuất khẩu từ lâu đã được phản ánh trong những khoản đầu tư hệ thống của họ. Những quốc gia xuất khẩu năng lượng đã sử dụng doanh thu xuất khẩu của mình để mua nhiều cổ phần của các doanh nghiệp từ các nước nhập khẩu năng lượng. Những quốc gia như các tiểu vương quốc Ả Rập (United Arab Emirates UAE) – mà trụ cột là tiểu vương quốc Abu Dhabi, nơi tập trung phần lớn tài nguyên năng lượng, và cả Bahrain, Qatar và Ả rập Saudi đều nhận ra mối quan tâm tương lai của mình đối với năng lượng tái tạo, cũng như Azerbaijan, quốc gia vùng Cáp-ca xuất khẩu dầu lửa và khí đốt không thuộc OPEC.  Cuộc gặp thượng đỉnh về năng lượng thế giới tương lai (The World Future Energy Summit) được tổ chức tại Abu Dhabi năm 2008 là một tín hiệu cho thấy sự tập trung gần đây của các quốc gia xuất khẩu năng lượng vào năng lượng tái tạo.

Một trong những điều trớ trêu của thế kỉ 20 là sự thay đổi cơ bản hơn nữa trong vai trò của các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu năng lượng đang dần mờ nhạt. Phần lớn các quốc gia kể trên trước đây là thuộc địa, bị các nước thực dân sử dụng như nguồn tài nguyên. Sau khi độc lập, sự phụ thuộc kinh tế của họ vào các công ty năng lượng quốc tế và các nước cựu thực dân vẫn còn như ban đầu. Tuy nhiên, giờ đây vai trò của họ đã được giao hoán. Với sự tự tin ngày càng tăng của các nước xuất khẩu năng lượng, sự liên kết của họ thành OPEC, và hơn hết là nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các nước nhập khẩu năng lượng, chính những quốc gia này đang trở nên ngày càng phụ thuộc vào các thuộc địa trước đây của họ. Giờ đây những quốc gia xuất khẩu năng lượng (đang bảo lưu doanh thu của họ) là số ít những quốc gia có đủ khả năng tài chính trả nợ, và chính  những chính phủ thực dân trước kia thường xuyên nhã nhặn viếng thăm để xin xỏ hay để đảm bảo các hợp đồng cho những công ty nước họ. Nếu các nước xuất khẩu năng lượng mong muốn bảo toàn sự thống trị họ mới giành được trong nền kinh tế thế giới thì họ phải nắm lấy cơ hội này ngay bây giờ. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với giả định rằng họ sẽ sử dụng những cơ hội đầu tư phạm vi rộng lớn nổi lên trong giai đoạn hấp hối của hệ thống năng lượng truyền thống để tập trung những chiến lược kinh tế tương lai của mình vào sản xuất công nghệ năng lượng tái tạo mà không đợi đến khi tất cả các nguồn năng lượng truyền thống sẵn có bị cạn kiệt trước.

Hết Chương 5.

© 2014 copyright Verlag Antje Kunstmann GmbH

Permission granted for translating into Vietnamese and publishing solely on dotchuoinon.com for non-commercial purposes.

Bản quyền bản dịch:  dotchuoinon.com

3 thoughts on “Mệnh Lệnh Năng Lượng Bắt Buộc – CHƯƠNG 5 (PHẦN 7)”

  1. Phần này em cảm thấy là phần hay nhất của Chương 5. Đoạn đầu tiên cũng nhắc đến một lý do phổ biến nhất khi nói đến bất kỳ một hiện tượng tiêu cực nào: Động chạm lợi ích. Lý do này ở mức độ cá nhân là biện hộ cho những tiêu cực tham nhũng, ở mức độ quốc gia là bất chấp hậu quả biến đổi khí hậu toàn cầu và ảnh hưởng môi trường.

    “Những quốc gia OPEC sợ rằng việc tập trung vào năng lượng tái tạo ở các nước công nghiệp sẽ gây tổn hại đến những khoản lợi từ xuất khẩu của họ.”

    VN cần có thêm rất nhiều những chuyên gia NLTT cùng với tình yêu môi trường để có thể đưa đất nước ra khỏi cảnh lúng túng và phụ thuộc. Để khi đã có can đảm vay vốn ODA để xây dựng hệ thống năng lượng Mặt trời thì cũng có can đảm đào tạo chuyên gia để sử dụng chúng một cách có ích nhất:

    Dự án chồng dự án, 14 triệu USD nguy cơ thành phế liệu

    Cảm ơn Dương đã dịch tinh thần 100% NLTT rất chuẩn xác,
    e/c Hường

    Like

Leave a comment