Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Khơ Mú

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Dân ca Khmer, mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Khơ Mú hôm nay.

Người Khơ Mú (tên gọi khác: Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy), tiếng Thái: กำหมุ hay กำมุ, là một trong những nhóm sắc tộc lớn nhất sinh sống tại khu vực miền bắc Lào. Họ cũng có thể thấy tại Myanma, Tây nam Trung Hoa (trong châu tự trị Tây Song Bản Nạp thuộc tỉnh Vân Nam), Thái Lan, Việt Nam.

Tại Việt Nam, họ được công nhận là một trong số 54 dân tộc của Việt Nam, tuy nhiên tại Trung Hoa thì họ lại không được công nhận chính thức như là một dân tộc tách biệt mà được đặt trong một thể loại rộng là các nhóm sắc tộc không phân loại. Ngôn ngữ của họ là tiếng Khơ Mú, một ngôn ngữ trong ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á.

Người Khơ Mú tại Lào chủ yếu sống trong tỉnh Luang Prabang và Xiêng Khoảng. Phần lớn các làng mạc của người Khơ Mú là cô lập và có sự phát triển chậm do ở các vùng xa xôi khó khăn. Trong nhiều khu vực, họ sinh sống bên cạnh người H’Mông và các nhóm sắc tộc thiểu số khác.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Khơ Mú ở Việt Nam có dân số 72.929 người, cư trú tại 44 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Khơ Mú cư trú tập trung tại các tỉnh: Nghệ An (35.670 người, chiếm 48,9% tổng số người Khơ Mú tại Việt Nam), Điện Biên (16.200 người), Sơn La (12.576 người), Lai Châu (6.102 người), Yên Bái (1.303 người), Thanh Hóa (781 người).

Sơn nữ Khơ Mú.
Sơn nữ Khơ Mú.

Người Khơ Mú sống chủ yếu bằng kinh tế nương rẫy. Cây trồng chính là ngô, khoai, sắn. Trong canh tác, người Khơ Mú dùng dao, rìu, gậy chọc hốc là chính. Hái lượm săn bắn giữ vị trí quan trọng, nhất là lúc giáp hạt. Người Khơ Mú nuôi gia súc, gia cầm chỉ để phục vụ dịp lễ hội, tiếp khách. Nghề đan lát phát triển. Họ đan các đồ dùng để vận chuyển, chứa lương thực…

Các họ của người Khơ Mú thường mang tên một loài thú, một loài chim hay một thứ cây nào đó. Mỗi dòng họ coi thú, chim, cây ấy là tổ tiên ban đầu của mình và họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này. Mỗi dòng họ có huyền thoại kể về lai lịch của tổ tiên chung, người cùng dòng họ coi nhau là anh em ruột thịt.

Ở gia đình người Khơ Mú, vợ chồng bình đẳng, chung thủy. Người Khơ Mú có tục cưới rể một năm, sau đó mới đưa vợ về nhà mình. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, còn nếu có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố. Người cùng dòng họ không được lấy nhau, nhưng con trai cô được lấy con gái cậu. Trong việc dựng vợ gả chồng và trong cuộc sống gia đình, vai trò của người cậu đối với các cháu rất quan trọng.

Ngoài ra, Một tập quán ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ Mú thuộc họ Rvai (Hổ), đó là nghi lễ cúng ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ Hổ đã diễn lại các động tác của Hổ, vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ Hổ và có nguồn gốc từ Hổ. Với quan niệm Hổ là tổ tiên của mình, người Khơ mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào Hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt Hổ.

Bengal tiger portrait, Bandhavgarh NP, Madhya Pradesh, India

Trong các hội hè, các nghi lễ người hóa trang giống như Hổ. Khi gặp Hổ chết, người Khơ Mú thuộc họ Rvai phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp Hổ. Khi còn sống, người ta kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông Hổ, khi chết, người ta đắp cho chiếc chăn khác màu lông Hổ và đặt chiếc chăn giống màu lông Hổ bên cạnh người chết để hồn được siêu thoát và trở về với Hổ, có nghĩa là về với tổ tiên.

Đến nay ở nhiều vùng người Khơ Mú vẫn còn du canh du cư. Làng bản của họ thường cách xa nhau, nhỏ bé, ít dân. Nhà cửa phần lớn làm sơ sài, đồ dùng trong nhà cũng ít ỏi.

Người Khơ Mú không phát triển nghề dệt vải, nên thường mua quần áo, váy của người Thái để mặc. Sắc thái Khơ Mú thể hiện ở trang phục hầu như đã bị phai mờ tuy trang sức của phụ nữ còn có đôi điểm riêng biệt.

Dân tộc Khơ Mú có vốn truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, họ có nhiều truyện kể về sự tích xuất hiện loài người. Truyện kể lịch sử. Tuy cuộc sống vật chất còn nghèo, nhưng cuộc sống tinh thần, các lễ hội dân gian khá dồi dào và luôn được đồng bào tham gia đông đảo.

Thiếu nữ Khơ Mú trong ngày hội Mah grợ.
Thiếu nữ Khơ Mú trong ngày hội Mah grợ.

Tơm là làn điệu dân ca được nhiều người ưa chuộng nhất. Các nhạc cụ tự tạo cũng khá phong phú như:

– Kèn môi
– Ống gõ
– Đàn
– Trống
– Sáo

Người Khơ Mú có nhiều điệu múa, có cả múa xòe. Cuộc sống tinh thần khá phong phú. Nhị là nhạc cụ được ưa thích hơn cả, làn điệu dân ca quen thuộc nhiều người ưa thích là Tơm. Làn điệu này mang đậm tính sử thi, trữ tình. Cách hát theo kiểu đối đáp.

Một trong những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện đậm đặc ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp lên văn hóa, tín ngưỡng và tính cách dân tộc của người Khơ Mú chính là Nhảy sạp (Tệ khơ liệp). Nhảy sạp của người Khơ Mú thường được tổ chức vào những đêm trăng, sau khi làm đồng áng mệt nhọc và Nhảy sạp thường gắn với Lễ cầu mưa (Khơ co rự mạ).

Người Khơ Mú thích các điệu múa, thổi các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa tự tạo, đặc biệt là thổi kèn môi.

Mưa Rơi (Dân ca Khơ Mú [Xá Cẩu])

Mưa rơi cho cây cối tốt tươi
Búp chen lá trên cành
Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió
Bướm tung cách bay vờn
Bên nương bao tiếng cười trai gái đang nô đùa
Đầu sàn có đôi chim cu đua nhau gáy
Thách đôi én cùng múa vui
Mưa rơi chim ướt cánh bay
Nó sa bẫy trong rừng
Dập dìu ai đi đơm cá bên suối
Nước xô nước ven bờ
Trên nương hương thơm nếp vàng
măng vàng cười hé vươn lên cùng
Ngọt ngào hương thơm
bay bay bay theo gió
Những chim nướng cùng nếp thơm
Nhìn mà no.

NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.

Dưới đây mình có các bài:

– Nhạc Cụ Của Dân Tộc Khơ Mú Tại Tỉnh Nghệ An
– Nhảy sạp của dân tộc Khơ mú và đôi điều về nguồn gốc nhảy sạp
– “Nghệ nhân” trong lòng đồng bào dân tộc Khơ Mú
– Tết cổ truyền của dân tộc Khơ Mú, Yên Bái
– Lễ hội Mah Grợ của dân tộc Khơ Mú
– Yên Bái: Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú
– Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú
– Trang phục dân tộc Khơ Mú

Cùng với 4 clips tổng thể văn hóa dân tộc Khơ Mú để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

km_ĐB1

Nhạc Cụ Của Dân Tộc Khơ Mú Tại Tỉnh Nghệ An

(Tạ Thâm)

Người Khơ mú, còn có tên gọi khác là người Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy, thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Họ sinh sống ở các nước như: Lào, Myanma, Tây Nam Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Ở Nghệ An, người Khơ mú hiện có 34.186 người, chiếm trên 7% tổng số dân là người dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh và sống tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Tây Nghệ là Tương Dương và Kỳ Sơn.

Tiếp tục đến với mảnh đất Nghệ An, Tạ Thâm xin giới thiệu với các bạn các loại nhạc cụ được người Khơ mú sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.Bài viết có tham khảo tư liệu của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Đình Lâm.

Tót tơm là một trong những loại sáo dọc đặc trưng của người Khơ mú, được chế tác từ phần ngọn của một thân cây nứa nhỏ, có chiều dài khoảng 55cm, đường kích phần cuối sáo khoảng 1 đến 1,5cm và thon nhỏ dần cho tới phần đầu là khoảng 0,6cm. Tại phần nhỏ này, người ta tạo lưỡi gà bằng cách khía và tách ngay một lát nứa mỏng có chiều dài khoảng 2,5cm và chiều rộng khoảng 0,3cm. Tót tơm có 4 lỗ bấm cao độ, trong đó 3 lỗ trên mỗi lỗ cách nhau chừng 3cm, 1 lỗ dưới nằm ngay ở phần lỗ đầu tiên cách nhau khoảng 4cm. Lỗ bấm dưới này do ngón tay cái điều khiển. Âm thanh của loại sáo này không trong mà hơi khàn khàn. Ngoài dùng để độc tấu, Tót tơm được sử dụng phổ biến để đệm theo giai điệu của những bài Tơm. Tót tơm do nam giới sử dụng, không dùng trong tang lễ và các lễ tục tín ngưỡng khác.

Th’roông (đàn môi) của người Khơ mú được làm từ một thanh tre hoặc nứa già để khô. Chiều dài của chiếc đàn này khoẳng 14cm, phần rộng nhất của thân đàn khoảng 1,5cm. hình dáng chiếc đàn này cơ bản giống với những chiếc đàn môi bằng kim loại đồng của nhiều dân tộc thiểu số khác. Do đó, hình dáng khi chế tác và phương pháp diễn tấu giữa chúng là giống nhau. Khi biểu diễn, âm thanh của chiếc đàn môi này không vang sâu như những chiếc làm từ kim loại mà nó hơi khàn khàn, cộng với tiếng lách cách của thanh tre tạo ra sự độc đáo riêng. Đàn môi cũng là nhạc cụ không dùng cho mục đích tín ngưỡng. Nhạc cụ này chủ yếu do nam giới sử dụng, dùng độc tấu, đôi khi dùng đệm cho hát trong những dịp hội vui của buôn làng nhằm mục đích giải trí.

Tót mu (sáo mũi) được làm từ thân cây nứa già, nhỏ, có chiều dài trung bình khoảng 60cm, đường kính từ 2 đến 2,5cm. Sáo chỉ có một lỗ duy nhất nằm cách cuối thân sáo khoảng 2cm, lúc thổi cho ra hai cao độ khác nhau. Khi nghe, ta sẽ được nghe một cuộc “đối đáp” giữa hai loại âm thanh: một phát ra từ cây sao và một là những lời hát phát ra từ miệng người biểu diễn. Người ta thổi tót mu theo giai điệu của những bài ru con, hoặc giai điệu của bài Tơm. Tót mu sử dụng trong sinh hoạt giải trí, không dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng.

Đao đao là nhạc cụ tự thân vang, được làm bằng một ống nứa có đường kính trung bình từ 3 đến 4cm, chiều dài khoảng 40 đến 50cm. Phần đầu của nhạc cụ, người ta khoét và cắt hai miếng đối xứng nhau dài khoảng 20cm. Khi diễn tấu, tay phải sẽ cầm phần dưới của nhạc cụ đập phần đầu của nhạc cụ vào lòng bàn tay, âm thanh vang lên từ đó. Tiết tấu của đao đao tạo nhịp cho các bước đi kết hợp với động tác của đôi bàn tay, của cơ thể tạo thành một điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào Khơ mú. Khi diễn tấu, người ta có thể dùng chiêng và trống đệm theo.

Ngoài những nhạc cụ trên, đồng bào Khơ mú còn có:

– Trống
– Chiêng
– Não bạt

Trống của người Khơ mú ở đây chỉ có một loại trống lớn, chiều cao khoảng 55cm, đường kính khoảng 50cm. Chiêng của họ thường dùng ba chiếc loại có núm. Ngoài ra còn một chiếc não bạt bằng nhôm. Những nhạc cụ này được sử dụng trong sinh hoạt giải trí và như những lễ hội truyền thống của bản làng.

km10

Nhảy sạp của dân tộc Khơ mú và đôi điều về nguồn gốc nhảy sạp

Múa sạp xuất hiện từ lâu trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở Tây Bắc. Có rất nhiều dân tộc cùng có điệu múa này nhưng trong mỗi một dân tộc điệu múa này lại có sự khác biệt chủ yếu trong chất liệu múa sạp. Có dân tộc dùng gỗ, có dân tộc dùng tre, nứa…Việc này cũng có thể lý giải được do sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa, nhưng việc xác định nguồn gốc nhảy múa sạp bắt nguồn từ dân tộc nào do chưa có tài liệu ghi chép nên việc xác định hết sức khó khăn. Để truy sâu nguồn gốc nhảy sạp, hiện những người làm công tác nghiên cứu văn hóa đã mạnh dạn đưa ra các kiến giải khác nhau.

Tuy đến Tây Bắc Việt Nam cư trú khá muộn, chịu những ảnh hưởng nhất định về tập quán sản xuất, đời sống vật chất, đời sống tinh thần từ những dân tộc bản địa song người Khơ Mú vẫn giữ được những nét đặc trưng của mình. Một trong những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện đậm đặc ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp lên văn hóa, tín ngưỡng và tính cách dân tộc của người Khơ Mú chính là nhảy sạp (Tệ khơ liệp). Nhảy sạp của người Khơ Mú là sinh hoạt văn hóa có thể được tổ chức vào những đêm trăng, sau khi làm đồng áng mệt nhọc nhưng thông thường, khi nhắc đến nhảy sạp, người ta thường gắn với lễ cầu mưa (Khơ co rự mạ) . Nhảy sạp được tiến hành sau khi lễ cầu mưa (Khơ co rự mạ) kết thúc.

Cũng giống như đa số các dân tộc khác ở Điện Biên, khi hoạt động sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên thì việc thờ cúng các vị thần thiên nhiên liên quan đến sản xuất luôn chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống tâm linh của người Khơ Mú. Lễ cầu mưa được coi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong những nghi lễ mang tính cộng đồng của họ. Lễ cầu mưa của người Khơ Mú được tiến hành vào khoảng tháng 5, tháng 6 khi cả bản đã thực hiện xong công việc chọc lỗ tra hạt – một hình thức gieo hạt đặc trưng của người Khơ Mú nhằm cầu mong các vị thần không cho con chim, con thú rừng vào phá, cầu thổ công, thổ địa phù hộ cho mình cho cây lúa tốt tươi, cây cỏ chết đi và cầu cho cây lúa được nhiều hạt, cầu cho mưa đến nhanh và sớm cho cây lúa, cây ngô được nảy mầm, thóc ngô được đầy bồ, mùa màng bội thu… Sau khi kết thúc phần lễ, cả bản không kể già trẻ, gái trai sẽ cùng nhau nhảy sạp.

Múa Sạp dân tộc Khơ Mú.
Múa Sạp dân tộc Khơ Mú.

Nhảy sạp thường được tiến hành trên một bãi đất trống, thường là cạnh nhà trưởng bản hoặc một người có uy tín. Gậy dùng cho nhảy sạp là cây gậy dùng để làm nương (tiếng Khơ Mú gọi là Itờ). Gậy Itờ là một cây gậy chắc, cứng, thường được làm từ cây thành ngạnh. Gậy to vừa tay người cầm, chiều dài khoảng 2 đến 3 mét. Nếu gậy dài 3 mét thì sẽ dùng được khoảng 2 mùa nương, còn nếu gậy không được như vậy thì có khi một mùa làm nương họ phải sử dụng đến 2, 3 cây gậy Itờ. Gậy Itờ dùng cho đàn ông để chọc lỗ cho phụ nữ tra hạt trên nương.

Cho đến nay, hình thức chọc lỗ tra hạt gần như không còn tồn tại vì người dân Khơ Mú đã thay đổi phương thức canh tác, song xét về ngọn nguồn của nhảy sạp thì cây gậy dùng để làm sạp chính là công cụ lao động. Gậy Itờ trong nhảy sạp được gác lên những cái máng lợn úp liền nhau. Máng lợn rỗng trong lòng khi gõ nhịp sẽ tạo ra âm cộng hưởng to, mạnh mẽ, tạo khí thế tưng bừng, rộn ràng và hưng phấn cao độ cho người tham gia. Có lẽ nhờ vậy mà nhảy sạp của người Khơ Mú thiên về tiết tấu nhanh, mạnh và thể hiện sức sống mạnh mẽ hơn nhiều so với nhảy sạp của các dân tộc khác.

Sự tham gia của gậy Itờ và máng lợn trong nhảy sạp cho thấy mối quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt văn hóa của người Khơ Mú. Mặt khác, chính mối quan hệ này cũng hé mở ra một hướng mới trong việc tìm hiểu về nguồn gốc của nhảy sạp. Phải chăng nhảy sạp bắt nguồn từ dân tộc Khơ Mú, khi mà công việc đồng áng kết thúc, họ sử dụng ngay chính những nông cụ quen thuộc để vui chơi, giải trí?

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng việc nhảy sạp không thể bắt nguồn từ dân tộc Khơ Mú do người Khơ Mú khi di cư sang Tây Bắc chịu thân phận rất thấp, do vậy chỉ có thể là đồng hóa và áp đặt văn hóa chứ không thể có sự giao lưu văn hóa giữa dân tộc có thân phận thấp với dân tộc ở vị trí người làm chủ mà ở đây cụ thể là người Thái. Hơn nữa, hiện nay nhảy sạp cùng với múa xòe trở thành nét sinh hoạt văn hóa hết sức phổ biến và đặc trưng của người Thái. Để minh chứng cho mối quan hệ giữa nhảy sạp và sản xuất nông nghiệp của người Thái, các nhà nghiên cứu phỏng đoán trước kia khi múa sạp người Thái không sử dụng tre nứa như hiện nay mà dùng chiếc chày giã gạo xếp hàng đôi trên hàng gỗ để từng đôi một múa.

Còn luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng nhảy sạp có nguồn gốc từ dân tộc Khơ Mú, bởi lẽ đối với các dân tộc ở Tây Bắc nói riêng và các dân tộc ở các vùng miền núi khác nói chung thì văn hóa rừng vẫn chiếm ưu thế chủ đạo. Một số dân tộc khác tuy chọn việc sinh sống ở vùng thung lũng gần sông suối nhưng vẫn phải dựa rất nhiều vào rừng núi, do vậy các sản phẩm từ rừng núi sẽ vẫn chiếm thế chủ đạo trước khi có sự xuất hiện của các sản phẩm cây trồng.

Sự phân chia giai cấp trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc trước kia cũng chưa thực sự rõ ràng, do đó, sự tiếp biến, giao thoa văn hóa hai chiều giữa các dân tộc là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù sự tiếp nhận văn hóa Thái trong cộng đồng người Khơ Mú là rõ rệt hơn song không loại trừ khả năng ngược lại khi mà văn hóa Khơ Mú mang trong mình những nét đặc trưng, khu biệt và sức sống mạnh mẽ. Trên thực tế, nhiều người Khơ mú biết nói tiếng Thái, ăn, ở, mặc có nhiều nét giống dân tộc Thái nhưng cũng có những sản phẩm giao thoa ngược như một số sản phẩm mây tre, đan của người Khơ mú cũng được dùng rất nhiều trong các gia đình người Thái.

Về luận điểm người Thái sử dụng chày giã gạo làm gậy nhảy sạp cũng có ý kiến phản bác. Chày giã gạo dùng để làm sạp có vẻ không hợp lý cho việc múa đôi vì chày thường rất nặng, ngắn do vậy rất khó cho việc dùng để múa sạp. Còn hình ảnh người Thái thường xuất hiện nhiều với hình ảnh múa sạp thì có nhiều nguyên nhân trong đó trước kia các điệu múa sạp nói riêng và các điệu múa nói chung còn đơn sơ chưa có tiết tấu, nhịp điệu và thành một bài biểu diễn hoàn chỉnh. Để phục vụ cho hệ thống quan lại địa phương và các quan thầy Pháp, vua Thái “Đèo Văn Long” đã cho tập hợp các cô gái và chỉnh lý các điệu múa dân gian thành bài bản, hoàn chỉnh hơn. Người Thái lại giao lưu, tiếp xúc nhiều, có nhiều điệu múa hơn do vậy hình ảnh múa sạp thường gắn liền với người Thái cũng là điều dễ hiểu.

Đây chỉ có thể là những kiến giải bước đầu mang tính chủ quan. Mong rằng các nhà khoa học có thể góp ý bổ sung và đi sâu nghiên cứu.

Nghệ nhân Vì Văn Sang (bên trái) hướng dẫn thế hệ trẻ đánh cồng.
Nghệ nhân Vì Văn Sang (bên trái) hướng dẫn thế hệ trẻ đánh cồng.

“Nghệ nhân” trong lòng đồng bào dân tộc Khơ Mú

(Nhật Thanh)

Dân tộc Khơ Mú có trên 1.300 người sống tập trung chủ yếu ở xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Người Khơ Mú ở đây có câu “Ruôi rít chi Moong” có nghĩa là bỏ phong tục tập quán sẽ lụi, để muốn nhắc nhở mọi người phải biết quý trọng và giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Phục dựng nét văn hóa độc đáo

Dù số lượng không lớn lại sống chung với cộng đồng các dân tộc có nền văn hóa đa dạng, phong phú nhưng người Khơ Mú nơi đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đời sống sinh hoạt. Ông Vì Văn Sang được người dân Khơ Mú coi như một pho sách sống trong kho tàng văn hóa dân tộc Khơ Mú trong việc giữ gìn, phát huy hồn cốt văn hóa của dân tộc.

Ở tuổi gần 70, ông Vì Văn Sang vẫn còn khá lanh lẹ, đôi mắt sáng tinh nhanh, tràn đầy nhiệt huyết với văn hóa dân tộc. Trong câu chuyện của mình, ông luôn tự hào được lớn lên trong bầu sữa văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ Mú và có niềm đam mê và thẩm thấu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ông luôn trăn trở làm sao để lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc và những thế hệ kế cận thực sự tâm huyết với truyền thống dân tộc. Làm sao để lưu truyền những nét văn hóa dân tộc cho phù hợp với đời sống văn hóa mới. Không chỉ sưu tầm, quản lý số lượng lớn các vật dụng, đồ lễ, các loại nhạc cụ truyền thống, ông Sang còn nắm vững ý nghĩa của từng dụng cụ, linh vật và những lễ tục trong hoạt động văn hóa của dân tộc mình. Bởi vậy, mỗi dịp tổ chức lễ hội ông đều chuẩn bị các vật dụng, đồ lễ và tận tình hướng dẫn, truyền dạy cho con cháu những vốn văn hóa của dân tộc được ông chắt lọc, lưu giữ nhiều năm qua. Ông chia sẻ: “Dân tộc Khơ Mú có rất nhiều nét văn hóa độc đáo, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vì vậy tôi luôn cố gắng sưu tầm, phục dựng làm sao để những giá trị ấy không bị mất đi. Tôi mong muốn thế hệ con cháu sẽ tiếp nối những công việc mình đang làm”.

Truyền dạy cho con cháu tình yêu văn hóa dân tộc

Ông đã mạnh dạn đứng lên vận động con cháu, bà con trong xã tổ chức lại các lễ hội truyền thống, sưu tầm các loại nhạc cụ, các điệu múa dân gian. Hoạt động của ông đã góp phần phục dựng được hàng chục lễ hội như: Lễ hội cầu mùa, cầu mưa, lễ ăn cơm mới. Ngoài ra ông đã sưu tầm, tạo dựng lại được 10/13 loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khơ Mú và nhiều câu châm ngôn, ca dao tục ngữ rất ý nghĩa.

Có lẽ, ông Vì Văn Sang luôn vui vì thế hệ trẻ của dân tộc Khơ Mú hiểu và nhiệt tình đón nhận kiến thức mà nghệ nhân truyền đạt. Các phong tục như tục lấy nước mới, thờ cúng tổ tiên, tục cưới xin dần dần được thế hệ con cháu trong và ngoài dòng họ thực hiện và ngày càng phổ biến hơn. Tranh thủ mọi thời gian, ông Vì Văn Sang lại truyền dạy cho con cháu tình yêu văn hóa, giải thích ý nghĩa của các loại nhạc cụ hay, các lễ tục quan trọng của dân tộc.

Với những đóng góp to lớn của mình trong việc gìn giữ và phát triển vốn văn hóa dân tộc Khơ Mú, ông Vì Văn Sang đã được huyện Văn Chấn đề nghị công nhận là nghệ nhân dân gian. Đây sẽ là động lực để ông tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm làm dày hơn vốn kiến thức văn hóa khổng lồ của dân tộc mình. Ông cũng đang ấp ủ tâm nguyện xuất bản cuốn sách ghi lại một cách đầy đủ và sinh động nhất về những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa vật chất tinh thần của cộng đồng người Khơ Mú xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Đồng bào Khơ Mú ăn Tết cổ truyền theo Tết Nguyên đán của người Kinh.
Đồng bào Khơ Mú ăn Tết cổ truyền theo Tết Nguyên đán của người Kinh.

Tết cổ truyền của dân tộc Khơ Mú, Yên Bái

(TH-Cinet-DTV)

Với mong muốn một năm mới vui vẻ, may mắn, hàng năm các gia đình người Khơ Mú (Yên Bái) luôn chuẩn bị các hoạt động đón Tết cổ truyền một cách chu đáo với nhiều phong tục độc đáo…

Đồng bào Khơ Mú ăn Tết cổ truyền theo Tết Nguyên đán của người Kinh. Người Khơ Mú thường chuẩn bị Tết cổ truyền rất đầy đủ, chu đáo. Nhà nào cũng phải dự trữ thật nhiều lương thực, thực phẩm. Đàn ông lên rừng lấy củi. Phụ nữ thêu thùa, may vá để diện những bộ váy mới nhất trong những lễ hội, và đi chơi xuân.

Vào khoảng 27 – 28 tháng Chạp cũng là khoảng thời gian đồng bào tích cực chuẩn bị các công việc cho ngày Tết như: củi lửa, nguyên liệu gói bánh chưng, lương thực, thực phẩm; dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa… Đặc biệt, mỗi gia đình đều phải mổ một con lợn dù to dù nhỏ để cúng tổ tiên. Lợn cúng tổ tiên và ma nhà không mổ trước Tết mà tùy thuộc vào từng gia đình và những nhà kiêng kị mà họ sẽ mổ lợn cúng vào ngày mồng Một, mồng Hai hay mồng Ba Tết. Khi mổ lợn, đồng bào mời toàn thể dân làng tới dự và ăn Tết cùng gia đình. Đây là dịp đồng bào cám ơn bà con lối xóm trong một năm đã giúp đỡ gia đình và cũng là dịp để mời dân làng uống rượu.

Theo tập quán truyền thống, đêm 30 Tết sau khi giao thừa, gia đình nào cũng phải mổ một con gà trống thiến để xem chân gà với quan niệm dự đoán những điều may rủi cho năm mới của gia đình. Những người cao tuổi nhất trong nhà sẽ đảm nhiệm việc thăm chân gà với những nguyên tắc xem chân gà truyền thống để cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc…

Trong năm mới, người Khơ Mú quan niệm phải dùng nước mới để lấy may.
Trong năm mới, người Khơ Mú quan niệm phải dùng nước mới để lấy may.

Cùng với các phong tục trong ngày đầu năm, sau giao thừa, các cụ già thường nghe trong lúc đi ngủ từ đêm giao thừa đến sáng xem con vật gì sẽ kêu trước. Người dân cho rằng, nếu con gà kêu trước thì năm đó sẽ mất mùa vì gà lúc nào cũng ăn. Nếu lợn hay chó kêu trước thì năm đó sẽ được mùa và no đủ vì chó thì sang, lợn thì sung túc. Nếu năm đó con mèo kêu trước thì sẽ có nhiều chuột đến phá nương rẫy của đồng bào.

Cũng giống như quan niệm của người Kinh, trong ngày mồng Một đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú nơi đây vì người ấy sẽ mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia đình trong suốt cả năm đó. Nếu người có vía tốt thì sẽ gặp may mắn, còn nếu người có vía dữ hoặc là nữ giới đến xông nhà thì cả năm đó gặp xui xẻo. Chính vì vậy, người xông nhà thường được lựa chọn, chuẩn bị trước cho gia đình và nhất thiết người xông nhà phải là nam giới.

Đặc biệt, trong năm mới, người Khơ Mú quan niệm phải dùng nước mới để lấy may. Mỗi người uống một ngụm nước nhỏ để lấy may mắn, sau đó mọi người đều rửa mặt, chân, tay bằng nước mới. Nếu gia đình nào không đi lấy nước mới trong ngày đầu năm thì cả năm đó sẽ không gặp may mắn, làm ăn không tốt đẹp như năm cũ.

Tết cổ truyền là dịp để đồng bào Khơ Mú thăm hỏi, chúc phúc nhau và cũng là dịp nghỉ ngơi để giao lưu gặp gỡ, mọi người cùng mừng năm mới; uống rượu, đánh chiêng trống, tổ chức các hội xòe, múa các điệu múa truyền thống và tổ chức các sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống…

Điệu múa "Vêr guông" trong lễ hội "Mah Grợ" của người Khơ Mú.
Điệu múa “Vêr guông” trong lễ hội “Mah Grợ” của người Khơ Mú.

Lễ hội Mah Grợ của dân tộc Khơ Mú

(TH-Cinet-DTV)

Người Khơ Mú có đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú với vốn ca múa dân gian qua lễ hội Mah grợ và điệu múa uyển chuyển, sôi động.

Lễ hội Mah Grợ của người Khơ Mú diễn ra vào mùa xuân khi các thôn bản của người Khơ Mú tổng kết mùa vụ, bắt đầu tra hạt trong tháng giêng, tháng hai âm lịch. Lễ hội Mah grợ và múa Vêr guông thường được tổ chức tại nhà của người có kinh tế khá giả nhất bản, hoặc nhà ông trưởng bản.

Lễ hội gồm 2 phần chính là phần lễ cúng của chủ nhà và phần hội múa của cộng đồng trong bản. Về phần lễ, ngay từ sáng sớm, bà chủ nhà đóng vai “Mẹ lúa” cùng cô con gái mặc váy áo, đội khăn piêu đẹp, đeo cái dỏ, tay cầm con dao mài sắc rồi lên nương. Đến nương nhà mình, hai mẹ con đào lấy củ khoai sọ cuối cùng, cắt lấy phần lá khoai bỏ vào dỏ và thêm mấy que củi khô rồi gùi về bản. Người Khơ Mú xưa quan niệm rằng củ khoai, quả bí đỏ mới là thóc lúa. Trên đường từ nương về bản, bà chủ nhà luôn miệng hú gọi hồn lúa (hmal ngọ) với ý nghĩa: “Nương đã thu hoạch hết, đã đưa thóc lúa về bản, các hồn cũng về nhà thôi. Về để dự hội Mah grợ”.

Về đến bản, trước khi lên cầu thang của nhà mình, “Mẹ lúa” lại hú hồn lúa lần nữa mới mang củ khoai sọ vùi vào bếp tro lửa nướng chín. Khi khoai chín, chỉ mình “Mẹ lúa” được ăn với quan niệm nếu ai ăn khoai trước sẽ bị đau răng, đau mắt. Tiếp theo, “Mẹ lúa” lấy thịt con sóc, con chuột rừng đã được sấy khô trên gác bếp xuống, rửa sạch rồi bỏ vào nồi nấu.

Trong lúc bà chủ nhà lên nương đem khoai về thì chủ nhà (ông chồng) lấy lạt tre đan Ta leo (phên đan hình mắt cáo có diện tích bằng cái vung nồi) rồi cùng con rể (nếu có) mổ gà chuẩn bị mâm cúng tổ tiên. Khi mổ 3 con gà cho mâm cúng, con gà thứ nhất được cắt mỏ lấy tiết bôi vào hai đầu gối của từng thành viên trong nhà với ý nghĩa: “Trong năm, mọi người phải trèo đèo, leo núi làm nương nên đầu gối yếu mềm, nay ‘sửa lại’ cho đầu gối mạnh khỏe, cứng cáp“.

Uống rượu cần là để giao lưu trong cộng đồng, cũng là một thể thức nghệ thuật trong điệu xoè -Ươc bụt xạ- và kết thúc ngày hội Mah grợ của cư dân Khơ Mú Tây Bắc.
Uống rượu cần là để giao lưu trong cộng đồng, cũng là một thể thức nghệ thuật trong điệu xoè -Ươc bụt xạ- và kết thúc ngày hội Mah grợ của cư dân Khơ Mú Tây Bắc.

Người chủ nhà tiếp tục cắt mỏ con gà sống thứ 2 rồi lấy tiết quyệt vào bồ thóc, rổ khoai, khấn: “Thóc năm nay tốt, sang năm khoai thóc được mùa tốt hơn”. Tiếp tục cắt mỏ con gà thứ 3 đem tiết xuống gầm sàn bôi lên đầu con trâu. Con trâu được phủ miếng vải thổ cẩm, vải trắng lên lưng, đôi sừng trâu được buộc hoa rừng.

Cúng tổ tiên xong, chủ nhà buộc phên “Ta leo” lên chỗ bàn thờ với quan niệm đó là chỗ ở mới của “ma nhà” (tương tự tục thay bát hương bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán của người xuôi).

Tiếp tục phần lễ, ông chủ nhà vê từng viên (4 viên) cơm nếp sôi ở bàn cúng vừa mang xuống, rồi đem dính vào tóc của từng đứa trẻ trong nhà với quan niệm: “Hồn đứa trẻ ở trên đầu cũng được ăn cơm mới, không ốm đau, chóng lớn“.

Lúc này, bà chủ nhà (Mẹ lúa) cũng trổ tài khoe bông lúa nhà mình trắc hạt với các cụ bà đến dự lễ và cài những cánh hoa rừng lên búi tóc của họ.

Bữa cơm nội gia của chủ nhà ăn xong (không mời khách ăn cùng), bà chủ nhà và những người trong gia đình đem rổ khoai, bí đã đồ chín để ở giữa nhà. Lúc này, cuộc vui bôi khoai, bí chín vào áo của nhau mới bắt đầu. Cả chủ lẫn khách thi nhau nhặt từng miếng khoai, bí ăn một miếng, phần còn lại bôi lên áo ông, bà chủ nhà, rồi bôi vào khách. Ai bôi được nhiều người sẽ được hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong năm (ý nghĩa tương tự như hội té nước của dân tộc Lào, Thái). Sau cuộc bôi bí là cuộc uống rượu cần chum to, lần lượt các cụ ông đến lượt cụ bà, khách quý. Uống rượu cần hết lượt mới bước vào cuộc nhảy múa.

Lễ hội Cầu Mùa.
Lễ hội Cầu Mùa.

Yên Bái: Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú

(TH-Cinet-DTV)

Lễ hội cầu mùa là giá trị văn hóa phi vật thể vô giá không chỉ của dân tộc Khơ Mú mà còn là tài sản chung của cộng đồng dân cư các dân tộc Việt Nam, ở đó mang đậm nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn trong tín ngưỡng dân tộc Khơ Mú xã Nghĩa Sơn (Yên Bái).

Người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn (Yên Bái) có rất nhiều lễ hội như: cúng ma bản, cúng tổ tiên, lễ đón mẹ lúa, lễ hội mừng măng mọc… đặc biệt, lễ hội Cầu mùa là một trong những lễ hội lớn nằm trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của người Khơ Mú.

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, người Khơ Mú quan niệm, vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như trời, đất, nương, rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Lễ hội Cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Khơ Mú thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này.

Cầu mùa là một nghi thức để nhớ ơn người xưa đã biết tìm cây lúa, cây hoa màu và thể hiện quan niệm cây lúa cây hoa màu cũng có hồn, có thần. Vì vậy, với mục đích tôn vinh cây lúa, cây khoai sọ, người Khơ Mú dâng lễ vật bao gồm các sọt lúa, sọt ngô, các loại hoa màu, một khóm cây bông lau, một khóm cây chè vè. Tất cả được các nam thanh nữ tú khỏe mạnh trong trang phục dân tộc rước kiệu lễ. Lễ hội Cầu mùa cũng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say.

Nam thanh nữ tú Khơ Mú cùng múa vui vẻ mong mùa màng bội thu.
Nam thanh nữ tú Khơ Mú cùng múa vui vẻ mong mùa màng bội thu.

Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú gồm 5 phần: phần lễ cúng ma nhà, tổ tiên – rượu cần; phần lễ tôn vinh cây lúa cây khoai sọ; phần lễ cầu mưa; lễ chọc lỗ tra hạt; cuối cùng là các trò chơi dân gian mừng lễ hội… Trong phần lễ thường có các tiết mục múa tra hạt (tiếng Khơ Mú gọi là “Tẹ chư moi”), múa đao, múa đuổi chim, múa Cá lượn (Tẹ cạ grang), thổi Pilưmblang – nhạc cụ độc đáo của dân tộc Khơ Mú được thổi theo giọng tơm, múa mừng lúa mới; lễ hội cầu mưa; lễ chọc lỗ, tra hạt.

Sau phần lễ là các trò chơi dân gian dân tộc Khơ Mú mừng lễ hội. Người dân Khơ Mú từ xa xưa đã yêu thích các hoạt động văn nghệ – thể thao. Ngoài ra, họ tổ chức các trò chơi để thể hiện tài năng, sự khéo léo của mình, gồm các trò chơi chính như: ném còn, kéo co, múa ngửa người chui dây, thi tài nhảy dây có hình chữ thập…

Lễ hội Cầu mùa là giá trị văn hóa phi vật thể vô giá không chỉ của dân tộc Khơ Mú mà còn là tài sản chung của cộng đồng dân cư các dân tộc Việt Nam, ở đó mang đậm nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn trong tín ngưỡng dân tộc Khơ Mú xã Nghĩa Sơn. Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị của lễ hội rất cần được quan tâm, đặc biệt là những người yêu văn hóa các dân tộc và các nhà tài trợ để lễ hội được duy trì cho các thế hệ mai sau. Lễ hội được tổ chức uy nghiêm, trang trọng phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên, trời, đất, nương rẫy… và thể hiện ước muốn của họ về mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ.

Lễ hội Cầu mưa của bà con dân bản ở Nong Lay (Sơn La).
Lễ hội Cầu mưa của bà con dân bản ở Nong Lay (Sơn La).

Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú

Người Khơ Mú gọi hội mừng mưa rơi của dân tộc mình là lễ hội “Om đin om đang”, tức lễ hội mừng nước hay hội mừng mùa măng mọc. Theo các cụ già ở bản Pá Bon, xã Mường Luân, Điện Biên Đông, gọi như vậy bởi mở đầu phần hội bao giờ cũng là điệu múa “Om đin om đang”.

Hội mừng mưa rơi được tổ chức vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, trước hoặc sau những cơn mưa đầu mùa. Trong lễ hội, người ta hát những bài ca mừng nương rẫy khi được đón những cơn mưa đầu mùa. Lễ hội thường được tổ chức trên nhà sàn và thầy cúng là người chủ trì phần lễ.

Để chuẩn bị cho lễ hội, người trong bản ốp bẹ chuối vào cột nhà để làm cây hoa chủ. Cây hoa chủ gồm 3 – 5 lớp. Các lớp cành đều treo hình chim, thú, hoa quả được đan bằng lạt giang hoặc mua ở các chợ. Bàn thờ cúng thần linh được đặt ngay dưới cây hoa. Trên bàn thờ bày các lễ vật gồm: đĩa gà luộc, bánh chưng, bánh dày, xôi nhuộm phẩm đỏ, trứng, mía, gạo, muối… Tiếp đến, thầy cúng mặc trang phục dân tộc gồm: áo đen, chít khăn đen, thắt lưng đỏ (ngày nay chỉ còn mặc áo đen) đọc lời cầu cho người trong bản có sức khoẻ tốt, gặp nhiều may mắn; cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi chim thú phá hoại mùa màng… Vừa đọc lời cúng, thầy vừa lấy nhúm gạo, muối, rượu tung ra xung quanh và thả xuống sàn.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với những điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Từ lễ hội mừng mưa rơi, nhiều lời ca của dân tộc Khơ Mú đã được các nhạc sỹ chép lại, phổ biến rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trang phục truyền thống Khơ Mú.
Trang phục truyền thống Khơ Mú.

Trang phục dân tộc Khơ Mú

(TQ-DTV)

Dân tộc Khơ mú không phát triển nghề dệt vải mà thường mua quần áo và váy có sẵn của người Thái về để mặc, do vậy trang phục của dân tộc Khơ mú có nhiều điểm tương đồng với dân tộc Thái.

Một bộ trang phục thường ngày của đồng bào Khơ mú gồm có khăn đội đầu, áo, yếm, thắt lưng, váy, xà cạp. Khăn đội đầu (hưm pông) thường ngày gần giống như chiếc khăn Piêu của người Thái được may bằng vải mộc hoặc nhuộm chàm, không trang trí hoa văn. Khăn dài khoảng 2m, rộng 38- 40cm tuỳ theo khổ vải dệt. Khăn quấn đi lễ hội là loại khăn có thêu hoa văn một mặt rất đẹp. Người ta khéo léo quấn vòng quanh đầu để phô phần hoa văn ra ngoài. Một loại khăn khác là khăn nối (một nửa là vải thô nhuộm chàm, một nửa là dệt hoa văn) cũng thường được phụ nữ dùng trong dịp lễ hội.

Áo của người Khơ mú mặc thường ngày chủ yếu là áo ngắn màu chàm, xanh thẫm hoặc xanh lá mạ… Nẹp cổ liền với nẹp ngực nhưng chỉ dài ngang ngực. Phía dưới hai nẹp ngực nối thêm những băng vải nhỏ có màu đỏ, xanh, vàng… Áo thường có hai lớp vải, lớp trong thường là vải chéo xanh hoặc phin, lớp ngoài là vải dệt thô nhuộm chàm. Còn áo mặc trong những dịp lễ hội, cưới xin thường là áo dài. Khi mặc áo dài sẽ trùm kín cạp váy khoảng 20cm.

Riêng ngực áo Cỏm, dọc hai bên mắc pém có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết, ở giữa giải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang, phồn thịnh của người dân, đồng thời họ luôn mong chờ các vị thần mặt trời sẽ sưởi ấm và che chở họ trong cuộc sống hàng ngày.

Áo thường có hai loại dành cho 2 đối tượng. Đối với những gia đình khá giả sẽ mặc áo có dọc theo nẹp ngực, dưới gấu thêu hoa văn, sau lưng đính hai dải chỉ các màu có các tua dài sặc sỡ. Gấu tay áo nối những băng vải nhỏ màu xanh, đỏ, vàng. Loại thứ hai thường dành cho phụ nữ nghèo. Loại này không thêu thùa cầu kỳ mà chỉ trang trí mấy băng vải nhỏ trên nẹp ngực.

Sơn nữ Khơ Mú duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc.
Sơn nữ Khơ Mú duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc.

Cũng như trang phục của người Thái, Yếm là một bộ phận quan trọng trong trang phục của đồng bào Khơ mú. Người Khơ mú may yếm bằng vải trắng hoặc hồng. Đầu yếm cắt lượn tròn và thêu hoa văn trang trí, có đính hai dây vải để buộc vào cổ. Thân yếm đính hai dải vải dài hơn để buộc ra sau lưng.

Váy trước đây chủ yếu may bằng vải dệt thủ công màu xanh sẫm hoặc màu chàm, ở phần chân váy thêu hoa văn trang trí bằng chỉ nhiều màu. Vào những dịp lê, tết, phụ nữ Khơ mú thường mặc những chiếc váy đẹp nhất. Họ có hai loại váy: một loại may bằng vải tơ tằm pha sợi bông (còn khôm, còn như), một loại may bằng lụa tơ tằm (còn nhang). Hoa văn trang trí trên váy rất đa dạng gồm hình mặt trời, mặt trăng, hươu, nai, rồng, chim công, gà lôi, các loại hoa thược dược, hoa ban, phong lan…

Ngoài ra, phụ nữ Khơ mú còn có bộ xà cạp vận hằng ngày. Xà cạp được làm bằng vải màu chàm, dài khoảng 1m, rộng 40cm được gấp chéo theo chiều dọc. Khi dùng xà cạp phải quấn hai bên chân ngược chiều để đối xứng nhau.

Cùng với những bộ y phục trên, trong dịp cưới xin, lễ hội…. phụ nữ Khơ mú còn đeo vòng đeo tay và vòng cổ bằng bạc, trông họ thật tha thướt, dịu dàng.

Hiện nay, đồng bào Khơ mú đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ các dự án, chương trình của Chính phủ, tích cực vươn lên lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Và cũng từ đó, trang phục truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một, thậm chí một bộ phận người trẻ đã có xu hướng ăn mặc giống người Kinh.

oOo

Lễ hội Xên Bản của người Khơ Mú:

 

Người Khơ Mú Ở Sơn La:

 

Múa dân tộc Khơ Mú:

 

Múa Vũ Điệu Khơ Mú:

Những cô gái Khơ Mú:

 

Mưa Rơi (dân ca Khơ Mú) – Khoa Le:

 

3 thoughts on “Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Khơ Mú”

  1. chà bài em nhận ra bài Mưa rơi quen thuộc quá mà giờ em mới biết là dân ca Khơ Mú. Em cảm ơn chị Phượng, chuỗi bài thật công phu quá 🙂

    Like

  2. Omg… không riêng gì em mà là có nhiều người khác không hề biết bài Mưa rơi là dân ca của dân tộc Khơ Mú dù rằng bài nhạc khá quen thuộc với rất nhiều người Hằng ạ.

    Có Hằng luôn tích cực đồng hành cùng chị làm chị càng lên tinh thần. Cám ơn em. XO

    Chị hy vọng chuỗi bài này sẽ giúp khích lệ các bạn trẻ tìm hiểu thêm về kho tàng Dân ca dân nhạc độc nhất vô nhị của Viêt Nam chúng ta. 🙂

    Like

  3. bài viết rất hay và ý nghĩa. cảm ơn bạn đã cho tôi hòa vào những bản nhạc của dân tộc mình

    Like

Leave a comment