Dân ca dân nhạc VN – Thằng Bờm

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo “Bà Rằng Bà Rí”, hôm nay mình giới thiệu đến các bạn một bài dân ca kinh điển khác của Việt Nam, “Thằng Bờm”.

Khác với hầu hết mọi bài dân ca khác, Thằng Bờm là một bài đồng dao lục bát vừa giản dị vừa vui, nhưng có lẽ đây là bài dân ca sâu sắc nhất về văn hóa nông nghiệp Việt Nam.

Đây là lời của bài đồng dao gồm 5 cặp lục bát, 10 dòng, với 32 từ đơn, mà mọi chúng ta đều thuộc:

1 – Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

2 – Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu.
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

3 – Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè.
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.

4 – Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim.
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi.

5 – Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi.
Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm Cười!

Nghệ sĩ Trần Lãng Minh, nghệ sĩ Nga Mi, nghệ sĩ Linh Phượng
Nghệ sĩ Trần Lãng Minh, nghệ sĩ Nga Mi, nhạc sĩ Nguyên Thao, nghệ sĩ Linh Phượng, nhạc sĩ Thanh Hà. (Photo: Nhạc sĩ Nguyễn Túc)

Căn cứ theo bài đồng dao chúng ta biết đây là văn hóa nông nghiệp vì các từ: “quạt mo”, “trâu”, “bò”, “ao”, “cá mè”, “phú ông”, là các từ thuộc về nông thôn.

Đây là một xã hội có giàu nghèo, ông thằng rõ rệt, như ta thấy trong hai từ “phú ông” (ông giàu) và “thằng Bờm”. “Bờm” là “bờm tóc” của trẻ con, hoặc “tóc bờm xờm”. Vậy “thằng Bờm” gợi đến trẻ em hoặc người nghèo khó, ám chỉ tầng lớp nông dân nghèo và mộc mạc.

Bài hát nói về trao đổi kinh tế giữa “ông giàu” (phú ông) và anh nông dân “Bờm”. Năm cặp lục bát nói đến 5 đề nghị trao đổi, và mọi đề nghị đều đến từ “ông giàu”. Điều này hàm ý rằng nông dân không chủ động trao đổi. Đổi chác, mua bán, thường là công việc của một lớp người khác, như là con buôn, chứ không là việc của nông dân.

Nghệ sĩ Nga Mi, nhạc sĩ Nguyên Thao, nghệ sĩ Tuyết Lan, nghệ sĩ Linh Phượng, trong tiết mục trình diễn “Thằng Bờm” (Photo: Nhạc sĩ Nguyễn Túc).

Anh nông dân trả lời với “ông giàu”, mới nghe qua thì rất là chân chất khờ khạo. Nhưng nếu ta suy ngẫm kỹ càng thì thấy lời của “thằng Bờm” rất sâu sắc về triết lý.

Đương nhiên là “thằng Bờm” không hiểu gì về triết lý, nhưng triết lý đó nằm trong nền văn hóa nông nghiệp, có sẵn trong xương tủy của “thằng Bờm”, và tự động phát tiết ra thành tư duy và hành động, dù Bờm có biết điều đó hay không.

Hai điểm tư duy chính của nền văn hóa nông nghiệp đó, như được trình bày một cách tế nhị trong bài này là: nguyên lý công bìnhnguyên lý thực tế.

“Quạt mo” là các mo cau rớt xuống từ trên cây cau và được cắt thành hình quạt để làm quạt. Mo cau chẳng có một giá trị kinh tế nào hết. “Quạt mo” như vậy chẳng có giá trị tiền bạc bao nhiêu cả.

Trong khi đó các thứ “ông giàu” muốn đổi với “quạt mo” không giá trị của Bờm thì lại có giá trị cực lớn – 3 bò 9 trâu, ao sâu cá mè, 3 bè gỗ lim, đôi chim đồi mồi.

Điều thú vị là các giá trị đề nghị trao đổi của “ông giàu” này lại có vẻ như đi dần dần từ lớn xuống nhỏ, để mặc cả với “thằng Bờm”, như hệ thống số trong bài ngầm chỉ: 3 bò 9 trâu tức 12, 3 bè gỗ lim, 2 chim đồi mồi, 1 nắm xôi.

Đứng trước mỗi đề nghị trao đổi với giá trị cực lớn của “ông giàu” như thế, trong tâm thức của Bờm trỗi lên hai nguyên lý:

Công bình: “Trao đổi này không công bình. Mình mất cái quạt nhỏ xíu mà ‘ông giàu’ mất lớn quá, vậy là không công bình. Không được.” Đương nhiên là chúng ta có thể thấy công bình là nguyên tắc đạo đức có sẵn trong mọi giáo dục luân lý của đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng ngày trước.

Thực tế: “Trao đổi này quá mất công bình, cho nên nó không thật. Hoặc mình bị đùa, hoặc mình sẽ bị bịp mà mình không biết.” Đây là nguyên lý tự vệ hiển nhiên – quá bất công thì không dám tin.

Nghệ sĩ Tuyết Lan
Nghệ sĩ Tuyết Lan

Chính vì vậy mà “thằng Bờm” tự động từ chối 4 đề nghị trao đổi không công bình. Chúng ta thấy đây là những nguyên lý tâm lý rất sâu sắc trong tư duy con người, nhờ một nền văn hóa đạo đức sâu sắc, tự nó phát tiết ra thành hành động trong những trường hợp cụ thể, dù người trong cuộc có ý thức được những nguyên lý này, hay là chỉ hành động một cách vô thức.

Đề nghị trao đổi cuối cùng, “nắm xôi” lấy “quạt mo”, hai vật có giá trị tương đương, cho nên đó là một trao đổi công bình, và vì công bình cho nên là một trao đổi thực tế, có thể chấp nhận được.

Hơn nữa, so với các loại vật quý trước đó, thì “nắm xôi” để đưa vào dạ dày là loại phẩm vật quý hóa nhất đối với nông dân nghèo. Thức ăn hàng ngày là nỗi lo âu lớn nhất của nông dân nghèo.

Chúng ta có thể thấy trong 5 cặp lục bát, 10 dòng, với 32 từ đơn, có vẻ đùa giỡn mộc mạc là cả một tư duy văn hóa rất sâu sắc, đến từ những nguồn giáo dục đạo đức và cách sống thực tế đã nghìn năm chảy trong máu và thấm trong xương tủy của mỗi người nông dân Việt.

Nghệ sĩ Nga Mi và nghệ sĩ Linh Phượng

Bài dân ca kinh điển “Thằng Bờm”

Có câu chuyện ngày xưa…
Tôi xin kể cho bạn nghe chơi…
Chuyện xửa chuyện xưa mà chuyện này…
Có chú bé con tên thằng Bờm…
Có cái quạt kia to dị thường…
Nghe đồn rằng có cái mà quạt mo…

Phú ông ở làng bên…
Nghe tin mới ra liền xem chơi…
Này chiếc quạt kia to dị thường…
Nên có lòng tham chứ khôn lường…
Đem cả vật ngon chứ của lạ…
Đánh đổi lấy cái mà quạt mo…

“Ơi.. hởi Bờm.. ơi.. Bờm ơi…
Thằng Bờm có cái quạt mo…
Phú ông xin đổi ba bò.. ba bò chín trâu…”
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy trâu.”

“Phú ông xin đổi ao sâu.. ao sâu cá mè”
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy mè.”

“Phú ông xin đổi.. ba bè.. ba bè gổ lim.”
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy lim.”

“Phú ông xin đổi.. đôi chim đồi mồi.”
Bờm rằng: “Bờm chẳng lấy mồi.”

“Phú ông xin đổi.. nắm xôi.” Bờm cười.

Bao giờ cho tới tháng Năm…
Đổi nồi cơm nếp.. vừa nằm.. vừa nằm vừa ăn…
Bao giờ cho tới tháng Mười…
Đổi nồi cơm nếp.. vừa cười.. vừa cười vừa ăn…

Thằng Bờm có cái quạt mo… o o o.

Nghệ sĩ Linh Phượng, nhạc sĩ Thanh Hà.
Nghệ sĩ Linh Phượng, nhạc sĩ Thanh Hà. (Photo: Nhạc sĩ Nguyễn Túc)

Sau đây mình hân hoan chia sẻ với các bạn 2 clips “Thằng Bờm” với 3 giai điệu khác nhau:

1 clip bài dân ca lời cổ, “Thằng Bờm”, do mình (Linh Phượng) cùng với các nghệ sĩ trong Hội Quán Văn Nghệ Nhà Nam – Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật Dân Tộc Việt USA – Nga Mi, Trần Lãng Minh, Tuyết Lan, trình diễn.

1 clip bài ca thiếu nhi “Thằng Bờm” nhộn nhịp với bé Quang Nam.

Mời các bạn cùng thưởng thức.

Túy Phượng

oOo

Dân ca Thằng Bờm (Lời cổ)- Linh Phượng, Nga Mi, Trần Lãng Minh, Tuyết Lan (Sáo: Thanh Hà, Guitar solo: Nguyên Thao, Guitar rhythm: Trần Lãng Minh, Guitar bass: Trần Đình Hoành. Hội Quán Văn Nghệ Nhà Nam – Trung Tâm Văn Hóa Nghệ Thuật Dân Tộc Việt, USA) trình diễn:

 

Thằng Bờm có cái quạt mo (Nhạc Thiếu Nhi) – bé Quang Nam:

 

2 thoughts on “Dân ca dân nhạc VN – Thằng Bờm”

  1. Chị Phượng ơi chị chọn đúng một bài kinh điển em cũng rất thích và gắn với em. Hồi nhỏ ở nhà em bị gọi là Bờm đó vì ngố haha 😀

    Hihi em cảm ơn chị Phương nha

    Like

  2. 🙂 🙂 🙂 Cám ơn Hằng đã chia sẻ. Úi giời.. được ngố như Bờm definitely là một privilege đấy Hằng nhé.

    Rất vui được biết em từng là Bờm. Mostly welcome em. XO

    Like

Leave a comment