Dân ca dân nhạc VN – Hát Ru Con miền nam

Đọc các bài âm nhạc VN, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Phần giới thiệu của mình trong Dân ca Dân nhạc Việt Nam hôm nay với các bạn là thể loại Hát Ru Con Miền Nam (còn được gọi là Hát Đưa Em).

Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng, hát ru không chỉ khiến trẻ dễ ngủ mà còn dạy trẻ biết yêu gia đình, yêu quê hương đất nước. Bởi lời của hát ru là lời hay ý đẹp của ông cha ta đúc kết từ muôn đời. Ngày trước, trai gái vùng nông thôn thường hát đối đáp rất nhuần nhuyễn cũng vì họ được nuôi dưỡng từ kho văn học – nghệ thuật quý giá đó.

Hát Ru Con là một âm điệu nhẹ nhàng ngân nga đầy tình cảm của người mẹ (hoặc Bà, hoặc Chị) dành cho con từ thuở sơ sinh. Tình yêu thương của mẹ và những lời ru thường là dấu ấn theo bước chân con đến khi khôn lớn cả đời. Thế nên đa số người con không ít nhiều thường khắc cốt ghi tâm những bài hát ru của mẹ.

runam13

Niềm xúc cảm trong thâm tình mẩu tử trong lời hát ru không những vọng vang thấm đậm từng chữ, từng câu, mà còn là những âm điệu theo từng cung bậc, luyến láy của làn hơi, diễn tả thiết tha một tình cảm thiêng liêng máu thịt mầu nhiệm được ban cho từ đấng tạo hóa.

Đứng về góc cạnh khoa học tâm lý, Hát Ru Con còn là một phương tiện hữu hiệu nhất dành cho các bà mẹ Việt Nam giải bày bộc lộ những nỗi niềm ẩn khuất sâu thẳm trong lòng từ những ảnh hưởng của cuộc sống hàng ngày mà tự thân họ khó bề thổ lộ cùng ai vì phải thủ phận theo khuôn phép của người phụ nữ phương Đông. Đôi khi những giải bày của họ vang vọng đến não lòng. Chúng ta hãy cùng lắng nghe:

Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh…
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi…
Ầu ơ… Khó đi mẹ dắt con đi…
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Ầu ơ… Gió đưa bụi chuối sau hè…
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…
Ầu ơ… Con thơ tay ẵm tay bồng…
Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông.

Ầu ơ… Gió đưa bông cải về trời…
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

Ầu ơ… Nhạn về biển Bắc nhạn ôi…
Bao thuở nhạn hồi kẻo én đợi trông.

Ầu ơ… Mấy đời bánh đúc có xương…
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.

Ầu ơ… Ví dầu tình bậu muốn thôi…
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.

Câu ru về lòng hiếu đạo:

Ầu ơ… Chim đa đa đậu nhánh cây đa…
Chồng gần sao không lậy lại lậy chồng xa…
Ầu ơ… mai sau cha yếu mẹ già…
Chén cơm đôi đủa bộ kỷ trà ai dâng.

Ầu ơ… Công cha như núi Thái Sơn…
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…
Ầu ơ… Một lòng thờ mẹ kính cha…
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Ầu ơ… Cây khô đâu dễ mọc chồi…
Mẹ già đâu dễ sống đời với con.

Ầu ơ… Má ơi đừng đánh con đau…
Để con bắt ốc hái rau má nhờ.

Ầu ơ… Chiều chiều ra đứng ngõ sau…
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Ầu ơ… Chiều chiều chim vịt kêu chiều…
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

Câu ru về đồng quê sông rẫy:

Ầu ơ… Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng…
Về sông ăn cá về đồng ăn cua.

runam12

Bài hát ru con kinh điển của người phụ nữ miền Nam – Lý Bốn Mùa:

Gió mùa thu.. mẹ ru mà con ngủ..
Năm canh chày.. năm canh chày.. thức đủ vừa năm..
Hỡi chàng chàng ơi.. hỡi người người ơi..
Em nhớ tới chàng.. em nhớ tới chàng..
Hãy nín nín đi con
Hãy ngủ ngủ đi con
Con hời mà con hỡi.. con hỡi con hời..
Con hỡi con hời.. con hỡi con..

Chí làm trai.. say mê mà giữ nước..
Em nỡ dạ nào.. em nỡ dạ nào.. trách mối tình ai..
Hỡi chàng chàng ơi.. hỡi người người ơi..
Em nhớ tới chàng.. em nhớ tới chàng..
Hãy nín nín đi con
Hãy ngủ ngủ đi con
Con hời mà con hỡi.. con hỡi con hời..
Con hỡi con hời.. con hỡi con..

Đến mùa xuân.. trong cơn mà gió thắm..
Cha con về.. là cha con về.. con nắm tay cha..
Hỡi người người ơi.. hỡi chàng chàng ơi..
Em nhớ tới chàng.. em nhớ tới chàng..
Hãy nín nín đi con
Hãy ngủ ngủ đi con
Con hời con hỡi.. con hỡi con hời..
Con hỡi con hời.. con hỡi con.

Thâm tình mẫu tử xuyên qua những bài hát ru truyền thống đã được nhà thơ Nguyễn Duy nói lên đầy đủ ý nghĩa nhất qua câu thơ “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” của ông.

Dưới đây mình có bài “Hát Ru – Đồng Dao” của ông Bùi Trọng Hiền sẽ dẫn giải giúp các bạn tham khảo thêm về 3 thể loại hát ru con của ba miền Nam, Trung, Bắc, của chúng ta.

Đồng thời mình có thêm 4 clips và 1 link tổng thể các điệu “Hát Ru Con Nam Bộ” để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn cùng ôn lại “Hát Ru Con” trong Dân ca Miền Nam…

Túy Phượng

runam17

HÁT RU – ĐỒNG DAO

(Bùi Trọng Hiền – Kính tặng MẸ tôi, Bu tôi cùng những người mẹ Việt Nam khác!)

Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, Hát Ru và Đồng dao được xem như hai thể loại âm nhạc dân gian dành riêng cho trẻ nhỏ, gắn bó với giai đoạn đầu của một chu kỳ đời người. Trên thế giới, Hát Ru và Đồng dao dường như là những thể loại không thể thiếu ở hầu khắp các dân tộc. Trong đó, Hát Ru là làn điệu dành cho phụ nữ, gắn liền với hình ảnh người mẹ. Bởi lẽ bên cạnh công việc nội trợ bếp núc, trông giữ, chăm sóc trẻ được xem như chức năng thiên phú của phái nữ. Mẹ ru con, mẹ bận thì bà ru cháu hay chị ru em… Một đôi khi đàn ông trong nhà cũng tham gia đỡ đần, thay đàn bà ru trẻ ngủ. Nhìn chung, Hát Ru với tính thực hành xã hội chủ yếu là dỗ đứa trẻ ngủ ngoan để người ru còn quay sang làm việc khác, hoặc giả cùng chìm vào giấc ngủ với đứa bé. Hát Ru để ngủ là vậy! Dân gian có câu:

Đố ai đánh võng không đưa
Ru em không hát, anh chừa rượu tăm…

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Kinh vốn là tộc người chiếm đa số và cũng là nhóm đại diện với nhiều điệu Hát Ru hơn các tộc anh em khác. Đi dọc chiều dài đất nước, sẽ thấy có tới 3 làn điệu Hát Ru ứng với 3 miền Bắc- Trung- Nam, in đậm dấu ấn thổ ngữ mỗi vùng. Đó là Hát Ru Bắc Bộ, Hát Ru Trung Bộ và Hát Ru Nam Bộ. Ở đây, do dấu giọng vùng miền chi phối, nên đã hình thành những cấu trúc giai điệu khác nhau, phù hợp với thanh điệu cũng như thẩm mỹ âm điệu từng nơi. Chẳng hạn quan sát cùng một câu thơ, sẽ thấy 3 làn điệu Hát Ru 3 miền khác nhau như thế nào[1]:

Hát ru Bắc Bộ

bắc bộ

Hát ru Trung Bộ

trung bộ

Hát ru Nam Bộ

nam bộ

Nhìn chung, dù đường tuyến giai điệu mỗi miền một khác, nhưng cả 3 làn điệu Hát Ru Bắc- Trung- Nam đều có cấu trúc đồng dạng: MỞ- TIẾP DIỄN- ĐÓNG. Trong đó, Tiếp diễn chính là phần “gan ruột” của làn điệu, nơi người hát vận thơ thành lời ca để hát Ru.

Cũng như nhiều làn điệu âm nhạc dân gian nói chung, Hát Ru dùng thơ lục bát- một thể thơ dễ làm, dễ thuộc để đặt lời ca. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể dùng thơ lục bát dạng biến thể hay đôi khi dùng cả song thất lục bát. Nhưng những trường hợp đó không phổ biến vì được coi là khó hát. Bởi việc thêm từ hay đổi cấu trúc nhịp thơ ở mỗi vế sẽ gây nên sự xáo trộn nhất định. Thế nên người hát phải đủ tài ứng vận để đảm bảo đúng âm điệu của đường tuyến cơ bản.

runam15

Ở đây, một cặp lục bát được xem như đơn vị tối thiểu của phần Tiếp diễn- tức phần lời ca của làn điệu Hát Ru. Có nghĩa nếu ít thì chỉ hát một cặp thơ cũng coi như trọn vẹn làn điệu, còn nhiều thì không giới hạn. Như thế, Hát Ru thuộc dạng làn điệu có cấu trúc co giãn không hạn định. Bài Hát Ru kéo dài bao lâu, hoàn toàn tùy thuộc vào dung lượng, vốn liếng thơ ca của người hát, đồng thời phụ thuộc vào “kết quả” của mục đích thực hành xã hội- tức đứa trẻ được ru đã… ngủ hay chưa!?

Đặc tính co giãn không hạn định đó không chỉ có ở Hát Ru, mà còn thấy ở nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác như Hát Ví, Hát Trống quân, Hát Cò lả, Hát Ghẹo, Hát Dặm, các giọng ngâm cũng như các thể loại hò trên cạn, dưới sông nước… Với khả năng chuyển tải bất cứ một dung lượng thơ ca nào, đó là một cấu trúc mang tính thực hành cao, rất phù hợp với mục đích sử dụng làn điệu trong đời sống cũng như trong sinh hoạt âm nhạc của người dân lao động.

Bao bọc trước sau lời ca Hát Ru là phần Mở và phần Đóng. Đấy là những câu đưa hơi mang dấu ấn âm điệu vùng miền rất đặc trưng. Hát Ru Bắc Bộ và Trung Bộ thì đưa hơi là “À ơi!” hay “Ạ ơi!”. Riêng Hát Ru Nam Bộ thì đưa hơi bằng tiếng “Ầu ơ!”. Chính vì vậy, người dân Nam Bộ còn gọi làn điệu này là Hát Ầu ơ [2].

Tiếng đưa hơi của Hát ru Nam Bộ

hơi nam

Tiếng đưa hơi của Hát ru Trung Bộ

hơi trung

Riêng tiếng đưa hơi của Hát Ru Bắc Bộ có nhiều kiểu dạng. Dạng đơn giản:

hơi bắc đơn

Dạng phức tạp

hơi bắc tạp

runam10

Tiếng đưa hơi “À ơi!” mở đầu cho làn điệu để bắt vào câu lục. Khi muốn chia tách phần lời ca (hoặc giả do chưa kịp nghĩ ra lời thơ tiếp theo), người hát cũng dùng chính tiếng đưa hơi đó tiếp ngay sau câu bát để gối đầu, dẫn dụ sang phần lời ca tiếp theo. Khi đó, tiếng đưa hơi có giá trị như một đoạn chen, phân ngắt làn điệu liên tục dạng Mở- Tiếp diễn- Mở- Tiếp diễn- Mở- Tiếp diễn… Như vừa trình bày, phần Tiếp diễn dài hay ngắn (có nghĩa được ứng vận một hay nhiều cặp thơ liên tiếp) là hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của người hát. Theo đó, một bài thơ dài có thể được phân ngắt theo nhiều cách khác nhau bằng những đoạn chen đưa hơi “À ơi!”. Khi kết thúc làn điệu, nét đưa hơi đó lại được xem là phần Đóng.

Ở đây, cần thấy rằng, bên cạnh việc dẫn dụ đóng- mở phần lời ca, tiếng đưa hơi còn có vai trò khá quan trọng trong việc gây ngủ. Lặp đi lặp lại trong một nhịp độ chậm, tiếng “À ơi!” như một dấu nhấn âm điệu có tính chu kỳ, sẽ gây tác dụng nhất định trong việc tạo cảm giác thư giãn tinh thần, đưa đứa trẻ vào giấc ngủ êm đềm. Nhiều người lớn khi nghe hát Ru cũng không tránh khỏi cơn buồn ngủ díp mắt, như một dạng ám thị bằng thanh âm, kể cả khi nghe những giọng hát Ru hay đến như thế nào! Hơn thế nữa, chính bản thân người hát Ru cũng khó thoát khỏi cảm giác đó mỗi khi hát đã lâu mà đứa trẻ chưa ngủ. Bởi vậy, cũng có thể coi Hát Ru như một làn điệu có tác dụng thôi miên đa chiều. Đó là một sự thật. Thế mới biết tác dụng cao của làn điệu, được đúc kết tự ngàn xưa.

Hát Ru có tầm cữ âm vực khá hẹp, vừa đủ để truyền tải lời thơ, tạo cảm giác như ngâm ngợi trong một không gian yên bình. Ở đây, những giai điệu rộng mở khoáng đạt, lên bổng xuống trầm sẽ là bất hợp lý với cái đích ru trẻ ngủ. Một âm vực hẹp thật phù hợp với giọng hát của một người bình thường, khiến bất cứ ai cũng có thể hát ru dễ dàng mà không cần đến một sự rèn luyện đặc biệt. Nói thế để thấy tính thực hành xã hội đã chi phối làn điệu từ toàn bộ đến từng phần như thế nào.

runam4

Chính mục đích để ru trẻ ngủ mà nhịp điệu đặc trưng của Hát Ru thuộc dạng nhịp đôi êm ái, du dương, đều đặn, đồng điệu với nhịp đưa nôi, dễ tạo cảm giác dìu dịu gây ngủ. Những kiểu dạng nhịp điệu nghịch phách, đảo phách, giật cục lắt léo tất nhiên sẽ không phù hợp với bối cảnh. Thế nên khi người ta hát ru, bao giờ cũng bế đứa trẻ lắc lư, đu đưa theo nhịp câu hát, hay có thể vỗ về đứa trẻ, tác động phụ trợ với câu hát đưa bé vào giấc nồng. Đặc biệt hơn, khi người ru bồng đứa trẻ nằm trên võng, nhịp đưa nôi của câu hát khi đó đánh đồng với nhịp đu đưa “kẽo kẹt” của chiếc võng, tất sẽ tác động mạnh hơn tới việc gây ngủ. Trong các loại hình âm nhạc dân gian, đây có lẽ là trường hợp duy nhất mà người hát trực tiếp “bồng bềnh, chao liệng” cùng nhịp điệu câu ca theo đúng nghĩa đen của nó. Xin nói thêm, điểm nhấn chu kỳ nhịp điệu trong Hát Ru có tính co giãn tương đối, không thật đều. Nên nếu cố tình hát phá cách theo kiểu nhịp điệu tự do hoàn toàn, thì Hát Ru khi đó sẽ có dáng vẻ giống với một làn điệu ngâm thơ.

Cần thấy rằng, trong những yếu tố “bó buộc” chi phối, làn điệu Hát Ru vẫn bao chứa những kỹ thuật âm nhạc của riêng mình, như một khoảng xác định bẳn sắc nghệ thuật của làn điệu. Những kiểu rung giọng, nhấn nhá, luyến láy các cung bậc quy định luôn tạo nên sức hấp dẫn nhất, quyến rũ, đủ để mỗi người hát có thể phát huy khả năng âm nhạc của riêng mình. Bởi thế, một người hát ru giỏi với chất giọng truyền cảm sẽ có thể gây ấn tượng như một nghệ sĩ dân gian thực thụ. Đó là điều đã được xác nhận trong thực tiễn.

Về mặt nội dung, người hát ru có thể vận dụng toàn bộ vốn liếng thơ ca của mình để đặt làm lời câu hát. Đó có thể là một cặp thơ, một chùm thơ hay cả một bài thơ lục bát. Bên cạnh việc ứng vận vốn thơ ca sẵn có, người ta cũng có thể tức hứng mà sáng tạo những lời ca riêng, biểu đạt cái tôi với nhiều cảm xúc. Trong các bài Ru con được lưu truyền, không ít bài được bắt đầu bằng các từ “bồng” hay “ru”- là những động từ có nghĩa liên quan mật thiết tới hành động ru trẻ ngủ. Đó cũng là nét đặc trưng trong lời ca Hát Ru.

Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm đò ngang không chèo…

Hay:

Ru con con ngủ cho ngoan
Mai sau con lớn con nên thân người…

Hoặc:

Ru bồng ru bổng ru bông
Mẹ ru con ngủ mẹ dông lên làng…

runam16

Ở đây, do đối tượng được ru ngủ là đứa trẻ nên nội dung tâm sự với bé vẫn được xem là điển hình hơn cả. Bên cạnh đó, người hát có thể biểu đạt rất nhiều chủ đề khác như cảnh quan thiên nhiên, quê hương, đất nước, con người… Như thế, nội dung của Hát Ru là không giới hạn. Trong đó, sẽ thấy những chiều cạnh khác nhau như sau:

+Tâm sự của người hát với đứa trẻ (đối tượng ru ngủ)

+Tâm sự của người hát với những người xung quanh

+Tâm sự của người hát với chính mình – tính tự sự.

Có thể nói, song song với mục đích ru trẻ ngủ đơn thuần, làn điệu Hát Ru là một cơ hội thuận tiện để người ta thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật âm nhạc và thơ ca. Thông qua Hát Ru, mỗi người phụ nữ đều có thể bộc bạch nhiều tâm sự, kể cả những tâm tư tình cảm khó có thể nói bằng lời trong cuộc sống thường nhật. Theo đó, những người xung quanh cũng có dịp hiểu thêm người thân trong gia đình. Thật không quá khi cho rằng, đây là một cơ hội dành cho người phụ nữ trong xã hội xưa, một thân phận với biết bao gánh nặng lo toan trong mối quan hệ vợ chồng con cái, mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng… Sự bộc bạch tế nhị qua câu hát, như một nét đẹp trong văn hóa ứng xử Việt Nam. Nói thế để thấy được chức năng kép của một thể loại âm nhạc dân gian hữu dụng như thế nào.

Bên cạnh những sự sắp đặt lời ca có chủ ý, trong làn điệu Hát Ru, còn bắt gặp một hiện tượng thú vị khác, đó là nội dung vô thức. Ở đây, hãy tưởng tượng, nếu đứa trẻ chưa ngủ, người ru sẽ buộc phải ứng vận bất cứ lời ca nào mà họ chợt nhớ, rồi ghép nối bất kỳ, không cần mạch lạc. Thậm chí, khi người hát cạn vốn, nội dung Hát Ru có khi chỉ là những lời ca không có nghĩa, những hình tượng ngồ ngộ, không ăn nhập với nhau, hay đơn giản là một chuỗi những hư từ buột miệng, miễn sao có lời để ru cho xuôi là được. Khi đó, làn điệu Ru con được xem như một “công cụ” thực sự. Bởi người ru hát một cách vô thức mà chẳng hề quan tâm đến nội dung hay chất lượng nghệ thuật nữa. Đó cũng là nét đặc thù trong thực hành xã hội của làn điệu này.

runam11

Ngoài mục đích ru trẻ ngủ, sẽ thấy Hát Ru mặc nhiên có tác dụng như thứ tín hiệu nghệ thuật đầu đời của một kiếp người. Một đứa trẻ còn trong nôi tất nhiên chưa hiểu hết ý tứ của nội dung các lời ca mà người lớn sử dụng, xong những âm điệu đậm đà bản sắc quê hương ấy sẽ thấm dần, thẩm thấu qua giấc ngủ, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, đặt những viên gạch đầu tiên hình thành một nhân cách văn hóa dân tộc trong đứa bé.

À ơi..! Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con… À ơi…!

Trong các thể loại âm nhạc dân gian, có lẽ Hát Ru là làn điệu được dùng với tần suất nhiều hơn cả. Bởi lẽ trẻ thơ luôn là đối tượng ưu tiên ở mọi cộng đồng cư trú, hết lớp này đến lớp khác luân phiên chào đời tiếp nối mạch sống dân tộc. Theo đó, ru trẻ ngủ đương nhiên là việc không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Sớm khuya chiều tối, bất cứ lúc nào cần trẻ ngủ là lại vang lên tiếng Hát Ru. Chính đặc tính liên tục đó của Hát Ru đã khiến làn điệu có được vị trí ấn tượng nhất trong đời sống âm nhạc của một chu kỳ đời người. Ở đây, sẽ thấy một người hát Ru đồng thời cũng chính là người thầy truyền dạy làn điệu tại chỗ cho những người xung quanh. Mỗi thành viên trong gia đình người hát hay hàng xóm láng giềng kề bên đều có thể dễ dàng cảm nhận, nắm bắt một cách vô tình hay hữu ý. Những lời ca có giá trị theo đó mà lưu truyền từ người này sang người khác, vùng này qua vùng khác, còn mãi với thời gian. Bởi vậy, hát ru cũng được xem như một phương tiện bảo lưu vốn thơ ca dân gian hữu hiệu và bền vững.

Bước qua giai đoạn bú mớm, bế ẵm với làn điệu Hát Ru đậm đà vị ngọt yêu thương của gia đình, đứa trẻ bước sang tuổi thiếu niên nhi đồng. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu khám phá, tìm hiểu cuộc sống xung quanh với những giao tiếp xã hội đầu đời. Ở lứa tuổi này, việc tìm chúng bạn cùng trang lứa chơi đùa, nghịch ngợm là một nhu cầu bản năng sinh học. Và, Đồng dao là thể loại âm nhạc gắn bó với đoạn đời này. Cùng là âm nhạc dành cho trẻ nhỏ, nhưng Đồng dao lại hoàn toàn khác với Hát Ru- thể loại mà đối tượng thực hành là người lớn với ý thức về âm điệu, cung bậc rõ rệt. Ở đây, trẻ em lại chính là chủ sở hữu Đồng dao. Chúng sẽ phải tự hát, tự diễn xướng các bài ca trong môi trường sinh hoạt đồng trang lứa. Như vậy, có thể coi Đồng dao chính là loại âm nhạc diễn xướng đầu đời của một con người. Do đó, Đồng dao mang trong mình những đặc trưng riêng, phù hợp với tâm sinh lý phổ thông của lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, trước nhất là đặc tính phi giai điệu.

runam7

Nhìn chung, đại đa số các bài Đồng dao còn tồn tại đến ngày hôm nay đều không có giai điệu. Trường hợp như bài Bắt Kim Thang của trẻ em Nam Bộ là một hiện tượng hãn hữu. Ở đây, có thể thấy, với lứa tuổi chạy nhảy chơi đùa, miệng còn măng sữa, sự cảm âm chính xác về mặt giai điệu của đa số đứa trẻ bình thường là điều chưa thể hình thành. Giả thiết, nếu có một số trẻ cảm nhận được một bài ca có giai điệu thì cũng không dễ để chúng có thể sử dụng hàng ngày. Trong khi đó, tính thực hành ở lứa tuổi này lại đòi hỏi những gì dễ chơi, dễ học, dễ nhớ, dễ thuộc. Mới hiểu tại sao các bài Đồng dao tồn tại phần lớn đều dưới dạng vần vè, được diễn xướng với nhịp điệu rõ ràng. Đó là một hiện tượng phù hợp với tâm sinh lý thiếu niên nhi đồng.

Nhưng nói vậy không có nghĩa Đồng dao không phải là âm nhạc. Ở đây, cần thấy rằng giá trị nghệ thuật âm nhạc vốn không chỉ biểu đạt ở mặt không gian (cao độ), mà còn biểu đạt cả về mặt thời gian (nhịp điệu). Do đó, với những chu kỳ tiết tấu định hình trong từng bài ca, tính âm nhạc của Đồng dao là điều được xác định. Nói cách khác, chính đặc tính nhịp điệu đã ghi nhận Đồng dao là một thể loại âm nhạc dân gian của trẻ nhỏ. Trong đó, lời thơ được chuyển tải dưới dạng các mô hình tiết tấu đồng độ.

Cũng không hiếm những dạng mô hình tiết tấu đồng độ biến. Khi đó, điểm phân ngắt nhịp điệu trùng lặp với điểm phân ngắt câu thơ.

runam6

Hơn thế nữa, lời thơ ở đây không được đọc với giọng nói đơn thuần mà luôn được bọn trẻ xướng lên với tính cường điệu (cao giọng) có ngữ khí nhất định, như một kiểu dạng nói- hát. Đó được xem như dấu vết cổ xưa- tiền thân của hát- nói dạng sơ khai trong tiến trình phát triển nền âm nhạc dân tộc.

Cũng do chủ nhân thực hành và đối tượng thưởng thức đều ở lứa tuổi nhi đồng- thiếu niên, nên Đồng dao có vốn lời ca riêng với tính dị biệt đặc thù. Nó không giống với Hát Ru- thể loại có thể dùng vô số lời thơ với những nội dung khác nhau. Ở Đồng dao, nổi bật nhất, đó chính là tính phi logic của nội dung các bài ca.

Nu na nu nống
Cái cống[3] nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà[4] ú ụ…

Sẽ thấy, cái cống là vật vô thực, được sử dụng một cách hồn nhiên, cốt để chắp nối vần vè. Và, dù là cái cống, cái bống hay cái trống thì tại sao nó phải nằm trong để cái ong nằm ngoài? Tại sao đang chuyện Củ khoai chấm mật, tự nhiên nhảy phắt sang chuyện Phật ngồi phật khóc, rồi chuyển ngay qua hình ảnh Con cóc nhảy ra, Con gà ú ụ??? Ở đây, không gì giải thích hay hơn ngoài lẽ đơn giản, đó là sự cường điệu, phóng đại, ngoa dụ tự nhiên vốn đầy ắp trong trí tưởng tượng của trẻ thơ.

Trong toàn bộ các bài Đồng dao, lời ca thường là những mảnh miếng có tính tiền đề được lắp ghép ngẫu nhiên, chủ yếu để thuận miệng gieo vần. Phần lớn những hình ảnh sự vật, sự việc đều mang tính tượng trưng, được ghép nối bất kỳ theo những ý nghĩ ngây thơ, ngộ nghĩnh của trẻ nhỏ. Các nhà nghiên cứu gọi đó là tư duy nhảy cóc- phù hợp với lứa tuổi nhi đồng, một lứa tuổi bắt đầu hồn nhiên khám phá thế giới. Ở đây, cần phải thấy chính sự phi logic lại là đặc trưng tư duy của trẻ em và làm cho chúng hài lòng. Nu na nu nống là gì? Trẻ con không cần biết, bài hát vẫn in sâu vào trí óc trẻ thơ và chúng chỉ cần được chơi vui, thế thôi! Với cái cách thể hiện của Nu na nu nống, bọn trẻ sẽ biết điểm chỉ thứ tự thông qua trò đếm các đôi chân chúng bạn lần lượt ứng với từng từ trong lời ca. Khi hát đến từ cuối cùng, rơi vào chân ai thì đứa ấy rụt lại thật nhanh trước khi tay bạn hát đập vào, ai không kịp co chân thì thua cuộc. Bên cạnh đó, trẻ sẽ dần làm quen với ý thức ngăn nắp thông qua việc xếp những đôi chân ngay ngắn thẳng hàng, cũng như tập trung rèn luyện phản xạ cơ bắp nhanh nhạy của đôi chân phải co rụt bất ngờ. Hay đơn giản như trò chơi trốn tìm, trẻ buộc phải tập đếm nhảy cóc “năm- mười- mười lăm- hai mươi- hai nhăm…”- là một bài tính đầu đời với phép đếm cộng số năm.

runam18

Ở các bài Đồng dao, lời thơ hầu hết thuộc dạng 3-4 từ, đôi khi 5-6 từ, gieo vần chân- vần rơi vào âm tiết cuối cùng của câu thơ. Đây là thể thơ và cách gieo vần đơn giản nhất trong thơ ca dân gian. Bởi thế, các bài Đồng dao thật dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp với trí tuệ của trẻ nhỏ. Có thể tìm thấy nhiều hình tượng ngộ nghĩnh, các con vật gần gũi, hay hiện tượng thiên nhiên được nhân cách hóa như: dê đi học, gà đi cày, cóc ở nhà, ông sấm hét đùng đùng, ông giăng búi tóc… Đó thực sự là những gợi ý, những bài học đầu đời tiếp nhận thế giới xung quanh. Với những bài thơ kiểu nối vòng, trẻ được thực hành nhận biết các sự vật qua một xâu chuỗi những danh từ kết nối dạng mắt xích, là một sự rèn luyện về ngôn ngữ và hình ảnh.

Chim ri là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ các
Bồ các là bác chim ri
Chim ri …

Hay một bài đồng dao đố chữ xuất hiện khá muộn, rèn luyện khả năng ghép từ cơ bản:

Trọc gì? Trọc đầu
Đầu gì? Đầu tàu
Tàu gì? Tàu hoả
Hoả gì? Hoả tốc
Tốc gì? Tốc hành
Hành gì? Hành củ
Củ gì? Củ khoai
Khoai gì? Khoai lang
Lang gì? Lang trọc
Trọc gì? Trọc đầu …

Khi nói về một sự việc, Đồng dao thường không mô tả cụ thể, mà giành một khoảng rộng để trẻ phát triển trí tưởng tượng, rồi tự sắp xếp lấy trò chơi. Lộn cầu vồng là bài Đồng dao gồm 6 câu thơ 4 từ, một ước mơ bay bổng trời xanh với chiếc cầu vồng tưởng tượng, như có thể sờ- nắm được trong trí óc ngây thơ của trẻ.

Lộn cầu vòng
Nước trong nước chảy
Có cô mười bảy
Có chị mười ba
Hai chị em ta
Ra lộn cầu vồng

runam14

Điều đặc biệt là nhiều bài Đồng dao gắn liền với các trò chơi của trẻ nhỏ. Thường thì tên bài hát cũng đồng thời là tên của trò chơi tương ứng. Ở đây, điều lý thú là trẻ vừa chơi vừa học, tiếp nhận sự vật, sự việc xung quanh một cách sinh động nhất. Đó thực sự là những bài học tự thân, chưa cần đến cách giáo dục kiểu bài giảng trường lớp. Sự nhận biết thế giới phong phú sẽ được bồi đắp dần theo thời gian. Hơn thế nữa, cũng do Đồng dao kết hợp với các trò chơi nên mỗi đứa bé đều phải lần lượt thay nhau diễn trò, đóng giả nhiều vai khác nhau- cả người và vật. Bởi vậy, Đồng dao còn có ý nghĩa như một trò diễn dân gian trong quãng đầu đời. Đám trẻ tham gia được chúng bạn xem như những diễn viên nhí thực thụ.

Ở trò Rồng rắn lên mây, khi vào vai diễn, trẻ sẽ ý thức được sự đối lập giữa thầy thuốc và rắn- một con vật nguy hiểm, uyển chuyển lợi hại với nhiều khúc linh hoạt. Điều ngộ nghĩnh, kẻ thua cuộc trong trò chơi sẽ bị bắt làm thầy thuốc. Trong trò Thả đỉa ba ba, trẻ sẽ ý thức được sự nguy hại của con đỉa và con ba ba khi lội xuống nước. Một đứa đóng giả con đỉa đứng giữa sông để các bạn chạy qua chạy lại, cốt sao không cho “đỉa” tóm lấy. Đó là sự giáo dục tự thân nhẹ nhàng, không cần đến những lời dọa nạt của người lớn.

Với trò Nhong nhong nhong ngựa ông đã về, đứa trẻ kẹp cái que vào giữa hai đùi và tưởng tượng đó là một con tuấn mã, cầm thêm cái que nữa trong tay là thành cái roi ngựa hay thanh gươm, rồi tự tưởng tượng mình là vị dũng tướng nào đó, ra oai bảo vệ xóm làng. Ở trò Kéo cưa lừa xẻ, hai đứa trẻ vừa chơi vừa hát, như một sự rèn luyện thân thể với trí tưởng tượng vai diễn là hai ông thợ đang miệt mài xẻ gỗ. Hơn nữa, qua câu hát, các em cũng gây được một thông tin đáng chú ý rằng ai “thua” thì “về bú tí mẹ”! Điều đó rất hữu dụng trong việc giáo dục những đứa bé đã lớn mà không chịu cai sữa mẹ.

Trong sinh hoạt Đồng dao, trẻ em được tiếp xúc, tập phát âm, khám phá và rèn luyện với ngôn ngữ mẹ đẻ một cách có ý thức. Thông qua những dòng sự vật, sự việc trong lời ca, chúng dần hiểu biết về môi trường xã hội, dần nhận thức được thế giới xung quanh thông qua lăng kính của trẻ thơ. Trong đó, khả năng thơ ca cũng như tính sáng tạo tại chỗ đã được phác họa ngay từ tấm bé. Bằng chứng là cùng một nội dung lời ca, lại có những dị bản khác nhau thể hiện những sáng tạo khác nhau. Mỗi nơi có thể hát một khác, chơi một khác, trẻ phải tự tìm cách thích ứng nhanh nhậy, thể hiện sự khéo léo, rồi ganh đua học hỏi để tiến bộ. Lại có những lời ca tạo nên một mô hình đặc trưng. Dựa vào đó, trẻ có thể biến báo ra nhiều lời ca khác nhau dựa trên một nguyên tắc chung. Như bài “Chim ri là dì sáo sậu” cùng mô hình với bài “Kỳ nhông là ông kỳ đà” hay “Dưa chuột cùng duộc dưa gang”.., vừa là bài học về các loại chim thú, cây quả, vừa là bài học về mối quan hệ họ hàng thân tộc. Ngoài ra, với những ngữ khí, ngữ điệu khi diễn xướng câu ca, một phác đồ âm điệu nhạc dân tộc bắt đầu manh nha hình thành trên nền nhịp điệu của các bài Đồng dao.

runam26

Tóm lại, với đặc tính nguyên hợp bao gồm các yếu tố như âm nhạc, thơ ca, trò diễn, hoạt động cơ thể.., Đồng dao thực sự là những sáng tạo thông minh của các “tác giả vô danh”. Vừa mang tính giải trí, vừa có tính giáo dục rèn luyện cho trẻ em trong những năm tháng ấu thơ, các bài Đồng dao đã đánh thức, nuôi dưỡng và phát triển trí tưởng tượng phong phú, hồn nhiên của trẻ em. Có nhiều ý kiến cho rằng Đồng dao khiến trẻ ngoan ngoãn, thuần tính, dễ bảo hơn là những sự răn đe, mắng mỏ dọa nạt của người lớn. Bên cạnh đó, do buộc phải cùng chơi, cùng ca hát, diễn trò theo nhóm nên Đồng dao cũng là cơ hội rèn luyện tính cộng đồng, tình yêu thương đùm bọc cho một đứa trẻ để chuẩn bị hành trang vào đời trong tương lai. Không ai khẳng định được Đồng dao ra đời từ bao giờ, nhưng chắc chắn một điều, Đồng dao là một phần trí tuệ và tài sản văn hóa của dân tộc, được các thế hệ thiếu niên nhi đồng lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng dao đã mãi mãi đi vào ký ức thân thương của mỗi người trong chúng ta./.

[1] Chúng tôi sử dụng hệ thống ký tự do, re. mi… với tính ước lệ. Còn trên thực tế, nhạc cổ truyền Việt Nam có hệ thống thang âm khác hẳn với hệ thang âm Bình quân châu Âu.
[2] Hát Ru Nam Bộ còn có những tên gọi khác là Hát Ru em, Hát Đưa em.
[3] Có dị bản gọi là cái bống hay cái trống.
[4] Có dị bản gọi là ông già

oOo

Hát Ru Con Nam Bộ – 90 phút nhạc cho bé

Hát Ru Nam Bộ – hát chat không có nhạc nền cho bé ngủ

Hát ru Nam Bộ (90 phút)

Hát ru bé ngủ – Dân ca Nam Bộ (26 phút)

Mời các bạn bấm vào link dưới đây để nghe hát ru con theo thể điệu Thơ Lục Vân Tiên:

Hát Ru Con – Thể điệu truyền thống thơ Lục Vân Tiên do Ca sĩ Bích Phượng diễn xướng

3 thoughts on “Dân ca dân nhạc VN – Hát Ru Con miền nam”

  1. Hát ru Nam bộ còn nhiều câu rất hay xin viết thêm để các bạn tham khảo :
    – Má ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau má nhờ
    Bắt ốc ốc nhảy lên bờ, hái rau rau héo má nhờ chi con
    – Chàng ơi cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
    – Bảy với ba tính ra một chục, tam tứ lục anh tính cửu chương
    Cầm bằng vác đặng thời đương, cầm bằng rồi bỏ thói thường cười chê
    – Sông sâu sào vắn khó dò, muốn qua thăm bạn sợ đò không đưa
    Đò đưa một chuyến năm tiền, đưa luôn hai chuyến trả liền một quan
    – Trồng trầu mà lộn dây tiêu, con theo hát bội mẹ liều con hư
    – Trồng trầu thì phải khai mương, làm trai hai vợ phải thương cho đồng
    – Đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
    Anh về anh học chữ nhu, chín trăng em đợi, mười thu em chờ
    – Đó giận đây đây chẳng có lo, cầu gãy còn đò, giếng cạn còn sông
    – Muốn sang phải bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu mến thầy
    Anh về để áo lại đây, để khuya em đắp gió tây lạnh lùng
    – Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài, hay đâu giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây.

    Liked by 1 person

  2. Chào Thu Hồng,

    Cám ơn bạn ghé thăm và chia sẻ. Những câu ru của Thu Hồng chia sẻ cũng rất hay. Các câu ru con của các bà mẹ Việt Nam mình thì trùng trùng không biết cơ man nào mà kể Thu Hồng nhỉ. 🙂

    Chúc bạn luôn an lạc.

    Like

Leave a comment