Kinh Chuyển Pháp Luân – Bát Chánh Đạo: Chánh Niệm

Chào các bạn,

Với sự phổ biến của Phật pháp gần đây, có lẽ các bạn đã gặp nhiều và quen thuộc với từ Chánh niệm (Samma-Sati). Từ Sati (niệm) thường được dùng với một từ khác có ý nghĩa không kém trong kinh điển đạo Phật, đó là Sampajanna (tỉnh giác). Hợp từ Sati-Sampajanna (chánh niệm tỉnh giác) xuất hiện rất thường xuyên trong các bài pháp cho thấy rằng hai pháp chánh niệm và tỉnh giác luôn luôn đi đôi với nhau. (xem Con đường cổ xưa_Piyadassi Thera)

Chúng ta hãy cùng đọc những lời Đức Phật dạy về Chánh niệm trong Kinh Tương Ưng Bộ_ Chương 45.8.VIII. Phân Tích (S.iv,8):

10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo,

(i) Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời;

(ii) Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời;

(iii) Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời;

(iv) Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm.

Chánh niệm được coi là quan trọng nhất trên con đường đi đến thanh tịnh và giải thoát, bởi chánh niệm yêu cầu cả sự chú tâm liên tục (định) và nhận thức trọn vẹn (tuệ). Tất cả mọi hành động như thở, đi, đứng, nằm, ngồi, cảm xúc,… đều cần được thực hiện trong tuệ giác tỉnh thức, với sự chú ý quán sát với chánh niệm, để có thể (1) tiếp xúc với sự mầu nhiệm trong cuộc sống và (2) tiếp xúc với khả năng nhận thức của bản tâm thanh tịnh trong sáng.

Đức Phật đã giảng giải cặn kẽ về thực hành Chánh niệm trong Kinh Trung Bộ_Chương 10: Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna sutta), đặc biệt tán thán bốn pháp quán trong Chánh niệm như sau: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ.

Đây là một bài Kinh dài, đề cập tất cả các đề mục quán chiếu, thường được biết đến như là “Thiền quán” hoặc “Thiền tứ niệm xứ”. Điều quan trọng cốt lõi của Thiền là “không suy nghĩ”, mà chỉ “nhìn” (xem thêm Ánh sáng của con có thể tắt_TĐH). Chính sự chú tâm “nhìn sự vật như nó là” đem lại trí tuệ và tinh tấn, là con đường đưa đến sự tĩnh lặng và an tịnh trong tâm.

Các đề mục quán trong bài Kinh Tứ Niệm Xứ được tóm tắt dưới đây:

  1. Quán Thân

(i) quán hơi thở

Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”.

(ii) quán các tư thế của thân

Tỷ-kheo đi, tuệ tri: “Tôi đi”, hay đứng, tuệ tri: “Tôi đứng”, hay ngồi, tuệ tri: “Tôi ngồi”, hay nằm, tuệ tri: “Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân như thế ấy…

(iii) quán các hành động của thân

Tỷ-kheo khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati (Tăng già lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm, v.v…

(iv) quán thân bất tịnh

Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: “đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, v.v…”.

(v) quán thân tứ đại

Tỷ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”.

(vi) quán bản tánh của thân qua chín đề mục tử thi

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”…

“Có thân đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.

  1. Quán Thọ

(i) quán lạc thọ (thuộc vật chất/ không thuộc vật chất)

(ii) quán khổ thọ (thuộc vật chất/ không thuộc vật chất)

(iii) quán bất khổ bất lạc thọ (thuộc vật chất/ không thuộc vật chất)

“Có thọ đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ.

  1. Quán Tâm

(i) quán tâm tham

…quán tâm tham biết là tâm có tham, quán tâm không tham biết là tâm không tham

(ii) quán tâm sân

…quán tâm sân biết là tâm có sân, quán tâm không sân biết là tâm không sân

(iii) quán tâm si

…quán tâm si biết là tâm có si, quán tâm không si biết là tâm không si

(iv) quán tâm thâu nhiếp

…quán tâm thâu nhiếp biết là tâm được thâu nhiếp, quán tâm tán loạn biết là tâm bị tán loạn

(v) quán tâm quảng đại 

…quán tâm quảng đại biết là tâm được quảng đại, quán tâm không quảng đại biết là tâm không được quảng đại

(vi) quán tâm vô thượng

…quán tâm hữu hạn biết là tâm hữu hạn, quán tâm vô thượng biết là tâm vô thượng

(vii) quán tâm định

…quán tâm có định biết là tâm có định, quán tâm không định biết là tâm không định

(viii) quán tâm giải thoát

…quán tâm giải thoát biết là tâm có giải thoát, quán tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát

“Có tâm đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm.

  1. Quán Pháp

(i) quán sự sinh diệt của Năm Triền Cái

– bao gồm: ái dục (tham muốn), sân hận (hận tức), hôn trầm (lười biếng), trạo hối (không ngừng tìm lỗi của mình), hoài nghi (nghi ngờ giáo pháp) – là những chướng ngại nội tâm, đặc biệt là chướng ngại việc thực tập thiền định.

(ii) quán sự sinh diệt của Năm Thủ Uẩn

– bao gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức
– là những yếu tố cấu tạo nên bản thể một con người.

(iii) quán sự sinh diệt của Sáu Nội Ngoại Xứ

– quán sự tiếp xúc giữa sáu căn (sáu gốc) với sáu trần (sáu bụi)
– sáu căn: nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý (mắt tai mũi lưỡi thân ý)
– sáu trần: sắc thanh hương vị xúc pháp (hình ảnh, âm thanh, mùi hương, vị, đối tượng xúc chạm, pháp).

(iv) quán sự sinh diệt của Bảy Giác Chi

– bao gồm: niệm (chánh niệm tỉnh giác), trạch pháp (biết chọn pháp lành), tinh tấn (cố gắng, kiên trì), hỷ (tâm hân hoan), khinh an (thân an lạc), định (tập trung lắng đọng), xả (buông xả, không câu chấp vướng mắc).

(v) quán Bốn Thánh Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo)

“Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp.

Kết thúc mỗi đề mục quán chiếu chánh niệm trong bài kinh này, bậc Giác ngộ đều nhắc lại: “Vị ấy sống không chấp trước vào bất cứ điều gì trên thế gian này“. Đây là một trong ba dấu ấn của Phật pháp: Vô chấp (trong Tam pháp ấn: Vô ngã, Vô chấp, Niết Bàn). Sự không chấp trước này vừa là khởi điểm của con đường, vừa là phương tiện tu tập, vừa là đích điểm cần đạt tới. Cách duy nhất để có thể thấu hiểu được Phật pháp đó là “sống” với pháp, có thể nhìn được sự thật với tâm trong sáng và được giải thoát khỏi tất cả những vướng mắc trên thế gian.

Khi mới bắt đầu luyện tâm, trong tâm trí còn rất nhiều những tiếng động “ồn ào” với đủ loại cảm xúc và lý luận, rất khó để một người có khả năng an trú được trong tâm tĩnh lặng mà không trải qua thời gian dài luyện tập. Tiến trình tu tập Chánh niệm “nhìn bản thân” là sự tỉnh giác đầu tiên để trau dồi tu dưỡng một đặc điểm chỉ duy nhất con người mới có: khả năng tự nhận thức bản thân. Đây cũng là đặc điểm khiến con người khác với tất cả mọi loài khác và là khởi điểm của các khái niệm đạo đức làm nền tảng của xã hội loài người.

Tuy khả năng tự nhận thức bản thân có sẵn trong con người, chỉ có chánh niệm mới có thể giúp ta rèn giũa khả năng này để trở nên hoàn toàn tự chủ và kiểm soát mọi hành động, suy nghĩ và cảm xúc của bản thân mình, không để chúng kiểm soát hay điều khiển ta. Phần lớn những phiền não trong đời của ta là do buông xuôi theo những thói quen tư duy cảm xúc phản xạ, không nhận thức được sự mất tự chủ của mình, chưa biết tu tập quán sát gốc rễ của các động cơ hành động và do đó không kiểm soát được những hành động vô thức của mình.

Kết thúc bài Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật tán thán kết quả của tu tập Chánh niệm là có thể đạt được trí tuệ (Chánh trí), chứng quả Bát hoàn (Bất hoàn – chắc chắn sẽ giác ngộ ở tương lai và không quay trở lại luân hồi nữa, có thể sau một hoặc nhiều kiếp sống vị lai nữa; hoặc có thể giải thích là các vị đã hoàn toàn thoát khỏi vòng cương tỏa của tham sân si và sẽ không bị quay lại vòng cương tỏa đó nữa), hay chứng ngộ Niết bàn (hữu dư y – đạt được Niết bàn trong tâm ngay trong kiếp sống này), như sau:

Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm… Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn…

Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ.

Tuy thời gian có thể dài ngắn khác nhau tùy thuộc nỗ lực và căn cơ của người thực tập Chánh niệm, nhưng trải qua vô lượng kiếp số người giác ngộ ít như nắm lá trên tay Phật, số người trầm luân tạo nghiệp nhiều như lá trong rừng. Điều đó cho thấy con đường Chánh niệm cần kiên trì tu dưỡng liên tục và lâu dài, không thể ỷ lại vào căn cơ hay dễ duôi phóng dật phó mặc cho duyên nghiệp.

Một câu chuyện Thiền cho chúng ta thấy mức độ khó khăn và yêu cầu tập trung chú ý rất cao như thế nào để đạt được Chánh niệm là chuyện “Thiền từng phút”:

Thiền sinh học với thầy tối thiểu là hai năm trước khi được cho dạy người khác. Tenno vừa xong chương trình tập sự và mới thành thầy dạy. Tenno đến thăm Nan-in. Trời mưa nên Tenno mang guốc gỗ và dù. Sau khi chào hỏi, Nan-in nói: “Chắc thầy để guốc và dù ở trong căn phòng đằng trước. Tôi muốn biết thầy để dù ở phía bên phải hay bên trái đôi guốc.”

Tenno, lúng túng, không có câu trả lời. Chàng nhận ra là chàng đã không thể hành thiền trong từng phút. Tenno trở thành học trò của Nan-in, và học thêm sáu năm nữa để đạt được Thiền từng phút.

Tenno đã phải mất 8 năm để đạt được Thiền từng phút – chánh niệm tỉnh giác thường xuyên. Đó là thời gian cần thiết đối với một người có thầy giỏi (Nan-in), có môi trường tu tập thuận lợi (dòng Thiền Lâm Tế), có căn cơ (tự nhận ra mình đã không thể hành thiền trong từng phút).

Chúng ta có thể đạt được thiền giữa cuộc đời ta bà phiền não này không? Chắc chắn là có, nếu ta có quyết tâm đi trên con đường chánh đạo, ta có thể thực hành chánh niệm hàng ngày. Chánh niệm để tập trung thưởng thức một bữa ăn, một cuốn sách, những sự tiếp xúc, lắng nghe thật kỹ một người bạn đang trò chuyện với mình, dành thời gian quán sát những cảm xúc xung động nổi lên trong lòng,… (xem thêm Biết mình_TĐH)

Khi đã được hưởng phần nào những trải nghiệm mát lành của Chánh niệm, biên giới của sự tiếp xúc nhòa dần đi và hòa quyện ta trong không gian và thời gian, hợp nhất với sự sống trọn vẹn. Khi đó ta không còn cảm thấy áp lực về thời gian nữa. Chánh niệm trở thành cách sống, cách làm việc, cách tận hưởng trong mọi hành động hàng ngày của đời sống tỉnh giác, chỉ bằng cách quan sát mà không đánh giá, so sánh, phán xét hay mong cầu điều gì.

Chúc các bạn luôn có Chánh niệm,

Thân mến,

_()_

Phạm Thu Hường

Các bài cùng chuỗi:
Kinh Chuyển Pháp Luân: Trung Đạo
Kinh Chuyển Pháp Luân: Tứ Diệu Đế
Kinh Chuyển Pháp Luân– Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh Tư Duy
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh nghiệp
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh ngữ
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh mạng
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh Tinh Tấn
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh niệm
Kinh Chuyển Pháp Luân — Bát Chánh Đạo: Chánh định

9 thoughts on “Kinh Chuyển Pháp Luân – Bát Chánh Đạo: Chánh Niệm”

  1. Em cám ơn chị Hường với loạt bài rất trí tuệ này.

    Em thích câu cuối của chị: “Chánh niệm trở thành cách sống, cách làm việc, cách tận hưởng trong mọi hành động hàng ngày của đời sống tỉnh giác, chỉ bằng cách quan sát mà không đánh giá, so sánh, phán xét hay mong cầu điều gì.”

    Like

  2. Cảm ơn em Thu Hương, nhắc đến “tâm không mong cầu” là nhớ ngay đến điều anh Thảo vẫn hay nói đây mà ^^

    Nói là không mong cầu gì vì chánh niệm chỉ có nghĩa là “nhìn” thôi và không để tâm xung động theo những điều “nhìn thấy”, nhưng đến tận cùng cũng vẫn là chánh niệm để biết yêu thương thế gian và cầu mong thế gian trở nên ngay thẳng và tốt đẹp hơn. Những lời Phật dạy rất nhiều những khái niệm phức tạp, nhưng trọng tâm thì rất đơn giản.

    Còn một cách đơn giản hơn nữa là cách “thiền quán trong Chúa” rất dễ an tâm, chị học được từ anh Hoành: nói chuyện với Chúa hàng ngày, về những điều mình “nhìn thấy” và những điều mình chưa hiểu, Chúa sẽ soi sáng cho mình.

    Thân,
    c. Hường

    P/S: Em cảm ơn chị Phượng và chị Quỳnh Linh đã đọc bài này ạ và “like” ạ ^^

    Like

  3. Úi chà chà, em nhớ em like ngay sau chị Phương, thế mà anh Hoành vẫn chen được vào giữa. 😀

    Chánh niệm là một đề tài khó, dù người ta nói và viết về nó nhiều. Mình đến giờ vẫn chỉ cảm thấy biết biết chứ chưa dám nói nhiều về chánh niệm, vì nói vài câu sẽ lại thấy có điều chưa chính xác, chưa trọn vẹn. Hường viết ra được như thế này là rất tốt. 🙂

    Like

  4. Chị Hường ơi,

    Em cám ơn chị đã nói thêm cho em hiểu. Cụm từ “thiền quán trong Chúa” thật thú vị. Vừa có lời Phật lời Chúa, vừa cô đọng và trọng tâm. Lại thêm một câu rất hay nữa.

    Mà chị ơi, em thích nguyên cả câu này của chị (đó là câu cuối trong bài của chị), chứ không chỉ là cụm từ cuối của câu ạ: “Chánh niệm trở thành cách sống, cách làm việc, cách tận hưởng trong mọi hành động hàng ngày của đời sống tỉnh giác, chỉ bằng cách quan sát mà không đánh giá, so sánh, phán xét hay mong cầu điều gì.”

    Hihi

    Like

  5. Cảm ơn Hường đã nhắc đến mình. Hi hi …

    Về “tâm không mong cầu”, mình mới đọc lời nầy của Minh Niệm. Xin chia sẻ cùng các bạn, để “tùy nghi sử dụng”.

    “Khi nào ta có khả năng dọn sạch được năng lượng mong cầu mọi thứ như ý mình thì tất cả những phiền não khác cũng không còn cơ sở để tồn tại. Trạng thái vắng bặt mọi phiền não ấy chính là hạnh phúc chân thật – thứ luôn có sẵn trong mỗi người”.

    Cảm ơn Hường về bài Chánh Niệm!

    Like

  6. Hi Hường,

    Bây giờ Anh hiểu nghĩa Chánh niệm hơn và thích đoạn này của Hường: “Chánh niệm chỉ có nghĩa là “nhìn” thôi và không để tâm xung động theo những điều “nhìn thấy”, nhưng đến tận cùng cũng vẫn là chánh niệm để biết yêu thương thế gian và cầu mong thế gian trở nên ngay thẳng và tốt đẹp hơn.”

    Đôi khi trong cuộc sống có những điều bất như ý mình nên tập “giả lơ” (“nhìn”) thôi chứ đừng đánh giá, so sánh, phán xét để giữ cái tâm tĩnh lặng và yêu thương.

    Cám ơn Hường bài viết.

    Like

  7. Em cảm ơn cả nhà đã chia sẻ ạ,

    Câu anh Thảo trích rất hay, em cảm ơn anh, cụm từ “không mong cầu điều gì” em viết cuối bài này đúng là nghĩ đến điều anh hay nói đấy ạ. Nhà ĐCN mình ảnh hưởng nhau mạnh quá ^^ (thể nào cũng có người sửa “ảnh hưởng” thành “cộng hưởng” hihi)

    Anh Tâm ơi, tinh thần của Thiền đúng là “nhìn” và không vọng tâm như vậy, chỉ cần nhớ được điều này là nhớ được trọng tâm của Thiền. Em muốn nói thêm một chút về “hành thiền” mà trong bài này em chưa làm nổi bật lên được, mới chỉ tập trung vào lý luận và lời Phật giảng.

    Chúng ta hãy ngồi thẳng, nhắm mắt lại và tưởng tượng chúng ta đang ngồi kiết già dưới một gốc cây trong một khu rừng như hình Đức Phật của bài này, chú tâm vào từng hơi thở, cảm nhận xung quanh bằng tất cả các giác quan, “nhìn” bằng tâm định chứ không phải nhìn bằng mắt. Khi giữ tâm định như vậy, tất cả những âm thanh xung quanh sẽ trở nên rõ ràng, sống động, tiếng chim lóc chóc trên cây, tiếng lao xao của cuộc sống xung quanh, cảm nhận của gió và nắng ấm,…. Đến một lúc, mọi biên giới như biến mất và ta trở thành một với tất cả, ta và tiếng chim không riêng biệt, ta ở trong tiếng chim kêu lích chích và tiếng chim cũng ở trong ta, tâm bao trùm vạn vật trong một thể thống nhất. Cảm giác hợp nhất này dễ tìm thấy nhất khi trở về thiên nhiên ạ, như em có viết ở cuối bài: “biên giới của sự tiếp xúc nhòa dần đi và hòa quyện ta trong không gian và thời gian, hợp nhất với sự sống trọn vẹn.”

    Em cảm thấy những trải nghiệm hành thiền gần gũi với tự nhiên và thinh lặng như vậy là bước đầu cần thiết để tĩnh lặng và chữa lành, khi đã vững vàng với tinh yếu của Thiền thì có thể có chánh niệm ngay trong cuộc sống thường nhật ạ. Nếu có thể “thiền quán trong Chúa”, nhìn tất cả mọi sự với con mắt của God thì còn nhanh hơn nữa để trở về và yêu cuộc sống ta bà này hơn.

    Em cảm ơn chị Q.Linh và Thu Hương luôn cổ vũ rất nhiệt tình ❤

    e. Hường

    Like

  8. Cảm ơn Hường đã nói “chánh niệm ngay trong cuộc sống thường nhật”!

    Bởi là Phật hay là ma, chỉ khác nhau có một niệm trong tâm!
    Niệm từ bi, thì là Phật. Niệm hung dữ, tranh hơn thua, thì là ma.

    Ôi, mình đã biết bao nhiêu lần là … ma!

    Like

  9. “Niệm từ bi, thì là Phật. Niệm hung dữ, tranh hơn thua là ma”

    Sự khác biệt giữa người cao, người thấp (tốt và xấu) là đây!

    Cám ơn Anh Thảo.

    Like

Leave a comment