Bản lĩnh Việt

Người Việt Nam có một sức sống và bản lĩnh mạnh mẽ, đặc biệt rõ nét trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sức sống và bản lĩnh phi thường đó đã được nêu bật trong hai câu thơ của Tố Hữu:

“Mưa bom, bão đạn, lòng thanh thản
Nhạt muối, vơi cơm, miệng vẫn cười.”

(trích Trường ca Theo chân Bác)

Bản lĩnh Việt ấy đã được tiếp nối qua bao thế hệ, là di sản quý báu mà thế hệ cha ông trao truyền lại cho con cháu hôm nay. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn còn xúc động và cảm phục khi nhắc đến cái tên Lê Thanh Thúy – “đóa hướng dương không cần mặt trời”. Mang trong mình căn bệnh ung thư, Thúy đã chiến đấu với bệnh tật bằng một tinh thần lạc quan và nghị lực sống mạnh mẽ. Em đã sống những ngày tháng cuối cùng vô cùng ý nghĩa. Em đã ra đi nhưng “Ước mơ của Thúy” đã, đang và sẽ được những người ở lại duy trì đều đặn.

Tôi đã từng bật khóc khi xem đoạn phóng sự về cô bé 9 tuổi Nguyễn Linh Chi, người được mệnh danh là “Nick Vujicic của Việt Nam”[1]. Nhìn những nét chữ nắn nót, tròn đẹp, rõ ràng trong cuốn tập, không ai có thể ngờ rằng chúng được một cô bé không tay viết ra. Không có tay, lại không có chân, nhưng em vẫn có thể nhảy nhót và chơi đập bóng bay theo cách riêng của mình, vẫn có thể “thò tay qua cửa sổ để xem giọt mưa như thế nào”…Nghị lực sống phi thường của em thật đáng khâm phục!

Chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ cũng đã ghi nhận và tiếp sức cho rất nhiều bạn trẻ chỉ mới 18, 19 tuổi nhưng giàu nghị lực và niềm tin[2]. Đó là những tân sinh viên mồ côi cha, mẹ, hoặc có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia cảnh rất khó khăn. Để nuôi giữ ước mơ giảng đường của mình, các em phải nỗ lực gấp trăm lần so với bạn bè đồng trang lứa. Vậy mà rất nhiều em trong số đó không những vẫn học được mà học rất giỏi. Năm nào cũng vậy, không thiếu những em học sinh tỉnh lẻ, nhà nghèo, bố mẹ làm nông, điều kiện học tập thiếu thốn hơn bạn bè ở thành phố rất nhiều mà thi đại học vẫn đạt số điểm rất cao, thậm chí là thủ khoa. Dù hoàn cảnh có ngặt nghèo đến đâu, dù phải làm thuê, làm mướn, sửa xe máy, vá xe đạp,…các em vẫn có thể “vẽ ước mơ từ những bất hạnh”[3] của đời mình.

Thực ra chẳng cần đi đâu xa để có thể nhìn thấy bản lĩnh Việt. Nếu chịu khó quan sát trong cuộc sống thường ngày, xung quanh ta cũng có rất nhiều tấm gương về nghị lực sống mạnh mẽ. Đó là những người mẹ “một nắng hai sương”, lam lũ, tần tảo nuôi con ăn học, là những người cha chạy xe ôm, bán vé số, tiết kiệm từng đồng đã chăm lo cho gia đình trong thời buổi nhiều khó khăn hiện nay, là những con người không bao giờ đầu hàng số phận dù trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Rất rất nhiều người bình dị xung quanh ta có thể mang lại cho ta rất nhiều bài học về niềm tin và ý chí kiên cường.

Bản lĩnh Việt là gì? Là những con người « Sống như những đóa hoa », vẫn âm thầm « tỏa ngát hương thơm cho đời » từng ngày, là những con người luôn tâm niệm «Rằng những khó khăn này càng làm tôi thêm yêu cuộc đời, và thắp sáng niềm tin trong tôi… » (Trích lời bài hát « Sống như những đóa hoa » của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng:

 

Bùi Thị Minh Châu

[1] Xem lại đoạn phóng sự này ở đây:

[2] “Chỉ cần có niềm tin”, http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20140912/chi-can-co-niem-tin/644572.html

[3] http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20140830/ve-uoc-mo-tu-nhung-bat-hanh/639163.html

One thought on “Bản lĩnh Việt”

  1. Hi Minh Châu,

    Cám ơn bài viết rất hay, đầy nhân văn. Qua trải nghiệm cuộc sống anh thấy khi gặp tai ương, những điều không mong muốn nhưng cứ lại đến: bệnh tật, ung thư, sóng thần, mưa bão….mình nên luôn nghĩ là mình còn may mắn hơn những người khác, xem mọi thử thách là cơ hội. và làm đẹp cho đời.

    Clip thật xúc động.

    A Tâm

    Like

Leave a comment