Vô chấp là gì?

Chào các bạn,

Vô chấp (vô trụ) là một trong 3 dấu ấn quan trọng nhất của Phật học—vô ngã, vô chấp, Niết bàn. Cả ba khái niệm này tuy ba nhưng mà là một. Nếu bạn vô ngã, bạn đạt Niết bàn; nếu bạn vô chấp bạn đạt Niết bàn; nếu bạn vô ngã là bạn vô chấp và đạt Niết bàn; nếu bạn vô chấp là bạn vô ngã và đạt Niết bàn; nếu bạn đạt Niết bàn thì bạn đã vô chấp và vô ngã… Ba khái niệm này thực ra chỉ là ba cách nói khác nhau của một điều.

Vô chấp còn gọi là vô trụ. Chấp là bám vào, trụ là đứng cứng bên trên—bám vào tiền hay đứng cứng trên tiền cũng là một điều như nhau.

Hình ảnh dễ nhất cho các bạn thấy vô trụ là một con chim sẻ. Hãy nhìn chú chim sẻ tung tăng bay lượn trong nắng mai. Chú đứng trên cành cây, nghiêng đầu chíp chíp. Rồi bay sang cành khác, đứng rỉa lông bụng, rồi đột nhiên chú sà xuống bãi cỏ đi tới đi lui, đầu lắc qua lắc lại như đang tìm mồi, thoắt một cái chú đập cánh lên trời lượn vài vòng trên làn gió mát…

Chú chim này rất tự do, cả bầu trời, cả trái đất, mọi cây cối đều có thể là nhà của chú. Chú có thể đứng trên bất kì nơi nào—cành cây, bãi cỏ, nóc nhà—nhưng chẳng đứng cứng trên nơi nào cả, chẳng dính cứng vào đâu cả, tức là luôn luôn trụ vào đâu đó—cành cây , bãi cỏ, nóc nhà, luồng gió—nhưng không dính cứng (vô trụ) vào đâu cả, nên chú có tự do. Trụ mà không trụ.

Phật triết là môn học của giải thoát, của tự do.

Vô chấp/vô trụ là vậy đó. Bạn có thể làm mọi sự–luật sư, bác sĩ, doanh nhân, cưa gỗ, đào đất—và có mọi sự–tiền, địa vị, công việc, nhà cửa, xe cộ–nhưng bạn không dính cứng vào điều gì cả.

Thường thì chúng ta thích làm điều gì đó tốt cho ta—không nói dối, không trộm cắp, không ăn thịt, buôn bán, chữa bệnh… Nhưng đôi khi những điều tốt ta làm lại có thể là chấp. Ví dụ: Một đám ăn cướp đang truy sát một người, mình thấy người đó chạy vào một ngõ tối, đám ăn cướp chạy tới hỏi mình thằng kia chạy đường nào, mình điềm nhiên chỉ vào ngõ tối đó (thay vì chỉ đường khác) vì mình không nói dối, thì đó là chấp hàng đại gia rồi, và vì chấp vào “không nói dối” nên mình đã phạm tội tiếp tay giết người.

Hay là, ăn chay không ăn thịt, và mình bị bệnh gì đó và bác sĩ khuyên nên ăn thịt và cá một thời gian để cơ thể đủ sức mạnh chống bệnh, mình nhất định không nghe, thà chết thì thôi chứ tôi chỉ ăn chay, đó là chấp.

Đặc biệt là khi mình dùng điều mình thích để chê bai những người khác có cách sống khác mình, thì đó là chấp. Minh ăn chay và không uống rượu, đừng chê những người ăn thịt và uống rượu. Trong rất nhiều nền văn minh du mục, như Trung đông, thì ăn thịt và uống rượu rất quan trọng cho đời sống của họ.

Không chấp vào đâu, không chấp cả vào “vô chấp”, đó mới thực sự là vô chấp.

Thiền sư Tenzen, giáo sư Đại học Hoàng gia Nhật, khi thích ngủ ngày là ngủ, khi muốn uống rượu là uống, khi cần bế phụ nữ qua đường là bế, nhưng thầy là đại thiền sư của thế giới.

Chấp không phải là ta làm gì hay không làm gì, mà là tâm ta có dính mắc vào điều gì không. Chấp không phải là cái ta thấy bên ngoài, mà là trói buộc của trái tim bên trong.

Dĩ nhiên, không dễ gì cho phàm phu thấy rõ được trái tim của mình để biết mình đang chấp hay không, cho nên phàm phu phải thực hành đủ mọi điều để luyện tâm—ăn chay, bớt ăn thịt, không nói dối, ngồi Thiền…–cho đến một lúc nào đó mình có thể làm mọi điều, không bị gò bó trong luật lệ mà vẫn không lạc đường, như là văn sĩ đến lúc thành thầy viết văn thì bỏ hết văn phạm, nhưng học trò làm thế thì sẽ rớt môn văn.

Không chấp vào đâu cả, kể cả không chấp vào vô chấp, gọi là “vô vô chấp”. Đó là “ưng vô sở trụ” (“không trụ vào nơi nào”) của Kinh Kim Cang.

Và đó là Niết bàn, vì vô chấp/vô trụ thì tâm của bạn rỗng lặng, không có rác nào ở trong đó. Rỗng lặng là Niết bàn, lửa đã tắt.

Vô chấp không phải là lý luận mà là thực hành. Bạn hãy thực hành không dính vào đâu mặc dù vẫn phải đứng ở đâu đó tại mỗi thời điểm, tức là không trụ mà có trụ, có trụ mà vẫn không trụ, thì bạn sẽ vô trụ thật sự, và sẽ thấy được an lạc của một trái tim tự do.

Chúc các bạn luôn vô chấp vô trụ.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

14 thoughts on “Vô chấp là gì?”

  1. Em cảm ơn anh về những giảng nghĩa và ví dụ cụ thể cho vô chấp vô trụ. Em thấy chữ Không của nhà nhà Phật đôi khi thật tiện lợi, câu hỏi thì vô vàn, câu trả lời chỉ có một chữ Không!

    “Vô chấp/vô trụ là vậy đó. Bạn có thể làm mọi sự–luật sư, bác sĩ, doanh nhân, cưa gỗ, đào đất—và có mọi sự–tiền, địa vị, công việc, nhà cửa, xe cộ–nhưng bạn không dính cứng vào điều gì cả.”

    Em góp thêm một ý nữa là có thể nhiều bạn trẻ sẽ cảm thấy giống em ngày trước, đôi lúc hay buồn rầu vì không là gì cả (chưa học xong), không có tài năng đặc biệt gì, và tất cả mọi sự – tiền, địa vị, công việc, nhà cửa, xe cộ – đều không có gì hết (ba em hồi đó vẫn hay gọi em là vô sản điển hình). Nếu theo cách nhìn của nhà Phật thì những lúc như vậy chính là lúc nhẹ gánh nhất, không vướng bận nhất, cho nên đáng lẽ phải nhẹ nhàng hạnh phúc nhất, nên em không hiểu tại sao khi thấy mình cứ buồn rầu mãi 😛 Khi đó em đã biết là có những điều đó cũng chẳng phải điều quan trọng gì, nhưng không có thì cảm giác hụt hẫng vì không biết mình là ai, không biết nền mình đang đứng là ở đâu.

    Bây giờ vượt qua được giai đoạn đó rồi, em nghĩ là trạng thái vô chấp vô trụ cũng giống như cảm giác hụt hẫng đó, nhưng người chưa nhận ra sự vô thường thì buồn vì điều đó (chấp vào cái bên ngoài để định nghĩa bản thân – chấp có).

    Lại có những người có rất nhiều, nhưng lại buồn chán cuộc sống đến mức muốn chết đi, như rất nhiều tài tử điện ảnh và chính khách tự tử. Em nghĩ những người đó có phải là đã không thoát ra khỏi được cảm giác vô nghĩa và khó khăn của đời sống, và không đủ dũng cảm để đối diện? Trường hợp này có lẽ đã thành chấp không, tương tự như những vị tu hành theo Thanh Văn ngày xưa cũng tự giết mình khi quán thân bất tịnh và thấy thân này hôi hám dơ dáy nên không muốn giữ nữa?

    Cuối cùng em nghĩ những người đã biết vô thường, vô chấp thì vượt trên được tất cả những thái cực chấp có, chấp không đó, tự do và hạnh phúc, định nghĩa bản thân chính là sự sống đáng được coi trọng trong chính mình, trong mọi người, mọi loài, bình đẳng và trong sáng.

    Cũng may là bây giờ em vẫn tương đối “không có gì hết” nên cũng dễ tu ạ ^^

    Em Hường

    Like

  2. Dạ anh Hoành ơi, em có điều này chưa hiểu rõ.

    “Chấp không phải là ta làm gì hay không làm gì, mà là tâm ta có dính mắc vào điều gì không. Chấp không phải là cái ta thấy bên ngoài, mà là trói buộc của trái tim bên trong.”

    “Không chấp vào đâu cả, kể cả không chấp vào vô chấp, gọi là “vô vô chấp”. Đó là “ưng vô sở trụ” (“không trụ vào nơi nào”) của Kinh Kim Cang.”

    Vậy thì rốt cuộc là làm sao vậy anh, vậy thì kể cả “Không chấp vào vô chấp” thì cũng chính là “chấp” rồi ạ.

    Em thấy luận bàn kiểu này như thể nói rằng “Em không có nguyên tắc sống nào cả”. Nhưng thực tế là ngay cả khi nói câu đó thì em cũng đã có một nguyên tắc sống đó là “không có nguyên tắc sốn nào cả” rồi.

    Kính mong anh chị đi trước diễn giải thêm cho em hiểu với!

    Like

  3. Hi Ngọc Anh,

    Đây là các điều thực tập như tập võ,, nói thì khó hiểu, và đôi khi nghe lọng cọng như em thấy.

    Nhưng nếu em thực tập vô chấp hàng ngày, thì từ từ em sẽ hiểu.

    Nhưng em đúng là môn gì thì đến mức thầy cũng không còn nguyên tắc nữa.

    Like

  4. Chị Hường ơi

    Dạo này em chợt nghĩ về vô thường, vô chấp, có lẽ em thích đọc hơn, thực hành thì đổ mồ hôi sôi nước mắt chị ạ :))

    Thỉnh thoảng em biết mình không chịu “bỏ” học vì sẽ không có gì để định nghĩa bản thân, rồi tự ti luôn 🙂

    Nhờ chị nói em mới biết là “định nghĩa bản thân chính là sự sống đáng được coi trọng trong chính mình, trong mọi người, mọi loài, bình đẳng và trong sáng”.

    Nhưng em cũng chưa hiểu được gì hơn là 1 khái niệm, có lẽ mình nhìn ai cũng là con của Thiên Chúa thì sẽ biết phải không chị 🙂

    Em cám ơn chị đã chia sẻ
    Em Xuyến

    Like

  5. Hi Xuyến,

    Chị cũng thấy người ta đã đi tìm giá trị và định nghĩa bản thân từ rất nhiều cách khác nhau, từ những phẩm chất, tài năng bên trong cho đến tài sản, địa vị bên ngoài, và chị cảm thấy giá trị của cuộc sống chính là nằm ở sự sống.

    Tuy vậy, chị đã nghe rất nhiều câu nói và có một thời gian luôn cảm thấy lo ngại không biết mình có đang chết không, những câu đại loại như là:
    – “có những người đã chết từ năm 20 tuổi nhưng đến năm 70 tuổi mới được đem chôn”
    – “ta đang sống hay chỉ đang tồn tại?”
    – “Sớm lại chiều đi lên cơ quan, chiếc xe cà tàng một lon cơm khô, họ chẳng chết bao giờ, vì có sống bao giờ đâu,…” (Chuyện năm người – Trần Tiến)

    Ngay cả trong Kinh thánh cũng nói rằng con người thế gian đang ở trong sự chết—tội lỗi và không được nối kết với Thiên chúa là chết.

    Nhưng lo mãi rồi chị cũng kệ, có thể xét về mặt triết lý, sự sống sâu sắc và mang rất nhiều tầng ý nghĩa, nhưng mình phải cố gắng từ những bậc thấp nhất là tồn tại độc lập trước đã phải không em?

    “Dạo này em chợt nghĩ về vô thường, vô chấp, có lẽ em thích đọc hơn, thực hành thì đổ mồ hôi sôi nước mắt chị ạ :))” Ngày trước chị cũng y như vậy đó, nhưng từ từ mình sẽ có nội lực rất mạnh mẽ và vững chãi. Em có duyên với ĐCN thích đọc là được rồi, như thế đã là “nhập lưu” rồi đó. Đúng như em nói mỗi chúng ta đều là con Thiên Chúa, những lời dạy tâm linh được viết sẵn trong trái tim của mình, chỉ cần nghe và làm theo thôi. Đó là lý do tại sao Đức Phật rất chắc chắn về khả năng dẫn đường của pháp và nói rằng tất cả mọi người đều có thể tự biết đường độ mình độ tha và giác ngộ. Bởi vì tình yêu và sự sống có sẵn trong trái tim mỗi người, chúng ta có nhận, tin và dũng cảm làm theo hay không mà thôi.

    Chúc em luôn tinh tấn vô chấp và đầy tình yêu nhé, chị rất vui được trò chuyện với em.
    Chị Hường

    Like

  6. Hi Anh Hoành và cả nhà,

    Vừa rồi ở Khoa em có 1 Bệnh nhân Nam 87t, Ông này mắc nhiều bệnh, bênh rất nặng, Cả Khoa em đã nổ lực cứu Ông qua nhiều cơn thập tử nhất sinh và thật sự Ông rất kiên cường nằm điều tri gần 2 tháng, nhưng cách đây 3 ngày cụ đã ra đi, Cả Khoa em rất tiếc, trưa nay em đã đến nhà thắp nhang cầu xin Ông về miền cực lac, về với Chúa trời, sau đó em được nghe người Con Ông nói: “Bác Tâm đừng nặng lòng vì người chết chưa chắc đã khổ và người sống chưa chắc đã sướng nên sống ở đời vui được gì cứ vui, thích điều gì cứ làm điều đó” nghĩa là họ không còn chấp vào sống hay chết, và hôm nay đọc bài này của Anh em càng hiểu hơn về mình vẫn còn chấp. Thấy mình cần phải rèn cái tâm hơn nữa.

    Cảm ơn bài viết của Anh Hoành và chia sẽ của Hường…

    Like

  7. Chào Ngọc Anh!

    Câu hỏi của Ngọc Anh làm mình nhớ đến lời kinh Phật: “Sắc bất dị Không. Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không. Không tức thị Sắc” mà anh Hoành đã giới thiệu trong các bài trước đây.

    Và câu nói: “Tùy duyên bất biến. Bất biến tùy duyên” (Tùy thuận ngoại duyên nhưng không thay đổi chí hạnh. Không thay đổi chí hạnh nhưng vẫn tùy thuận ngoại duyên).

    Ví như “Luôn làm việc lành, đừng làm chuyện ác, giữ lòng trong sạch”, đó là bất biến. Còn làm việc gì cũng được, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ, làm thuê cũng được, làm chủ cũng được, vô chùa tu cũng được, tu ở chợ cũng được, đó là tùy duyên. Bất biến và tùy duyên tồn tại cùng nhau và không mâu thuẫn nhau.

    Mình hiểu có gì sai, mọi người chỉ giúp cho nhé!

    À! Có phải Ngọc Anh tập bài Thái Cực Trường Sinh Đạo? Thuần thục chưa? Hôm nào biểu diễn cho anh xem với nghe!

    Like

  8. Dạ chị, chị đừng lo, em sẽ cố gắng tập, chứ không phải đọc, em không muốn phụ lòng anh Hoành và chị và các anh chị viết bài cho ĐCN đâu ạ

    Em cám ơn chị Hường đã trò chuyện với em, em thích đoạn chị nói về trái tim của mỗi người lắm, mỗi lần nghe như vậy em thấy cuộc sống này đẹp lắm ạ:)

    Em Xuyến

    Like

  9. Dear Anh Hai

    Vô chấp em gọi là Từ bỏ. Đúng như anh Hai đã nói với bạn Ngọc Anh: “Đây là các điều thực tập như tập võ… Nhưng nếu em thực tập vô chấp hàng ngày, thì từ từ em sẽ hiểu”

    Chính vì phải thực tập hằng ngày mà em có một năm để thử, hai năm ráo riết để tập nghĩa là trong hai năm chỉ cầu nguyện và tập không làm gì hết và bảy năm thực hành trên mọi môi trường sinh hoạt.

    Sau đó mới đi đến tự quyết định sống một đời Từ bỏ (Vô chấp) có nhiều mọi thứ: Tình, Tiền, Tài.. mà không có gì 🙂

    Và rồi không dừng lại nhưng vẫn tiếp tục thực hành hằng ngày như vậy cho đến ngày được về với Đấng Vĩnh Hằng trong an bình.

    Em chia sẻ một chút về cuộc sống của chính bản thân, để xác tín điều anh Hai chia sẻ: “Vô chấp không phải là lý luận mà là thực hành. Bạn hãy thực hành không dính vào đâu mặc dù vẫn phải đứng ở đâu đó tại mỗi thời điểm, tức là không trụ mà có trụ, có trụ mà vẫn không trụ, thì bạn sẽ vô trụ thật sự, và sẽ thấy được an lạc của một trái tim tự do.”

    Em cảm ơn và chúc anh Hai luôn hạnh phúc và an lành.

    Em M Lành

    Like

  10. Anh Hoành ơi!

    Khi anh nói câu này “môn gì thì đến mức thầy cũng không còn nguyên tắc nữa” em có thể cảm nhận được ý nghĩa của bài viết này. Em nhớ ra là mình đã thấm bài học sau từ khi nào không biết “đầu tiên là học kỹ nguyên tắc, sau đó thực hành đúng nguyên tắc, rồi cuối cùng là phá nguyên tắc”.

    Điều này em thấy nhiều trong nghệ thuật chụp ảnh, vẽ, võ thuật.

    Em thấy đến hàng bậc thầy rồi thì có thể sáng tạo ra nguyên tắc khác nữa đúng không anh? (điều này em chỉ mới nghe nói chứ chưa trải qua nó)

    Em Ngọc Anh

    Like

  11. Hi anh Thảo!

    Dạ, em đang tập bài Thái Cực Trường Sinh Đạo thường xuyên. Em mong là sẽ sớm gặp anh để nhờ anh tư vấn cho em vài điều trong khi kết hợp động tác và hơi thở nữa ạ. Anh giúp em nhé!

    Em Ngọc Anh

    Like

  12. A Di Da Phat!
    Vo Chap la khong co cam giac (feeling), dan den khong co tuong (conception), va se khong co tac y’, khong co ha`nh, khong co bui vo minh duoc hinh thanh, hay tai thiet lap bui vo minh vao tang thuc.
    Vidu: khong chap dung, khong co cam giac thich, se khong si me, va se khong co tham, vi du: cai dui ga nay dung la ngon, khi do bui da vao den tam roi, tam tham an dui ga da duoc hinh thanh.
    Vidu: chap sai, sanh ra cam giac dung sai, ai dung ai sai, con mat,
    cam giac sa^n se xuat hien.
    Vo Tru. la khong cot tam minh vao dau het, hau het tat ca moi nguoi deu co tam Vo Tru. Tam minh bi bui vo minh keo di nhung khong biet.
    Niet ban la trang thai Tam hoan toan doc lap voi bui vo minh ben ngoai lan ben trong.
    A Di Da Phat!

    Like

  13. “Vô Chấp là không có cảm giác (feelings)” Đây là hiểu nhầm lớn nhất về Vô Chấp mà em thấy nhiều người nghĩ vậy.

    Hôm trước em có nói chuyện với một người bạn cũ lâu năm tình cờ bạn tìm thấy em trên FB. Bạn có rất nhiều duyên với tu Phật, cuộc đời cũng khá nhiều sóng gió vất vả, trước bạn cũng hay nói với em số bạn số mệnh của bạn là người phải xuất gia (bạn học cùng cấp 3 với em). Nói chuyện một lúc thì bạn không dừng được, nhắc đến hai chuyện buồn xảy ra cùng lúc năm vừa rồi của gia đình mình và nói: “Nhiều khi nghĩ kiếp trước mình tu chưa tốt hay sao ấy, nên kiếp này… Thực ra mình là người hiểu nên cũng dễ vượt qua, nhưng nhiều lúc thấy nhớ và thương, tâm mình còn tham chấp…”

    Em thấy ngay đây là hai điều hiểu nhầm cơ bản về vô chấp của Phật, em có nói với bạn:
    – “Có sinh có diệt là lẽ tự nhiên, thường khi là nó không theo ý mình để mình hiểu được trân trọng cuộc sống khi vẫn còn sống”
    – “Nhớ thương thì không tham chấp, chỉ đau khổ vì nhớ thương mới là tham chấp.”

    Hai điều này em muốn bạn nhận ra để không bị cảm thấy day dứt vì sao mình tu chưa tới, và vô chấp không phải là không có cảm giác. Nói đơn giản, thì khổ là biểu hiện của việc còn chấp chứ không phải điều gì khác. Bạn im lặng một lúc lâu, em nghĩ là bạn hiểu và nhẹ lòng hơn với vô thường và cảm xúc nhớ thương không bị dồn nén nữa.

    Em kể chuyện một chút để chia sẻ ạ,

    em Hường

    Like

  14. uhm, vô chấp là … vô chấp chứ cũng không phải là chấp với “không cảm giác”. Mọi điều, đủ duyên đến thì đến, đủ duyên đi thì đi. Cảm xúc của mình cũng vậy. Bên cạnh một tâm sinh rồi diệt đó, có một tâm quan sát thư thái, tĩnh lặng. Cuộc sống chuyển động không ngừng, ta quan sát, đón nhận và cả đáp lại với một tâm tĩnh lặng. Tương tự, bản thân ta cũng thay đổi không ngừng, việc nhận biết những gì đang diễn ra trong chính mình cũng chính là điểm trụ tĩnh lặng cho mình.

    Like

Leave a comment