Ai lợi dụng ai?

Chào các bạn,

Hồi mình còn học đại học và khi mới ra trường, thường hay nghe các bạn bè anh chị than thở một nỗi lắng là mới ra trường hay bị các công ty tổ chức lợi dụng sức lao động. Làm việc cật lực mà lương trả thì ít. Thậm chí có những bạn còn than thở về việc các thầy cô bóc lột sức lao động làm việc và nghiên cứu của sinh viên. Và mình đoán có thể cũng có rất nhiều bạn đang ở trong tâm trạng tương tự.

Là mình thì mình tự hỏi bản thân thế này: “Mình đã làm việc đủ nghiêm túc để được người khác bóc lột chưa?”

Khi làm ở công ty khởi nghiệp với các bạn, bọn mình có những đợt tuyển tình nguyện viên và cộng tác viên là các bạn sinh viên hoặc bạn trẻ mới ra trường, với một mức hỗ trợ tối thiểu rất thấp không bằng vật chất được mà bằng nhiều điều khác. Có hai câu hỏi bọn mình thường hỏi và rất thẳng thắn với các bạn đến phỏng vấn:

*Có rất nhiều bạn đã thắc mắc, đây là một công ty tức là làm có lợi nhuận, không phải là một tổ chức phi chính phủ, bạn có thắc mắc tại sao bọn mình lại tuyển tình nguyện viên, cộng tác viên làm không lương, bạn có sợ hay nghĩ là bọn mình đang lợi dụng các bạn không?

*Ở vị trí của một cộng tác viên hay tình nguyện viên, bạn nghĩ trách nhiệm và tinh thần làm việc có khác gì so với người làm việc chính thức toàn thời gian không?

Thường thì bọn mình không có thời gian trả lời ngay trong buổi phỏng vấn các bạn mà thường chỉ chia sẻ được cho các bạn mà muốn tiếp tục theo cộng tác với bọn mình. Cá nhân mình và các bạn trong nhóm tin vào luật nhân quả. Nếu bọn mình lợi dụng các bạn để kiếm tiền thì chắc chắn bọn mình sẽ bị người khác lợi dụng lại. Khi mình làm việc hết lòng thì sẽ có ngày được đền đáp. Và mình cũng tin rằng nếu có ai lợi dụng mình làm lợi cho họ thì người đó cũng không được thanh thản, như thế tội nghiệp cho họ hơn là tội nghiệp cho mình. Trừ khi họ lợi dụng mình đi làm việc xấu mà mình tưởng là mình đang làm việc thánh thiện.

Và mình cũng đã trả lời cho các bạn làm tình nguyện viên rằng mình cũng đang làm tình nguyện và điều này không liên quan gì đến cái bằng thạc sĩ mình đã có hay bằng tiến sĩ mà mình sẽ có. Và mình biết mình đang làm gì, làm cho ai. Đối với mình thì khi còn đi học hay đã đi làm, tinh thần làm việc của mình như nhau. Cũng như là công việc tình nguyện hay chính thức được trả lương thì tinh thần làm việc vẫn nghiêm túc như vậy. Chỉ có cái khác là làm tình nguyện viên hay cộng tác viên thì bạn sẽ không phải là người ra quyết định cuối cùng cho cả tổ chức.

Mình cũng được tiếp xúc và làm việc với những viện nghiên cứu hàng đầu ở Châu Âu và Bắc Mỹ, mình học được cách làm việc nghiêm túc của họ. Là viện nghiên cứu nhưng họ làm việc như một công ty đa quốc gia, không chỉ làm việc với trường đại học mà làm việc với các công ty lớn. Họ có kiểm toán hàng năm (internal and external auditing) hay theo ngôn ngữ của ta dùng là thanh tra, kiểm tra. Tức là có những đội kiểm tra kiểm toán dù họ không biết gì về chuyên môn các lĩnh vực nghiên cứu của tổ chức này nhưng họ có chuyên môn để đánh giá chất lượng của viện nghiên cứu không chỉ qua hiệu quả ứng dụng của nghiên cứu và qua sự cam kết và sự nghiêm túc của các nhân viên và nhà nghiên cứu. Bởi vì không phải nghiên cứu nào cũng mang ra ứng dụng được. Nếu không nghiêm túc làm ăn thành thật thì không bao giờ có cơ hội làm việc tiếp theo.

Dễ thấy là những tổ chức số một thế giới như vậy họ không thể trở thành số một bằng cách làm ăn dối trá không nghiêm túc hay thiếu kỷ luật. Chúng ta đến từ những nơi chưa quen với làm việc có kỷ luật và còn nhiều dối trá thì có thể lấy đó làm cớ. Nếu đứng theo góc độ sự khác biệt là một thế mạnh để marketing thì trong một đống dối trá hỗn độn thiếu kỷ luật mình làm ăn nghiêm túc, lương thiện là một khác biệt và marketing cho chính mình để những người làm ăn nghiêm túc chân chính khác tìm đến mình, làm việc với mình và mang lại cơ hội cho mình.

Thực sự, bản thân mình từ hồi sinh viên cho đến khi tốt nghiệp đi làm, mình không sợ bị người khác lợi dụng. Tất nhiên để có thể vững vàng hơn, không do dự khám phá, mình cũng tự trang bị cho mình kỹ năng tra cứu thông tin một cách sáng suốt để không bị những tin nhảm nhí đánh lừa. Hay mình sẽ hỏi những người có kinh nghiệm uy tín về bạn bè, công ty tổ chức để tránh đừng đâm đầu vào những tổ chức làm ăn ma đạo mà mình lại vô tình tiếp tay. Và rồi thì mình cứ thành thật nghiêm túc học thật và làm việc thật.

Hơn hết là mình nhận ra từ khi đi học đi làm rồi lại đi học, đối với mình lúc nào cũng là một quá trình học không ngừng. Mình không phân biệt lắm tác phong làm việc từ khi là sinh viên cho đến khi đi làm. Cho đến tận bây giờ mình vẫn cảm thấy những gì mình đã đang học và làm đều chỉ mang lại lợi ích cho mình, giúp mình phát triển bản thân. Những gì mình đóng góp được thực sự chưa có đáng kể chút gì. Nhưng không có nghĩa là những gì mình đang làm là vô ích.

Mình không lo sợ bị lợi dụng và nhiều khi thấy rằng chính mình còn đang lợi dụng quyền làm người của mình mà bóc lột thiên nhiên và những người thiếu thốn hơn mình.

Chúc các bạn phát huy sức mạnh của làm việc thành thật, kỷ luật, nghiêm túc.

Thu Hằng

16 thoughts on “Ai lợi dụng ai?”

  1. Góc nhìn này của em rất hay “Mình đã làm việc đủ nghiêm túc để được người khác bóc lột/lợi dụng chưa?”

    Chị cũng đã suy nghĩ nhiều về vấn đề “bóc lột giá trị thặng dư” được nêu ra trong triết học Mac-Lê với lập luận rằng, sở hữu tư nhân sẽ tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu thông qua giá trị thặng dư được tạo thành, và “tầng lớp vô sản” sẽ không bao giờ đuổi kịp được khoảng cách giàu nghèo tạo ra do “sở hữu tư nhân”, vì vậy mà cần phải xóa bỏ hoàn toàn “sở hữu tư nhân” là nguyên nhân gây ra bất công bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

    Nhưng khi xóa bỏ hoàn toàn sở hữu tư nhân, trong thời kì bao cấp, và ngay cả trong nền hành chính hiện nay, có những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” bởi vì chẳng có gì để làm cả, mà cũng chẳng được phép làm gì khi chưa có “lệnh cấp trên”, thành ra đôi khi chị nghĩ “giá trị thặng dư” có phải lúc nào cũng mặc nhiên là có đâu, như em nói “mình đã đủ nghiêm túc để tạo ra được giá trị thặng dư cho người ta bóc lột chưa?” (nhiều khi chị cũng thấy chị chỉ ăn chứ chưa làm được gì :P) Sở hữu tư nhân cũng có mặt tốt của nó, đó là tạo động lực thúc đẩy sản xuất và phát triển.

    Chị rất ngưỡng mộ công ty khởi nghiệp của các em đó, chắc chắn là có rất nhiều điều hay để học, nhiều cơ hội khám phá, và chị tin là các em đủ thông minh để trả công xứng đáng cho những người có năng lực và đóng góp có giá trị cho công ty theo khả năng hiện tại ở mỗi thời điểm. Chúc các em thành công bền vững.

    Cảm ơn bài viết của em
    Chị H

    Like

  2. Hi Hường,

    Khái niệm “giá trị thặng dư” của Karl Marx sai hơi nhiều, vì Marx chưa hiểu rằng trong nền kinh tế thị trường phát triển, tư bản (tiền bạc, vốn liếng) là một production factor (nhân tố sản xuất) như các nhân tố khác: đất đai, tài nguyên, lao động, quản lý… Không có tư bản thì không có vốn làm ăn. Mà có tư bản thì phải trả công cho tư bản, cũng như trả công cho lao động. Chảng có nhân tố sản xuất nào không cần.

    Mọi nhân tố đều có thể lấy lợi “thặng dư” khi thi trường bị bóp méo vì thế lực: Lao động mạnh quá, đình công mãi, đòi tăng lượng mãi, thì lao động sẽ có lương thặng dư, và công ty có thể chết. Tư bản quá mạnh thì tư bản có lợi thặng dư và lao động chết.

    Một thị trường tốt là thị trưởng trong đó mọi production factor đều có cơ hội giúp phát triển săn xuất và không có sức mạnh để bóc lột nhau.

    Các điều đó có được nhờ (1) có cạnh tranh tốt trong thị trường, và (2) Nhà nước điều tiết để tránh các tình trạng lạm dụng phi pháp. Hai việc này đề là do nhà nước hiểu luật pháp, làm luật pháp, và thi hành luật pháp.

    Like

  3. Sinh viên mới ra trường hay nghĩ mình bị lợi dụng vì lương tháp và làm việc vặt, Nhưng các bạn không biết là các bạn đang được huấn luyện âm thần. Mới ra trường,công ty phải tốn thời giờ huấn luyện, từ việc vặt đi lên. Công ty tốn tiền tốn công cho người mới ra trường nhiều hơn họ nghĩ.

    Cứ làm tốt mọi việc vặt thì sẽ được cân nhắc.

    Like

  4. Mỗi lần đọc bài của Hằng, mình thường có cảm giác được đi vòng quanh thế giới. 😀

    Cám ơn những chia sẻ rất toàn cầu của Hằng.

    Like

  5. Hằng ơi, chị nghĩ phải là “người ra quyết định” thay vì “người gia quyết định” chứ nhỉ? 😛

    Anyway, bài của em rất hay 🙂

    Like

  6. À, chị nói thêm điều này. Ngày trước, khi mới tốt nghiệp ra trường, chị nghĩ nhiều đến lương khi đi làm lắm. Giờ chị lại ít nghĩ đến nó vì đi làm được một ít đồng lương cao mà lúc nào cũng có đồng nghiệp chỉ muốn vùi dập mình xuống và lo sợ mình hơn họ, tạo ra những cạnh tranh không đáng có thì cũng hơi mệt. Quan trọng nhất với chị là một tinh thần thoải mái cùng nâng đỡ nhau lên, giúp nhau được hiểu biết, tiến bộ, góp ý thẳng thắn để nhìn ra được mặt mạnh mặt yếu nhưng với tinh thần tích cực. Chị luôn tin là dù khởi đầu của mình không tốt, nhưng nếu mình có niềm tin, khao khát học hỏi, một thái độ tích cực thì rồi mình sẽ được đền bù lại thôi. ( Luật nhân quả mà).

    Các bạn mới ra trường thì cũng nên nhớ là giáo dục nhà mình rất tệ, nên dù các bạn có giỏi ở trường đến đâu thì khi ra trường đều phải học lại cả từ đầu. Nhiều khi nhà tuyển dụng họ cũng muốn thử thách tinh thần, đam mê và nhiệt huyết của mình cho công việc mà mình không biết đấy. Được ai đó “lợi dụng” để làm nhiều, dạy bảo công việc cũng là một may mắn đó 🙂

    Like

  7. Cảm ơn trao đổi và chia sẻ của cả nhà của chị Hường và Thu Hương.

    Cảm ơn anh Hoành đã giải thích rõ thêm cho tụi em hiểu.

    Em cảm ơn chị Thuận đã phát hiện ra lỗi nha, em đã sửa rồi :).

    Chị Thuận ơi, một điểm này trong comment của chị Thuận “Các bạn mới ra trường thì cũng nên nhớ là giáo dục nhà mình rất tệ, nên dù các bạn có giỏi ở trường đến đâu thì khi ra trường đều phải học lại cả từ đầu”. Em có cảm tưởng như đây là điều truyền thông và văn hóa nhà mình nói quá nhiều làm cho các bạn trẻ sợ, mà thực ra họ không hiểu họ nói cái gì. Em không biết các bạn khác ra sao nhưng điều đó không đúng với em. Giáo dục nhà mình tệ không có nghĩa là mình sẽ tệ, không làm việc được

    Nếu học tử tế nghiêm túc từ trong trường thì cơ hội được sử dụng những điều đã học là rất cao, không phải học lại từ đầu mà ôn lại và học cái mới thôi. 4-5 trong trường đại học và không có thức hành chỉ là một mớ lý thuyết thôi. Sinh viên ở đâu cũng vậy, không chỉ ở Việt Nam 🙂

    Like

  8. Riêng điểm cuối này, Châu đồng ý với Hằng. Dù nhìn chung chất lượng giáo dục VN không cao, nhưng nếu học hành nghiêm túc thì cơ hội sử dụng những điều đã học rất cao. 3 năm đi làm ở VN và đến khi sang Đức học Thạc sĩ, Châu thấy rằng cái nền tảng kiến thức mà bậc ĐH đã mang lại thực sự không uổng phí. Trong suốt gần hai năm học ở đây, Châu cũng không thấy mình thua kém bạn bè quốc tế nhiều, dù là các bạn phương Tây. 🙂

    Like

  9. Theo mình, lợi dụng là sử dụng cái gì đó để mang lại lợi ích.

    Theo định nghĩa trên, nếu bị người khác lợi dụng mà việc lợi dụng không hại gì đến mình thì mình xem như đã góp phần giúp đỡ người khác. 🙂

    Nam

    Like

  10. Hi Hằng,

    Chị thấy Hằng đề cập đến 3 vấn đề: (1) truyền thông và văn hoá nhà mình (2) ảnh hưởng đến giới trẻ và (3) cá nhân của mỗi người.

    Xưa nay truyền thông và báo chí nhà mình thương bị viết theo lối “định hướng” nên khi đọc cũng cần mất công đặt câu hỏi và lọc thông tin, còn mình thì nhìn vào thực tế bằng những gì mình quan sát và trải nghiệm. Các bạn khối kĩ thuật có lẽ tốt hơn? Chứ kinh nghiệm của riêng chị thì minh phải học rất nhiều thứ khi đi làm, những thứ mình học ở ĐH hoặc là lí thuyết quá, hoặc đơn giản quá, hoặc lỗi thời không dùng được.
    Đương nhiên là truyền thông và văn hoá có ảnh hưởng rất lớn tới các bạn trẻ rồi, nhưng lo lắng hay không chị nghĩ là thái độ của mỗi người (mà Thái độ này là một sự rèn luyện lâu ngày mới có được). “Giáo dục nhà mình tệ không có nghĩa là mình sẽ tệ, không làm việc được”, tất nhiên là vậy rồi nhất là với những cá nhân có ý muốn vươn lên không ngừng, nhưng ta phải đặt ngược lại câu hỏi: nếu giáo dục nhà minh quả là tốt thật thì chắc du học không phải là niềm mơ ước của nhiều người, và tốn nhiều tiền bạc của nhiều người.

    Chị nhớ có ai đó nói là những vấn đề thì ở đâu cũng có, nhưng độ nhiều ít khác nhau, và hẳn khi ra ngoài ta mới hiểu được độ nhiều ít đó giữa ta và các nước khác nhau cỡ nào.

    Hằng vui nhé!

    Chị Thuận

    Like

  11. Chủ đề này hot quá, chị cũng muốn vào kể chuyện thêm về du học. Câu hỏi này của Thuận rất hay: “nếu giáo dục nhà minh quả là tốt thật thì chắc du học không phải là niềm mơ ước của nhiều người, và tốn nhiều tiền bạc của nhiều người.”

    Khi lần đầu tiên chị đi du học, vật lộn với thi tiếng Anh (IELTS) bố chị rất thương, và cũng sợ chị trượt và mất cơ hội nữa, hỏi chị là : Bằng IELTS này có mua được không? (haha thế mới biết nạn mua bằng cấp ở nhà mạnh như thế nào) Chị vô cùng vui mừng nói với bố là đây là bằng quốc tế mà, làm sao mua được, con thi trượt thì thi lại thôi, bố buồn cười quá!

    Mục đích khi đi du học chị chỉ nghĩ đến học được gì, giao tiếp được không, nhưng bố mẹ chị chỉ nghĩ đến bằng do nước ngoài cấp, và tương lai tươi sáng nó có thể mang lại cho chị.

    Do vậy chị nghĩ có hai lý do khiến nhà nhà đua nhau cho con đi du học:

    1) Tâm lý sính ngoại, bằng cấp của nước ngoài có giá hơn bằng trong nước. Nói giỏi ngoại ngữ có giá hơn nói giỏi tiếng mẹ đẻ.

    2) Bằng của nước ngoài là bằng thật, có giá trị quốc tế, đa số mọi người rất khinh rẻ bằng giả, bằng đi mua (nhưng nếu mua được và có lợi cho mình thì nhiều người lại nghĩ lại đấy! có thể gọi đó là đạo đức giả không nhỉ, chắc là gọi là lòng tham thành công nhanh).

    Còn thực tế khi mình đi du học, học được những gì lại tùy thuộc vào sự cố gắng, nỗ lực và cơ hội của mỗi người, cũng giống như thế với việc học Đại học trong nước. Nếu bỏ tâm lý sính ngoại đi và tự mình đặt tiêu chuẩn trung thực cho bản thân mình bằng mọi giá, thì sự khác biệt giữa du học và học trong nước không còn quá cách biệt, mặc dù đi thì vẫn thích nhưng ở nhà cũng thích vậy. Chị vẫn luôn nghĩ ở đâu cũng được, miễn là chưa chết 😀 Mà còn sống thì còn phải học và làm việc cho tử tế, trung thực.

    Nếu tự mình coi trọng tài năng thật sự thì sẽ tự biết mình biết người, học trong nước nhiều kiến thức lạc hậu nhưng logic và rèn luyện tư duy thì rất tốt, đứa bạn cùng lab chị rất ngạc nhiên khi chị giải toán vi phân cho nó, mà toán vi phân ở nhà mình học từ cấp 3. Du học thì học được những phương pháp hiện đại, cách tư duy cởi mở, tự do sáng tạo, và ai học được đến đâu hoàn toàn là chuyện riêng mỗi người, không ai được biết điểm của người khác (nền tảng dân chủ rất mạnh). Du học sinh Việt mình biết điểm là nhiều người lên FB khoe luôn (tâm lý tập thể rất mạnh).

    Chị kể chuyện lan man quá, tóm lại là chị hi vọng các bạn trẻ như mình cứ tự tin với những gì mình đang có, tìm kiếm cơ hội một cách lành mạnh bằng chính khả năng của mình, không tham gia vào đường dây mua bán việc làm bằng bất cứ giá nào, và sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả nhất theo trái tim mách bảo. Thế là được, nhỉ!
    Chị H

    Like

  12. Cảm ơn Minh Châu, bạn Nam chị Thuận và chị Hường đã quan tâm chia sẻ thảo luận sôi nổi :).

    Em muốn đề cập đến vấn đề học tập và làm việc trung thực và kỷ luật trong bài viết này, làm việc và học ở đâu cũng cần cái đó. Có lẽ là bài viết chưa được tập trung một điểm rõ ràng cái tựa đề với nội dung, em sẽ tập viết tập trung hơn 🙂

    Like

  13. @Chị Hường: thảo luận dù đúng hay sai cũng là cách mình học từ mọi người miễn là khi thảo luận ta có tâm bình an, hoà ái mong muốn xây dựng dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Chị không phải lo lan man nhé ^^

    Em chỉ muốn chia sẻ thêm một điều đó là giáo dục của nhà minh thay vì tập trung điểm mạnh của học sinh, khơi dậy và phát huy nó ( dựa trên cái nền thành thật vững chắc) thì lại tạo ra những cuộc cạnh tranh vô lí về điểm số với những giá trị thật là lệch lạc. Mọi người quên mất một điểm là tất cả chúng ta đều bình đẳng ngang nhau. Mỗi người đều có vẻ đẹp riêng, không thể lẫn với ai được.

    Nếu ta lấy điểm hay bất kì cái gì khác ra để so sánh mình với người khác rồi nói mình chẳng thua kém gì họ là ta đang underestimate chính bản thân mình rồi đó.

    Nếu có cơ hội được đi học nước ngoài một lần nữa thì điều em mong muốn không phải là một cái bằng nước ngoài đem về hù dọa người khác, rồi hét tiền lương với giá trên trời, cũng chẳng muốn khoe mình có dính tí Tây, mà có lẽ, khao khát lớn nhất là tự do, được hiểu biết, được là chính mình – cái này là một thứ xa xỉ ở VN mà không phải ai cũng hiểu được.

    Vài dòng chia sẻ với cả nhà.
    Chúc cả nhà một cuối tuần vui.

    Like

  14. “Và mình cũng tin rằng nếu có ai lợi dụng mình làm lợi cho họ thì người đó cũng không được thanh thản, như thế tội nghiệp cho họ hơn là tội nghiệp cho mình”
    Tin như vậy có sai lầm quá ko?

    Like

  15. Hi bạn Thiện Thuận, cảm ơn comment của bạn. Mình không thấy đó là sai lầm, ít nhất cho đến bây giờ. Mình thử lấy ví dụ làm rõ ý “làm lợi cho họ” hay nói cách khác là tư lợi:

    Giả sử mình có một bạn tạm gọi là cô Hương, mình rất tin cô này.

    Hương có một hợp đồng giới thiệu bán hàng cho một công ty ở triển lãm trong vài ngày. Công ty có 2 gian hàng. Tiền công làm bán hàng cho mỗi gian hàng là 10 đồng 1 ngày. Nhưng Hương bận quá không kham nổi cả 2 gian hàng. Hương liên hệ với mình đến giúp cho 1 gian hàng và có trả tiền. Mình nhận lời luôn không biết giá rổ ra sao (vì đang thất nghiệp, việc gì cũng nhảy vào làm).

    Làm xong Hương chỉ trả cho mình 5 đồng 1 ngày (bởi vì mình không biết giá). Mình cũng ok. Như thế là Hương tư lợi. Có thể một thời gian sau Hương thấy hối hận mà nói thật với mình. Vậy cũng không sao

    Nhưng, nếu Hương đã nói trước với mình là giá đúng là 10 đồng 1 ngày nhưng Hương đang gặp khó khăn và bận quá chỉ trả được cho mình 5 đồng 1 ngày thôi thì mình cũng ok. Cái đó thì không phải là tư lợi.

    Một lần khác (bây giờ mình đã có tiền), Hương đến vay tiền làm ăn. Mình không biết để làm gì mình cho vay. Nhưng tiền đó Hương để đi buôn lâu, nghiện hút, cờ bạc thì là Hương lợi dụng lòng tốt của mình. Cả 2 đều mất tiền nhưng Hương đáng tội nghiệp hơn mình.

    Hoặc là thậm chí Hương đến nhờ mình ký tên (ví dụ các sổ đỏ) để đi vay thêm tiền làm ăn lớn vì các nhân Hương chỉ vay được một số nhất định. Mình cũng ký vì tin bạn. Nhưng mình lại không biết là Hương đang dùng tiền đi buôn lậu làm việc phi pháp. Việc làm ăn đổ bể, cô này bị đi tù còn mình bị đòi nợ (vì chữ ký của mình lù lù ra đấy) thậm chí là cũng phải đi tù. Như vậy là mình ngu vì tin bạn mù quáng, bạn làm bậy mà không biết hoặc biết mà tiếp tay. Nhưng nếu là làm ăn chân chính chẳng may sa cơ vì nhiều lý do thì lại tìm cách giúp nhau gây lại từ đầu.

    Like

  16. Chào cả nhà,

    Anh thấy hỏi rằng ai đó có lợi dụng mình không, là một câu hỏi, dù rất thực tế, thì thường là không tốt cho phát triển của chính mình.

    Điểm chính là, người tu duy tích cực, trong mọi hoàn cảnh, dù người có lợi dụng ta hay không, ta đều dùng hoàn cảnh đó một cách tích cực để phát triển chính ta.

    Nhắc lại: Người tích cực không quan tâm đến hoàn cảnh–giàu, nghèo, khỏe, bệnh, bị lợi dụng, không bị lợi dụng–tất cả đều không đáng quan tâm; người tích cực chỉ biết có một chuyện, dùng hoàn cảnh để làm các nấc thang phát triển của mình.

    Lúc nào mình chắc chắn 200% là mình bị lợi dụng quá đáng, và mình không cần phải ở trong môi trường đó nữa để phát triển, thì hãy đi nơi khác.

    Like

Leave a comment