Làm thế nào để khiêm tốn ?

Chào các bạn,
humility
Khiêm tốn là mẹ của mọi đức hạnh và là đức hạnh khó nhất để luyện tập. Nếu bạn khiêm tốn đến mức vô ngã, không còn thấy tôi, thì bạn giác ngộ thành Phật.

Người ta có lầm lỗi là hay nói đến khiêm tốn hay vô ngã như là một vấn đề triết lý trong tư duy. Sự thật là tất cả mọi đức hạnh không thể sống hay đo lường trong khung cảnh vắng người chỉ có một mình ta. Bạn có thể tư duy một mình về khiêm tốn và vô ngã, rất siêu việt, và bạn nghĩ là bạn khiêm tốn. Cho đến khi bạn bước ra đường, và bị người hàng xóm chửi vào mặt rằng bạn là một người dối trá và đểu cáng. Lúc đó, bạn sẽ biết bạn khiêm tốn đến đâu tùy theo mức nhịp đập tim của bạn thế nào, và phản ứng của bạn thế nào với người hàng xóm.

Khiêm tốn và vô ngã hoàn toàn không có nghĩa lý gì trong tư duy, và ngay cả trong các bài giảng của bạn. Khiêm tốn và vô ngã chĩ có nghĩa lý khi bạn ứng xử với người chung quanh bạn, đặc biệt là với những người làm khó dễ bạn.

Hơn nữa, khiêm tốn và vô ngã có vẻ như ngược với tự tin trong nhiều trường hợp. Ví dụ: trong một tranh cãi giữa các phó thường dân về những nguy hại về môi trường do dầu khí tạo ra. Các quý vị cãi nhặng cả lên, và lấy đủ thông tin trên Internet (nguồn thông tin và là thùng rác khổng lồ) để tranh cãi. Bạn có tiến sĩ hóa học và đã là chuyên gia dầu khí 20 năm cho các công ty dầu khí lớn của thế giới. Có lẽ là bạn cần giúp các phó thường dân am hiểu vấn đề hơn, và bạn mở đầu như sau: “Thưa các bạn, vấn đề này đòi hỏi nhiều suy nghĩ chính chắn với thông tin chính xác. Tôi là chuyên gia dầu khí đã 20 năm trong nghề với các công ty dầu khí lớn của thế giới. Tôi xin chia sẻ với các bác một ít thông tin liên hệ để các bác có thêm căn bản để suy nghĩ và thảo luận việc này.” Đó là phải nhấn mạnh vào cái tôi kinh nghiệm trước, để dễ thuyết phục người nghe.

Ngoài ra, người ta hay nói khiêm tốn là hạ mình xuống bằng người khác hay thấp hơn người khác. Làm sao được? Trong ví dụ trên, tôi là chuyên gia dầu khí nhiều kinh nghiệm, các bác nhị nhặng với nhiều thông tin rác, tôi không thể hạ tôi xuống bằng các bác và nói bác nào nói cũng có lý. Không, tôi là chuyên gia 20 năm kinh nghiệm, tôi muốn các bác nghe tôi thì hơn là nghe thông tin nhảm nhí trên Internet. Chẳng có bằng nhau về kiến thức và kinh nghiệm ở đây.

Vậy thì làm sao để khiêm tốn?

Các bạn, khiêm tốn là thấy người ta bằng mình. Người ta bằng mình. Người ta bằng mình.

Không phải là hạ ta xuống bằng người khác. Nói đến “hạ xuống” là đã ngầm ý “cao hơn”, tức là đã có kiêu căng ngay từ đầu rồi.

Thực ra ta chẳng bao giờ cao hơn ai cả. Tôi là chuyên gia dầu khí thì tôi biết nhiều về dầu khí, là thầy của nhiều người về dầu khí. Chị này là đầu bếp đã 20 năm kinh nghiệm, là thầy của tôi và nhiều người khác về nghệ thuật nấu ăn. Bác này đạp xích lô đã 20 năm, là thầy của tôi và những người khác về thuật cân bằng xe ba bánh, đạp xe không mỏi mệt, và đường nào đi đâu thì ngắn nhất.

Mọi người đều có thể là thầy của ta, kể cả các em bé. Nếu các bạn để ý các lời lẽ ngây thơ của các em bé, các bạn sẽ nhận ra thế nào là thành thật và bạn đã quen nói dối đến mức nào.

Chính vì vậy mà Bồ tát Thường Bất Khinh (có nghĩa là Không bao giờ khinh ai), tiền thân của Phật Thích Ca trong một kiếp trước, gặp ai—già trẻ lớn bé, nam nữ, giàu nghèo—đều chào bằng một câu: “Chào ngài, ngài sẽ thành Phật”. Và vì thế mà hay bị đám trẻ con chế giễu và ném đá như một tên khùng. Thánh nhân thấy được Phật tính, cái bình đẳng, trong mỗi người.

Và Chúa Giêsu, dạy các đệ tử khiêm tốn bằng cách rửa chân cho các đệ tử. Thời đó, rửa chân là công việc phục vụ quá tồi tệ đến nỗi nô lệ cũng không làm. Khách đến nhà là nô lệ bưng nước ra cho khách tự rửa chân. Nhưng Chúa Giêsu dạy ngầm, các con sẽ phục vụ mọi người để truyền giảng nước trời, và phục vụ là thế này này–có thể làm mọi công việc phục vụ không chừa điều gì.

(Công việc đầu tiên của mình ở Mỹ khi xưa là nursing aide trong viện dưỡng lão. Nuôi các cụ như nuôi con nít 3 tháng, đút cho ăn, tắm rửa, chùi rửa, thay tả, thay áo quần, thay ra giường… cho nên rửa chân đối với mình là công việc sướng như ăn cháo).

Tóm lại, khiêm tốn là (1) thực sự thấy mọi người bằng mình. Đó là tâm bình đẳng, Upekkha. Và (2) sẵn sàng phục vụ mọi người với những công việc mà xã hội cho là ti tiện nhất—vì thực ra chẳng có việc gì là ti tiện. Tâm bình đẳng thấy mọi việc như nhau, đến giờ làm việc gì thì làm việc đó.

Chúc các bạn luôn khiêm tốn.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

11 thoughts on “Làm thế nào để khiêm tốn ?”

  1. Mỗi ngày vào đọt chuối non để tự soi lại bản thân. “Khiêm tốn” Bài học cũ nhưng vẫn mới và bổ ích cho cuộc đời. Cảm ơn A.Hoành.

    Like

  2. Em thấy chị Queen đang buồn vì không có người nói chuyện, em đố vui với chị nhé:

    Trong bài này anh Hoành viết “bạn sẽ biết bạn khiêm tốn đến đâu tùy theo mức nhịp đập tim của bạn thế nào”, nhịp tim nhanh dồn dập là xung động mạnh, nhịp tim bình thường là tĩnh lặng, có nghĩa là nhịp tim của mình trong các trường hợp khó khăn là mức đo tĩnh lặng của mình, mà nhịp tim thì không thể điều khiển được trực tiếp.

    Vậy làm thế nào rèn luyện khiêm tốn lại tác động được đến nhịp tim của mình? Đó có phải là sự đồng bộ của trái tim và khối óc không?

    Em Hường 😀

    Like

  3. Haaaaaaaaaaaaaaaa!
    Thu Hường dễ thương thiệt đó. Uh thì chị đang buồn như con chuồn chuồn thì sao nào? à mà còn đang tức nữa chứ nhưng mà đã có “anh” tĩnh lặng thăm khám rồi em ạ.
    Câu hỏi của em Thu Hường mới hắc búa lại thú vị nàm sao.
    Chị Quèn mới alo gặp bác sĩ tim mạch để tư vấn, chị xin giải câu đố như sau:
    Về khoa học tự nhiên, khi đưa trái tim ra khỏi lồng ngực và đươc hỗ trợ 1 số máy móc ykhoa hiện đại thì trái tim vẫn đập như thường, thậm chí là lúc đập mạnh, lúc đập yếu, lúc đập nhanh, lúc đập chậm. Lúc này đây trái tim đập vô thức, đập sinh học hay nói nôm na đập vô hồn. Còn lúc trái tim đập trong lồng ngực thì hoàn toàn vừa tự nhiên lại có chủ đích. Như vậy trái tim và bộ óc phải là 1 thể thống nhất rùi. Sự đồng bộ giữa khối óc và con tim thể hiện rất rõ ràng ở hình ảnh: Một khối óc thông minh, hiểu biết, trong lành sẽ có nhiều cơ hội để giữ cho trái tim mình trong sạch. “Bạn sẽ biết bạn khiêm tốn đến đâu tùy theo nhịp đập trái tim” nhưng bạn sẽ biết nhịp đập trái tim của bạn như thế nào thì phụ thuộc vào bộ óc. hehe. Em Tim thì bảo: “em là quan trọng nhất, em mà ngừng đập thì là chấm hết”. Anh ÓC thì bảo “anh mới là đinh chủ lực nhất, không có anh thì tất cả chỉ là vô nghĩa”. Như vậy ngay cả Em tim và anh ÓC cũng phải khiêm tốn rồi em Thu Hường nhỉ. “Rèn luyện khiêm tốn lại tác động được đến nhịp tim của mình” chính là phải rèn luyện từ ý chí, tư duy, nghị lực cũng là từ trong khối óc mà ra. “Những con sông kia không biết từ đâu nhưng tất cả lại trở về biển ca”, Theo chị Quèn thì tất cả sự cố gắng rèn luyện vượt bậc của loài người đều để có được một bộ óc vĩ đại và trái tim trong sáng.
    Haha, mấy con em dạo này dồn bà chị vào thế bí quá. Bà chị Quèn vẫn thường bị đám mày râu chửi rủa là “nhà ở phố Yết kiêu”. Chắc chị Quèn đã không muốn hạ xuống lại còn cũng không muốn câu người ta lên. Phải nghe lời anh Hoành thôi em ạ. Chà réc rối thiệt rồi đây. HICCCC
    Thôi chị làm việc đây

    Like

  4. hahaha… câu đố vui của Hường cũng khiến trái tim và khối óc ham vui của mình chạy lòng vòng đổi chỗ qua lại và rồi giờ không tìm được đường về nhà cũ!!! 😀

    Like

  5. Hi hi chị Queen phâc tích rất tuyệt phần trái tim và khối óc là một thể thống nhất ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về mặt sinh học. Mục đích em hỏi câu này để khi chị em mình suy nghĩ kĩ về nó, quy luật tâm linh sẽ thấm sâu vào tiềm thức, và đó là gây dựng nền tảng của tư duy tích cực: mình có niềm tin chắc chắn vào quy luật. Chị thông minh như vậy nên em không ngạc nhiên nếu một số anh chàng không theo kịp mới tỏ ý ghen tị “nhà ở phố Yết kiêu”, chị cứ coi như đó là lời khen là đủ rồi, hạ mình xuống hay câu người ta lên đều không phải tư duy khiêm tốn như anh Hoành dạy 🙂 Em đoán là mẫu người của chị chắc chắn phải có cái đầu thông minh hơn chị ^^

    Em dùng từ trái tim với hai nghĩa: nghĩa sinh học và nghĩa tâm linh. Chị Quỳnh Linh nhìn thấy ý nghĩa thứ hai trong câu hỏi của em nên chạy lòng vòng trong tư duy… giống em 😀

    Like

  6. Chị thì chị nghĩ rằng tư duy khiêm tốn của anh Hoành nó bao hàm tất cả để mình xác định ro ràng “mình là ai”.
    Này em! chị Quèn rất dở và mù mờ về quy luật tâm linh nhưng chị cũng hiểu ra 1 điều là cần tĩnh lặng để gây dựng nền tảng tư duy tích cực.
    Hehe, nói tóm lại chị Quèn của em viết chọc ghẹo, đanh đá thì được chứ đi vào phân tích sâu xa thì phải đợi chị thẩm thấu các kiến thức từ anh Hoành và cả nhà đọt chuối non đã. Chà đối phó với 2 con em Thu Hường và Thu Hương cũng mệt đứt hơi.
    Chị Hoa Hồng đi đâu mà chẳng thấy tăm hơi, nhớ chị quá ta.

    Like

  7. Mình thấy bạn QUEEN rất thoải mái!
    Mình nghĩ người như bạn, tu rất mau thành!

    Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói: “Biết vậy! Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác!”.

    “Lòng rồi” là “tâm thảnh thơi” đó. Mình đoán, người như bạn QUEEN, nói rồi là rồi, không để bụng, nên có thể tu mau thành chăng?. Hi hi…

    Like

  8. Những gì ta có hay người có hôm nay là do nhân duyên hợp mà thành, khi nhân duyên tan thì mất.

    Dẫu chúng ta có khác nhau trong tích tắc vô thường
    Nhưng bắt đầu và kết thúc – mỗi chặng đường, mỗi cuộc đời – ai cũng như ai.

    Lúc nầy đây, người hư, kẻ nên – nếu ta biết học – đều là thầy ta. Ta đều nên cảm ơn.
    Cớ gì mà tự ti hay tự tôn?

    Like

  9. Chào Queen,
    Chị rất xúc động khi Queen nói nhớ chị 🙂
    Chị thấy vui mỗi khi vào ĐCN này nhưng có lúc bận việc quá chỉ đọc chuyện của mọi người và vui lây (đôi lúc cười thầm, có lúc cười thành tiếng 🙂
    Ừ, chị thấy kiểu nói chuyện của Queen gây ấn tượng đó, nhiều chuyện rất sâu sắc. Chuyện về cái trống cơm rất hay. Bài này hát tập thể khi đoàn Việt Nam ở nước ngoài vui lắm.
    Chị bận mấy hôm nữa, rảnh mấy chị em lại nói chuyện vui nhé.
    Cám ơn anh Hoành và Queen!
    Chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với mọi người!

    Like

  10. Cảm ơn thầy! Bài viết giúp em tự nhìn lại bản thân mình nhiều, và giúp em biết được mình nên làm gì tiếp theo ❤ Chúc sức khỏe và thành công

    Like

  11. Lúc vui ai chả là thiên thần. Đụng chuyện mới biết công phu mình đến đâu.
    Công phu em còn kém lắm, thật sự còn kém lắm.

    Like

Leave a comment