Đi chân không

 

Chào các bạn,
T42-le-hoi-mua-xuan
Trong buổi gặp các mẹ chiều thứ Bảy, mình báo cho các mẹ biết mình còn rất nhiều thuốc như: Thuốc viêm dạ dày, thuốc cảm cúm, thuốc ho, thuốc ghẻ, thuốc điều trị phần phụ cũng như một số thuốc khác… Ai cần, mời đến nhà, mình cho! Vậy là hôm sau có nhóm gồm năm bà mẹ già gần bảy mươi tuổi chống gậy đến xin thuốc. Mỗi mẹ trên tay chống một cây gậy mà đi không muốn vững, mỗi mẹ đi mỗi kiểu, không mẹ nào đi giống mẹ nào! Mẹ đi xiên xiên, mẹ đi khòm khòm, mẹ đi xủi xủi, mẹ lại đi lết lết… Nhưng cùng có chung một điểm: Mẹ già nào cũng đi chân không, hai bàn chân không, không có dép giày gì cả!

Vừa cho thuốc, mình vừa nhắc các mẹ đi dép, không nên đi chân không, vì đi chân không có hại cho sức khỏe cũng như cho các khớp chân như các mẹ đang bị đây!

Mình vừa nói xong thì mẹ Phong nói: Cái chân của các mẹ già đây nó cứ quen “dính” dưới đường rồi! Nó không quen “dép đi” đâu Yăh!

Nghe mẹ Phong nói, không thể nhịn cười nổi nhưng mình cũng nói: Các mẹ muốn bớt nhức mỏi, muốn không đau chân cũng như không đau các khớp chân, các mẹ phải tập đi dép, không là không uống thuốc gì cho hết đau chân cũng như hết nhức mỏi các khớp chân được đâu! Vì đi chân không, hơi đất bốc lên rất có hại! Nghe vậy, mẹ Thông nói: Không được đâu Yăh! Mình hỏi: Không được vì các mẹ không có tiền mua dép phải không? Mẹ Thông lắc đầu! Kkhông phải không có tiền mua dép, các mẹ già rồi không có tiền thì con mình nó mua cho, nhưng cái chân đi dép nó không bước được, nó nghiêng ra trước và đổ người xuống. Vừa nói, mẹ Thông vừa dùng cử điệu để diễn tả, mình cũng như các mẹ già nhìn điệu bộ của mẹ Thông không thể nhịn cười nổi!

Cả nhà đang cười vui vẻ thì mẹ Drim đi vào. Mẹ Drim khoảng trên năm mươi tuổi. Mẹ Drim đến với một cánh tay phải sưng nhẹ và bầm tím, mẹ xin thuốc bóp và thuốc uống cho khỏi đau tay. Mình kiểm tra tay mẹ Drim thấy rất may không trật xương, sai khớp, chỉ bị đau phần mềm. Mình hỏi mẹ Drim tại sao tay bị như vậy và bị lâu chưa? Mẹ Drim nói: Mình mới bị chiều hôm qua. Con gái mình là mẹ Kchina hôm qua bán lúa có tiền, nó mua về hai đôi dép, nó một đôi mình một đôi, dép có hai quai xỏ như dép Yăh đang đi nhưng màu đỏ, đẹp lắm! Nó nói mình tập đi dép để ra đường đi cho giống người Kinh. Nghe con nói như vậy, mình xỏ chân vào dép và đi. Mình mới đi được một chút, trời đổ mưa, mình chạy ra kéo bạt lúa đang phơi vào. Vì không quen đi dép nên trong lúc chạy mình đã đổ nhào và cánh tay đập vào cái thềm nhà nên bầm tím và bây giờ thì đau lắm, mình giận lắm, vất luôn đôi dép rồi!

Mẹ Drim kể xong, mẹ Phong nói: Người già đi dép nó đổ ra đất nguy hiểm lắm Yăh hể?

Không nhịn cười được nên mình nhìn các mẹ vừa cười vừa nói: Các mẹ mới tập đi dép thì mua dép nhựa mà đi, nó vừa rẻ tiền vừa không bị đổ! Và mới tập đi dép thì đi chậm, không chạy như vậy nó cũng không bị đổ!

Nghe xong mọi người cùng cười vui vẻ và mẹ Phong hỏi lại: Dép nhựa Yăh hể?

Matta Xuân Lành
 
 

10 thoughts on “Đi chân không”

  1. Thỉnh thoảng mình cũng gặp những người dân tộc già đi ngoài đường, mình thấy họ vẫn đi chân không, mình nghĩ một phần do trước đây họ ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài cũng như truyền thống ở nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trong những nguyên nhân làm cho những người cao tuổi quen đi chân không hơn là đi dép.

    Like

  2. Một đời sống trong sự thiếu thốn nghèo khó đến đôi dép cũng không biết đi, nhưng bù lại họ lại có một cuộc đời hiền hòa chân chất thanh thảnh. Những điều này thì không phải có tiền là có thể mua được

    Like

  3. Hi Anh Can

    Cảm ơn Anh Can rất nhiều, Anh Can nói “Đôi chân trần” mình hiểu ngay 😀

    Còn hôm nói chuyện với các mẹ, các mẹ diễn tả “Đi chân dính lên đường” mới đầu mình chưa hiểu, sau đó các mẹ làm hiệu mình mới hiểu đó là “đi chân không” 😀

    Nhờ “Đi chân không” mà được nghe một bài hát thật tuyệt. Chắc mình phải học thuộc bài hát này thôi!

    À! Mà muốn hát được bài này thì cũng phải mập tròn cõ Kran-Jan mới diễn cảm được hết nỗi niềm phải không Anh Can 😀

    Matta Xuân Lành

    Like

  4. Cám ơn anh Can. Kran Jan hát hay và vui tính quá. 🙂

    Chị Lành ơi, chị sẽ tập bài hát “nổi da gà” này ạ? Oh, chắc chị cũng là một ca sĩ 😀

    Em Hương,

    Like

  5. Biết đâu sẽ có một ca sĩ mới toanh xuất hiện, tên là…Kran Jan Xuân Lành? 😀

    Like

  6. Dạ, hay quá, em cám ơn chị Lành. 😀

    Anh Can ơi, biết đâu đấy anh nhỉ! 😉

    Like

  7. Xem các anh hình Việt Nam cuối thế kỷ 19 thì lính Việt tay cầm giáo và chân trần. Mình nhớ trong Lĩnh Nam Chích Quái thì phải, có đoạn nói là người Việt: “Tóc không cắt, đi chân trần, người thì xâm hình thủy tộc.”

    Hồi nhỏ, học tiểu học, mình đi học thì có mang dép. Nhưng đến trường là bỏ dép để chơi: Đá banh hay chạy nhảy gì đó. Nói chung là đi chân trân nhiều hơn đi dép, dù là thỉnh thoảng sẽ bị đạp gai.

    Bây giờ, tập võ ngon lành, nhưng không bao giờ đi chân trần. Tập võ thì cũng tập trên sàn nệm tatami. Cho nên bỏ giày ra đi chân không là chịu không nỗi–cát, sạn, mặt đường xi măng đều làm hai bàn chân rất đau. Cho nên mình cũng thấy cái lợi của đi chân không.

    Dù rằng mặc đồ veston, cà vạt, mà đi chân không, lại hẹn nhau với người yêu dạo phố, thì chắc cũng làm thiên hạ trên phố trầm trồ về kiểu thời trang mới.

    Like

  8. Dear Anh Hai

    Kiểu thời trang Anh Hai phác họa ra đó rất hợp với nơi em đang ở 😀

    Có hôm em chứng kiến một chú bé khoảng sáu tuổi mặc bộ đồ veston màu đen đi chân không vào nhà thờ làm em không thể nhịn cười nổi và thấy thương quá vì em biết em đó đã mặc áo quần người ta cho 🙂

    Em M Lành

    Like

Leave a comment