Học nghề gì? Làm nghề gì?

 

Làm sao để chọn đúng nghề mình thích,
đúng khả năng của mình?
Hoàng Thị Ngọc Anh, tốt nghiệp Quản trị Du
Lịch và Công nghệ Giải trí, FH IMC Krems, Huế

Em cũng như các bạn bị khủng hoảng,
hoang mang khi chọn nghề. Chúng em
không biết mình muốn gì. Hơn nữa ngoài
một số ngành nghề phổ biến như giáo viên,
bác sĩ thì chúng em không biết gì về các
ngành nghề khác.
Phạm Thị Minh Thủy, PTTH Phan Châu Trinh, Đà Nẵng

Nghề em thích thu nhập thấp, làm vất vả. Nghề
em không thích có thu nhập cao, địa vị cao. Em
phải làm sao?
PhạmThu Hương, tác giả, dịch giả, admin dotchuoinon.com, Đà Nẵng

 

job-searchBắt đầu vào ngưỡng cửa đại học chúng ta hỏi “Học nghề gì?” Ra trường rồi, đôi khi ta đã đi làm nhiều năm với đủ thứ nghề rồi, vẫn không cảm thấy thích nghề mình đang làm, và lại hỏi “Làm nghề gì?”

Câu hỏi này, thực ra phức tạp hơn người ta nghĩ, vì có nhiều lý do ta không biết phải học gì, làm gì.

Đôi khi ta thực sự không biết làm nghề gì thì ta sẽ vui.

Đôi khi ta tưởng ta biết ta thích nghề gì, làm một lúc lại không thấy thích.

Đôi khi nghề ta thích không mang lại đủ lợi tức để giải quyết các nhu cầu hàng ngày của ta, nghề ta không thích nhưng có thể làm thì lại mang về nhiều lợi tức. Thông thường thì hai lực đối chỏi nhau—ý thích và nhu cầu tài chính—làm ta chẳng biết đường nào mà chọn.

Đôi khi ta thiếu thông tin về nhu cầu thị trường và các dự đoán kinh tế tương lai để có thể biết nên chọn ngành gì.

Đôi khi ta cảm thấy ta chẳng thích một nghề gì trên đời cả.

Vấn đề này không chỉ là một vấn đề suy tư luận lý cho câu hỏi “Tôi nên chọn nghề gì?” mà còn có thể là một hiện tượng tâm lý “Tôi chẳng thiết tha gì với nghề nào trên đời cả”. Cho nên chẳng dễ để có câu trả lời. Hơn nữa, mỗi người có hoàn cảnh, tư duy và ý thích riêng, cho nên mỗi người sẽ có cách trả lời cho riêng mình, chẳng ai có thể trả lời dùm bạn.

Nhưng có lẽ ý tưởng ta chọn được một nghề hợp ý ngay từ đầu rồi sống vui vẻ với nó cả đời là một ý niệm càng ngày càng ít xảy ra, vì cơ hội lựa chọn và thay đổi càng ngày càng nhiều. Ngày xưa, có lẽ chỉ có hai nghề để chọn cho học trò: cố gắng học để đậu cao làm quan, không đậu cao thì làm thầy đồ. Ngày nay có đủ thứ nghề để làm, lại có thể đổi nghề thường xuyên, cho nên làm kỹ sư một thời gian ta có thể đổi nghề làm tiếp thị máy vi tính để có dịp nói chuyện với nhiều người, lại có thể có lợi tức bằng 10 lần kỹ sư nếu tiếp thị thành công.

Vì thế nếu các bạn không biết chọn nghề nào để học hay để làm lúc này cũng chưa hẳn là một vấn đề lớn. Nhưng đương nhiên là các bạn cần lựa chọn ngay để tìm trường học, hoặc để tìm việc. Vậy thì chúng ta hãy tạm dùng một số các yếu tố thực tiễn để lựa chọn lúc này, rồi nàng tiên “định mệnh” có thể tìm gặp mình sau này cũng được.

– Học môn nào mà mình giỏi. Ví dụ: Nếu mình giỏi toán thì học các môn về toán, vật lý, kỹ thuật, và ngay cả y học, đều tốt.

– Chọn môn học có thể cho mình nhiều khả năng thay đổi sau này. Như là luật—người học luật có thể làm rất nhiều nghề ngoài ngành luật, từ công an và điều tra viên, đến tiếp thị, quản lý thương mãi; học quản trị kinh doanh (MBA) có thể làm hầu hết mọi việc trong kinh doanh; học nghiệp vụ xã hội (social works) có thể làm đủ thứ việc từ nhân viên xã hội (social worker) đến phát triển cộng đồng (community development); học hóa học có thể làm mọi việc liên hệ đến hóa học sau này (thực phẩm, thuốc men, và hầu như tất cả mọi kỹ nghệ khác của con người); học làm thầy (sư phạm) thì sau này nếu không muốn dạy trẻ em cũng có thể ra ngoài dạy đủ mọi loại lớp học dành cho người lớn, hoặc tiếp thị đủ mọi loại sản phẩm (vì tiếp thị là dạy người mua về sản phẩm)…

– Chọn môn học thích hợp với đà phát triển kinh tế. Vi tính, vì vi tính sẽ còn phát triển mạnh khoảng 100 năm nữa; xây dựng và địa ốc, vì Việt Nam sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh mẽ trong vòng 50 năm nữa; phát triển nông thôn, vì nông nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi dữ dội trong vòng 50 năm nữa; sinh học, vì kỹ thuật sinh học (bio engineering) thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ trong 50 năm nữa; tiếng Anh, vì tiếng Anh càng ngày càng mạnh trên thế giới và bạn có thể học đủ nghề nếu giỏi tiếng Anh; tâm lý học, vì đời sống thay đổi quá nhanh tạo ra nhiều stress và cần nhiều tâm lý gia…

– Đương nhiên là những môn học liên hệ đến chăm sóc cơ thể và đầu óc con người thì luôn cần trong mọi thời đại: y học (các ngành bác sĩ đông tây, nha sĩ…), kỹ nghệ chế biến thực phẩm, giáo viên…

– Nếu bạn có thể làm một nghề có nhiều tiền, thì hãy chọn nghề bạn có thể có nhiều tiền, khi có đủ tiền rồi tính cách chuyển sang nghề khác cũng không muộn. Hoặc kiếm cơm bằng nghề nhiều tiền (như bác sĩ), và làm việc mình thích (ví dụ chơi nhạc) như là một “nghề” giải trí (hobby).

– Chọn môn bạn ít ghét nhất. Nếu không chọn được môn bạn thích nhất thì chọn môn bạn ít ghét nhất.

Đại khái là như thế. Nhưng điểm chính chúng ta cần quan tâm là “đời là một dòng sông thay đổi vô cùng”, cho nên đời sống của mỗi người chúng ta sẽ có nhiều thay đổi. Bây giờ ta đang học hay làm một nghề nào đó, nhưng vài năm nữa ta có thể sẽ muốn thay đổi và làm nghề khác. Điều quan trọng là:

– Chúng ta sẵn sàng thay đổi khi cơ hội đến. Nếu ta đang làm bác sĩ, mà cơ hội kinh doanh sản phẩm y tế đến, và ta thích kinh doanh, thì ta sẵn sàng để chuyển nghề.

– Ta có những kỹ năng quan trọng để có thể mở rộng các cánh cửa cơ hội: thành thật và đáng tin cậy, communication, tiếng Anh…

– Và dù làm nghề gì, thì hãy nghĩ đến ta ít, và nghĩ đến cộng đồng của ta nhiều—thành phố của ta, đồng bào của ta, đất nước của ta. Chính lý tưởng phục vụ cộng đồng này mới là liều thuốc thúc đẩy ta tiến bước mỗi ngày, dù đó là nghề gì.

Chúc các bạn một ngày tiến bước.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

10 thoughts on “Học nghề gì? Làm nghề gì?”

  1. Hi anh Hoành,

    Em rất thích bài viết này của anh. Em cảm nhận các bạn ở lứa tuổi 17-22 là lứa tuổi cần được giúp đỡ, định hướng từ những người có kinh nghiệm hơn.

    Hôm đi giao lưu gia đình ĐCN, 16/12 vừa rồi, em có nói với Ngọc Vũ là em muốn viết một bài về cách chọn nghề nghiệp cho các bạn sắp thi đại học. Và bài viết của em sẽ tập trung vào những nghề nghiệp cần nhiều lao động từ đây đến 2025. Hôm nay, em thấy anh viết bài này, khá đầy đủ. Em cảm ơn anh Hoành nhiều.

    Em xin mở rộng thêm một số ý của anh Hoành. Hiện nay, tại Việt Nam, nếu các bạn chọn học công nghệ thông tin (ví dụ: chương trình của trường đại học CMU tại đại học Văn Lang- TPHCM, tại đại học Duy Tân – Đà Nẵng và một trung tâm tại Hà Nội, các bạn search trên google “CMU tại Việt Nam” sẽ tìm thấy). Các bạn vào đây để đọc thêm về các global trends do thầy John Vũ viết, rất là hay và hữu ích.
    http://www.segvn.org/forum/mvnforum/viewthread_thread,834

    Các bạn, nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin thiếu rất nhiều trên toàn thế giới cho đến năm 2025 . Ở Việt Nam, bạn vào trang web http://www.vietnamworks.com sẽ thấy sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong lãnh vực này. Mình thấy các bạn nam mình khá giỏi toán, lý, hóa và nhanh nhạy về công nghệ thông tin. Một người làm công nghệ thông tin, sẽ tạo việc làm cho 4 người ở lãnh vực khác.

    Và các bạn phải thông thạo tiếng Anh. Tiếng Anh là điều kiện bắt buộc hiện nay nếu bạn muốn thành công. Vì nhân lực CNTT thiếu trên toàn cầu nên các công ty có xu hướng thuê người và mở văn phòng tại những nơi họ có thể thuê được nhiều nhân viên. Mỗi project sẽ có nhiều team trên toàn thế giới tham gia để đạt chỉ tiêu làm việc 24h/ngày (tận dụng múi giờ khác nhau ở các nước).

    Một xu hướng nữa là hiện nay các công ty ở Mỹ đã bắt đầu dừng thuê ngoài (outsourcing) vì họ đã đầu tư, làm mới nhà xưởng và công nhân mới chính là các robot. Và xu hướng này sẽ nhanh chóng lan sang Châu Á. Muốn điều khiển robot, các công ty cần người lập trình robot, bảo trì robot….Vậy nên các bạn học ngành tự động hóa, robotic, cơ điện tử và giỏi tiếng Anh sẽ được các công ty trải thảm đỏ mời chào.

    Các bạn tránh những ngành sau (vì quá thừa nhân lực): Kế toán, quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính. Nếu học những ngành này, bạn nên giỏi tiếng Anh thì cơ hội kiếm việc làm khả thi hơn.

    Like

  2. Bài viết cho em 🙂 em cảm ơn anh Hoành! Cảm ơn chị Trâm nữa! 🙂
    Chúc anh Hoành và chị Trâm một ngày vui!

    Like

  3. Dear Anh Hai

    Cảm nhận từ bản thân cho em thấy khi học nghề cũng như khi làm nghề đại đa số đều bị kinh tế chi phối cho nên khi học nghề cũng như khi làm nghề mục đích chính là phục vụ kinh tế cho gia đình hoặc cho chính bản thân!

    Chỉ có khi chưa phải lo ăn lo mặc cho ai cả như khi còn nhỏ xíu thì mới chọn nghề một cách vô tư hoặc chọn vì người khác…

    Ví dụ khi còn nhỏ ai đó hỏi lớn lên em thích làm gì? Thì em bé sẽ không ngần ngại trả lời: lớn lên em thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho ba, cho má, cho ai ai đó… nghĩa là làm vì tình yêu thương, vì người khác.

    Nhưng khi lớn lên, khi phải đối diện với cuộc sống thực tế cơm áo gạo tiền… thì khi làm bác sĩ rồi, em sẽ chọn chuyên khoa nào đông bệnh nhân, chuyên khoa nào làm được nhiều tiền… nghĩa là để phục vụ cho chính gia đình, cho bản thân em, không còn sự trong sáng, vô vị lợi trong lựa chọn nghề nghiệp nữa…

    Chính vì thế đôi khi nó làm chính bản thân không thoát ra được khỏi những bế tắc trong việc chọn lựa nghề nghiệp! và bài chia sẻ hôm nay Anh Hai đã dẫn lối:

    “Và dù làm nghề gì, thì hãy nghĩ đến ta ít, và nghĩ đến cộng đồng của ta nhiều—thành phố của ta, đồng bào của ta, đất nước của ta. Chính lý tưởng phục vụ cộng đồng này mới là liều thuốc thúc đẩy ta tiến bước mỗi ngày, dù đó là nghề gì.”

    Em cảm ơn Anh Hai thật nhiều vì những chỉ dẫn rất đầy đủ, cụ thể và khả thi trong bài chia sẻ này.

    Em M Lành

    Like

  4. Cảm ơn anh Hoành.
    Những bài viết của anh đã tác dụng nhiều đến đời sống của em. Vì em thấy tìm được sự đồng cảm và định hướng. Bài viết này lại rất giúp ích, để em hỗ trợ định hướng cho cô em gái chuẩn bị vào đài học

    Like

  5. Hi anh,

    Em có vài vấn đề thắc mắc liên quan đến ngành nghề, định hướng tương lai muốn nhờ anh giải đáp.

    Năm 2019, em đi học 1 khóa học. Ở đó chuyên gia giới thiệu tổng quan về những phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, robot, sinh học, năng lượng sạch… đã, đang và tiếp tục phát triển. Và đưa ra những dự báo tương lai 10-15 năm nữa. Trong đó có dự báo về kinh tế với số lượng người lao động phổ thông thất nghiệp trên 70%. Những người trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… cũng sẽ bị đào thải mà mất việc trong tương lai. Và Việt Nam là 1 trong những nước sẽ có lực lượng lao động thất nghiệp lớn nhất khu vực Asean.

    Em xin trích dẫn vài ví dụ:
    – Google đã phát triển, ra mắt “trợ lý ảo” từ lâu. Và “trợ lý ảo” được lập trình để thay thế cho nhân viên bán hàng qua điện thoại, nhân viên nhận đặt hàng, trợ lý thông báo công việc… với độ chính xác cao và như người thật.

    – Những quy trình tự động hóa sử dụng máy móc trong chăn nuôi và trồng trọt công nghiệp, số lượng lớn… vừa giúp tăng năng suất, giảm lây nhiễm bệnh tật, chỉ cần số lượng nhân công lành nghề bằng 1/5-1/3 so với cách làm truyền thống.

    – Công nghệ chỉnh sửa gen (vừa được giải Nobel hóa học 2020) có thể được sử dụng để tạo nên chủng người khỏe mạnh hơn, thông minh hơn, đẹp hơn, ưu thế hơn so với con người bây giờ.

    – Robot với trí tuệ AI được phát triển để thay thế cho những người lao động kém hiệu quả. Và Robot thì không nhiễm bệnh, chỉ hết pin. (AI cũng đang được sử dụng để kiểm soát thông tin công dân quốc gia, tiến đến công dân toàn cầu)

    – Mọi thứ vận hành nhờ năng lượng. Khi năng lượng sạch (mặt trời, gió, sóng biển…) được khai thác hiệu quả và free, thì quốc gia/tổ chức/cá nhân sở hữu năng lượng sạch đầu tiên sẽ chiếm ưu thế.

    Em muốn hỏi là:
    – Nhà nước Việt Nam đã có kế hoạch cải cách đào tạo nguồn nhân lực trẻ để thích ứng với sự thay đổi của tương lai chưa?

    – Các doanh nghiệp/cá nhân đã phát triển mạnh lâu đời với nguồn lực lớn về tiền bạc và chất xám có kế hoạch dành 1 phần của mình (ví dụ: học bổng, chương trình đào tạo, mentor…) để hỗ trợ nhân lực trẻ và hỗ trợ đất nước chưa?

    – Là một người trẻ, chúng em cần làm gì để tự phát triển và hỗ trợ nhau phát triển theo nhịp thời đại?

    Nói thật, em rất buồn về giáo dục Việt Nam. Ở đó tạo ra 1 lớp trẻ thụ động, thiếu trí tuệ, thiếu tay nghề. Ai muốn học thì phải tự mày mò. Người làm giáo dục chỉ biết bỏ tiền vào túi từ công cho đến tư nhân.

    Những doanh nghiệp giàu sụ hay cá nhân tài giỏi thì vun vén cho mình, công ty mình. Mà ngó lơ trách nhiệm với xã hội. Ngó lơ việc đào tạo, hỗ trợ những người trẻ. Ai cũng phải chết. Cần nâng đỡ và tạo ra lớp trẻ kế thừa, phát triển, mở rộng thêm để làm đất nước giàu mạnh. (Vài người em biết thì lập team, liên minh để cùng nhau giàu mạnh. Thứ họ cho xã hội là cho tiền, ăn để sống là được rồi)

    Lớp trẻ thì cà phê cà pháo, nói bậy bạ suốt ngày trên mạng xã hội. Người không có định hướng, không ai giúp định hướng thì biết làm gì bây giờ. Uổng phí chất xám!

    Và đã rất nhiều năm như vậy.

    Em viết dài để mong ai đó suy nghĩ về vấn đề này và hành động nếu có khả năng.

    Em Phương.

    Liked by 1 person

  6. Hi Phương,

    Chẳng hơi đâu mà lo computer thay cho người. Càng nhiều computer thì con người càng quan trọng. Ngày nay, gọi điện thoại đi đâu cũng gặp toàn là máy trả lời, cho nên công ty nào mà có người trả lời điện thoại thì công ty đó được khách hàng ưa thích hơn.

    20 năm trước anh mở công ty cho con gái anh và dạy con gái anh không lệ thuộc vào computer trả lời mà phải luôn luôn có người trả lời điện thoại, computer chỉ để phòng hờ khi mọi người mình đều kẹt vào điện thoại hết. Và người của mình cũng được huấn luyện để luôn luôn trả lời điện thoại, kể cả khi đang bận, không để cuộc gọi bị chạy vào computer. Và công ty của con gái anh thành công ty đại gia chỉ sau 3 năm.

    Đó là “hitech, hi-touch” (càng hitech thì high human touch càng quan trọng).

    Còn giới trẻ, chỉ đợi các cô cậu ra trường, đi làm việc thì sẽ biết mùi thực của đời ngay. Hơi đâu mà lo.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

  7. Dạ,

    Cảm ơn anh.

    Câu trả lời của anh giúp em sáng ra nhiều điều và cũng giảm đi lo âu. Đáng lẽ em nên hỏi anh sớm hơn.

    (Em bị bệnh lo lắng quá cho đời sống của người khác mà dẫn đến stress. Còn mình vào chùa ăn nhờ ở đậu cũng vui như thường)

    Em Phương

    Like

Leave a comment