Giá trị bản thân

 

Giá trị bản thân là gì? Làm sao để biết mình cao hay thấp thế nào?
Nguyễn Thị Tâm, GĐ Công ty tâm lý thực nghiệm Hồn Việt, Sài Gòn

Giá trị con người có nằm trong quyền lực, địa vị và tiền bạc?
Trần Huy Hoàng, kỹ sư hóa học, Pennsylvania, Mỹ.

Có nhất thiết là ta phải trở thành nhà khoa học lỗi lạc, đứng đầu
các lớp, hay làm cái gì đó to tát để vinh danh ngàn đời hay không?
Hoàng Khánh Hòa, NCS Tiến sĩ, Đại Học Missouri – Columbia, Mỹ

 

Gold-ScaleLàm thế nào để chúng ta biết có thể đánh giá được chính mình?

Ở mức bên ngoài, người ta thường đánh giá nhau bằng quyền lực, địa vị và tiền bạc. Thứ trưởng, hiệu trưởng, tiến sĩ, luật sư, giám đốc công ty, linh mục, nữ tu…

Cách đánh giá này thì cũng có lý một chút, vì người phải học một chút mới có tiến sĩ, phải làm cho nhà nước hơi lâu mới lên thứ trưởng, phải tu hơi lâu mới thành linh mục… Nhưng có lẽ chúng ta ai cũng thấy một chút áy náy về thang giá trị dựa trên quyển lực, địa vị và tiền bạc. Điều gì làm ta thấy áy náy?

Tiến sĩ giấy, thứ trưởng tham ô, giám đốc gian lận…?

Đúng là có những thứ này, nhưng ở đời điều gì cũng có thật có giả. Đó là chuyện thường. Phật giả không làm cho người ta mất lòng tin vào Phật thật.

Vậy thì điều gì?

Có lẽ đó là tính phù du của quyền lực, địa vị và tiền bạc. Những thứ này nay được mai mất. Hôm nay bạn có thể có đủ mọi thứ như thế, nhưng nếu ngày mai bạn bị truy tố về tội gì đó, tham nhũng chẳng hạn, hay là có một cách mạng trong guồng máy công quyền và bạn mất tất cả quyền lực, địa vị và tiền bạc, thế thì giá trị của bạn có mất đi không? Chắc chắn là mọi người chúng ta đều hiểu là người hôm qua với quyền lực, địa vị và tiền bạc, và người hôm nay mất tất cả, chẳng khác nhau gì cả, cũng chỉ là một người mà thôi. Nếu người đó lại là vợ, chồng, người yêu, bố, mẹ, anh chị em, bạn thân của ta, thì ta biết chắc 100% là người đó cũng chỉ là người đó. Có thể anh ta buồn hơn một chút, stress hơn một chút, nhưng vẫn nụ cười đó, ánh mắt đó, lượn tóc đó, giọng nói đó, và tư duy đó, nhưng thay đổi một chút vì biến cố lớn vừa ập lên…

Nhưng nói rằng quyền lực, địa vị và tiền bạc không định giá được bản thân ta thì dường như cũng không chính xác100%. Đây là những khí cụ rất tốt để chúng ta có thể giúp đời. Địa vị và quyền lực chính trị cho phép chúng ta thúc đẩy những chính sách tốt cho nhiều người dân, tiền bạc cho phép chúng ta tạo kinh doanh để nhiều người có công ăn việc làm, hay làm việc thiện để nâng đỡ người nghèo khó… Và đương nhiên là mọi người có thể định giá chúng ta qua những công việc đó ta làm. Và cũng đương nhiên là nếu ta dùng quyền lực, địa vị và tiền bạc để khoe trương và phá làng phá xóm, phá hại đất nước, thì mọi người sẽ định giá ta qua những hành động đó.

Đến đây thì chúng ta đã thấy rõ bản chất “khí cụ” của quyền lực, địa vị và tiền bạc. Những thứ này là khí cụ, chẳng khác gì những thứ khác ta có. Óc thông minh, sắc đẹp, giỏi toán, giỏi tiếng Anh, giỏi kinh tế, giỏi luật, giỏi nhạc, giỏi hội họa, tất cả chỉ là những khí cụ để ta sử dụng làm việc. Và chính công việc ta làm—giúp đời hay hại đời—mới là điều mà mọi người dùng để định giá ta.

Nhưng điều này dẫn ta đến một câu hỏi khác: “Có nhất thiết là ta phải trở thành nhà khoa học lỗi lạc, đứng đầu các lớp, hay làm cái gì đó to tát để vinh danh ngàn đời hay không?”

“Đã sinh ra ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông?”

Nếu ta nghĩ rằng ta sinh ra phải làm được cái gì to tát để được vinh danh ngàn đời, để có danh gì với núi sông, thì đây là bệnh mà chúng ta gọi là bệnh háo danh, kiểu các Pharaoh Ai Cập xây những kim tự tháp vĩ đại làm lăng tẩm cho mình sau khi chết để nghìn sau thế giới còn nhớ đến mình.

Tại đây, có lẽ tất cả chúng ta đều thấy rõ ràng cái tôi, cái kiêu căng, của người muốn vinh danh ngàn đời. Đây là điều mê lầm số 1 của con người.

Trong Phật giáo, chấp ngã—bám cứng vào cái tôi—là si mê số một, nguồn gốc đau khổ số một, của con người. Đến mức mà buông bỏ được cái tôi là ta giác ngộ thành Bồ tát.

Khi Bồ tát Quán Tự Tại thực hành trí tuệ Bát Nhã thâm sâu
Thấy được mình (năm uẩn) là Không, ngài vượt qua mọi khổ nạn.
(Bát Nhã Tâm Kinh)

Trong Kitô giáo tội kiêu ngạo là tội số 1 trong 7 trọng tội hàng đầu (seven cardinal sins – bảy mối tội đầu). Và đức khiêm tốn là đức tính quan trọng hàng đầu để sửa đổi tội kiêu ngạo.

Nhưng thiên hạ vẫn luôn vinh danh ngàn đời những tên tuổi lớn của nhân loại.

Điểm chính ở đây là “thiên hạ” vinh danh các vĩ nhân của nhân loại; các vĩ nhân không muốn được vinh danh ngàn đời và cũng đã không sống để được vinh danh ngàn đời. Phật Thích Ca, Chúa Giêsu, Khổng tử, Lão tử, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… Các vị chỉ làm công việc của các vị một cách tận tụy, không mong cầu danh lợi, và khi các vị tạ thế, thiên hạ vinh danh các vị ngàn đời.

Chúng ta đừng nhầm lẫn “hậu quả” và “nguyên nhân”. “Vinh danh ngàn đời” là hậu quả của đời sống phục vụ của các vĩ nhân, không phải là nguyên nhân thúc đẩy các vị làm việc.

Làm việc để được vinh danh ngàn đời thì cũng chẳng khác gì làm việc vì ham tiền, vì muốn có nhà to, vì muốn có nhiều chân dài… Tất cả những điều này đều có thể thúc đẩy một người làm việc hăng say. Nhưng một lúc nào đó người đó sẽ nhận ra là cuộc sống của mình, nhằm phục vụ chính mình và tên tuổi mình, sao mà nó nhạt nhẽo, vô vị, nhàm chán và vô nghĩa đến thế–mình đã đào xới hăng hái và đã luôn luôn tiến về phía trước, nhưng mình vừa chợt nhận ra là mình đã đào một đường hầm rất dài dưới đất, dù có vẻ như tiến đã rất xa, nhưng đã chẳng bao giờ thấy được ánh sáng mặt trời.

Giá trị con người của chúng ta, rốt cuộc sẽ được định giá (1) bởi chính ta, (2) bởi những người thân cận nhất của ta, và (3) bởi Chúa Phật của ta. Đây là nhóm người biết rõ về ta nhất, và định giá chính xác về ta nhất. Và nhóm người này định giá ta bằng trái tim và công việc của ta—Ta đã là một người cha hay người mẹ tốt nhất cho con cái? người bạn tốt nhất cho bạn bè? người thầy tốt nhất cho học trò? người nông dân tốt nhất cho mảnh đất? người sếp tốt nhất cho nhân viên? người quan chức tốt nhất cho đồng bào?

Dù ta làm công việc gì trong đời, nhóm người này cũng biết ta rất rõ, và họ sẽ định giá ta rất chính xác.

Chúc các bạn một ngày giá trị.

Mến,

Hoành


© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Giá trị bản thân”

  1. “Tại đây, có lẽ tất cả chúng ta đều thấy rõ ràng cái tôi, cái kiêu căng, của người muốn vinh danh ngàn đời. Đây là điều mê lầm số 1 của con người.”

    “Giá trị con người của chúng ta, rốt cuộc sẽ được định giá (1) bởi chính ta, (2) bởi những người thân cận nhất của ta, và (3) bởi Chúa Phật của ta. Đây là nhóm người biết rõ về ta nhất, và định giá chính xác về ta nhất. Và nhóm người này định giá ta bằng trái tim và công việc của ta—Ta đã là một người cha hay người mẹ tốt nhất cho con cái? người bạn tốt nhất cho bạn bè? người thầy tốt nhất cho học trò? người nông dân tốt nhất cho mảnh đất? người sếp tốt nhất cho nhân viên? người quan chức tốt nhất cho đồng bào?”

    Em thích hai đoạn này nhất.

    Cám ơn anh Hoành nhiều, chúc anh một buổi tối vui vẻ.

    Like

  2. Cám ơn anh Hoành,

    Vợ em là người thường hay so sánh em và những người khác (đương nhiên là về tài chính), em chỉ cảm thấy mình là người chồng, người ta kha khá, luôn giúp vợ và chơi đùa với con thoải mái. Bởi vậy mỗi lần vợ mang mình ra so sánh với ai đó, mình chỉ cần hỏi rằng vợ có đang hạnh phúc không? Vợ không nói gì hết (mỉm cười), vì vợ hiểu phần nào nhiều gia đình khác không được giống mình, cho dù tài chính họ rất khấm khá. Giá trị nằm ở việc cảm nhận hạnh phúc, ngay lúc hỏi.

    Like

  3. Dear Anh Hai

    Với câu hỏi: “Làm thế nào để chúng ta biết có thể đánh giá được chính mình?”

    Em nhớ ông bà mình có câu: “quen sợ dạ – lạ sợ áo quần”

    Vì lạ sợ áo quần nên trong những quan hệ tiếp xúc đầu tiên ngoài xã hội mình thường được người khác đánh giá cũng như mình đánh giá người khác qua dáng vẻ bên ngoài của họ như Anh Hai đã đưa ra trong bài chia sẻ: “bằng quyền lực, địa vị và tiền bạc. Thứ trưởng hiệu trưởng, tiến sĩ, luật sư, giám đốc công ty, linh mục, nữ tu…”

    Và điều này em thấy không sai mặc dầu trong chúng ta ai cũng biết “chiếc áo không làm nên thầy tu”

    Nhưng một người bình thường nếu không có chất xám thử hỏi có thể có chức vụ, quyền lực, địa vị… không?

    Cho nên em đồng ý với chia sẻ của Anh Hai: “Cách đánh giá này thì cũng có lý một chút, vì người phải học một chút mới có tiến sĩ, phải làm cho nhà nước hơi lâu mới lên thứ trưởng, phải tu hơi lâu mới thành linh mục…”

    Nhưng những thứ đó mới ở mức bên ngoài mà một con người đúng nghĩa không chỉ có dáng vẻ bên ngoài nhưng còn có gì đó rất sâu thẳm bên trong còn có cái tâm nên “quen mới sợ dạ”

    Và như vậy giá trị của một con người cao hay thấp không do quyền lực, địa vị và tiền bạc… quyết định nhưng do con người đó có biết thống nhất đời sống để ngôn hành nhất nhất… và như thế Giá trị con người của chúng ta, rốt cuộc sẽ được định giá (1) bởi chính ta, (2) bởi những người thân cận nhất của ta, và (3) bởi Chúa Phật của ta. Đây là nhóm người biết rõ về ta nhất, và định giá chính xác về ta nhất. Và nhóm người này định giá ta bằng trái tim và công việc của ta—Ta đã là một người cha hay người mẹ tốt nhất cho con cái? người bạn tốt nhất cho bạn bè? người thầy tốt nhất cho học trò? người nông dân tốt nhất cho mảnh đất? người sếp tốt nhất cho nhân viên? người quan chức tốt nhất cho đồng bào?

    Em cảm ơn Anh Hai rất nhiều, chúc Anh Hai khỏe để tiếp tục truyền năng lượng tích cực cho mọi người.

    Em M Lành

    Like

  4. Cảm ơn anh đã cho tụi em thấy giá trị thật của bản thân mình

    Và em thích cách định giá của anh “Và chính công việc ta làm—giúp đời hay hại đời—mới là điều mà mọi người dùng để định giá ta”

    Em tâm đắc nhất là ý tưởng so sánh rất mới & lạ, đi rất xa nhưng cũng chưa ngoi lên đến mặt đất “nhưng mình vừa chợt nhận ra là mình đã đào một đường hầm rất dài dưới đất, dù có vẻ như tiến đã rất xa, nhưng đã chẳng bao giờ thấy được ánh sáng mặt trời”

    Like

Leave a comment