Các Diễn Văn Làm Thay Đổi Thế Giới – “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được” – Hồ Chí Minh

 

    TĐH: Nhân ngày Quốc Khánh, mời các bạn đọc lại bài này trong loạt bài “Các diễn văn làm thay đổi thế giới”, để ôn lại một đoạn lịch sử đầu tranh cho độc lập của tổ quốc.

Các bạn thân mến,

Bài tuần này là 1 bài rất đặc biệt vì chúng ta sẽ tìm hiểu 3 bài diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến công cuộc chiến đấu dành độc lập và tìm kiếm hòa bình của dân tộc Việt Nam. Tiến trình dành độc lập và tìm kiếm hòa bình này đã đưa đến các cuộc chiến đấu chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ của quân đội Việt Minh 1945, và cuộc chiến đấu chống Mỹ với Đại thắng mùa xuân 1975, tạo nên hội chứng Việt nam (Vietnam Syndrome) trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Từ 1975 cho đến cuối thập niên 1990’s của thế kỷ 20, hội chứng Việt Nam đòi hỏi các chính khách Mỹ quan tâm đặc biệt đến việc sa lầy quân sự và chính trị khi đưa quân Mỹ tham chiến tại một quốc gia nào đó, và do đó làm giảm thiểu đến mức tối đa các hoạt động quân sự của Mỹ trên thế giới. Sang thế kỷ 21, với cuộc đánh bom 911 (Sept. 11, 2001) của al Qeada ở Mỹ. Mỹ lại bắt đầu có nhiều cuộc chiến trên thế giới (Afghanistan, Irag…), nhưng hội chứng Việt Nam vẫn luôn có mặt trong các tranh cãi trong nội bộ Mỹ mỗi khi Mỹ định lâm chiến bên ngoài: “Mỹ có nên nhúng tay vào quân sự ở nước… không, hay là lại bị sa lầy như ở VN trước đây?” (Ví dụ, Worse than Vietnam [about Afghanistan], http://opinionator.blogs.nytimes.com/2010/11/23/afghanistan-and-vietnam/; Iraq: Learning the lessons of Vietnam War, http://www.foreignaffairs.com/articles/61195/melvin-r-laird/iraq-learning-the-lessons-of-vietnam)

Tuy nhiên, viết về cả tiến trình giành độc lập hay hội chứng Việt Nam là quá dài, nên trong khuôn khổ bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu về mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm 1 nền độc lập trong hoà bình (và một vài sự kiện nhằm lý giải vì sao chuyện này thất bại và chiến tranh bùng nổ). Các vấn đề về đường lối chính trị (xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa, quân chủ lập hiến …) hay tình hình xung đột thế giới sẽ không được phân tích trong bài này

Chính vì ảnh hưởng của cuộc chiến dành độc lập của VN trên chính sách ngoại giao của Mỹ từ khoảng 1945 cho đến ngày nay, và cũng do khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, chúng tôi chọn 3 bài diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan cuộc chiến dành độc lập (mà chúng tôi cho là tiêu biểu) để giới thiệu cùng mọi người. Còn danh sách các thư tín và diễn văn của chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến vấn đề này có thể tham khảo ở phần phụ lục.

– Tuyên ngôn độc lập ngày (2/9/1945)
– Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ Harry Truman (16/2/1946)
– Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (20/12/1946)

Bài dẫn nhập này sẽ cố gắng phác ra trình tự các sự kiện chính trong giai đoạn lịch sử 1945-1949 (là thời kỳ 2 bên còn đàm phán quyết định chiến-hay-hoà) và đặt các bài viết vào đó, để mọi người có 1 cái nhìn rõ về thời kỳ này. Sau đó sẽ có vài dòng rất sơ lược về giai đoạn lịch sử sau đó, để mọi người có cái nhìn bao quát hơn

Chúng ta bắt đầu từ năm 1945 là năm tạo nên bước ngoặc của lịch sử Việt Nam.

Khi thế chiến thứ 2 đang dần kết thúc, tại Việt Nam, quân Nhật tranh thủ đánh bại quân Pháp nhằm độc chiếm Đông Dương, củng cố hậu phương nhằm chiến đấu đến giây phút cuối cùng.

Ngày 15/8/1945, đài phát thanh Nhật phát đi thông báo đầu hàng của Nhật trước Đồng Minh. Nước Việt Nam nằm trong tình trạng “vô chủ” trong thời gian ngắn vì Pháp đã bị đánh bại và Nhật vừa đầu hàng xong và chờ quân Đồng Minh đến giải giáp

Do có chuẩn bị từ trước, lực lượng Việt Minh đã đứng lên nắm lấy chính quyền và tuyên bố Việt Nam là một quốc gia độc lập trước khi Pháp kịp quay lại chiếm Đông Dương.

Ngày 2/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, tuyên bố Việt Nam độc lập, và hy vọng các quốc gia Đồng Minh đối xử với Việt Nam như 1 quốc gia (thay vì 1 thuộc địa) khi tiến quân vào khu vực này.

Bản Tuyên Ngôn mở đầu với các lý tưởng dân chủ tự do Mỹ:

    Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

và tiếp đến là các tư tưởng nhân quyền và dân quyền của Pháp:

    Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Đoạn mở đầu Bản Tuyên Ngôn Độc Lập cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng các lý tưởng về bình đẳng, tự do, nhân quyền và dân quyền cho đất nước và nhân dân Việt Nam.

Và tuy là tuyên ngôn đọc trước nhân dân Việt Nam, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng các lý luận về vị thế của nước Việt Nam và các tuyên bố của Việt Nam với thế giới. Những lời lẽ trong Tuyên Ngôn không phải chỉ cho nhân dân Việt Nam, mà còn cho các nước Đồng Minh

    “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

    Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”

    “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”

    “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

    Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”

Tiếc là Đồng Minh đã đối xử với Việt Nam như 1 thuộc địa, chứ không phải nước độc lập. Ngay sau đó 4 ngày, quân Pháp (và quân Anh) vào Việt Nam và tuyên bố tái lập thuộc địa khu vực Đông Dương. (Coi như chính thức bác bỏ tuyên bố độc lập của Việt Nam).

Ngày 24/9/1945, trong khi cuộc chiến diễn ra ác liệt ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cố gắng tìm một giải pháp hoà bình cho vấn đề độc lập dân tộc. Chủ tịch đã gửi điện tín cho Mỹ nhằm cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Washington (bức điện này không được hồi đáp)

    “Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, Cộng hoà Việt Nam gửi Tổng thống Hoa Kỳ ở Washington.

    Chúng tôi xin trân trọng báo để Ngài rõ về những biện pháp sau đây của tổng Tư lệnh các lực lượng quân đội Anh đã tiến hành ở miền Nam Việt Nam: Một, cấm các báo chí; Hai, cung cấp vũ khí, đạn dược cho dân chúng Pháp; Ba, tước vũ khí các lực lượng cảnh sát Việt Nam. Các biện pháp này là một sự vi phạm rõ ràng đến những quyền tự nhiên của nhân dân Việt Nam, đe doạ trực tiếp nền an ninh trong nước và là nhân tố làm mất ổn định và hoà bình ở Đông Nam Á.

    Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Ngài can thiệp với các nhà chức trách Anh bãi bỏ các biện pháp nói trên. Chúng tôi sẽ rất biết ơn Ngài thuyết phục người Anh đứng vững trên cơ sở các nguyện tắc tự do và tự quyết do Hiến chương Đại Tây Duơng đề ra. Kính, Hồ Chí Minh”.

Ngày 16/2/1946, Chủ tịch HCM gửi thư tới Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, lúc đó là Harry Truman, (bản dịch phía dưới), lúc này chúng ta thấy qua giọng văn của Hồ chủ tịch, sự kỳ vọng về đàm phán hoà bình với Pháp đã giảm đi rất nhiều. Lá thư này không được Hoa Kỳ trả lời.

    “Nhưng những người Pháp theo chủ nghĩa thuộc địa, người đã phản bội quân Đồng Minh cũng như người Việt bản xứ vào thời chiến, đã quay lại, và tấn công chúng tôi một cách không thương tiếc nhằm dành lại sự thống trị của mình. Sự xâm lược của họ mở ra ở miền Nam Việt Nam và đang đe dọa chúng tôi ở miền Bắc.

    Sự manh động này trái ngược với tất cả những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và hứa hẹn của Đồng Minh trong thời kỳ Thế chiến thứ II”

Ngày 28/2/1946, Chủ tịch HCM tiếp tục gửi điện tín cho tổng thống Hoa Kỳ, đề nghị Hoa Kỳ giúp đỡ ngăn chặn chiến tranh và tiến hành đàm phán với Pháp. Bức điện này cũng không được Hoa Kỳ trả lời.

Đối với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cố gắng thương thuyết để đạt Hiệp Định Sơ Bộ (6/3/1946) và Tạm Ước (14/9/1946) nhằm giữ Việt Nam độc lập trong hoà bình. Nhưng thực sự thì ngay từ đầu, người Pháp cũng không có ý tôn trọng lâu dài các Hiệp định này. Leclerc, tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương khi đề nghị đàm phán đã bị thống chế De Gaul trách mắng: “Nếu tôi mà đồng ý mấy thứ nhảm nhí này thì đế quốc Pháp đã tiêu vong lâu rồi. Hãy đọc thật kỹ câu chữ trong tuyên bố tháng 3 của Pháp về Đông dương”

Chính phủ Pháp có nhiều ý kiến khác nhau, có người muốn duy trì thuộc địa của Pháp tại Đông Dương (tiêu diệt chính phủ Việt Minh), có người muốn giải quyết hoà bình và trao trả độc lập cho Việt Nam

Ngày 12 tháng 12, Léon Brum, thủ tướng mới của Pháp tuyên bố ý định giải quyết xung đột ở Đông Dương theo cách sẽ trao lại độc lập cho Việt Nam. Chớp thời cơ này, Hồ chủ tịch gửi cho đại diện chính phủ Pháp tại Hà Nội một bức thông điệp gửi Brum với các gợi ý cụ thể về cách giải quyết xung đột. Bức thông điệp này được chuyển vào Sài Gòn, để chuyển tiếp tới Paris.

Cao Uỷ Pháp (tương đương Đại Sứ bây giờ) d’Argenlieu tại Sài Gòn và tướng Valluy thuộc nhóm chủ chiến, khi bức điện của Hồ chủ tịch chuyển đến Sài Gòn, Valluy viết thêm bình luận của mình, cảnh báo rằng sẽ nguy hiểm nếu trì hoãn các hành động quân sự cho đến năm sau. Mặt khác, ông quyết định phải nhanh chóng tạo sự xung đột và đặt Paris vào chuyện đã rồi.

Ngày 17 tháng 12, quân Pháp với xe tăng yểm trợ vào các đường phố Hà Nội để phá các công sự mà Việt Minh dựng trong những ngày trước đó, gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún (Hà Nội), rồi dàn quân ra chốt giữ từ cổng thành Hà Nội đến tận cầu Long Biên. Người Việt không phản ứng.

Ngày 18 tháng 12, Pháp ra một tối hậu thư đòi chấm dứt dựng chướng ngại vật trên phố. Chiều hôm đó, Pháp ra tối hậu thư thứ hai tuyên bố rằng từ ngày 20, quân Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm việc trị an ở Hà Nội. Đáp lại, tối hôm đó, các lực lượng Việt Minh bắt đầu chặn mọi ngả đường từ ngoại ô vào thành phố.

Sáng ngày 19 tháng 12, Pháp ra tối hậu thư thứ ba, đòi chính phủ Việt Nam đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị chiến tranh, tước vũ khí của Tự vệ tại Hà Nội, và trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong thành phố. Hồ chủ tịch đề nghị gặp đại diện chính phủ Pháp tại Hà Nội để đàm phán nhưng bị từ chối.

20:00 ngày 19 tháng 12, pháo binh Việt Nam bắn vào các vị trí Pháp tại Hà Nội. Chiến tranh bùng nổ.

Trước hay sau đó vài giờ, bức điện của Hồ Chí Minh từ Sài Gòn đến được Paris, mọi chuyện đã quá trễ.

Ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 20.12.1946) của chủ tịch Hồ Chí Minh phát trên đài và sau đó đăng trên các báo. Đây là một lời kêu gọi ngắn gọn, nhưng tràn đầy nhiệt huyết

Tuy đây hoàn toàn là lời kêu gọi chiến tranh, nhưng nó cũng thể hiện một tâm trạng mong muốn hoà bình khi bắt đầu bằng:

    “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”

Và trong bài này, chúng ta cũng thấy rất rõ tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, bất cứ ai, hễ có lòng yêu nước thì đều có thể cùng nhau chiến đấu. Ngay từ khi Hồ chủ tịch bắt đầu hoạt động thì tư tưởng này đã thể hiện rất rõ (tuy trước và sau thời điểm này có một vài giai đoạn mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát của Chủ tịch):

    “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên.”

Ngay trong lúc cuộc chiến tại Hà Nội ác liệt, Hồ chủ tịch vẫn chưa bỏ cuộc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến, Việt Minh rải truyền đơn trên đường phố Hà Nội thông báo với “nhân dân Pháp” rằng chính phủ Việt Nam sẵn lòng tồn tại hòa bình trong Liên hiệp Pháp, chỉ cần Pháp công nhận độc lập và thống nhất của Việt Nam. Ngày hôm sau, đài Việt Minh bắt đầu định kì phát các lời kêu gọi tái đàm phán. Ngày 23 tháng 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ các lãnh thổ thuộc địa, và tướng Henri Leclerc, đề nghị một cuộc họp giữa đại diện cả hai bên. Một vài ngày sau, Hồ chủ tịch chính thức đề nghị ngừng bắn và tổ chức một cuộc hội nghị hòa bình mới tại Paris trong khuôn khổ Hiệp định sơ bộ hồi tháng 3.

Trong giai đoạn này, chính phủ Việt Nam (đây là chính phủ Việt Minh) bắt đầu nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Trung Quốc và Liên Xô. Xét cho cùng, chúng ta không có cơ sở hạ tầng để sản xuất vũ khí, quân trang, quân dụng để tiến hành chiến tranh) nên việc liên kết với một lực lượng bên ngoài là tất yếu. Khi Pháp không thoả hiệp, thì chúng ta đành liên kết với kẻ thù của Pháp. Nhưng qua các sự kiện ở trên, có thể thấy việc tiến hành chiến tranh (và liên kết với Trung Quốc, Liên Xô) là do chúng ta đã hết hy vọng với một giải pháp hoà bình với Pháp.

Việt Minh tham gia hệ thống XHCN, Pháp và Hoa Kỳ từ giờ xem chính phủ Việt Minh là hoàn-toàn-bên-kia-chiến-tuyến, sẽ không còn bất cứ thoả hiệp nào nữa. Ngay cả sau này khi Pháp (và Mỹ) mong muốn trao trả lại độc lập cho Việt Nam, thì cũng không đàm phán với chính phủ Việt Minh (mà là với Bảo Đại và Ngô Đình Diệm). Điều này liên quan đến xung đột giữa 2 hệ thống tư bản và xã hội chủ nghĩa toàn cầu.

Tháng 3 năm 1947, Cao ủy Pháp mới Emile Bollaert được bổ nhiệm là người chủ hoà, được tướng Leclerc khuyên “đàm phán bằng mọi giá”. Tuy nhiên ông đã thất bại trong việc thuyết phục chính phủ Pháp vì lúc này đã có hơn 1.000 binh sĩ Pháp chết hoặc mất tích, và cộng đồng người Pháp ở Đông Dương phản đối kịch liệt việc thương lượng với Việt Minh.

Ngày 23 tháng 4, 1947, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Hoàng Minh Giám gửi thông điệp tới tướng Bollaert đề nghị ngừng bắn lập tức và đàm phán. Đáp lại, tướng Bollaert yêu cầu quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hạ vũ khí trước khi khôi phục hòa bình. Hồ chủ tịch từ chối thẳng yêu cầu này.

Và đến đây coi như chấm dứt cho các nỗ lực hoà bình với Pháp, 2 bên (Pháp và chính phủ VN Dân Chủ Cộng Hoà) giải quyết vấn đề trên chiến trường.

Tuy nhiên, cuộc chiến diễn ra thực sự không dễ dàng như dự tính ban đầu. Các cố gắng tiêu diệt chính phủ Việt Minh thất bại. Cho nên trong khi chiến tranh diễn ra với Việt Minh, thì Pháp bắt đầu quay lại giải pháp hoà bình ban đầu với Việt Nam. Pháp bắt đầu mở hơn với ý tưởng nhường lại độc lập cho Việt Nam, nhưng “không phải là cộng sản” – và lần này Pháp điều đình với Cựu Hoàng Bảo Đại. Người Pháp chấp nhận một lộ trình trao quyền tự quyết cho chính phủ Việt Nam của Bảo Đại.

Cũng có tài liệu khác cho rằng khẩu hiệu “chống cộng sản” của Pháp thực chất là để xây dựng một chính quyền bản xứ người Việt làm đối trọng với Việt Minh để giảm sức ép về kinh tế – quân sự, cũng như thuyết phục Mỹ viện trợ để Pháp có thể tiếp tục đứng chân tại Đông Dương. Nhưng thực tế cho thấy Bảo Đại đã có rất nhiều quyền đáng kể về tự quyết trong đối nội và đối ngoại, chứ chính quyền này không hoàn toàn là một chính quyền bù nhìn. Ngoài ra theo phát biểu của các tướng lĩnh Pháp cấp cao (như Navare), trong thời gian này Pháp chỉ còn hy vọng vào một “giải pháp danh dự”, một “cuộc hoà đàm trên thế thắng” chứ không còn hy vọng vào một “thuộc địa Đông Dương” nữa.

Cuối tháng 6 năm 1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của Quốc Gia Việt Nam (của Bảo Đại). Pháp bắt đầu chuyển giao những chức năng hành chính cho Quốc Gia Việt Nam. Tính đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại. “Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại” là một quốc gia thuộc Liên Hiệp Pháp, đúng như ý định điều đình ban đầu của Hồ chủ tịch.

Và cuộc chiến Pháp+Bảo Đại chống lại Việt Minh vẫn tiếp diễn đến chiến thắng Điện Biên Phủ của lực lượng Việt Minh ngày 7.5.1954.

Sau năm 1954, chính quyền ở miền Nam Việt Nam dần chuyển giao từ Bảo Đại sang Ngô Đình Điệm, nhà nước hỗ trợ cũng chuyển từ Pháp sang Mỹ. Tuy nhiên, con đường của Mỹ cũng không khác với Pháp, chấp nhận 1 nên độc lập ở Việt Nam, nhưng phải là “phi cộng sản”. Và cuộc xung đột không còn là vấn đề của riêng Việt Nam, mà là 1 vấn đề quốc tế giữa 1 bên là Mỹ + Việt Nam Cộng Hoà – 1 bên là Trung Quốc và Liên Xô + Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Trong một lá thư gửi Hồ chù tịch ngày 15.7.1969, tồng thống Mỹ Richard Nixon viết:

    “Đã đến lúc ngồi vào bàn họp cho một giải pháp sớm cho cuộc chiến đau thương này. Ngài sẽ thấy chúng tôi thẳng thắn và rộng mở trong một cố gắng chung để mang lại ân phúc của hòa bình cho dân tộc Việt Nam anh hùng. Hãy để lịch sử ghi lại rằng vào thời điểm nguy kịch này, hai bên đã hướng về phía hòa bình thay vì mâu thuẫn và chiến tranh.”

Và Hồ chủ tịch trả lời tổng thống Nixon trong lá thư đề ngày 25.8.1969:

    ”Cuộc chiến xâm lược của nước Mỹ chống lại nhân dân chúng tôi, vi phạm các quyền căn bản của chúng tôi, vẫn tiếp tục ở miền Nam. Nước Mỹ tiếp tục gia tăng hành quân; B-52 thả bom và việc sử dụng hóa chất độc hại nhân lên nhiều lần tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Chiến tranh càng kéo dài, càng có nhiều than khóc và nhiều gánh nặng cho nhân dân Mỹ Tôi rất bất bình với những mất mát và đổ vỡ quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi. Tôi cũng rất xúc động với số tử vong gia tăng của các người Mỹ trẻ đã bỏ mình ở VN vì chính sách của các lãnh đạo Mỹ.

    Nhân dân Việt Nam chúng tôi tận hiến sâu xa cho hòa bình, hòa bình thật sự với độc lập và tự do thật sự. Nhân dân chúng tôi quyết tâm chiến dấu đến cùng, không sợ hy sinh và khó khăn để bảo vệ đất nước và quyên lợi thiêng liêng của tổ quốc…

    Trong thư của Ngài, Ngài đã biểu lộ ước muốn hành động cho một hòa bình chân chính. Để được như vậy, nước Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến xâm lược và rút hết binh lính ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyển cùa nhân dân miền Nam Việt Nam và nhân dân cả nước Việt Nam tự săp xếp cho họ, không bị ảnh hường của ngoại bang. Đây là con đường để giải quyết vấn đề VN phù hợp với các quyền quốc gia của dân tộc VN, quyền lợi của nước Mỹ và hy vọng hòa bình của các dân tộc trên thế giới. Đây là đường để nước Mỹ có thể rút lui khỏi chiến tranh trong danh dự.”

(Nguồn: http://www.presidency.ucsb.edu/ws/index.php?pid=2304#axzz1eGRwAWM9)

Nhiều cuộc hòa đàm đã xảy ra sau đó, nhưng phải 1975, cuộc chiến ở VN mới kết thúc, và phải đến cuối những năm 1990, quan hệ của các bên mới bắt đầu từng bước bình thường trở lại.

(Nguyễn Mai Anh Kiệt giới thiệu)
 

Tuyên ngôn độc lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà

(đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945)
 

Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta.

Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên.

Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông – Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng dã man bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật.

Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa.

Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mưới thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

 

Ho Chi Minh’s Letter to President Harry Truman, February 16, 1946

(The letter was never answered and was not declassified until 1972)

Thư gửi Tổng Thống Harry Truman, ngày 16 tháng 2 năm 1946,

(Bức thư đã không bao giờ được trả lời và không được tiết lộ cho tới năm 1972)

DEAR MR. PRESIDENT:

Our VIETNAM people, as early as 1941, stood by the Allies’ side and fought against the Japanese and their associates, the French colonialists.

Thưa Ngài Tổng Thống:

Nhân dân VIỆT NAM chúng tôi đã sớm đứng về phía Đồng Minh và chiến đấu chống lại người Nhật và phe đảng của họ, những người thực dân Pháp, từ năm 1941.

From 1941 to 1945 we fought bitterly, sustained by the patriotism, of our fellow-countrymen and by the promises made by the Allies at YALTA, SAN FRANCISCO and POTSDAM.

Từ năm 1941 đến 1945, chúng tôi đã chiến đấu gian khổ dựa trên lòng yêu nước của nhân dân chúng tôi và những lời hứa của Đồng Minh tại YALTA, SAN FRANCISCO và POTSDAM.

When the Japanese were defeated in August 1945, the whole Vietnam territory was united under a Provisional Republican Government, which immediately set out to work. In five months, peace and order were restored, a democratic republic was established on legal bases, and adequate help was given to the Allies in the carrying out of their disarmament mission.

Khi người Nhật bị đánh bại vào tháng 8 năm 1945, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã thống nhất dưới Chính Phủ Cộng Hòa Lâm Thời, chính phủ đã lập tức hoạt động ngay khi đó. Trong vòng năm tháng, hòa bình và trật tự đã được lập lại, một chế độ dân chủ cộng hòa đã được thiết lập trên cơ sở luật pháp và dành cho Đồng Minh sự giúp đỡ đầy đủ trong việc thực hiện nhiệm vụ giải giáp của họ.

But the French Colonialists, who betrayed in wartime both the Allies and the Vietnamese, have come back, and are waging on us a murderous and pitiless war in order reestablish their domination. Their invasion has extended to South Vietnam and is menacing us in North Vietnam. It would take volumes to give even an abbreviated report of the crisis and assassinations they are committing everyday in this fighting area.

Nhưng Thực Dân Pháp, kẻ đã phản bội lại cả Đồng Minh và Việt Nam trong thời chiến, đã quay lại, và đang tiến hành một cuộc chiến tranh đầy chết chóc và tàn bạo đối với chúng tôi nhằm thiết lập lại sự thống trị của họ. Sự xâm lược của họ đã được triển khai ở miền Nam Việt Nam và đe dọa chúng tôi ở miền Bắc Việt Nam. Một báo cáo vắn tắt về những khủng hoảng và các cuộc ám sát mà họ phạm hàng ngày ở vùng chiến sự này cũng sẽ dài hàng tập.

This aggression is contrary to all principles of international law and the pledge made by the Allies during World War II. It is a challenge to the noble attitude shown before, during, and after the war by the United States Government and People. It violently contrasts with the firm stand you have taken in your twelve point declaration, and with the idealistic loftiness and generosity expressed by your delegates to the United Nations Assembly, MM. BYRNES, STETTINIUS, AND J.F. DULLES.

Sự xâm lược này đi ngược lại tất cả các nguyên tắc pháp luật quốc tế và cam kết của Đồng Minh trong Chiến Tranh Thế Giới II. Nó là một sự thách thức đối với thái độ cao thượng được Chính Phủ và Nhân Dân Hoa Kỳ thể hiện trước, trong và sau chiến tranh. Nó vi phạm thô bạo quan điểm nền tảng mà nước Mỹ đã thể hiện trong bản tuyên bố mười hai điểm của mình, và với sự đại lượng và cao thượng một cách lý tưởng mà đoàn đại biểu của nước Mỹ tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc, ngài Byrnes, Stettinius, và J.F. Dulles đã thể hiện.

The French aggression on a peace-loving people is a direct menace to world security. It implies the complicity, or at least the connivance of the Great Democracies. The United Nations ought to keep their words. They ought to interfere to stop this unjust war, and to show that they mean to carry out in peacetime the principles for which they fought in wartime.

Sự xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu hòa bình là một sự đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó thầm chỉ sự tiếp tay, hay ít ra một sự đồng lõa của các Nền Dân Chủ Lớn. Liên Hiệp Quốc nên giữ lời hứa của mình. Họ nên can thiệp để chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa này, và cho thấy rằng họ có ý định thực hiện trong thời bình những nguyên tắc mà họ đã đấu tranh để bảo vệ trong thời chiến.

Our Vietnamese people, after so many years of spoliation and devastation, is just beginning its building-up work. It needs security and freedom, first to achieve internal prosperity and welfare, and later to bring its small contribution to world-reconstruction.

Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau rất nhiều năm bị hủy hoại và tàn phá, giờ vừa bắt đầu công cuộc xây dựng của mình. Chúng tôi cần an ninh và tự do, trước tiên là để đạt được sự thịnh vượng và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng lại thế giới.

These security and freedom can only be guaranteed by our independence from any colonial power, and our free cooperation with all other powers. It is with this firm conviction that we request of the United Sates as guardians and champions of World Justice to take a decisive step in support of our independence.

Sự an ninh và tự do này chỉ có thể được bảo đảm bởi sự độc lập của chúng tôi khỏi mọi thế lực thực dân, và sự hợp tác tự do của chúng tôi với mọi lực lượng khác. Chính với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ, với tư cách là người bảo vệ và vị anh hùng của Công Lý Thế Giới hãy thực hiện một bước đi quyết định trong việc hỗ trợ nền độc lập của chúng tôi.

What we ask has been graciously granted to the Philippines. Like the Philippines our goal is full independence and full cooperation with the UNITED STATES. We will do our best to make this independence and cooperation profitable to the whole world.

Điều chúng tôi yêu cầu này đã được rộng lượng trao cho Philippines. Cũng như Philippines, mục đích của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác hoàn toàn với HOA KỲ. Chúng tôi sẽ làm hết sức để sự độc lập và hợp tác này có lợi cho toàn thế giới.

I am, Dear Mr. President

Respectfully Yours,
(Signed)
Ho Chi Minh

Xin gửi tới Ngài lời chào trân trọng nhất,
(ký tên)
Hồ Chí Minh

Source: http://rationalrevolution.net/war/collection_of_letters_by_ho_chi_.htm

(Ngô Quỳnh Linh dịch)

 

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

(trích Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, trang 480, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995)
 

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946

Hồ Chí Minh

(Bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)

 

Phụ Lục

Danh sách các thư và điện văn Chủ tịch Hồ Chí Minh gừi các giới chức Mỹ.

– Ngay từ tháng 5/1945 sau khi tiếp xúc với cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ tại Côn Minh, Hồ Chí Minh đã nhờ người đứng đầu tổ chức này là A. Patti chuyển văn bản tới Phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam sau khi tiêu diệt được chủ nghĩa phát xít.

– Giữa tháng đó, HCM còn đề nghị chuyển một tài liệu về nạn đói ở Bắc Kỳ tới Sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh.

– Ngay sau khi Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (16/8/1945) với tư cách người đứng đầu Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, HCM đề nghị “nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng: chúng tôi đã đứng về phía Liên Hiệp Quốc chống lại bọn Nhật” và “yêu cầu Liên Hiệp Quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập…”.

– Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Tổng thống Mỹ đề nghị để Việt Nam tham gia Hội đồng Tư vấn về Viễn Đông.

– Ngày 22/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đề nghị Liên Hiệp Quốc quan tâm đến việc Pháp gây hấn và cử phái đoàn điều tra đến Đông Dương.

– Ngày 1/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Quốc vụ khanh Mỹ thay mặt Hội Văn hoá Việt Nam gửi 50 thanh niên sang học tập các lĩnh vực kỹ thuật và thành lập mối quan hệ văn hoá hữu nghị với thanh niên Mỹ….

– Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ và Thống chế Tưởng Giới Thạch trình bày tình hình quân Pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

– Ngày 23/11/1945, Chủ tịch nước Việt Nam gửi thư tới Tổng thống Mỹ và Tổng giám đốc Cơ quan Cứu tế Mỹ (UNRRA) kêu gọi giúp Việt Nam chống nạn đói.

– Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới các ngoại trưởng Liên Xô, Mỹ và Trung Hoa Dân quốc tha thiết yêu cầu đưa vấn đề Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc và “yêu cầu nhận Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc”.

– Ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư cho Tổng thống Mỹ và chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Marshall yêu cầu có giải pháp hoà bình ở Việt Nam.

– Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi thư tới Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập và lên án thực dân Pháp đã tiến hành một cuộc chiến tranh “trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới”.

– Ngày 18/2/1946, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, HCM lại viết thư gửi các Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh đề nghị “hãy làm tất cả để ngăn chặn cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam” và tuyên bố : “đặt vấn đề Đông Dương trước Liên Hiệp Quốc, chúng tôi chỉ đòi hỏi độc lập hoàn toàn. Nền độc lập ấy thực tế không còn xa nữa và có thể giúp đỡ chúng tôi hợp tác với các dân tộc khác trong việc xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hoà bình lâu dài – những nguyện vọng chính đáng cần phải được bảo vệ”.

– Ngày 28/2/1946, Hồ chủ tịch gửi điện tín cho tổng thống Hoa Kỳ đề nghị Hoa Kỳ giúp đỡ ngăn chặn chiến tranh và tiến hành đàm phán với Pháp

– Ngày 25.8.1969, chủ tịch HCM trả lời lá thư ngày 15.7.1969 của tổng thống Nixon, yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi lãnh thổ Việt Nam.

 

Tham khảo

 
Worse than Vietnam (about Afghanistan)
http://opinionator.blogs.nytimes.com/2010/11/23/afghanistan-and-vietnam/

Iraq: Learning the lessons of Vietnam War
http://www.foreignaffairs.com/articles/61195/melvin-r-laird/iraq-learning-the-lessons-of-vietnam

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-05-06-doc-va-nghe-tuyen-ngon-doc-lap-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa

http://quocphonganninh.edu.vn/index.aspx?Menu=1306&chitiet=1578&Style=1

http://rationalrevolution.net/war/collection_of_letters_by_ho_chi_.htm

http://www.cvce.eu/obj/letter_from_ho_chi_minh_to_harry_s_truman_28_february_1946-en-63812c0e-9a33-400c-b53a-272fc7669d96.html

http://www.presidency.ucsb.edu/ws/index.php?pid=2304#axzz1eGRwAWM9

http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30196&cn_id=119997

http://vi.wikipedia.org/wiki/chiến_tranh_Đông_Dương

Sách: Navarre với trận Điện Biên Phủ – Jean Pouget

Sách: Không phải huyền thoại – Hữu Mai

11 thoughts on “Các Diễn Văn Làm Thay Đổi Thế Giới – “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được” – Hồ Chí Minh”

  1. Em đã học thuộc lòng bản tuyên ngôn và lời kêu gọi kháng chiến. Đó thực sự là những văn kiện vĩ đại.
    Có 1 điều em ko hiểu trong bức thư gửi American president.
    Tại sao Hồ Chí Minh lại kệu gọi sự ủng hộ của người Mỹ mà ko phải Liên Xô ( nước có chung hệ tư tưởng và mô hình của chúng ta, đồng thời cũng là nước có ảnh hưởng lớn nhất tới cục diện thế giới sau chiến tranh) ?
    Tại sao Hồ Chí Minh lại đem Philipin ra làm ví dụ về sự trao trả độc lập nhưng chịu sự phụ thuộc vào Mỹ? Phải chăng người muốn dựa vào Mỹ để chống lại sự xâm lược trở lại? Điều này có mâu thuẫn gì với hướng đi xã hội chủ nghĩa ko? (vì Mỹ là nước cầm đầu Tư bản chủ nghĩa, và sự phân chia 2 cực này đã ngay lập tức trở nên rõ ràng ngay trong cuộc chiến)

    Liked by 1 person

  2. Hi Huấn,

    Đây là câu hỏi mà các sử gia đã, đang và sẽ tiếp tục tranh luận: “Hồ Chí Minh là nhà ái quốc, bị đẩy vào đường Cộng Sản vì thời cuộc; hay là người Cộng Sản làm việc cứu nước?”.

    Nhiều người cho rằng các lời cụ Hồ kêu gọi Mỹ giúp sức, và nhất là các ngôn ngữ trên Tuyên Ngôn Độc Lập của VN, cho thấy cụ Hồ hướng về phương Tây hơn là chủ nghĩa Cộng Sản. Và lý thuyết này rất có lý, nếu ta thấy Tuyên Ngôn Độc Lập quan trọng với nước VN, nhân dân VN, và nhân dân thế giới thế nào.

    Đằng khác cụ Hồ là thành viên thành lập đảng CS Pháp từ năm 1920 và từ đó cho đến năm 1945 các hoạt động của HCM đa phần là hoạt động CS.

    Điều rõ ràng có lẽ mọi người đồng ý là HCM là người yêu nước và dùng cuộc đời mình vào việc tranh đấu dành độc lập.

    Về Cộng Sản và Tư Bản, anh có cảm tưởng cụ Hồ thích cả hai và tin rằng Việt Nam có thể dùng cái tốt của cả hai bên để phát triển, và có thể là bạn của tất cả mọi nước.

    Rất tiếc là vào thời đó thế giới chia đôi rõ rệt–cộng sản versus tư bản–không đi đường giữa được, và cuộc diện đã trở thành bi thảm hơn rất nhiều.

    Và nước Mỹ không những mất cơ hội làm bạn của vn từ năm 1945, mà ngược lại phải dính vào cuộc chiến chống VN, và rốt cuộc thua trận lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

    Và dân VN chết cả 2 triệu cho cuộc chiến.

    Rất tiếc!

    Like

  3. Em đồng ý với ý kiến anh Hoành, thật ra Bác Hồ không quan trọng đi theo mô hình nào, cũng không quan trọng đi theo bên nào, mà Bác chỉ có 1 tôn chỉ duy nhất “Độc lập tự do cho Việt Nam với giá thấp nhất”. Bất cứ nước nào, phe nào chấp nhận Việt Nam độc lập, thì Bác theo
    Em trình bày vài ý tóm tắt trong các tài liệu em tìm được, nếu mọi người thấy sơ lược quá, thì hỏi thêm, em sẽ viết thành 1 bài chi tiết.
    (1) Bác đàm phán, thoả thuận cùng lúc với nhiều bên, nhiều nước: mục tiêu cuối cùng là Việt Nam được công nhận độc lập, hoặc chí ít thì họ cũng giúp đỡ Việt Nam
    – Với Pháp: Nếu Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, Việt Nam sẵn sàng làm 1 nước trong khối liên hiệp Pháp (nếu Pháp đồng ý thì Việt Nam sẽ thành giống Algeria)
    – Với Mỹ: yêu cầu (thực ra là năn nỉ) tôn trọng độc lập của Việt Nam, nếu theo đường này, thì có lẽ Việt Nam thành nước tư bản. Bác vẫn cố gắng liên hệ với Mỹ (và có đàm phán trong khi chiến dịch Việt Bắc đang diễn ra) trong khi Mỹ đang là đồng minh của Pháp
    – Với Liên Xô: lúc đó, chỉ có Liên Xô mong Việt Nam độc lập, vì lúc đó Liên Xô đang theo con đường “truyền bá chủ nghĩa cộng sản” (bạn đọc bài của Stalin trước chiến tranh để hiểu hơn nha), tất nhiên sau đó Việt Nam rất sẵn lòng tham gia khối SEV
    – Với Trung Quốc: Với Tưởng Giới Thạch (tư bản) đàm phán để Tưởng rút ra. Với phe XHCN Trung Quốc, cho dù lúc đó họ có xung đột với Liên Xô, Bác vẫn tranh thủ để họ giúp đỡ

    (2) Nếu xét tận cùng về hệ tư tưởng và mô hình, thì mình sẽ thấy Bác tương đối khác với Liên Xô
    Mô hình của Liên Xô là mô hình cách mạng xung đột giữa tư bản và công nông
    Mô hình của Bác là mô hình xung đột giữa Pháp và Việt Nam (ai là người VN đều về 1 phía)
    Điều này dẫn đến xung đột của Bác và Liên Xô
    – Liên Xô yêu cầu Bác về thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương (VN+Lào+Campuchia) Bác lại thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (để đoàn kết người VN, không quan tâm 2 nước kia)
    – Trong Đảng Cộng Sản VN, ai cũng tham gia được (kể cả địa chủ, tư bản yêu nước, trí thức …) chứ không chỉ công nông
    Chính vì xung đột này, Liên Xô đã thay thế Bác bằng Trần Phú. Bác Trần Phú đã đi theo đúng con đường Liên Xô, gạt giai cấp địa chủ, tư sản ra  nhiều người họ đứng về phía Pháp Mỹ trong cuộc chiến
    Lưu ý là mình chỉ đang nói mô hình vào thời điểm 1930-1960 thôi nha, sau này mình đã dứt khoát theo khối XHCN, thì VN apply rất nhiều mô hình XHCN vào VN rồi. Nên bạn thấy mô hình của Việt Nam rất phù hợp với Liên Xô, thực ra không phải, mà là Việt Nam đang áp dụng mô hình của Liên Xô

    Liked by 1 person

  4. Em rất dốt về lịch sử, tuy nhiên khi nói về Bác Hồ và Đảng Cộng sản, đọng lại trong đầu em là hình ảnh Bác cầm luận cương của Lenin trên tay và nước mắt rưng rưng “con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước là đây” (em không nhớ nguyên văn). Như vậy, việc Bác ủng hộ Đảng Cộng Sản, đi theo Đảng Cộng Sản cũng là để phục vụ cho mục đích cuối cùng: giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Hay nói cách khác Đảng Cộng Sản là phương tiện, giải phóng đất nước mới là mục đích.

    Like

  5. Kiệt chưa đọc nguyên văn luận cương, phần này chỉ đoán thôi:
    Nguyên văn câu Bác nói là “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
    Có thể hiểu đơn giản là Bác đã tìm được 1 quốc gia hùng mạnh quan tâm đến việc giải phóng thuộc địa, sau bao nhiêu năm đi tìm. vì tất cả các nước mạnh (Pháp, Mỹ) đều không ủng hộ Việt Nam độc lập
    Vì về mặt tư tưởng, sau này Bác đã điều chỉnh rất nhiều
    Tất nhiên, câu nói của Bác còn mang ý nghĩa tuyên truyền nữa

    Like

  6. cám ơn các anh chị đã giải đáp. Lịch sử luôn có những bí mật của nó và chỉ có người tạo ra nó mới hiểu rõ hết được.
    Điều quan trọng vẫn là: tư tưởng yêu hòa bình và dành + giữ độc lập với cái giá thấp nhất của Bác.
    Đi theo con đường nào cũng được miễn là con đường ấy đem lại : “…cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”

    Like

  7. Em không hiểu cặn kẽ lắm về đường lối của Bác Hồ,nhưng đọc về cuộc đời của Bác ,em có cảm giác Bác rất ”thiền ” và em …rất yêu Bác 🙂

    Like

  8. Với mình, con người Hồ Chí Minh luôn là một vĩ nhân. Vì ở người tự toát ra sự hi sinh, sáng tạo và nhiều phẩm chất tốt đẹp khác mà con người luôn muốn hướng tới. Tấc cả điều đó xuất phát từ một tâm hồn yêu người, yêu đời tha thiết.

    Like

  9. Chào chị Phonglan, chị nói đúng đó, điểm khác biệt của Bác và rất nhiều nhà cách mạng là Bác là người rất trí thức, và rất chú ý tư tưởng, không rập khuôn
    Từ lúc lên lãnh đạo, Bác đã rất chú ý lôi kéo giới trí thức tham gia cách mạng (đặc biệt là các du học sinh đang ở nước ngoài). Điều này cũng khác với tôn chỉ của Liên Xô là chỉ cần nông dân + công nhân là đủ. Vì theo quan niệm ban đầu của XHCN, thì trí thức là 1 giới ăn không, ngồi rồi, không trực tiếp sản xuất của cải và (vì vậy) thường là bóc lột người khác (vì có tự tạo ra đâu)

    Liked by 1 person

  10. Chào Anh Kiệt,
    Nhờ Kiệt mà mình hiểu thêm về Bác , mình có thêm một người đồng cảm với mình về Bác ,tiếc là tư tưởng hoà hợp giữa các tầng lớp công,nông,tri thức của Bác lại không được đưa vào giáo dục nhiều mà chủ yếu về đường lối cách mạng chủ nghĩa xã hội trong một thời gian rất dài ,khiến giới trí thức một thời gian rất thiệt thòi.Và đến giờ vẫn chịu ảnh hưởng…
    Dù sao thì mọi việc cũng qua rồi, giờ đến lượt thế hệ chúng mình và con cháu nên học hỏi cái hay và bỏ cái không phù hợp đi nhỉ.

    Like

  11. Theo em, Bác Hồ không quan trọng Tư bản hay XHCN lắm, chỉ cần một nước VN hoàn toàn độc lập và giàu mạnh. Chỉ tiếc Mỹ và Pháp đã bỏ qua giải pháp hòa bình

    Like

Leave a comment