Say ngủ và tỉnh thức

Chào các bạn,

Có lẽ chúng ta đã nghe qua câu “người mê thì không biết mình mê”, hay “người điên thì không biết mình điên”, và đương nhiên là “người ngủ thì không biết mình ngủ”– người ngủ thường mơ là mình tỉnh trong những giấc mơ.

Chính vì vậy mà người si mê, ngu dốt, mê muội, say mê… rất là tội nghiệp, vì họ không thể biết được là họ đang mê ngủ.

Và càng khó cho họ thức tỉnh khi họ có đủ thứ danh vị trên vai—tiến sĩ, thạc sĩ, linh mục, mục sư, thượng tọa, thầy, cô…

Đây là điều mà mình thường suy nghĩ: Làm sao để người ngủ say biết là họ đang ngủ say, để họ có thể thức tỉnh? Hay giản dị hơn: Làm sao cho người ngủ say thức tỉnh?

Người ngủ say thì ta rất dễ thấy họ ngủ say: Tay thì cầm khẩu hiệu hòa bình, miệng thì hô hào chiến tranh. Trước mặt thì yêu, sau lưng thì ghét. Cầm sách thì nói yêu thương, bỏ sách thì gây lộn…

Nhưng nếu bạn có giải thích cho họ thì họ cũng sẽ không thấy: Ô, tôi chiến đấu chống những kẻ chống Chúa để mang hòa bình và công lý cho nhân loại. Ô, tôi yêu hòa bình, nhưng tôi chỉ cần mọi sự sòng phẳng. Ô, tôi không ghét họ, nhưng chỉ cần cho họ một bài học tốt, Ô tôi phải chiến đấu bảo vệ giáo pháp? Ô tôi chỉ đòi công lý…

Các bạn, rất ít người trên thế giới gây lộn và đánh nhau mà không có lý do chính đáng đối với họ. Không có hai tên du côn nào ngoài đường đánh nhau mà không có lý do chính đáng đối với chính họ để đánh nhau.

Chính vì thế mà những kẻ mê muội nhất thường là những người lãnh đạo việc đánh nhau, vì họ thuyết phục được chính họ và những người theo họ là phải đánh nhau. Và chính cái “thuyết phục” đó là màn si mê họ không cởi ra được.

Các bạn, người mê thì nhiều như nước biển, người tỉnh thì ít như Phật. Nếu chúng ta hiểu được điều này, thì chúng ta phải cố gắng để tỉnh thức.

Và con đường tỉnh thức thì rất rõ , nếu ta cương quyết thực hành. Mình chỉ lấy ra hai tiêu chuẩn tỉnh thức trong kinh sách:

1. Kinh Kim Cang

Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng
Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai

Tức là:

Phàm những gì có tướng đều là thấy ảo
Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai

Nếu ta thấy tướng kẻ thù, tướng kẻ đáng ghét, tướng kẻ chống chúa, tướng kẻ phản đạo, tướng thần tượng… thì đó là thấy ảo ảnh (hư vọng).

Nếu ta thấy tất cả mọi tướng này đều không là tướng—tức là ta nhìn xuyên qua được các tướng ảo ảnh đó—ta sẽ thấy mọi người/mọi tướng đều là Không, đều là Phật tính, đều là Như Lai.

2. Kinh Thánh, Matthew 5:38-40.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.”

Chỉ thực hành được một trong hai tiêu chuẩn trên, thì ta đã thức tỉnh.

Ta thực hành càng gần các tiêu chuẩn này trong các hoạt động trong ngày, ta càng gần gũi với thức tỉnh.

Nếu ta không theo các tiêu chẩn này, và ta lại còn có đủ các lý lẽ để biện luận chống lại việc dùng các tiêu chuẩn này trong đời sống hàng ngày, ta càng mê ngủ.

Tiêu chuẩn rõ ràng như thế. Bạn chỉ cần dùng tiêu chuẩn để đo chính bạn (và đo các lãnh đạo tôn giáo của bạn).

Và nếu bạn hoặc ai đó, dùng lý luận để cho rằng các tiêu chuẩn này không dùng được trong đời sống này, thì họ sẽ như người chưa đi học toán bao giờ và lý luận với bạn là phương trình bậc nhất chẳng hề dùng được vào chuyện gì trong đời sống này.

Rất tiếc là đại đa số người trên thế giới, đại đa số các lãnh đạo của các tôn giáo, không hề dùng các tiêu chuẩn này bao giờ, đơn giản là vì các tiêu chuẩn này đòi hỏi một trái tim tinh khiết, mà họ không có và không muốn có.

Tiêu chuẩn luôn có đó và luôn rõ ràng để đo lường. Nhưng đại đa số người của thế giới không dùng tiêu chuẩn tâm linh thật, mà lý luận lăng nhăng để dùng các quy luật phàm phu tục tử, đôi khi là quy luật côn đồ, của họ. Nếu bạn chưa tỉnh thức, thì ít nhất cũng đừng đi lạc theo họ.

Tiêu chuẩn luôn có đó và luôn rõ ràng để đo lường. Đừng tự lừa dối mình. Hãy tự đo mình một cách thành thật.

Chúc các bạn một ngày thành thật.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

8 thoughts on “Say ngủ và tỉnh thức”

  1. “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” – câu này em nghe lâu rồi mà không hiểu. Nếu bị tát má bên phải, ta đã không thù ghét, không hận, không tát lại, là tốt rồi, sao phải giơ nốt má bên trái ra cho người ta tát tiếp hả anh?

    Like

  2. Hi Huyền Vần,

    Tát vào má thường là hành động chỉ sự khinh bỉ (hơn là đánh đập). Đưa thêm má bên trái là cách nói nếu người ta khinh bỉ mình, mình không chỉ chịu đựng mà còn là chào mừng (welcome) sự khinh bỉ đó. Khinh bỉ luôn luôn là dịp để các thánh nhân biết được mình khiêm tốn và nhẫn nhục đến đâu. (Nhẫn nhục cũng là một nhánh đường trong con đường sáu nhánh để thành Bồ Tát–Bó thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ).

    Điều quan trọng là khi đọc các quy luật tâm linh, nhất là các quy luật tâm linh cực kỳ cao cấp và rốt ráo, như quy luật “đưa thêm má trái” ở đây, ta không nên quá lệ thuộc vào ngôn từ. Chỉ có một cách để hiểu duy nhất là thực hành theo hướng đó. Rôi từ từ ta sẽ hiểu ra ý nghĩa thật sự của nó, cũng như sức mạnh của nó.

    Những người lệ thuộc vào ngôn ngữ đại đa số nằm trong nhóm “phá quy luật”. Như anh có người bạn rất cao cấp trong Thiên chúa giáo và anh ta nói: “Nếu tát tôi thì tôi đưa thêm má trái, nết tát anh em tôi thì tôi đánh”. Anh ta nói thế, vì anh ta chủ trương đánh nhau chính trị.

    Quy luật tâm linh là để thực hành, để ta luyện trái tim tĩnh lặng của ta. Không phải là để biện luận vào chữ nghĩa, dù là biện luận để hiểu thêm hay để bác bỏ.

    Nếu muốn bằng chứng để ta thêm lòng tin thì anh nói: “Nếu Chúa Giêsu không nhẫn nhục và không chịu chết, mà đánh nhau như các lãnh đạo kháng chiến Do thái chống La Mã thời đó, thì ngày nay chẳng ai biết Giêsu là ai, không có Thánh Kinh, và cũng chẳng có Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Chúa Giêsu chiến thắng trái tim con người bằng nhẫn nhục đến mức tối da. Không phải bằng đánh nhau, tranh đấu, chiến đấu.”

    Nhưng ngày nay mấy ai đọc Thánh kinh mà thực hành điều đó?

    Tình yêu vô điều kiện là điều chúa Giêsu dạy.

    Liked by 1 person

  3. Cảm ơn anh đã giải thích :D. Lâu nay em cứ hiểu cái nghĩa “đánh đập”, nên em hiểu câu này kiểu như cam chịu, ta đánh mình thì mình cứ chường mặt ra cho người ta đánh tiếp cho đã, nên cứ thấy nghe nó kì kì, không hiểu nỗi. Nghĩa bóng thì em hiểu là người ta hại mình, người ta sỉ nhục mình, thì mình cứ chịu đựng, đừng làm gì hết, mà cứ để người ta tiếp tục đến khi nào họ muốn dừng thì thôi. Giờ thì em rõ hơn chút xíu rồi. Cảm ơn anh. 😀

    Like

  4. Cám ơn anh Hoành và Huyền Vân, cũng như Huyền Vân bây giờ Quyên mới hiểu câu, ai tát mình thì chìa thêm má kia cho họ tát tiếp, hehe, nhưng mà kể ra Phật dạy thế này cũng khó hiểu anh nhỉ, giá mà Phật biết ăn nói đơn giản hơn thì chúng sanh đôi khi bớt khổ nữa hehe.

    Like

  5. Được Lê Dung bên gocnhinalan.com giới thiệu, qua đọc ở đây thì thấy nội dung, bố trí bày biện có vẽ có chương, có mục hơn.

    Đọc bài này thấy có cái không đúng với tôi, đó là “Làm sao cho người ngủ say thức tỉnh?”. Khi ngủ tôi thường biết mình đang ngủ, nếu thấy bất tiện như mất xe, gặp nạn … mà không tìm thấy hay giải quyết được là tôi tự bảo mình thức dậy để giải quyết và mọi chuyện trở về “không”. Đây là một thói quen do hồi nhỏ để tránh đái dầm nên lúc nào tôi cũng tỉnh thức lúc ngủ để kịp giúp mình có quyết định thức dậy mà đi tè !

    Cái việc điên không chấp nhận mình điên, dốt không chịu là mình dốt… đó là lẻ thường tình do cơ chế tự vệ của mỗi con người nó hình thành. Còn cái “đá giò lái” qua cơ chế điều hành hiện nay, hay các tôn giáo … là một chuyện khác, nó không cùng một quy luật nên không thể nội suy để cho cùng một kết luận.

    Like

  6. Việc anh giải thích ý Chúa “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” với hàm ý chỉ sự chịu nhuc, sự kinh bỉ thì tôi thấy còn chưa hay và không đúng bằng ý bạn Huyền Vân hiểu. Cái gì mà thể xác mình chịu đựng được, chấp nhận nổi thì tức là ý chí về tinh thần mình đã thông, vì ngưỡng chịu đựng của tinh thần cao hơn thể xác nhiều. Nếu chúng ta làm được như những gì bạn Huyền Vân hiểu cả nghĩa đen và nghĩa bóng thì chúng ta đã thực thi được ý Chúa là dùng tình yêu mà đối xử với mọi người. Vì con đường Chúa chọn là hy sinh, chọn thập giá để tình yêu luôn hiện hữu.

    Trẻ thơ nó trong sáng và gần Chúa hơn, chúng ta nên hiểu ý Chúa theo ý chúng là đúng hơn.

    Like

  7. Chào mừng Tịnh tâm đã viếng thăm vườn chuối và cảm ơn Tinh Tâm đã chia sẻ.

    Hiểu ý khác nhau là chuyện thường. Và Phật gia thì nói rằng mỗi người chúng ta có căn cơ khác nhau; Thiên chúa gia thì nói rằng thánh linh Chúa mở trí mỗi người chúng ta tùy theo trình độ và lòng tin của mỗi người chúng ta.

    Trực nghiệm và hiểu biết về chân lý nằm ở trong lòng mỗi chúng ta.

    Vậy chúng ta hãy cũng vui với những tư duy khác nhau và cùng tịnh tâm với nhau nhé.

    Like

Leave a comment