Đừng lo người không biết mình, chỉ lo mình không biết người

Chào các bạn,

Khổng tử nói: “Đừng lo người không biết mình, chỉ lo mình không biết người”- “Bất hoạn nhân chi bất kỉ tri, hoạn bất tri nhân dã”. (Luận Ngữ I.16)

Đây đương nhiên là điều ngược 180 độ với thói quen của đa số chúng ta. Chúng ta hầu như sống cả ngày tìm đủ mọi cách để người khác hiểu mình, không hiểu lầm về mình. Đối với các chính trị gia lo kiếm phiếu thì mọi người phải hiểu mình là chuyện sống chết, là khoa học tối cao về liên hệ với quần chúng. Quan chức hành chánh nhà nước cũng vậy, đa số ai cũng thế. Các sao văn nghệ thì cũng luôn luôn tìm cách để các báo viết hay viết tốt về mình…

Người ta thường hành động như thế vì thiếu tự tin, ai hiểu lầm là sợ. Khi mọi người khen thưởng và đồng ý thì vững vàng, nếu có người chê bai phê phán là trong lòng khiếp sợ, lắng lo, giận dữ, buồn chán.

Nhưng người quân tử lấy chữ Nhân làm đầu tức là yêu người làm đầu. Yêu người thì mong được hiểu người, đau được cái đau của người, vui được cái vui của người, lo được cái lo của người… Yêu người là có thể đồng cảm với người, để có thể sẻ chia, đồng cam cộng khổ với người…

Người quân tử không lấy mình làm chính, không cần mọi người phải hiểu mình. Làm điều gì trong lòng mình bảo là đúng, nên làm, và làm như vậy thì nhỡ có người hiểu lầm mình, kể cả mạ lị mình, thì cũng không sao. Việc tốt mà lòng mình bảo mình làm thì làm. Không làm vì muốn lấy tiếng khen, và không ngừng làm chỉ vì có tiếng chê.

Ngay đoạn đầu sách Luận Ngữ, Khổng tử đã nói: “Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ, thế không phải là người quân tử hay sao?” (Luận Ngữ I.1)

Đó là làm chủ được tâm mình—tâm không bị lay động vì tham tiếng tốt hay sợ tiếng xấu. Tâm làm điều gì cảm thấy nên làm.

Tâm người quân tử nhắm vào phục vụ cộng đồng, phục vụ mọi người, muốn yêu người, hiểu người, và đồng cảm với người.

Và sự thật ở đời là, nếu tâm bạn thực sự yêu người thì dù bạn không cần được hiểu, và thiên hạ dù có hiểu lầm bạn cách mấy, lâu ngày chầy tháng mọi người cũng biết ai là vàng thật ai là vàng giả.

Chúc các bạn một ngày yêu người.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Đừng lo người không biết mình, chỉ lo mình không biết người”

  1. Đúng vậy! Làm việc gì “Thuận Thiên – Hòa Nhân” thì an tâm. Thành hay chưa thành cũng an tâm. Người hiểu mình thì tốt, chưa hiểu cũng không sao, lâu ngày chầy tháng mọi việc đều rõ.

    Chỉ sợ mình làm việc “nghịch thiên, hại nhân”. Và lo mình không hiểu người.

    Cảm ơn anh Hoành.

    Like

  2. Chợt nhớ lại một câu thành ngữ rất phổ biến, hình như là xuất phát từ Binh Pháp Tôn Tử: “Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng”. Nghĩa là: “Biết ta, biết người – trăm trận, trăm thắng”. Như vậy, điều quan trọng để thành công – không chỉ ở chiến trận mà cả trên thương trường và trong cuộc sống – theo cổ nhân, chính là: (1) Mình biết mình. Và (2) Mình biết người.

    Đó là 2 điều cần nhất. Vậy nên: “Đừng lo người không biết mình, chỉ lo mình không biết người”.

    Trong cuộc sống, cần có sự cảm thông. Nên “mình biết người và người biết mình” là điều tốt. Nhưng trong chiến tranh hay trong cuộc cạnh tranh, ai đó không biết mình cũng có thể là điều tốt…

    Like

  3. Cám ơn anh Hoành rất nhiều. Những khi em bất an trong lòng điều gì lại đọc thấy bài viết của anh trúng vấn đề vướng mắc của em. Chúc anh luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục dẫn đường chúng em.

    Like

  4. Em cảm ơn anh về bài học dễ hiểu và sâu sắc về tâm yêu người.
    Em Huyền

    Like

Leave a comment