Nỗi buồn Mẹ bên sông Đà

Bút ký

Tôi vô tình được gặp mẹ trong một khách sạn.

Cứ chiều chiều, mẹ lại ra đứng ở ban công tầng hai, mắt nhìn về phía xa xa, vẻ mong đợi bồn chồn…

Có lần, trong một cuộc liên hoan văn nghệ do đội văn công của khách sạn trình diễn, tôi gặp mẹ ngồi ở hàng đầu, giữa các quan khách…Chẳng hiểu những lời ca tiếng hát trẻ trung đã gợi cho mẹ những cảm nghĩ gì. Nhưng tôi chợt cảm thấy: lọt thỏm giữa âm thanh, sắc màu và hoạt động sôi nổi, mẹ như để tâm tư lắng vào một nơi nào đó thật xa xôi…

Dần dà, tôi cũng được biết ít nhiều về thân thế của mẹ.

Mẹ tên là Mùi Thị Dậu, người Mường thuộc một vùng sâu vùng xa của huyện Mộc Châu. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ – nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế…Vào thăm Bảo tàng Sơn La, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Sơn La được Nhà nước phong tặng vào năm 2004.

Mẹ có một người con trai duy nhất đã hy sinh trên chiến trường chống Mỹ tại Lào năm 1970. Chồng mẹ đã qua đời mười năm nay. Khi ngôi nhà tình nghĩa của mẹ tại quê bị gió mưa làm sụt nóc, mẹ tới ở nhà vợ chồng người con gái nuôi một thời gian…Nhiều đơn vị ở Sơn La xin nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời, và K.S Công đoàn Sơn La cuối cùng đã nhận được vinh dự đó. Tại đây, mẹ được chăm sóc như người mẹ, người bà chung của cả đơn vị.

Nhưng, nỗi nhớ quê hương vẫn thường dày vò tâm tư mẹ. Mọi người đều hiểu điều ấy. Vì vậy, thi thoảng K.S Công đoàn lại tổ chức một chuyến lặn lội đưa mẹ về thăm nhà độ dăm bữa nửa tháng, rồi lại về quê đón mẹ lên Thành phố.

Thực may mắn, tôi gặp được dịp K.S Công đoàn đưa mẹ về thăm quê. Tôi xin được đi theo mẹ trong cuộc hành trình này.

Từ Thành phố Sơn La về quê mẹ gần hai trăm cây số đường trường, qua đèo dốc, sương mù, sông suối, qua nhiều thị trấn, làng bản…

Lúc này hoa ban đang nở trắng núi rừng.Vẻ đẹp của cảnh vật như làm vợi bớt sự gian khổ, nhưng phải chăng lại làm tăng thêm sự bồn chồn của mẹ khi sắp về đến quê hương?

Con sông Đà mùa này êm ả. Trên thuyền, tôi trò chuyện cùng mẹ để hiểu thêm về dòng sông chính của vùng Tây Bắc- dòng sông từng chứng kiến tuổi thơ của mẹ, rồi của con trai mẹ…

Ngược phía thượng nguồn khoảng trên trăm cây số là công trình thủy điện Sơn La đang vận hành những tổ máy đầu tiên; và dọc hai bên bờ là biết bao khu tái định cư phục vụ giải phóng lòng hồ cho cả thủy điện Hòa Bình trước đây lẫn thủy điện Sơn La hiện tại.

Người thân của mẹ đã đón đợi hàng tiếng đồng hồ trên bến để đưa mẹ và cả đoàn về bản Sao Tua- xã Tân Hợp, về ngôi nhà sàn của vợ chồng anh Mùi Văn Quý và chị Mùi Thị Dứa. Chị Dứa là con nuôi của mẹ, theo một phong tục người Mường: khi anh Chính lên 8 tuổi, mẹ không sinh nở thêm được nữa thì có quyền xin con nuôi ngay tại bản…Các con cháu, họ hàng, dân bản tới chào và thăm hỏi mẹ.

Mẹ trở về giữa lòng quê hương, bề ngoài vẫn dáng vẻ bình lặng như mọi khi. Song, trong ánh mắt khi ngồi bên các cháu, khi ngồi bên bếp lửa nghe kể chuyện làng bản lại đong đầy niềm thương nhớ, tự hào, và cả sự lo lắng…

Ngôi nhà của cô con gái nuôi có hai nơi thờ, ở hai góc nhà: nơi thờ chồng mẹ và con trai mẹ – liệt sĩ Mùi Văn Chính, và góc kia là nơi thờ anh Mùi Văn Quyết, chồng của cô con gái nuôi mới qua đời vì bạo bệnh…Ông Mùi Văn Dương, anh trai anh Quyết, một cựu chiến binh sống ở Sao Tua đã kể cho chúng tôi nghe về người con trai liệt sĩ của mẹ, và về những gì liên quan đến gia thế của mẹ. Rồi ông Dương hai lần đọc lời cúng trước cả hai ban thờ.

Trong lúc trò chuyện bên ấm nước lá rừng, tôi càng hiểu thêm về sự gắn bó hòa quyện của của cộng đồng làng bản ở một vùng đất nghèo nhưng chưa bao giờ thiếu thốn tình thương, sự quan tâm lẫn nhau giữa những con người dù là máu mủ ruột rà hay chẳng có họ hàng thân thích gì. Các con mẹ- con đẻ hay con nuôi đã sinh ra và lớn lên trong một môi trường trong lành như thế của tình người…

Ngồi chưa kịp nóng sàn, chưa kịp để nhiều người trong bản tới thăm hỏi, mẹ đã nôn nóng nhờ người dìu đi đến một vài nhà thân quen để thăm hỏi trước.

Đêm dần buông. Bóng tối quen thuộc lại đến với người bản Sao Tua – cái bản dường như bị bỏ quên trong các quy hoạch đường điện lưới của xã của huyện. Cũng may là mấy gia đình đã chung nhau sắm máy nổ để thỉnh thoảng phát điện – nhất là trong một ngày nhiều ý nghĩa: mẹ về thăm quê, cùng các khách quý đến từ Thành phố Sơn La!

Rồi bữa cơm tối đạm bạc mời mẹ và đãi khách cũng đã diễn ra trong ánh đèn điện mà độ sáng cũng không hơn ánh trăng rằm là bao! Bữa cơm diễn ra rất lâu, cách quãng lại có người mới đến thăm mẹ rồi ngồi luôn vào mâm, vừa ăn uống vừa trò chuyện – chủ yếu là uống rượu, chúc nhau bằng rượu, bộc lộ sự trân trọng, lòng tri ân và cả nỗi niềm riêng qua chén rượu men lá của đồng bào Mường… Người nói, rượu nói chưa hết thì lại để dành chỗ cho tiếng pí thui- cây sáo đặc biệt của người Mường trong đêm khuya.

Mẹ đâu ngủ được trong đêm đầu tiên của đợt về nhà lần này! Tấm lưng còng trằn trọc… Tuổi thơ và thời con gái, rồi cả thời làm dâu của mẹ gắn bó với bản nghèo này, với mảnh đất thương khó này… Lúc chiều, mẹ loay hoay trong kho đồ cũ, để rồi sau đó chăm chú với đường sa quay, sống lại chặng đời lầm lụi của người phụ nữ Mường trong cái công việc đơn điệu và thân quen từ lúc còn là một cô bé thò lò mũi xanh tới khi có đủ chăn gối đệm để mang theo về nhà chồng…

Vùng đất cao nguyên châu Mộc khi rét thì lạnh thấu xương, còn khi nóng thì đổ lửa, gió Lào réo cuồn cuộn khắp thung lũng, đồi đất vốn cằn cứ cong mãi lên vì khô hạn… Đúng buổi chiều mẹ về, may sao một cơn mưa nhẹ chợt đến, nhưng chưa đủ thấm mái gianh và càng không thể làm háo cơn khát của ruộng vườn cây cỏ suốt mấy tháng ròng. Mọi người đều không giấu nổi mừng vui, xôn xao bàn bạc. Rồi câu chuyện về người liệt sĩ trẻ tuổi lại tiếp tục bên những hạt mưa xuân muộn mằn… Khi khách đã có đủ những thông tin cần thiết về con trai mẹ, thì câu chuyện lại chuyển sang cái làm, cái ăn, cái ở – theo cách nói của người Mường.

Nhưng cũng từ lúc đó, kỷ niệm về anh như tràn ngập ngôi nhà và xao động kín đáo trong ánh mắt mờ đục của mẹ…

Mỗi buổi chiều tà, mẹ và những phụ nữ bản Sao Tua thường ra bến sông để đón chồng, đón anh, đón con trở về cùng tôm cá, vật dụng sinh hoạt trên những con thuyền hay bè mảng tự tạo quen vượt thác dữ sông Đà… Mẹ chắc từng nhiều lần cười vui một mình khi ngắm tấm lưng trần vạm vỡ rám nắng của người con trai bước vào tuổi tráng niên, thầm mong một cô con dâu xinh xắn chăm chỉ…

Nhưng mong ước đó đã vụt bay vĩnh viễn khỏi đời mẹ lúc anh Chính bước vào tuổi hai mươi!…

Tôi chưa có dịp may mắn được thấy mẹ ngồi trang trọng nơi dành riêng cho các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong các ngày đại lễ của tỉnh, của huyện mà bao giờ mẹ cũng được mời. Nhưng có lẽ, trong những giây phút huy hoàng của đám đông đó, mẹ sẽ quay về nơi sâu thẳm nhất của lòng mình để thì thầm với người con trai vắn số, an ủi cho linh hồn anh, lời an ủi tựa tiếng sáo Mường đang thổn thức trong đêm vắng bản xa…

Đêm nay, tôi sống trong lòng quê hương mẹ. Điều có nghĩa nhất đối với tôi là đã tìm đến được một trong những cội nguồn của sự hy sinh. Đó là lòng Mẹ, là sự gắn bó với quê hương, mà vì chúng, con trai Mẹ và biết bao người thanh niên đáng yêu đáng quý đã ngã xuống…

Cảm ơn Mẹ.

Sơn La – Hà Nội, Mùa hoa ban 2012

Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Một suy nghĩ 5 thoughts on “Nỗi buồn Mẹ bên sông Đà”

  1. Một câu chuyện về một cuộc đời đáng yêu và môt nền văn hóa đáng quý..

    Thời đại globalization đưa đến nhiều thử thách cho những nền văn hóa làng bản như thế. Chúng ta nên quan tâm để bảo vệ các nền văn hóa rất đặc thù đó. Kể cả văn hóa truyền thống Kinh.

    Điều tốt nhất nên làm để bảo vệ văn hóa truyền thống của 55 dân tộc anh em là đưa kiến thức văn hóa rộng rãi đến mọi người, qua những bài viết thế này. Có biết thì mới nghĩ đến việc bảo vệ.

    Cảm ơn Tuấn.

    Thích

  2. Câu chuyện về mẹ thật xúc động. Em cũng được biết thêm về văn hóa người Mường ở Mộc Châu. Cám ơn anh Tuấn.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s