Tình yêu và tình dục trong tư duy Phật giáo

 

Hỏi Đáp:

Câu hỏi của Bom Xanh:  Quan điểm của Phật giáo như thế nào về tình yêu và tình dục.

 

Chào Bom Xanh, đời sống vật chất càng đầy đủ bao nhiêu thì nhu cầu tinh thần cần bấy nhiêu và tiếp theo đó là những nhu yếu đòi hỏi về tình dục của con người là không ngoại lệ.

Tình bạn đến với nhau một cách trong sáng, chân thật sau đó dẫn đến một tình yêu ích kỷ, cẩu thả là điều khó tránh, thường gặp ở độ tuổi mới trưởng thành. Chúng ta rất quan tâm đến những vấn đề mâu thuẫn, nhầm lẩn về tình yêu và tình dục. Đó là phép thử lòng kiên nhẫn và tính chung thủy của một người với một người. Chẳng qua là sự trá hình qua ngôn ngữ yêu và được yêu. Biết rằng những tìm hiểu về một cơ thể, đó là tâm sinh lý mà ai cũng cần biết rõ trách nhiệm của bản thân.

Phật giáo dạy chúng ta yêu cần có thái độ tôn trọng và giữ gìn những quan hệ lành mạnh và luôn theo dõi tâm ý để quan sát những diễn biến sau đó. Mục đích đến với nhau, để có một người bạn đời hết lòng vì mình. Một tình yêu cao thượng là một tình yêu không chiếm hữu , không chỉ hạn hẹp bởi dành riêng cho một đối tượng và biến đối tượng đó trở thành nô lệ tình dục. Đã đến với nhau bằng tình yêu thì tức nhiên tình yêu đó cần phải đẹp, lễ phép, lý tưởng, hạnh phúc…đâu phải chúng ta tìm đến với nhau, nương tựa với nhau bằng con đường ái dục? Có những quan niệm cho rằng nhờ chuyện đó mà con người mới giữ gìn được tình yêu và hạnh phúc lâu bền.

Chúng tôi cũng thường xuyên có dịp chứng giám và dự lễ hằng thuận cho một số đôi nam nữ sắp bắt đầu bước qua ngưỡng cửa hôn nhân. Chúng tôi luôn hướng dẫn cho họ phép tự ‘phát nguyện’ với lòng mình và cũng làm vị thầy thay mặt cho cha mẹ nhắc nhở, nói lên những khó khăn khi đến với nhau, khi chọn con đường vợ chồng. Chúng tôi chia sẻ về truyền thống của dân tộc, truyền thống gia đình và tình con người và không ngại nói lên những trách nhiệm cần phải thực hiện như bổn phận làm cha mẹ, làm dâu rễ, làm người có đạo đức, có lối sống lành mạnh.

Khi một ai đó đã xác định rõ ràng về một ước mơ lứa đôi, chung sống hạnh phúc thì tức nhiên họ sẽ bằng lòng trước những khó khăn của nhau, sự khác biệt của nhau, sự đồng cảm với nhau. Từ đó họ dìu nhau tìm ra những phương pháp đối trị ‘sống không bừa bãi’. Trong đó năm giới của Phật giáo đã dạy cho họ cách làm người, cách điều tiết cơ thể, cách nhận diện tập khí ham muốn, cách bảo quản một tình yêu khỏi nguội. Những ai có lý tưởng sống thì họ tìm ra hạt giống tình yêu thật rồi thì cách suy nghĩ ‘tình dục là thượng đế’ của cánh cửa hạnh phúc gia đình sẽ không còn tồn đọng trong tư tưởng của mọi người.

Thay vào đó họ tập sống và làm công việc trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm và hành xử, quan tâm trong chánh niệm. Khi chúng ta tiếp xúc được những điều kiện chánh niệm có mặt đó rồi thì chúng ta sẽ không còn có thời gian vọng tưởng, tạo cơ hội để tình dục lôi kéo. Chúng ta sẽ giúp đỡ cho người bạn đời thấu hiểu về triết lý Tình –Yêu và giúp cho bạn mình tháo gỡ những cái cái tầm thường cực đoan.

Để có mối tình đẹp hay một gia đình đẹp, một tình bạn đẹp thì những khoảnh khắc đẹp luôn chờ chúng ta đón nhận như một nụ cười, làm một bài thơ, nấu một món ăn ngon, trồng một cây hoa, ra tay làm vườn, đi chùa ngồi thiền, tìm hiểu về môi trường sống. Những mối tình thân thiện đó sẽ đưa chúng ta chuyển hóa dục vọng, biến ái dục thành một tình thương yêu chân thành hữu ích.

Yêu không có tội bao giờ, vì con người ai cũng cần phải có một tình yêu, mà tình yêu đó phải nằm ngoài một ý niệm ‘cho và nhận’. Chúng ta nên xem tình yêu và tình dục là hai người bạn rất thân và luôn bày tỏ sự tôn trọng, giữ gìn cho nhau trong mỗi giây mỗi phút. Nếu chúng ta vì quá đam mê và tốn rất nhiều thì giờ để khám phá thân thể và còn dành nhiều lưu tâm cho vấn đề tình dục quá thì tâm trí con người sẽ đi đến giai đoạn suy kiệt, thoái hóa đạo đức và mất cân bằng giữa tinh thần và vật chất. Cho nên chúng ta cũng cần huân tập bản tính lành và xem nhẹ việc ái dục với bản năng sinh tồn.

“Nên khi đến với tình yêu theo nghĩa rộng là một cách đối nhân xử thế
Còn đến với nhau theo nghĩa tình yêu hẹp thì chỉ là đóng cửa văn hóa”
(Kinh Tâm)

Với bao định nghĩa khác biệt về cuộc sống, chẳng qua là nhường chỗ cho tình yêu phụ thuộc và không có quan điểm nhận thức thế nào là hôn nhân và gia đình. Các bạn đừng sợ hãi về bài toán khó giải đó mà phải đối diện và bày tỏ quan niệm sống một cách chân thật để mang lại một tình yêu nhân quả.

Chúng ta cần có phương pháp giải tỏa năng lượng và bảo hòa năng lượng, giữa những đối tượng phải có ý thức và nhận định đến với nhau bằng một tình thương để tồn tại, chứ đừng bao giờ hưởng thụ khoái lạc để rồi gây ra những mâu thuẩn, bất hòa và chiến tranh lạnh khi giữa người này với người kia không có những thỏa thuận chuẩn mực đạo đức của xã hội. Đừng để lại hậu quả đáng tiếc cho bản thân và gia đình. Hơn nữa sẽ nảy sinh ra chiều hướng tình dục tiêu cực, đó là một tai họa, là mối nguy hiểm của loài người. Chúng ta sinh hoạt ái dục sao cho phù hợp với tinh thần luân thường đạo lý và mức độ tâm hồn trưởng thành. Nếu chúng ta biết cách chăm sóc tình yêu sao cho lành mạnh thì chỉ số hạnh phúc sẻ lớn hơn chỉ số khổ đau.

Hãy theo dõi thêm về bài viết: nền tảng của tình yêu thương.

Kinh Tâm

 

4 thoughts on “Tình yêu và tình dục trong tư duy Phật giáo”

  1. Mình có tiếp cận (đọc đâu đó) quan điểm của Phật giáo về tình yêu và tình dục với những lời lẽ đơn sơ nhưng không dễ dãi và theo cảm nhận của mình thì điều đó rất nhân bản và phù hợp với chữ “duyên” trong nhà Phật.

    Bài viết này, của tác giả Kinh Tâm, chủ quan theo nhận xét của của mình thì tác giả bài viết không/ít viện dẫn những điều cốt lõi của Phật nói về tình yêu/tình dục mà dường như được trình bày như một dạng “lý tưởng” về tình yêu, tình dục mang màu sắc Phật giáo.

    Mình thú thực là mình không đủ kiến thức để phản bác lại bài viết và hầu như cũng không thấy bài viết sai chỗ nào nhưng bài viết khá “xa lạ” với cảm quan của mình về vấn đề tình yêu/tình dục trong quan điểm Phật giáo như mình đã đọc trước đây.

    Thành tâm nói ra suy nghĩ này, mình mong nhận được phản hồi, ý kiến khác của các anh, chị để chúng ta nhìn thấy rõ được quan điểm của Phật giáo về vấn đền này trong bối cảnh cuộc sống hiện đại hôm nay.

    Nếu có điều gì không phải, mong anh, chị hoan hỷ tha thứ và chỉ bảo.

    Like

  2. Hi Bình,

    Vậy thì theo Bình thế nào mới là tình yêu và tình dục theo quan điểm Phật giáo? Phải nói đên kinh này kinh kia thì mới là Phật giáo, còn không viện dẫn tên kinh là không Phật giáo? Nếu không thấy bài viết sai chỗ nào sao lại có vấn đề?

    Like

  3. Xin mời quý vị tiếp xúc hương vị tình yêu theo quan điểm Đạo Phật nghĩa rộng hơn. Cám ơn tiếng nói tế nhị của T. Kinh Tâm

    Không Lạm Dụng Thân Thể:

    Đến với nhau không lạm dùng thân thể của nhau mà chỉ để giúp nhau. Nếu ta tới với nhau để lạm dụng thân thể của nhau thì chúng ta sẽ thất bại, bởi vì tất cả các cảm giác nào do thân thể đem lại nó rất là hạn chế và những sắc đẹp do thân thể đem lại cũng rất hạn chế. Do đó, nếu ta đi tới với nhau để lạm dụng thân thể của nhau, thì chúng ta rồi cũng phải chia tay nhau. Điều này hàng loạt người nam, nữ Tây phương, họ không nhận ra, nên hàng loạt người nam nữ Tây phương đã chia tay nhau và cũng hàng loạt người nam nữ ở Đông Phương cũng chia tay nhau. Tại sao như vậy? Vì người ta tới với nhau để lạm dụng thân thể của nhau, hơn là giúp nhau trên phương diện thân thể, bởi vì sắc đẹp nào rồi cũng tàn và cảm giác dục vọng nào, rồi cũng đi qua và để lại cho thân thể một sự trống trải, một sự khao khát tiếp tục. Bởi vậy, trái tim của tình yêu lứa đôi hay khởi lên dông bão và nó cuốn hút, khiến cho mỗi người phải đi mỗi nẻo và hai gia đình quan hệ với nhau rất đẹp trở thành xa lạ và không khéo trở thành hận thù là do người ta tới với nhau vì lạm dụng thân thể của nhau. Do đó, trong buổi pháp thoại này Thầy muốn hai con Tú – Hải đi tới với nhau không phải là lạm dụng thân thể của nhau mà đi tới để chia sẻ với nhau trong đời sống và chúng ta phải biết giúp nhau, biết chăm sóc thân thể cho nhau.

    Link dẫn vào bài:GiỮ GÌN VÀ CHĂM SÓC TÌNH YÊU
    http://www.thuviencophap.org/2011/07/giu-gin-va-cham-soc-tinh-yeu.html

    Like

  4. Kính chào cả nhà !
    Con thấy đây là một đề tài hay và thiết thực cho thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc vào Phật giáo. Trên tinh thần nhập thế, thiết nghĩ quý Thầy nên có cách thuyết phục và có sự phản biện thấu đáo hơn. Vì trên hết tính dục là một đề tài muôn thuở và đặc trưng của bản năng. Thế thì tại sao ta không nhìn và nói thẳng thắn cho ra vấn đề ! Đó là một cách hoằng dương chân lý !
    Kính

    Like

Leave a comment