Những phím dương cầm tím tái

 

Bốn chín ngày

Mẹ xa bốn chín ngày rồi
chỉ còn những vật dùng quen ở mãi
còn những phím dương cầm tím tái
tay con giờ gặp lại
xạc xào rung…
ngày ba lần con mời mẹ xơi cơm
di ảnh mẹ đôi mắt
trời thăm thẳm
cây xõa bóng hiên nhà như chịu tang ngõ vắng
nhớ bước ngày nào đưa mẹ tập dưỡng sinh
có ai vẽ như ngày xưa trẻ lại
hoa rụng về cành trời thấp lại hồng lên
sao trời chỉ cho con có mẹ một lần
cho con gom những câu thơ mới
bốn chín ngày mẹ đi về mãi mãi
để con ở lại với ngày mai
gió thổi và hoa trôi
xin gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười

LÊ HÀ
(Tạp chí Tháp Bút-Trung tâm văn hóa TP Hà Nội- CLB văn học- số 17/12/2011)

Tác giả bài thơ- chị Lê Hà là con gái thứ ba của cố nhạc sĩ Lê Lôi. Mấy năm nay, một mình chị ở với mẹ là bà quả phụ Nguyễn Thị Sâm, chăm sóc mẹ cho đến giờ phút cuối… Ngày 1 Tết ÂL, tôi đến thắp hương cho bà. Chị Hà nhờ tôi đưa về tặng mẹ tôi tập Tháp Bút mới có in thơ chị. Mẹ tôi là em út của bác Lê Lôi; từ ngày bác trai mất, sự gắn bó giữa bác gái và mẹ tôi- cô em chồng dường càng khăng khít đậm đà hơn…Tôi thường ít để ý tới những cuốn sách của các CLB Thơ, nhưng thấy mẹ tôi đọc tập Tháp Bút này chăm chú, rồi lại để dưới gối như sẽ đọc lại, đọc kỹ, nên tôi tò mò giở ra tìm đọc thơ chị. Tôi đọc để cho biết, để nếu gặp chị thì có cớ làm chị đẹp lòng: “Em đã đọc thơ chị rồi. Dễ thương lắm chị ạ…”

Nhưng chỉ lướt vài dòng đầu, mấy câu thơ này đã “xóc” ngay vào tâm trí tôi:

còn những phím dương cầm tím tái
tay con giờ gặp lại
xạc xào rung…

Nhà giáo - nhà thơ Lê Hà và mẹ, bên các cháu tới thăm
Mẹ tôi vốn là một cô giáo dạy nhạc, trong nhà tôi thuở trước (thời “Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng”) luôn có cây đàn piano cũ, và tuổi thơ tôi chìm trong tiếng đàn dương cầm của người mẹ – cũng là cô giáo nhạc của tôi ở tiểu học. Phải chăng đó là lý do trực tiếp, đầu tiên để hình ảnh “những phím dương cầm tím tái” khiến tôi xúc động một cách lạ lùng?

Hàng ngày, chị vẫn đánh đàn cho mẹ nghe, để bà đỡ cơn đau và nhớ về hình bóng người chồng nhạc sĩ quá cố. Sống đơn sơ đạm bạc, chủ yếu bằng tiền lương hưu của một cô giáo dạy văn sử cấp hai, nhưng căn buồng khu tập thể nhỏ bé của hai mẹ con chị luôn tràn ngập kỷ niệm, tiếng đàn và tiếng cười – nhất là khi có các cháu nội & ngoại đến thăm bà… Chị không đi theo con đường của cha, của em trai (nhạc sĩ Lê Dũng), nhưng chị thừa hưởng được từ cha mình năng khiếu âm nhạc. Ngoài thời giờ dạy học, soạn chấm bài, nội trợ, chị mê mải làm thơ và…tập đàn. Cây đàn piano cũ là tài sản đáng giá nhất ở nhà chị. Song những phím đàn màu trắng ngà dường đã tím tái đi trong nỗi đau suốt những ngày tang tóc, và tiếng đàn không thể thánh thót âm vang, chỉ xạc xào tựa tiếng khóc nhớ thương phải kìm lại… Phải là một cô giáo có tâm hồn nghệ sĩ và yêu quý cây đàn dương cầm đến mức nào mới có nổi những câu thơ giàu trực cảm như thế!

Tiếp đó, cả bài thơ giản dị như lời nói thường ngày, nhưng ngẫm ra sẽ thấy đó là những lời tâm sự buốt đau, chưa hết nỗi bàng hoàng của một người con quen sống với mẹ giờ chỉ còn lại một mình trong ngôi nhà nhỏ… “Ngày ba lần con mời mẹ xơi cơm”– cái việc làm vừa là thủ tục, vừa là lòng thành kính thiêng liêng của một người con chí hiếu được kể lại như một lời tâm sự thầm thì với mẹ khiến người đọc phải ứa lệ.

Dường như tất cả mọi sinh hoạt thường ngày, mọi cảnh vật thiên nhiên nơi xóm nhỏ đều gắn với hình bóng mẹ, đều gợi nhớ về mẹ. Đôi mắt mẹ trong di ảnh hóa thành/ hòa vào bầu trời xanh thẳm, và cây trước hiên nhà như cũng xõa bóng râm chịu tang; việc đưa mẹ đi tập dưỡng sinh từng bước một cứ hiển hiện như mẹ chưa hề đi xa…! Và tất cả đều là những nốt đàn dịu ngọt! Như vậy, sau cảm tưởng phím đàn tím tái và tiếng đàn xạc xào, khi sống với những kỷ niệm chăm sóc mẹ, ta thấy những câu thơ tái tê của chị như bắt đầu “hồi sinh” vào cõi đời thường; nỗi đau xé lòng ngày đưa mẹ về nơi chín suối đã lắng xuống, tuy vẫn nghẹn ngào bởi cô quạnh nhớ nhung, oán trách số phận (sao trời chỉ cho con có mẹ một lần) để dần nhường cho cái nhận thức tất yếu về lẽ Sinh -Tử của kiếp người:

có ai vẽ như ngày xưa trẻ lại
hoa rụng về cành trời thấp lại hồng lên
sao trời chỉ cho con có mẹ một lần
cho con gom những câu thơ mới
bốn chín ngày mẹ đi về mãi mãi
để con ở lại với ngày mai

Và tới hai câu cuối, những “nốt đàn” của chị dường đã hoàn toàn trở lại thanh âm ngân nga ấm áp quen thuộc vốn có:

gió thổi và hoa trôi
xin gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười.

Gió thổi giữa trời và hoa bán rong được chở đi trên đường phố như đang trôi- cái điều vẫn diễn ra thường tình đó chợt được tác giả nhận ra: chúng thực đáng yêu biết bao, có ý nghĩa biết bao trong cuộc sống này- khi một người thân yêu vô hạn đã khuất xa mãi mãi… Và lời cầu xin của chị với thiên nhiên, cũng đồng thời là lòng mong mỏi mẹ được yên bình mỉm cười ở Cõi vĩnh hằng vào ngày giỗ đoạn tang đã trở thành một trong những câu thơ hay nhất trong đời nhà giáo làm thơ của chị: “xin gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười.”

Vẫn là lối thơ hồn hậu đầy nữ tính, vẫn là những “gam đàn, nốt đàn” của ngôn ngữ thi ca, song cách viết của chị lúc này khác hẳn so với nhiều bài thơ có vần điệu chỉn chu mượt mà đã từng in trong tập thơ riêng “Cánh võng xanh”. (Tôi đã tìm đọc ngay tập thơ này, với lời chị đề tặng mẹ tôi). Ở “Bốn chín ngày” là sự diễn tả theo dòng suy tưởng – quan sát (tôi tạm đưa ra khái niệm này) – quan sát chính lòng mình, quan sát sự vật xung quanh kể từ ngày mẹ ra đi cho tới giỗ 49 ngày theo phong tục cổ truyền. Và sự quan sát đó lồng trong/ hòa vào suy tưởng, nỗi nhớ thương hòa quyện với sự ngẫm ngợi. Khi đó chị chỉ làm cái việc ghi lại cảm nghĩ thảng thốt của mình mà không câu nệ vần điệu, câu chữ, chúng giống những “hợp âm rải” tùy hứng trên dương cầm – thực ra chị đã vô tình bước vào cái “lãnh địa” mà người ta vẫn gọi là thơ hiện đại/ hậu hiện đại gì đó, và đồng thời vô tình minh chứng cho cái lý lẽ vốn thường chối tai nhiều người làm thơ cố tình phá cách đến linh tinh xoèng cả lên: vỏ hình thức như thế nào đó chỉ là sự tất yếu của cái cần được bộc lộ ra bằng thơ ca…

Hà Nội, xuân 2012
Nguyễn Yên Thế

 

Một bình luận về “Những phím dương cầm tím tái”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s