Rùa trung bộ
|
RÙA TRUNG BỘ – MAUREMYS ANNAMENSIS
Là loài đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố các suối và ao hồ ở các tỉnh Trung Việt. Kích cỡ mai của chúng chỉ 29cm. Sách đỏ Việt Nam và thế giới xếp loài rùa này ở mức độ cực kỳ nguy cấp (CR).
RÙA CÁ SẤU – PLATYSTERNON MEGACEPHALUM
Còn có các tên gọi khác là rùa đầu to, rùa đuôi dài hay rùa mỏ quạ. Rùa cá sấu có mai trẹt nên đầu và đuôi không thể thụt sâu vào trong mai để tự bảo vệ. Rất hiếm khi gặp chúng ở rừng thứ sinh. Chỉ cần mất rừng là loài này biến mất nên rùa cá sấu được Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới ghi nhận ở mức nguy cấp (EN).
RÙA HỒ GƯƠM – RAFETUS VIETNAMENSIS
Trước đây có tên Rafetus swinhow, năm 2010 các nhà khoa học Việt Nam phân tích ADN và kết luận đây là loài hoàn toàn mới với tên Rafetus vietnamensis Lê và các đồng nghiệp, 2010. Loài này được biết chắc chắn bởi hai cá thể ở hồ Gươm và hồ Đồng Mô (Hà Nội). Ảnh của vtc.vn.
Rùa núi vàng
|
RÙA NÚI VÀNG – INDOTESTUDO ELONGATA
Còn gọi là rùa gối vì mai cao trông giống như chiếc gối. Loài này có kích cỡ tương đối lớn, chiều dài mai có thể hơn 30cm. Mai có màu vàng trông rất đẹp. Loài này sống trên cạn và được Sách đỏ Việt Nam và thế giới xếp ở mức độ đang nguy cấp (EN). Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của chúng, nhiều người đã mua và nuôi nhốt rùa núi vàng tại nhà mà không biết điều này bị cấm.
RÙA VÀNG, đúng như tên gọi, có giá trị kinh tế cực cao (khoảng 500 triệu đồng/kg trên thị trường chợ đen). Và chính vì giá trị của chúng mà rùa vàng ngoài thiên nhiên gần như tuyệt chủng. Sách đỏ thế giới xếp loài phụ này ở mức cực kỳ nguy cấp (CR). Rùa vàng tên trước kia là Cuora trifasciata (Bell, 1825) nhưng gần đây được đổi thành Cuora cyclornata với hai phân loài: rùa hộp ba vạch miền Trung Việt Nam – Cuora cyclornata cyclornata – và rùa hộp ba vạch Meier – Cuora cyclornata meieri.
RÙA HỘP TRÁN VÀNG NAM BỘ – CUORA PICTURATA
Chúng có chiếc mai cao và hai nắp đậy ở hai phía đầu đuôi, đảm bảo cho đầu, đuôi và tứ chi có thể rút vào bên trong rồi đậy nắp lại, không sợ kẻ thù ăn thịt. Loài này được Sách đỏ thế giới và Việt Nam xếp hạng ở mức độ cực kỳ nguy cấp (CR). Trước đây, rùa hộp trán vàng – Cuora galbinifrons có ba loài phụ: rùa hộp trán vàng Bắc bộ, rùa hộp trán vàng Trung bộ và rùa hộp trán vàng Nam bộ. Gần đây các nhà nghiên cứu đã tách các phân loài thành ba loài riêng biệt. Rùa hộp Nam bộ phân bố ở các vùng rừng núi miền Nam Việt Nam, và có thể có ở phía đông Campuchia và Nam Lào.
Giải khổng lồ
|
GIẢI KHỔNG LỒ – PELOCHELYS CANTORII
Là loài rùa mai mềm sống ở các sông lớn ở Đông Nam Á, Ấn Độ và Srilanka, mai dài khoảng 2m. Loài rùa khổng lồ này ăn tạp, thức ăn là cua, cá, tôm, một số loài thực vật. Sách đỏ Việt Nam và thế giới xếp loài này ở mức độ bị nguy cấp (EN).
CUA ĐINH – AMYDA CARTILAGINEA
Hay ba ba Nam bộ cũng là rùa nước mai mềm, chiều dài mai có thể hơn 80cm. Cua đinh là loài ăn tạp vì chúng ăn cả thực vật lẫn động vật. Cua đinh phân bố ở sông, suối của các nước Đông Nam Á. Chúng được Sách đỏ Việt Nam và thế giới xếp ở mức độ đang bị thương tổn về quần thể (VU).
RÙA NÚI VIỀN – MANOURIA IMPRESSA
Thường sinh sống trên cạn ở các khe rãnh, thung lũng. Mai có màu nâu vàng và kích thước tối đa là 35cm, là một trong số các loài rùa cạn đẹp nhất. Sách đỏ Việt Nam và thế giới xếp loài này ở mức độ đang bị thương tổn về quần thể (VU).
bài và ảnh: Ngô Văn Trí,
nhà nghiên cứu động vật
Rùa Hồ Gươm
|
Rùa vàng
|
Cua đinh
|
Rùa Núi Viền
|