Thích Thái Hòa
Nơi thế giới sinh hoạt bằng hữu niệm và hữu ngã, thì danh từ hòa bình là danh từ sáo rỗng, người đứng ra vận động hòa bình, cũng chính là kẻ đang cổ xúy cho chiến tranh, dưới một hình thức này hay một hình thức khác của hữu niệm và hữu ngã.
Và những người đang sinh hoạt ở trong thế giới hữu niệm và hữu ngã, mà chủ trương sống hòa bình, cũng có nghĩa là họ đang chủ trương sống với chiến tranh, và có khi chính họ là tội phạm của chiến tranh. Vì sao? Vì còn tính ngã và còn những suy nghĩ lệ thuộc tính ngã, là còn chiến tranh. Ấy là chủ trương chiến tranh núp dưới nhãn hiệu chủ trương hòa bình và chủ trương hòa bình núp dưới nhãn hiệu chủ trương chiến tranh đó bạn ạ!
Người ta sống trong thế giới hữu niệm và hữu ngã, chiến tranh là một hình thức khác của hòa bình và những khao khát đối với hòa bình; và sống trong thế giới hòa bình là một hình thức ngầm phát khởi chiến tranh và người ta đang chuẩn bị và khao khát tìm kiếm chiến tranh. Vì sao? Vì tự thân của thế giới hữu niệm và hữu ngã là thế giới của kỳ thị và phân biệt. Hễ nơi nào có kỳ thị và phân biệt là ở nơi đó có phân hai, phân ba, phân bốn và phân ra từng mảnh vụn.
Kỳ thị là kỳ thị đối với những gì mà họ cho không phải là họ và không phải là của họ; phân biệt là phân biệt cái này là mình, cái này thuộc về mình; cái kia không phải là mình và không thuộc về mình. Như vậy, gốc rễ của mọi cuộc chiến tranh, từ chiến tranh cấp quốc gia, đến chiến tranh cấp vùng và chiến tranh toàn thể thế giới có phải sinh khởi từ những ý niệm phân biệt đối xử và kỳ thị của con người ở trong cõi người ta mà ra không bạn nhỉ?
Muốn có hòa bình để sống thì trước hết ta phải buông bỏ hết thảy mọi ý niệm phân chia, để sống ở trong vô niệm. Vô niệm là vô ngã. Vô ngã là hòa bình. Vô ngã, nên toàn thể vũ trụ lúc nào và ở đâu cũng hoạt động trong sự hòa điệu tuyệt đối, toàn thể và đồng thời. Nên, vô ngã là sự hòa điệu tuyệt đối của vũ trụ, vì vậy vũ trụ luôn luôn sống trong hòa bình.
Bạn đừng nghĩ rằng, sống vô niệm và vô ngã thì không có cái gì để làm lợi ích và hiến tặng cho cuộc đời. Nếu bạn nghĩ như vậy, thì chính những ý nghĩ đó đưa bạn đi từ những sai lầm này đến những sai lầm khác.
Ta hãy xem, mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, nó có suy nghĩ rằng, nó làm lợi ích cho đời gì đâu, mà nó làm lợi ích rất nhiều cho đời, cho mọi sự sống một cách hữu hiệu, thiết thực và bình đẳng. Những bông hoa nở ra, nó có nghĩ rằng, nó nở ra để làm đẹp cho đời đâu, nó nở ra là nở ra từ tự tính vô niệm và vô ngã nơi nó. Nhưng ở nơi thế giới hữu niệm, hữu ngã, có ai bảo rằng hoa không đẹp, không thơm và không có lợi ích đâu? Không những vậy, người ta còn cài hoa trên đầu, đặt hoa vào những chỗ thiêng liêng và trang trọng nhất nữa chứ! Tại sao con người đã dành cho hoa những vị trí xứng đáng và cao cả như vậy? Vì hoa sinh ra từ vô niệm và biểu hiện đời sống bằng bản chất vô ngã nơi nó.
Bát Nhã Tâm Kinh: “Bấy giờ Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành Bát nhã sâu xa, soi thấy năm uẩn rỗng không, liền vượt qua mọi khổ ách.”
Bạn khổ đau và khổ đau là thế giới của bạn, cả hai đều xảy ra cho bạn, không phải là ngẫu nhiên hay tình cờ, mà chúng xảy ra đồng thời và chính xác cho bạn. Xảy ra đồng thời cho bạn, vì bạn là thế giới và cả toàn thể thế giới đang có mặt trong bạn. Điều ấy xảy ra chính xác cho bạn, vì nó chính là tư duy và tác ý của bạn, mà không phải là tư duy hay tác ý của người khác.
Bạn không thấy đó sao? Hai người cùng ngủ chung một giường, mà mỗi người có một giấc mơ khác nhau và đều có những cảm nhận khác nhau đối với những giấc mơ ấy. Tại sao có sự khác biệt này? Ấy là do hữu niệm, hữu ngã của bạn đã tạo nên sự khác biệt ấy, chứ có nào ai khác!
Do hữu niệm, bạn cho thân năm uẩn này là tôi và là của tôi, vì vậy mà bạn nhảy mấy cũng không qua khỏi lưới khổ đau. Do hữu niệm, nên mọi người trong mọi gia đình của bạn, ai cũng cho thân năm uẩn này là họ và là của họ, nên mọi người trong gia đình của bạn, cùng nhau nhảy cao mấy, cũng không ra khỏi lưới của khổ đau; và do hữu niệm mà cộng đồng của thế giới con người cho rằng, thế giới này là của họ, thân năm uẩn trong thế giới này là thân thể của họ, nên chiến tranh xảy ra cho họ liên hồi và tranh chấp nhau liên tục, từ hải đảo đến rừng xanh, từ đồng bằng đến phố thị, họ đã từng đánh giết nhau bằng miệng lưỡi, bằng gậy gộc, ngói gạch, giáo mác, cung tên, súng đạn cho đến vũ khí nguyên tử, hạt nhân và họ đang gầm gừ nhau, dọa nhau đối với những loại vũ khí tối tân này, và vì vậy mà thế giới con người, dù văn minh đến mấy, tiện nghi đến mấy, họ vẫn cũng không thể vượt ra khỏi khổ đau và họ cũng không thể nào vượt ra khỏi chiến tranh để sống trong hòa bình.
Khổ đau hay chiến tranh của thế giới con người là do con người có tư duy hữu ngã. Với tư duy hữu ngã thì con người mở mắt ra là chiến tranh và khổ đau, nhắm mắt lại là con người lại rơi vào bẫy sập của tâm thức tính toán, lo lắng, sợ hãi và chuẩn bị cho đời sống của chiến tranh và đối diện với khổ đau.
Hạnh phúc và hòa bình đích thực nơi con người và xã hội chỉ hiện hữu khi nào chúng ta biết tư duy vô ngã và cùng nhau biểu hiện những hành động ấy bất cứ ở đâu, lúc nào và đối với bất cứ ai, trong sự tương tác hòa điệu tuyệt đối và đồng thời.
Bạn đã từng nghe nhạc, và bản nhạc mà bạn cảm nhận là hay, chỉ khi nào bản nhạc ấy được phát ra từ sự hòa điệu tuyệt đối và đồng thời giữa các nhạc công, nhạc sĩ, nhạc khí và nhạc âm,… Chính sự hòa điệu tuyệt đối của âm nhạc mới phát ra cho ta những âm thanh kỳ diệu. Âm thanh kỳ diệu của bản nhạc, chính là âm thanh được biểu hiện từ tự tánh tư duy vô ngã đó bạn ạ!
Tư duy vô ngã là tư duy có khả năng soi thấy sự hòa điệu tuyệt đối và rỗng lặng của năm uẩn hay của thế giới, không có mọi hoạt khởi và vận hành của các tư niệm hữu ngã.
Tư duy vô ngã chính là tư duy vô niệm. Vô niệm là giác tính rỗng lặng và tròn đầy vốn có nơi hết thảy chúng sanh. Nên ta mở mắt trong vô niệm là ta mở mắt trong hạnh phúc và sống trong hòa bình toàn thể. Ta nhắm mắt trong vô niệm là ta ở trong thế giới của an lạc và hòa bình toàn thể ấy.
Vì vậy, chiến tranh của thế giới con người, chỉ có thể chấm dứt, khi nào con người biết buông bỏ những tư duy hữu niệm mà quay về sống với tư duy vô niệm.
Vô niệm là tất cả niệm ở nơi tâm đều ở trong trạng thái thuần tịnh, sáng trong và hoàn toàn rỗng lặng.
Toàn thể vũ trụ lúc nào, ở đâu cũng vận hành trong sự hòa điệu tuyệt đối và đối xử với ai cũng đều ở trong vô niệm, mà con người thì lúc nào, ở đâu cũng phân chia ta và người, và đối xử với ai cũng đều là hữu niệm.
Do đó, thể tính của vũ trụ là hòa bình, mà nghiệp dụng của chúng sanh thì ở trong hòa bình mà hiện khởi chiến tranh; thể tính của vũ trụ thì thanh tịnh, mà nhân hạnh của chúng sanh thì ở trong sự thanh tịnh mà khởi hiện ô nhiễm; thể tính của vũ trụ thì dung thông vô ngại, mà đời sống chúng sanh thì ở trong sự dung thông vô ngại mà khởi lên ý tưởng ngăn cách, chia phân, khiến cho đời sống của họ luôn luôn xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” hay “cha vỗ tay reo mừng chiến tranh, mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình”.
Vì vậy, ta đừng làm kẻ “vỗ tay reo mừng chiến tranh” và cũng đừng làm kẻ “vỗ tay hoan hô hòa bình”, mà chỉ làm người thực tập buông bỏ vọng niệm. Buông bỏ đến chỗ không còn có bất cứ cái gì nữa để buông bỏ, ngay cả cái gọi là buông bỏ.
Lúc ấy, thế giới chân thực hiện ra cho ta, ta tha hồ mà vui sống, tự do. Và nhiều người hỏi thế giới như vậy là thế giới gì, ta không biết thế giới ấy tên gì để gọi, liền tạm gọi là thế giới không còn có sự hoan hô chiến tranh và hòa bình.
http://www.thuviencophap.org/2010/12/khong-con-hoan-ho-chien-tranh-va-hoa.html
Cảm ơn TT Thich Thái Hòa đã chia sẻ với các bạn vườn chuối một nhắc nhở quan trọng về vô ngã và hòa bình chân thật.
Sự thật là trong thế giới chúng ta có quá nhiều người đánh nhau trong khi nói hòa binh, và họ không biết là họ đang lạc đường, làm đúng cái điều phản lại lời nói của mình.
Chân lý về vô ngã và “không phân biệt” thât là rõ ràng và dễ hiểu, nhưng sụ thực là chẳng mấy ai hiểu được, và thực hành thì lại càng ít hơn.. Cho nên chúng sinh ở cõi ta bà này cần được nhắc nhở thường trực.
ThíchThích
Con người sống trong thế giới hữu niệm và hữu ngã, nên để đạt đến vô niệm và vô ngã chắc là rất rất khó ?
Vậy có lẽ nên bát đầu bằng rèn tập ít “chấp ngã” đi.
Vì “cái tôi” càng nhỏ, càng ít bị “cản gió” của “bát phong” (khen chê, vinh nhục, sướng khổ, được mất) làm cho nghiêng ngả lao đao….
Sau đây là mấy lời của ni sư Ayya Khema, mình xin chép lại để chia sẻ với các bạn để chúng ta cùng suy nghĩ:
“Càng ít chấp ngã thì chúng ta càng dễ có hạnh phúc.
Khi con người càng chứng tỏ cho người khác biết ta là “ai đó”, với một số quan điểm, vật sở hửu, niềm tin riêng hay cương vị đặc biệt…thì anh ta càng phải bám chặt vào những thứ khiến anh ta trở nên “con người đó”, cố gắng biến tất cả trở thành bền vững.
Tuy nhiên mọi sự luôn biến động đổi thay, nên anh ta phải đối mặt với một nhiệm vụ gần như là không thể thực hiện được.
Đó là lý do tại sao càng chấp ngã, càng bám víu, con người càng ít có hạnh phúc”.
Mình nhớ đã đọc ở đâu đó rằng, Phật còn nói đại ý là “chớ vội tin lời ta, mà hãy tự suy nghĩ và trải nghiệm”. Vậy chúng ta thử suy nghĩ và trải nghiệm lời của ni sư Ayya Khema…
ThíchThích
Cảm ơn tác giả,
Nhân chuyện này, e có một thắc mắc xin được hỏi: khi con người đi tìm tĩnh lặng, tìm vô ngã, tìm cái tốt, thì đó có phải là một bản ngã tinh vi hơn không? Ví dụ là một người đi thiền vì muốn có sự tĩnh lặng; nhưng đó lại rơi vào “tìm kiếm” nó rồi. Mà tìm nó thì sẽ không có, mà không tìm nó thì làm sao có được.
Có cách nào không tìm mà nó tự nhiên tới không?
ThíchThích
Chào bạn An !
Trước khi Thầy Thái Hoà hay anh Hoành trả lời cho bạn, mình xin trao đổi với bạn.
Trong bài “Cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông có câu: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch”.
Dịch nôm là: “Trong nhà có sẵn ngọc quý, đừng tìm kiếm ở đâu xa”.
Vậy nên, ta không đi tìm tĩnh lặng, không đi tìm hạnh phúc, không đi tìm vô ngã…
Chỉ là: Không xung động thì có tĩnh lặng, buông xả phiền não thì có hạnh phúc, hoàn toàn không dính mắc vào cái tôi thì có vô ngã…
Bạn nói đúng: “tìm nó thì sẽ không có”.
Chỉ “buông” thì sẽ có.
Tận cùng của “buông” là: “Đừng dính mắc vào bất cứ cái gì và cho đó là tôi hay của tôi”.
ThíchThích
Cảm ơn ahh Thảo và An,
Thực ra là có tìm mà không tìm. (Cách nói của Bát Nhã Tâm Kinh thế này là cách nói dễ nhất và chuẩn nhất để giải thích các ý niệm của Phật triết. các bạn nên để ý để có thể thuần thục nó).
— Đương nhiên là phải tìm, vì không tìm thì làm sao thấy?
— Nhưng khi thấy thấy con đường thì con đường là “buông xả tất cả” (vô chấp, vô chấp hoàn toàn, “vô” cả “vô chấp”-tức là, vô vô chấp)
Buông xả hoàn toàn là buông xả cả “cái tìm”. Khi trái tim ta buông xả được tất cả thì lúc đó là Nirvana (lửa đã tắt).– tâm tĩnh lặng hoàn toàn.
Và “tâm tĩnh lặng” này trong nhà Phật không gọi là “bản ngã tinh vi hơn”. Các từ này có thể đúng trong các truyên thống triết lý khác, nhưng không đúng trong Phật triết, vì đã được “tâm tĩnh lặng” thì ta chẳng còn “ngã” nữa và đã đạt đến “vô ngã”.
Nhà Phật nói là “trở về nhà”–trở về tâm tinh tuyền nguyên thủy ta đã luôn luôn có đó nhưng ta không thấy, gọi là “bản lai diện mục” (mặt mũi nguyên sơ).
Tiến trình này có thể nhanh hay chậm tùy người, nhưng nhất định là lệ thuộc vào trí tuệ và cố gắng của mình. Không người nghệ sĩ nào có thể đạt được đỉnh cao của nghệ thuật mà không cố gắng luyện tập, dù là có người mới 10 tuổi đã có thể chơi vĩ cầm hay hơn người đã tập luyện 50 năm.
ThíchThích
Bác Thảo ơi, cháu rất thích có một lần bác ví 6 balamật tương ứng với những công việc hàng ngày,khiến đọc rất dễ hiểu, lần này cháu mong bác có thể nói rõ hơn giúp cháu
”Chỉ là: Không xung động thì có tĩnh lặng, buông xả phiền não thì có hạnh phúc, hoàn toàn không dính mắc vào cái tôi thì có vô ngã…” Điều bác nói này thể hiện trong cuộc sống hàng ngày như thế nào ạ, cháu cảm ơn bác .
ThíchThích
Chào Phong Lan !
Đương nhiên là “bác” chỉ có thể trả lời cho “cháu” trong khả năng hạn chế của “bác”. (Phải để trong ngoặc kép vì sợ anh Hoành phê bình vi phạm luật xưng hô của ĐCN. Đã bị một lần với Ngọc Nho rồi, nay còn nhớ!).
Có một người hỏi một vị hoà thượng đang đi với túi vải mang trên vai: “Tinh yếu của Đạo là gì?”. Hoà thượng không trả lời mà chỉ bỏ túi vải trên vai xuống đất. Lại hỏi tiếp: “Thực hành Đạo như thế nào?”. Hoà thượng không trả lời và lại mang túi vải lên vai đi tiếp.
Lời bàn: Tinh yếu của Đạo là buông xả, không dính mắc. Thực hành Đạo là sống bình thường như bao người nhưng với tâm buông xả không dính mẵc.
Tâm buông xả không dính mắc là tâm bình thường, tâm không bị ô nhiễm.
Do vậy mà có câu: “Tâm bình thường là Đạo”. Và: “Đạo không phải do tu, nhưng phải không ô nhiễm”.
Có lẽ công phu quan trọng nhất hằng ngày trong cuộc sống của mỗi chúng ta là nhận biết và buông bỏ tà ý, là không để tâm dính mắc vào tà ý mà bị ô nhiễm.
Vì “Kẻ thù hại kẻ thù – Oan gia hại oan gia – Không bằng tâm hướng tà – Gây ác cho tự thân”.
Mình chỉ chia sẻ được vậy. Không có gì là mới cả. PL thông cảm.
Vấn đề chỉ là thực hành…
Và mình cũng đang thực hành, tuy có chút vất vả vì hay vấp váp nhưng vẫn vui vẻ!
ThíchThích
”Bác” Thảo ơi, ”cháu” cảm ơn bác ,đạo khó nói bằng lời,thực hành sẽ hiểu bác nhỉ.
ThíchThích