Cô đơn

Chào các bạn,

Cô đơn là một vấn đề lớn của chúng ta dù ở lứa tuổi nào, giàu hay nghèo, nam hay nữ, làm siêu sao hay hốt rác. Chúng ta thường tưởng lầm là những nguời thiếu ăn thiếu mặc mới cô đơn. Sự thật là chúng ta có thể rơi vào tình trạng cô đơn dù ta đang ở địa vị xã hội nào.

Cô đơn không có nghĩa là một mình. Nguời một mình có thể chẳng cô đơn chút nào, nhất là khi nguời ấy cố tình ở một mình để tìm tĩnh lặng. Cô đơn là một cảm giác buồn đau khi cảm thấy không ai có thể chia sẻ tâm sự với mình. Mình có thể ngồi đó, chung quanh là gia tộc, thân nhân, bạn bè đông đúc… nhưng vẫn thấy trống vắng và cô đơn. Tức là quanh mình thì mọi nguời đông đúc, nhưng không đông đủ, đông mà vẫn thấy thiếu thốn hiu quạnh.

Chúng ta có thể cô đơn vì nhiều lý do khác nhau—mất một tình yêu lớn, mất toàn tài sản, tuổi vị thành niên với quá nhiều thay đổi sinh học, người lớn tuổi phải ở nhà một mình, nguời thấy xã hội không thích hợp với mình… Các chuyên gia tâm lý có thể kể cho chúng ta rất nhiều nguyên nhân của cô đơn, và nhiều triệu chứng của cô đơn, từ mức vấn đề nhẹ cho đến bệnh tâm thần nan y.

Một nghiên cứu ở Mỹ cho biết 60 triệu nguời Mỹ hay 20% dân số Mỹ cảm thấy cô đơn (1). Một nghiên cứu khác cho biết 12% nguời Mỹ không có ai để trò chuyện hay bàn bạc về các vấn đề quan trọng cho họ. (2)

Đời sống ngày nay tất bật, mọi nguời trong gia đình không có dịp gặp ngay trong ngày, tạo ra tình trạng cô đơn vì những người thân cận mình nhất cũng không gần mình được. Đó là chưa nói đến vấn đề thay đổi xã hội, trong đó con cái có thể tiếp cận những tư tưởng về đạo lý và xã hội xa lạ với tư tưởng của bố mẹ, hoặc vợ nhanh hơn chồng trong việc tiếp cận các tư tưởng bình đẳng mới…

Đây là vấn đề lớn cho các chuyên gia tâm lý học và xã hội học. Nhưng chúng ta, những hành giả tư duy tích cực có thể làm gì với hiện tượng đó?

1. Chúng ta có thể tìm cách diệt bỏ cô đơn cho ta

Cách diệt bỏ cô đơn tích cực và rất nhanh là giúp đỡ nguời khác. Nếu bạn tham dự thường xuyên vào một họat động xã hội giứp đỡ nguời nghèo, thì bạn có thể giảm cô đơn của bạn xuống zero hay mức rất thấp. Khi có nhiều người vui vẻ, thân thiện và biết ơn bạn, thường là sự cô đơn của bạn giảm đi rất nhiều.

2. Đừng tìm cách để nguời khác hiểu mình, mà tìm cách hiểu nguời khác và đồng cảm với họ

Khi ta gần gũi, hiểu và đồng cảm với nguời khác tự nhiên sẽ có dây liên kết giữa ta với họ và nỗi cô đơn của ta giảm xuống rất nhiều.

Các cách chúng ta đang nói ở đây thường khác giải pháp bình thường. Bình thường nguời ta dạy chúng ta giảm cô đơn với các cách làm cho nguời khác hiểu mình hơn—như là trò chuyện, vui chơi… Cách của chúng ta ngược lại–ta muốn hiểu, đồng cảm và giúp đỡ nguời khác mà không quan tâm người khác có thể hiểu và đồng cảm với ta. Hiểu biết và đồng cảm của nguời khác sẽ từ từ đến với ta như là hậu quả tự nhiên của công việc ta làm.

3. Nếu bạn có lòng tin vào Chúa/Phật/thánh thần của bạn và chuyện trò với các vị thường xuyên thì sẽ bớt cô đơn, vì nếu thế giới không ai chia sẻ với bạn được thì các vị vẫn có thể chia sẻ với bạn. Những nguời đã quen cầu nguyện sẽ nói với bạn là rất ít điều trên đời có thể cho bạn sức mạnh và bình an như cầu nguyện.

Các bạn, thế giới của ta có rất nhiều người cần cứu giúp. Nếu bạn bỏ ít thời gian tham gia vào các họat động thường xuyên giúp đỡ họ, thì cơn bệnh cô đơn bạn tưởng như không thể nào chữa được sẽ tự nhiên mà giảm đi, hay biến mất hoàn toàn.

Những hành động từ thiện ta làm cho nguời khác, giúp nguời khác có thể ít, nhưng tạo phép lạ cho chính ta thì nhiều.

Chúc các bạn một ngày ấm áp.

Mến,

Hoành

Chú thích:

(1) Cacioppo, John; Patrick, William, Loneliness: Human Nature and the Need for Social Connection, New York : W.W. Norton & Co., 2008. ISBN 978-0-393-06170-3. Science of Loneliness.com

(2) Christakis, N.A. & Fowler, J.H. (2009). Connected: The surprising power of our social networks and how they shape our lives. New York, NY: Little, Brown and Company.

17 thoughts on “Cô đơn”

  1. Bài viết rất hay, em cũng thấy khó hiểu, vì bạn bè cũng có, bạn thân cũng có, nhưng nhiều lúc vẫn cảm thấy rất cô đơn
    Sẽ thực hành theo những điều trong bài viết

    Like

  2. “Ta muốn hiểu, đồng cảm và giúp đỡ người khác mà không quan tâm người khác có thể hiểu và đồng cảm với ta”.

    Đó thực sự là lòng từ bi (yêu người vô điều kiện).

    Lòng từ bi và cảm giác cô đơn luôn nghịch biến với nhau.

    Lòng từ bi càng lớn, cảm giác cô đơn càng ít.

    Like

  3. Hi anh,
    Em bắt đầu từ một điều hơi tiêu cực một chút: Trong hoàn cảnh nào, cũng không mong muốn sự thấu hiểu, đồng tình từ bên ngoài, từ người khác, và đôi khi điều đó giống như em làm bạn với cô đơn:) Từ đó, với suy nghĩ không cầu viện (đôi khi là hơi tự trọng hão), và tự giải quyết vấn đề, em sẽ tiếp xúc với mọi người, giúp đỡ người thân, làm việc, đi chơi, nghe nhạc và để cảm xúc không mong muốn (bị phớt lờ) tự bỏ đi. Em nghĩ cô đơn chỉ là một cảm xúc, và nó cũng có xứ mạng của nó, giúp người ta biết cách hành xử và ứng phó với hoàn cảnh.
    Anh thấy thế nào?
    Chúc anh một ngày ấm áp:)

    Like

  4. Hi Thắng,

    MÌnh không nhắm vào mọi người hiểu mình mà chỉ lo hiểu người là một chuyện. “Cóc cần” ai hiểu mình là một chuyện khác, đây là thái độ không yêu người, thế thì hỏng. Cô đơn không là điểm chính. Điểm chính là tâm mình nghĩ thế nào về mọi người.

    Liked by 1 person

  5. Hi anh,
    Em hiểu ý anh, em không để em “cóc cần” đâu:)) Em chỉ muốn nói là mình hành động, hay suy nghĩ thì không để chi phối bởi người khác, và không mong muốn sự đáp lại mà thôi.

    Like

  6. Hi Thắng!
    Có lẽ mình hơi giống Thắng ở một điểm nhỏ nào đó, đó là việc hay ”tự mình” làm .
    Dù trong tâm mình luôn mong muốn những người xung quanh mình luôn được bình an,an lạc ,nhưng đôi lúc mình có thể đem đến cho người khác một thất vọng vào đó,vì để làm hài lòng tất cả mọi người thì mình không còn là mình nữa,có thể 1/10 người có suy nghĩ hao hao như mình,còn 9/10 họ suy nghĩ khác mình.Trong một tập thể toàn các suy nghĩ tiêu cực,thì một suy nghĩ tích cực sẽ cần mạnh mẽ để mang lại lợi ích cho những người tiêu cực,thay bằng mình cũng tiêu cực giống họ chỉ để có vẻ hòa đồng và làm vui lòng họ. Lúc này,mình luôn cảm thấy đau lòng,vì dù sao mình vốn không muốn ai đó bị tổn thương ,nhưng mình vẫn một mình làm như mình đã quyết ,cảm giác cô đơn đó không lạnh lẽo…nó âm ỉ nóng và thường đem lại cho mình những kết quả ..khá thú vị. Mình thường xuyên ”bị”như thế trong cuộc sống.

    Liked by 1 person

  7. Hi phonglan!
    Em cảm ơn chị đã chia sẻ. Một tiếng khảy móng tay có thể rung động đến vô lượng thế giới, những điều tích cực sẽ thay đổi thế giới:)
    Nhưng chị ơi, em không rõ ý chị lắm, vì muốn người khác hạnh phúc, tự chị phải thấy hạnh phúc mà, nên tại sao chị phải bận tâm chị mang thất vọng tới người khác, rồi người khác khác mình, hay cảm thấy đau lòng?
    Chị yêu mọi người, muốn mọi người an lạc, thì kiên trì với những tích cực chị đang làm. Chị gieo những suy nghĩ tích cực, những hạnh phúc vào chị, vào mọi người, và tăng cường độ của nó, thì Luật Hấp dẫn sẽ giúp chị làm những điều kì diệu:) Như anh Hoành nói, điểm chính là tâm mình nghĩ thế nào về mọi người.
    Chúc chị một ngày hạnh phúc!

    Like

  8. Hi Thắng !
    À,chị nói rõ hơn một chút ,ví dụ khi thấy mọi người trong công ty hay có thói quen nói xấu đồng nghiệp, chị thấy việc đó rất có hại cho mọi người ,vì thương mọi người nên chị đã chuyện trò khuyên can mọi người đừng làm thế,và đưa ra qui định phạt ý thức mọi người nếu còn tái diễn ,nhưng một số người cho là chị xía vào chuyện người khác làm gì,kệ họ,và họ phản đối chị ,nhưng vì là người quản lí chị không thể để tập thể ảnh hưởng ,nên chị vẫn ra quyết định phạt,dù biết họ bị phạt sẽ không vui,nhưng nếu chị không làm thế,thì công ty sẽ rất lộn xộn .Có người hiểu ra thì họ yêu quí mình hơn,những cũng có người họ thì họ không hài lòng và có thể rút lui khỏi công ty,và khi đó chị thấy đau lòng,vì thật tiếc cho họ,giá như họ hiểu được,rồi họ sẽ phải khó khăn nếu vẫn thích gây lộn ở đâu đó.Là thế em ạ.
    Cảm ơn em đã trò chuyện.

    Like

  9. “3. Nếu bạn có lòng tin vào Chúa/Phật/thánh thần của bạn và chuyện trò với các vị thường xuyên thì sẽ bớt cô đơn, vì nếu thế giới không ai chia sẻ với bạn được thì các vị vẫn có thể chia sẻ với bạn. Những nguời đã quen cầu nguyện sẽ nói với bạn là rất ít điều trên đời có thể cho bạn sức mạnh và bình an như cầu nguyện.”

    Theo cảm nhận của mình vấn đề cốt lõi nằm ở đây. Điều này thật ra nó cần mình phải có niềm tin thì mới trãi nghiệm được.
    Suy cho cùng thì sống khiêm tốn đến mức vô ngã như nhà Phật hay sống dựa vào niềm tin tuyệt đối nơi Chúa đều như nhau cả. Vì phải khiêm tốn thì ta mới có thể quên đi cái tôi để mà giao phó hoàn toàn cuộc đời mình cho Chúa được, người đặt niềm tin vào Chúa(như mình) chỉ suy nghĩ đơn giản là: “Tất cả mọi thứ trên đời này đều do Chúa ban cho tôi, Bản thân tôi không quyết định được những gì đã, đang và sẽ xãy ra với bản thân và gia đình tôi. Một khi tôi giao phó cuộc đời cho Chúa thì tôi tin là tôi sẽ làm được mọi thứ vì Chúa luôn ở bên cạnh và giúp đở tôi…”. Niềm tin này không làm cho con người mình trở nên tự ti, mặc cảm mà ngược lại nó giúp tâm ta bình an hơn và tràn đầy niềm tin để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

    Cảm ơn anh Hoành đã chia sẽ kinh nghiệm sống rất bổ ích.

    Like

  10. Cám ơn technix8x đã chia sẻ.

    Em nói “mình phải có niềm tin thì mới trải nghiệm được”. Rất đúng. Nhưng chúng ta của có thể đi chiều kia: tìm cách trải nghiệm để có được lòng tin.

    “Thượng đế là tình yêu.” Nếu em thực hành sống yêu người vô điều kiện, thì em sẽ rất tĩnh lặng, sẽ cảm thấy được nhiều tình yêu trong lòng, và em sẽ cảm thấy em có kết nối với một năng lượng vĩ đại đầy yêu thương. Và từ từ em có thể khám phá ra là em có thể “nói chuyện” với nguồn năng lượng vĩ đại đó.”

    Và rất thường khi em có thể thấy kết quả rõ ràng của các trò chuyện/câu nguyện của em với nguồn năng lượng vĩ đại đó.

    Anh cầu nguyện mà được, thì như là cơm bữa, kể sẽ không bao giờ hết. Ví dụ cách đây vài tuần, anh và chị Phượng khám phá ra là một cập vợ chồng người bạn có vấn đề nặng với nhau. Họ chẳng nói gì nhưng mình nhìn họ thì biết. Anh suy nghĩ không biết cách giúp họ thế nào. Anh cầu nguyện và cảm thấy nên gửi cho chị vợ bài “Beatitues” (Hạnh Phúc Thật) bắt đầu bằng câu “Phúc cho người nghèo khó trong tâm linh, vì nước Thiên đàng là của họ.” Anh nói chị Phượng email cho chị vợ bài đó và chỉ nói là bài này mình rất thích, chia sẻ với bạn, và chẳng nói gì thêm. Kinh nghiệm của anh là khi người ta buồn, người ta sẽ cảm thấy một năng lượng bình an cực lớn khi đọc bài đó.

    Chị Phượng gởi xong và nhận được một thư trả lời lịch sự, nhưng lạnh lùng và chẳng nhắc gì về bài Beatitudes.

    Anh nói: Không sao, vậy là thường. Người mới nhận beatitues thường bị sốc thì không biết phải làm gì với nó. Nên thường chẳng nói gì về nó cả. Nhưng họ sẽ đọc và sẽ thầy bình an từ từ.

    Đúng y bóc. Khoảng hai tuần sau gặp lại, hai vợ chồng họ đã hòa thuận trở lại (ít ra là bên ngoài), và chị vợ trong thái độ có vẻ rất quyến luyến và biết ơn chị Phượng.

    Anh dùng từ “năng lượng vĩ đại” vì mỗi truyền thống tâm linh cho nguồn năng lượng đó một cái tên khác nhau–Thiên chúa, Allah, Ông trời, Thượng đế, Phật tính, Không…

    Liked by 3 people

  11. Cảm ơn anh Hoanh đã chia sẽ.

    Do em có niềm tin vào Chúa nên em đã nhanh chóng hiễu được câu chuyện anh chia sẽ.
    Quả đúng là cần có niềm tin để dể dàng trãi nghiệm được những điều như anh đã nói ở trên. Tuy nhiên nếu chưa có niềm tin thì có thể những trãi nghiệm trong cuộc sống có thể giúp ta phát sinh niềm tin(đặc biệt là những người thường hay nghiệm lại những gì mình đã kinh qua).
    Trước đây em sống theo quan niệm vô thần. Tuy nhiên qua những trãi nghiệm trong cuộc đời khiến em suy nghĩ lại và đã suy nghĩ rất nhiều, rồi sau đó em mời bắt đầu hiểu được phần nào về ý nghĩa của sự khiêm tốn và vô ngã cũng như niềm tin vào Chúa.
    Từ khi đặt niềm tin vào Chúa em thấy tâm trạng em trở nên bình an hơn, tuy nhiên cũng có rất nhiều lần em có cảm giác bất an, nôn nao, lo lắng mà chẳng biết mình đang bất an, nôn nao hay lo lắng về điều gì, nó giống như một khoảng trống trong lòng mình mà không biết làm sao bù đắp được. Những lúc như vậy em sẽ dừng lại và cầu nguyện đã làm em trở nên bình an hơn, hạnh phúc hơn rất nhiều.

    Like

  12. Em cám ơn A Hoành, bài viết rất hay và cho em một hướng mở. Khi có cảm giác cô đơn, cách hay nhất là hướng về người khác, làm việc tốt đẹp cho mọi người, những gì nhỏ nhỏ thôi nhưng đem lại niềm vui.
    Em thấy những khi em gặp chuyện gì đó thật kinh khủng, em cầu nguyện nghe được tiếng Chúa nói trong lòng :” Cha đây con!”
    Em thấy có một chỗ dựa lắm, em không còn thấy cô đơn khi phải chống chọi một mình nữa.

    Liked by 1 person

  13. Cô đơn là khi ta cảm thấy không ai hiểu MÌNH, không ai quan tâm tới MÌNH, không ai để chia sẻ nỗi lo lắng, muộn phiền của MÌNH…Đọc cái bài của a Hoành, em đều thấy giảm cái TÔI, cái MÌNH đi, chuyển hướng từ MÌNH, TÔI, sang người khác, sang những người xung quanh thì mọi chuyện sẽ trở lên dễ dàng, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
    Em vẫn luôn dõi theo Dọt chuối non để mỗi ngày mình lại trưởng thành hơn 1 chút nhờ vào việc bớt TÔI và thấu hiểu cho NGƯỜI.

    Like

  14. Vâng, e cảm ơn anh Hoành ạ. Em đang tập dần suy nghĩ có lý sang suy nghĩ từ trái tim, từ hành động của robot sang hành động của NGƯỜI ạ. Con đường sẽ rất dài nhưng thực sự em cũng cảm nhận được từng chút trưởng thành trong tâm linh của mình để lấy động lực tiếp tục khai phá và mở rộng ạ.

    Like

  15. Hieu roi, tai sao songoku no luon gap may man va manh len tung ngay, vi trong qua trinh luyen tap cua no gan lien voi viec giup do, mang niem vui, tao su hp den cho moi nguoi, y cua tac gia la cach luyen tap tot nhat la cho di, co đon cung vay, phai di ra ngoai giup moi nguoi dang yeu the, thieu tien bac, thieu niem vui, …cam on bac da nhac toi, phai hieu nguoi khac truoc, vi do la su cho di, hay lam.

    Like

Leave a comment