Căn bản thực hành tư duy tich cực

Chào các bạn,

Chúng ta đọc The Secret, Luật Hấp Dẫn, Tư Duy Tích Cực, thường với ước muốn, được quảng cáo rầm rộ bởi các qu‎ý vị bán sách, là có một vài chiêu thức thuộc loại thế gian bí kíp, ta chỉ cần biết các bí kíp này là trở thành cao thủ võ lâm, thành công mọi sự trên đời.

Chẳng có gì ở trên đời lại có thể đến nhanh thế.

• Trước hết, chẳng có gì trên đời là bí mật. Tất cả mọi quy luật, dù là ai dạy bạn, thường cũng đều nằm trước mắt mọi người cả nghìn năm rồi. Chúng ta chỉ không biết mà thôi. Bát Nhã Tâm Kinh chẳng hạn, chứa đựng những triết lý rất căn bản và tích cực về cuộc đời. Nhưng Phật tử thì một nghìn người tụng BNTK chưa chắc đã có được một người hiểu tàm tạm, đừng nói là những người không đọc BNTK bao giờ.

Thánh Kinh thì câu chúa Giêsu nói “Yêu kẻ thù của con” ai cũng biết, kể cả người chẳng đọc Thánh Kinh bao giờ, nhưng thực hành thì chẳng mấy ai thực hành bao giờ, kể cả các thầy giảng.

Cho nên, thực sự chỉ có một “bí mật” duy nhất là: “Rất nhiều người không học được từ thầy và sách nằm quanh giường họ cả đời”.

• Điều quan trọng nhất là tự nhận trách nhiệm. Chẳng mấy người tự nhận trách nhiệm.

Nếu ta thiếu tĩnh lặng, khiêm tốn, thành thật, yêu người, đó là vì ta, chẳng vì hoàn cảnh, vì thiên hạ tồi, vì thế gian dối trá. vì quỹ dữ quá nhiều, vì Chúa chẳng trả lời…

Tâm của ta chỉ có một chủ, đó là chính ta. Nếu ta không quản lý tâm ta được tĩnh lặng, khiêm tốn, thành thật và yêu người, thì hãy tự nhận trách nhiệm đó.

Chỉ cần đổ lỗi một phần triệu lỗi cho điều gì ngoài tâm mình, là mình đã lạc đường.

Thế gian có thể tồi tệ, người ta có thể tội lỗi ngập đầu 100%, nhưng nếu tâm mình không tĩnh lặng thì đó là lỗi của mình 100%.

Đừng đổ lỗi cho người khác. Nếu đổ lỗi, bạn tu 100 năm sẽ đi xa được đúng 0mm.

• Tất cả những điều này, dù rất ít và rất giản dị, đòi hỏi công phu luyện tập trường kỳ–nhiều tháng, nhiều năm, cả đời.

Không có mì ăn liền, không có thần chú bí mật, không có “đắc đạo” chỉ trong vài tiếng đồng hồ đọc sách.

(Kinh sách có nói người ta có thể đạt đạo trong một sát na, nhưng thường là sát na đó đến sau vài mươi năm tu tập; hoặc nếu đến ngay tức thì cho ai đó thì đó là chuyện rất hạn hữu, có thể vài nghìn năm có một người, như Lục Tổ Huệ Năng của Thiền Tông).

Và khi ta nói “công phu luyện tập” là ta nói thực hành chăm chỉ mỗi ngày, như người tập nhạc, tập vũ hay tập võ hàng ngày.

Chỉ đọc sách mà không thực tập thì có đọc 100 năm cũng vậy thôi.

Cho nên các bạn, dù mình viết hàng ngày, các bạn không cần phải đọc hàng ngày, mà cần thực tập hàng ngày.

Chúc các bạn một ngày luyện tập.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

7 thoughts on “Căn bản thực hành tư duy tich cực”

  1. Hi anh,
    Em xin đóng góp vào đây 2 khẩu hiệu cho thực hành:
    1. 3 Rs
    Respect for self
    Respect for other
    Responsibility for all your actions.
    2. Điều anh dạy em:
    Practice to perfect.
    Chúc cả nhà một ngày đầy nắng:)

    Liked by 1 person

  2. Bài này rất rất hay và đúng là rất … căn bản – là xuất phát điểm, là nền tảng cho mọi bước tiến sau này, là mũi tên định hướng khi đang lạc đường … Em cám ơn anh.

    Like

  3. Nếu bạn nào đó hơi hơi lo ngại việc “tự nhận trách nhiệm” là có phần thua thiệt cho mình, thì mình mách một mẹo nhỏ để nghĩ lại: tự nhận trách nhiệm tức là dành phần chủ động về mình. Chẳng để điều gì ở ngoài có thể chi phối sự bình an và tĩnh tại của mình. Chẳng giao phó hạnh phúc của mình cho ai, cho bất cứ điều gì.

    Không biết từ đâu mà con người (mình cũng là con người) hay có cảm giác mình càng nhiều điều kiện, càng khó tính, càng đòi hỏi và được đáp ứng… thì mình càng … cao giá. Một điều rất … lừa bịp của cái tôi phình to! Điều này biến mình thành nô lệ của đủ mọi sự đời và những lúc khó khăn có thể stress đến phát điên.

    Liked by 1 person

  4. Chào cả nhà ĐCN,
    Mình xin chia sẻ với các bạn kinh nghiệm sau:
    Đôi khi mình rơi vào tâm trạng thích sự thoải mái và dễ chịu, sớm hài lòng với bản thân, và trở nên tiêu cực trong cuộc sống.
    Một biện pháp khắc phục là giữa 2 việc cần lựa chọn: một việc đem lại lợi ích cho mình hoặc người – nhưng hơi khó – và một việc khác đem lại cho mình sự thoải mái (như đọc ĐCN, sorry anh Hoành!☺) thì hãy chọn lấy việc khó mà làm trước. Khi đó sự dễ chịu sẽ đến sau và dài lâu hơn, cuộc sống mình trở nên tích cực hơn.
    Đó cũng là việc nhận lấy trách nhiệm về mình, và cũng là việc thực hành tư duy tích cực hằng ngày.
    Mong các bạn chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm thực hành tư duy tích cực trên ĐCN.
    Thân ái,

    Like

  5. Chào cả nhà,

    Mặc dù là QL đã giúp mình nhấn mạnh thêm “Bài này rất rất hay và đúng là rất … căn bản – là xuất phát điểm, là nền tảng cho mọi bước tiến sau này, là mũi tên định hướng khi đang lạc đường,” nhưng đây là điểm đa số người bị lạc đường, nên mình thấy phải nhấn mạnh thêm lần nữa.

    Thông thường mọi chúng ta đều phạm một lỗi lầm rất lớn về “chia trách nhiệm” đại khái thế này: Nếu anh chàng này phá tôi và lỗi 100%, thì tôi có quyền nổi nóng 100% và đập hắn. Nêu hắn chỉ có lỗi 60% thì tôi có quyền nổi nóng 60%.

    Suy nghĩ theo kiểu “chia trách nhiệm” như vậy thì chẳng có gì sai cả. Nhưng đó không phải là tư duy tích cực. Đó là tư duy bình thường, ai trên thế giới cũng suy nghĩ như thế từ hồi nhỏ.

    Tư duy tích cực là ta làm chủ trái tim của ta. Ta chịu 100% trách nhiệm giữ trái tim của ta tĩnh lặng, khiêm tốn, thành thật và yêu người, luôn luôn, tại mọi nơi mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh…

    Khi nào ta không giữ trái tim tĩnh lặng được, thì đó là ta đã thất bại trong việc giữ trái tim tĩnh lặng, không phải vì ai khác.

    Tât cả mọi sự bên ngoài, bất kỳ ai bên ngoài, cũng không chịu trách nhiệm cho sự tĩnh lặng cuả trái tim ta, dù họ có làm gì.

    Ví dụ: có một người đến trước mặt ta và chửi cả họ hàng gia tộc nhà ta. Theo thói thường thì người đó có lỗi làm cho ta nổi nóng.

    Nhưng theo tư duy tích cực thì hắn chửi thì mặc hắn, nếu ta nổi nóng thì đó là tại vì ta yếu công lực, không đủ sức giữ tĩnh lặng, không vì tại chàng kia chửi.

    Đó chính là điều chúng ta nói: “Phải tự nhận trách nhiệm” vì “nếu ta thiếu tĩnh lặng, khiêm tốn, thành thật, yêu người, đó là vì ta, chẳng vì hoàn cảnh, vì thiên hạ tồi, vì thế gian dối trá. vì quỹ dữ quá nhiều, vì Chúa chẳng trả lời… ”

    Mong các bạn hiểu rất rõ điểm này, vì thường là có đến 90% người đọc tư duy tích cực không nắm được điều này.

    Liked by 1 person

  6. “Tâm chuyển theo cảnh là phàm phu, cảnh chuyển theo tâm là thánh hiền”
    Chẳng lẽ ta mãi là phàm phu?

    Like

Leave a comment