Nói mà không cần thuyết phục ?

Chào các bạn,

Dĩ nhiên là chúng ta muốn thuyết phục người khác hàng ngày—hoặc là mời một người bạn đi uống cà phê , đề nghị một hợp đồng thương mãi, thuyết phục bố mẹ mua một món quà… Thuyêt phục lẫn nhau có lẽ là công việc thường xuyên nhất của nhân loại. Rất nhiều sách về thương mãi, quản lý, và giao tiếp dạy chúng ta cách ăn nói thế nào để thuyết phục đối tượng. Hơn thế nữa, khi không thuyết phục nhau được chỉ bằng lời, con người chúng ta thường mang theo súng ống và giết chóc để thuyết phục nhau. 😦

Nhưng chẳng mấy ai dạy “không thuyết phục nhau” cả.

Có lẽ vì “không thuyết phục” thì chẳng có gì dễ học. Chỉ cần Tư Ngố nói chuyện như dùi đục chấm mắm tương thì đương nhiên là đạt đỉnh thiếu thuyết phục.

Nhưng có lẽ là chúng ta cũng nên biết học “không phải thuyết phục”, vì đôi khi ta phải biết nói nhưng không cần thuyết phục.

Dĩ nhiên là khi ta đã mở miệng nói lời gì đó với ai, ta luôn luôn muốn thuyết phục họ, vì nếu không muốn thuyết phục thì ta đã không nói. Dù vậy, rất nhiều khi ta nói mà phải biết không cần thuyết phục, như:

1. Ta nói điều này bây giờ, nhưng biết là không thể thuyết phục được bây giờ, nhưng tin là nó sẽ thuyết phục 10 hay 20 năm nữa. Có những điều bố mẹ dạy con với thái độ như thế. Hoặc trong các vấn đề chính trị kinh tế của quốc gia, ta nói với lãnh đạo bây giờ, để 10 năm nữa nó sẽ thành hiện thực, khi đa số trong lãnh đạo hiểu được vấn đề.

2. Những vấn đề tâm linh mà sự hiểu biết chẳng liên hệ mấy đến IQ (chỉ số thông minh lý luận) nhưng liên hệ nhiều đến EQ (chỉ số thông minh tình cảm), hoặc kinh nghiệm sống, hoặc trái tim tĩnh lặng khiêm tốn của người nghe… Ta không mong thuyết phục tất cả mọi người, nhất là những người dùng lý luận để chẻ nhỏ điều ta nói. Ta muốn những người có “duyên” để hiểu lúc này thì hiểu, và những người có duyên để hiểu sau nhiều năm nữa sẽ hiểu lúc đó, và người không có duyên để hiểu trong suốt cả đời thì sẽ không bao giờ hiểu.

3. Có những người chưa tin mình và đang nghi ngờ mình, nên mình nói gì họ cũng hiểu sai ý mình. Hãy chờ họ. Một lúc nào đó có thể họ tin mình, và lúc đó tự nhiên mình nói gì họ cũng hiểu.

Hiểu được nhau đòi hỏi nhiều yếu tố. Và tất cả những yếu tố đó đưa đến yếu tố cuối cùng là thời tính: Đến thời để hiểu thì hiểu, chưa đến thời để hiểu thì không hiểu được.

Cho nên, ta nói với thái độ người gieo hạt—hạt nào may mắn rớt xuống đất tốt thì lên cây, hạt nào nằm trên đá cứng phải chờ mùa mưa đưa đến đất thấp để thành cây thì phải đợi mùa mưa, hạt nào sẽ chết vì kẹt trong hốc đá thì sẽ chết…

Không thuyết phục được thì cũng không sao. Hãy nói điều gì bạn nghĩ là nên nói. Hiểu được hay không là việc của người nghe, vào thời điểm “cơ duyên” của người nghe. Bạn không thể kiểm soát được sự hiểu biết của người nghe bằng cách bắt loa thét vào tai họ, hay dùng vũ lực, súng ống, đe dọa để thuyết phục nhau, như những cuộc “cách mạng” chính trị và chiến tranh ta thấy ở thế kỷ 20, và rất tiếc là còn đang tiếp diễn tại nhiều hóc hẻm của thế giới chúng ta hiện nay.

Chúc các bạn một ngày đợi chờ thoải mái.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

13 thoughts on “Nói mà không cần thuyết phục ?”

  1. Hi anh,
    Đọc bài này, em thấy đôi khi em chấp nhiều quá, và nói nhiều quá. Rất nhiều thứ phụ thuộc vào duyên phải không anh? Nhưng có những thứ cần thuyết phục, và ảnh hưởng thuyết phục lập tức thì sao anh:?
    Chúc anh ngày đông ấm áp:)

    Like

  2. Hi Thắng,

    Cách thuyết phục hay nhất là (1) biết người kia cần gì và (2) đề nghị đáp án cho những điều cần đó.

    Ví dụ: Mình đang bán hàng cho một tiệm xxe máy và một phụ nữ khoảng 30 bước vào mua xe. Người phụ nữ có thể có những nhu cầu mà chính cô ta cũng không biết, như là xe phải nhẹ nhàng, xe phải thanh lịch cho phụ nữ, và các cơ phận điều khiển xe phải giản dị. Các điều này chính mình phải tế nhị nhắc đến để biết chắc là mình đoán đúng nhu cầu. Và chính cô ấy có thể biết một nhu cầu, là giá xe phải trong khoảng số tiền nào đó. Ngoài ra còn có các nhu cầu khác như là màu sắc, dễ chùi rửa, dễ mua đồ phụ tùng … Nếu ta đi qua các nhu cầu này với cô ấy, và tìm ra một chiếc xe thỏa mãn được các nhu cầu ấy, thì cơ hội lớn là cô ấy sẽ mua.

    Tuy nhiên nếu cô ấy nói cô muốn đi xem thêm ở các nơi khác, thì cứ vui vẻ cảm ơn ấy, chúc cô ấy đi chọn xe vui vẻ, cho cô ấy môt business card với tên mình trên đó và nói: “Em nghĩ là chiếc xe này là tốt và đẹp nhất cho chị, và công ty em có giá thấp nhất. Nhưng nhỡ có công ty nào có chiếc xe như thế này mà giá lại thấp hơn giá ở đây, chị gọi cho em, em sẽ tranh đấu để hạ thấp hơn thế cho chị”

    Nói chung là thái độ phục vụ chăm sóc tận tình, không pushy, thường có tính thuyết phục cao.

    Điều quan trọng là nếu ta không được OK ngay lập tức, thì vẫn vui vẻ tích cực phục vụ tận tình, OK có thể đển trễ hơn một chút.

    Like

  3. Hi anh Hoành!
    Đọc bài này em lại nghỉ đến con gái của em. Em thuộc loại người trực tính, nóng nảy nên thường cũng hay la và nói với con cái nhiều nhưng đến đêm nằm suy nghĩ lại buồn và khóc một mình anh a. Mỗi lần nói chuyện phải trái con em không nói đi nói lại nhưng em cảm nhận là không nghe và để tâm đến những gì em nói. Khi có trả lời thì không lời nào có “tâm” cả. Em thì nhanh nhẹn, còn con em thì quá chậm nên em cũng quá khổ anh a. Làm sao để dung hòa hả anh.
    Chúc anh sức khỏe!

    Like

  4. Hi Loan,

    Mỗi người có một cá tính và một đường để đi qua cuộc đời. Con đường của con em có thể rất khác con đường của em, nhất là khi cá tính khác nhau như thế.

    Có lẽ là em chưa làm vai trò “hỗ trợ” bao giờ. Hỗ trợ là support. NhỮng người làm việc hỗ trợ chuyên môn là các trợ lý (assistant) của big boss, trợ lý giám đốc chằng hạn. Trợ lý chẳng bao giờ bảo giám đốc làm gì, chỉ thấy giám đốc làm việc gì thì hỗ trợ giám đốc việc đó, tinh thần lẫn chạy việc.

    Thay vì bảo con em phải làm theo em răm rắp thì em thử hỗ trợ con em xem sao.

    Con em có thể chậm lý luận, nhưng thich thi ca, hỗ trợ con emm việc thi ca xem sao. Cách giúp con cái (cũng như nhân viên) của mình phát triển tốt nhất là tìm ra các điểm mạnh của họ và khuyến khích họ phát triển các điểm đó (thay vì cứ nhắm vào cái yếu của họ và bắt họ phải khá).

    Em khỏe nhé.

    Like

  5. Hi anh,
    Cảm ơn anh, em đã hiểu hơn chút ít rồi. Ta gieo hạt nhưng hạt như thế nào là duyên, còn có con chim cần hạt để ăn, ta phải hiểu được nó, cũng như loại hạt nó cần để ta cho anh nhỉ:) Một liên tưởng không sát lắm:)
    Chúc anh mạnh khỏe.
    Em Thắng!

    Like

  6. Hi anh Hoành!
    Anh nói đúng em chưa làm được vai trò “hỗ trợ” bao giờ, có lẽ là như vậy. Trường hợp này anh thấy em giải quyết làm sao?
    Khi còn ở VN em “bao” hết tất cả công việc để chồng con có thời gian để phấn đấu trong công việc cũng như trong học tập. Sang đến Mỹ con em chỉ có việc rửa chén theo ý người thân nhưng lúc nào cũng bị nói cho đến tận bây giờ, còn việc tắm rửa thì phải cho nhanh để có thời gian cũng không làm được, tóc tai để hay phủ mắt bảo kẹp lên cũng không làm mà hầu như toàn việc không đâu vào đâu mà không làm nên người thân cho rằng xem thường họ. Em nói với con em, cả nhà hiện nay mối lo lắng nhất là làm sao có công ăn việc làm khi sống ở Mỹ, làm sao để “bố” đỡ sốc khi qua lại Mỹ, còn việc của con quá đơn giản mà cứ làm phiền đến bố mẹ nên em thấy phiền muộn quá. Thường em mua sách về “kỹ năng sống, hạt giống tâm hồn, về vấn đề liên quan đến cuộc sống…” nhưng cũng không để tâm anh a. Lần đầu tiên sang Mỹ ngoài những bộ đồ mang theo toàn là sách thôi vì rằng những lúc thấy mình yếu đuối thì những cuốn sách đó mới có thể giúp mình vượt qua khó khăn. Em phải làm sao hả anh?

    Like

  7. Bài viết và những chia sẻ bên trên rất hay.
    Nói mà không cần thuyết phục phải chăng là nói với tinh thần vô tham, vô sân, vô si…?

    Like

  8. Hi Loan,

    Mọi người đều stress và bị cultural shock, kể cả em. Vấn đề chính của cultural shock và stress là nó làm mình căng hơn là nên căng, buồn hơn là nên buồn, nhìn mọi sự thường tệ hơn sự thật, và điều chính là mọi sự đó rất thật với mình cho đến nỗi mình không thể thấy được đó chỉ là hậu quả của stress và cultural shock.

    Nếu em tin anh thì em cứ giảm mọi sự tệ hại xuống còn 1/4. Thực ra thì 1/10 có lẽ là chính xác hơn. Nghĩ là con em tệ như thế, em giảm xuống–con em tệ chỉ bằng 1/4 điều em nghĩ, 1/10 thì có lẽ là chính xác hơn. Em đang buồn như thế, giảm xuống là thực ra em đang buồn chỉ `1/4 hay 1/10 như thế thôi. Stress, nhất là stress khi bị cultural shock nặng, có khả năng phóng đại mọi sự tệ hại trong trí mình.

    Em lại là rường cột trong nhà, nên em phải lo cho chính em một chút.

    Cách hay nhất là đi ngược lại thôi thúc đang có. Khi em stress như thế, em sẽ có khuynh hướng muốn làm được nhanh được nhiều, và rất stress khi thấy tất cả mọi thứ đều chậm hơn rất nhiều. Thay vì căng, em cố tình chậm lại một chút, tiếng Mỹ là relax and take it easy–thong thả và thoải mái một chút.

    Và em làm quen với cầu nguyện đi. Sách tư duy tích cực sẽ chẳng giúp được em mấy. Chỉ có cầu nguyện mới đủ sức mạnh.

    Em có thể tập Thiền hít thở. Nhưng sợ rằng khi stress quá rất khó tập thiền.

    Nếu em không biết cầu nguyện thì làm quen với Kinh Lạy Cha, kinh này có thể đọc hàng ngày như một lời cầu nguyện. Từ từ em sẽ thấm và hiểu.

    Và đoạn Hạnh Phúc Thật này, khi nào rất tuyệt vọng, em đọc nó sẽ hiểu hơn là lúc bình thường.

    Và những căng thẳng với người thân (người ở Mỹ lâu năm) của em, cũng như những người khác quanh em, em chịu khó bỏ qua và cười một chút, vì sự thật là đa số các căng thẳng đó ở trong đầu em hơn là có thật ở ngoài.

    Các việc này anh rất kinh nghiệm. Không những anh từng bị stress và cultural shock, mà anh đã bảo trợ và nuôi nhiều người nhập cư vào Mỹ, nên rất rành.

    Relax and take it easy.

    Trust me. Tin anh nhé.

    Like

  9. Em rất thích bài này. Em cám ơn anh.

    Đúng là khi nghĩ về người khác, nghĩ cho người khác nhiều hơn, mình sẽ giảm phần lớn các trường hợp thấy cần thuyết phục họ – thay vào đó có thể là sự thông hiểu hơn hay những phương pháp khác để giúp họ.

    Khi người khác biết, cảm nhận được mình hết lòng với họ, tự bản thân mình có một sức thuyết phục khá lớn đối với họ, như trường hợp người thân, bạn bè thân thì tự nhiên thuyết phục được nhau, người này nói gì người kia cũng nghe cẩn thận, người này nói gì, người kia cũng dễ thấy đúng, có lý, muốn làm theo. Vậy nên dù là cho mục đích thuyết phục, thì việc giữ hòa khí, giữ tình thân vẫn cần là ưu tiên một. Và đôi khi em vẫn phải nói với em gái em theo kiểu “dạo này chị cảm thấy mệt nên không có sức giải thích nhiều với em, nhưng em nên nhớ điều này, dù bây giờ em không thấy đúng, nhưng có thể một lúc nào đó em sẽ thấy ý nghĩa của nó …”

    Like

  10. Cảm ơn anh Hoành rất nhiều! Những bài viết của anh như những ngọn đuốc rọi đường cho những người trẻ tuổi như chúng em. Chúc anh sức khỏe và ngày càng có nhiều các bài viết hay và ý nghĩa ạ!

    Like

  11. Hi anh Hoành!
    Em cảm ơn anh nhiều. Em tin anh và em sẽ cố gắng.
    Em có thể hỏi anh việc này không? Em ở Laurel, khoảng 2 tuần nữa em sang Mỹ. Em được bảo lãnh theo diện F3, 2 vợ chồng em chưa có việc làm, em có thể xin trợ cấp được không anh? Hiện em sống với ba mẹ có thu nhập thấp.
    Chúc anh sức khỏe!

    Like

  12. Hi Loan,

    F3 visa là Family Preference Immigrant Visa (đoàn tụ gia đình), nên anh nghĩ là em có thể hưởng các trợ cấp xã hội. Nhưng các việc này anh không rành.

    Có nhiều loại trợ cấp (public assistance)–liên bang, tiểu bang, county, city… Người có thể trả lời và giúp đỡ em rõ ràng và đầy đủ nhất về các trợ cấp và dịch vụ xã hội là các social workers ở nơi em ở. Mỗi County có một Department of Social Services, gọi vào đó lấy một cái hẹn, rồi nói chuyện chi tiết với họ về tình cảnh của mình. Em có thể ngạc nhiên về các loại trợ cấp cũng như các loại dịch vụ xã hội có thể có tại địa phương đó. (Hỏi người bên ngoài thì chẳng ai cho em câu trả lời đúng hết được).

    Chúc em may mắn.

    Like

  13. Hi anh Hoành!
    Cảm ơn anh. Thời gian qua anh giúp em khá nhiều, em cũng đã thông suốt nhiều. Em cũng thôi buồn và khóc mỗi khi nghĩ đến chuyện của mình. Em nghĩ thời gian đã kiến em nguôi ngoai và hơn hết đã tìm đọc được những bài anh viết và hỏi anh thật nhiều. Em đã chọn “con đường” của mình rồi nên em sẽ đi thật tốt con đường đó.

    Chúc anh đón giáng sinh vui vẻ!

    Like

Leave a comment