Bắt đầu lại với tấm bảng sạch

Chào các bạn,

“To start over with a clean state” là “bắt đầu lại với tấm bảng sạch”. Slate là tấm bảng, thường bằng đá, cho học trò tập viết. Chùi bảng cho sạch để bắt đầu viết bài tập mới lên bảng là “to start over with a clean slate”. Cụm từ này thường được sử dụng trong những trường hợp người ta làm lại mọi sự từ đầu, như là một người vừa ra tù và làm lại từ đầu.

Quan trọng hơn đời sống vật chất, “bắt đầu lại với tấm bảng sạch” rất quan trọng cho đời sống tâm linh và tâm l‎ý của chúng ta.

Về tâm lý, chúng ta ít nhiều có kinh nghiệm với “ám ảnh tội lỗi” (obsession of guilt). Đôi khi ta làm một điều gì đó sai trái, và tội lỗi đó ám ảnh ta rất nhiều năm sau, và điều khiển tư duy và hành động của ta trong nhiều tình huống trong đời sống. Người bị ám ảm tội lỗi rất mạnh có thể bị một loại bệnh tâm lý gọi là OCD (obsessive compulsive disorder, bệnh bị ám ảnh bắt buộc làm điều gì đó).

Tội lỗi của ta, hay đúng hơn là cảm giác phạm tội của ta, thường ám ảnh và đè nặng trên tâm trí ta, làm ta ngạt thở, không tự do, không phát triển được. Đó là lý do tại sao trẻ em thường tự tin hơn người lớn. Trẻ em có một “clean slate”, tấm bảng sạch. Người lớn có một tấm bảng ghi lại nhiều sai lầm, tội lỗi, thất bại của mình trên đó. Vì vậy người lớn bị ám ảnh bằng các thất bại của mình, từ đó sinh ra mất tự tin. Càng sai nhiều, càng mất tự tin. Càng sống lâu, danh sách các sai trái thất bại càng dài, lại càng mất tự tin. Vì thế, nhiều người càng lớn tuổi càng mất tự tin.

Cách giải quyết tình trạng “càng sống lâu càng nhiều thất bại càng mất tự tin” này là bắt đầu lại với tấm bảng sạch, chùi hết mọi thất bại cũ đã ghi trên bảng. Tức là ta phải biết để cho tất cả mọi chiếc lá của năm nay rụng hết, và năm đến sẽ chỉ là những chiếc lá mới của mùa xuân. (Xem Mùa Lá Rụng)

Thần học Kitô giáo đưa việc “chùi sạch bảng” đến mức tối đa trong tư duy con người. Chúa Giêsu đã chuộc tội cho toàn thể loài người bằng việc hy sinh nhập thế và chịu chết trên thập giá, và do đó tất cả mọi người, đã được tha thứ, đã có một tấm bảng sạch, dù đã phạm những lầm lỗi tày trời thế nào. “Tấm bảng sạch” là quà tặng của Chúa Giêsu cho mỗi người. Nhận quà đó hay không là việc của mỗi người chúng ta. Và ta nhận quà bằng lòng tin vào Chúa Giêsu. (Chú ‎ý: Tin vào Chúa Giêsu không nhất thiết là đồng nghĩa với “theo đạo Ki tô –Công giáo, Tin Lành, Chính thống giáo, v.v…” như những người Ki tô giáo thường lầm tưởng).

Khi ta nhận món quà “bảng sạch” từ Chúa Giêsu, ta có thể bắt đầu lại với tấm bảng sạch. Điều rất tích cực này giải thích tại sao văn hóa Tin lành là văn hóa tích cực nhất trên thế giới (về tâm linh, chính trị, kinh tế…), vì Tin Lành nhấn rất mạnh vào điểm “born again”, tái sinh trong Chúa, làm lại từ đầu với tấm bảng sạch.

Cho đời sống tâm lý của mỗi người chúng ta, chúng ta phải biết cách bắt đầu lại thường xuyên với một tấm bảng sạch như thế. Mỗi ngày chúng ta làm vài điều ngu dốt. Một năm thì không biết là bao nhiêu mà kể ! 20, 30 năm nay thì tội lỗi và ngu dốt hằng hà sa số. Nếu không biết xóa bảng thì ta sẽ hoàn toàn tuyệt vọng với danh sách các cái ngu của mình.

Làm sao ta có thể có một tấm bảng sạch mỗi đầu ngày?

Nếu bạn là người Ki tô giáo, bạn có thể thành khẩn xin lỗi Chúa hàng đêm, và sáng hôm sau có thể thanh thản bắt đầu với tấm bảng sạch.

Nhưng nếu bạn không là người Ki tô giáo thì sao? Cái gì có thể xóa sạch bảng cho ta hằng đêm?

Thưa, chúng ta có thể thực hành “vô chấp” của Phật gia đến mức thượng thừa. Nếu đã lỡ nói sai một câu, và nếu cần phải xin lỗi và sửa sai thì xin lỗi và sửa sai. Nhưng dù có dịp xin lỗi hay không, thì lời nói đã lỡ nói, đã bay lên không và bay đi mất rồi, đã là một thoáng mây trong quá khứ rồi, chẳng l‎ý do gì mà phải “chấp” vào đó để nó cứ làm mình “vướng bận” mãi. Hãy cúi đầu ăn năn một phút, rồi hãy sống ở đây lúc này, không vướng bận quá khứ. Đó là cách của các Thiền sư luôn luôn chùi sạch bảng. Vô chấp ! Không “chấp” ngay cả cái sai của mình.

Tất cả mọi hành động của hôm qua đã chỉ còn là ký‎ ức. Hãy để k‎ý ức bay đi, vào khung trời kỷ niệm, chẳng cần phải chứa chấp trong tâm.

Mỗi ngày chúng ta làm vài điều ngu dốt. Đó là những chiếc lá vàng. Hãy để chúng rơi rụng tư do, đùng bám víu vào chúng, để hôm sau ta có thể bắt đầu ngày mới với một tấm bảng sạch tinh tuyền.

Đừng mang bao nhiêu bao tải của những sai lầm quá khứ trên lưng.

Mỗi ngày mới, mặt trời mới, trái tim tinh tuyền mới.

Chúc các bạn một ngày mới tinh tuyền.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ: Không “chấp” vào lỗi của mình

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

16 thoughts on “Bắt đầu lại với tấm bảng sạch”

  1. Cảm ơn anh Hoành vì bài viết này.
    Những điều anh chia sẻ thật sự rất cần đối với em.

    Em hay bị ám ảnh bởi quá khứ những sai lầm mình đã phạm phải, thậm chí dẫn đến tình thần không ổn định, mất ngủ. Từ ngày đọc ĐCN em đã cố gắng tĩnh tâm, lau sạch tấm bảng của mình nhưng hình như ở tầm tiềm thức em vẫn bị ám ảnh ở một mức nào đấy. Nếu như gặp một hoàn cảnh hay một hành động gì đó trong hiện tại có liên quan gợi nhớ đến quá khứ thì em thường bị ảnh hưởng và thỉnh thoảng trong những giấc mơ em cũng hay gặp lại những hình tượng liên quan đến quá khứ (em thường ngủ không được ngon, hay mộng mị).

    Đọc xong bài viết này của anh, em thấy mình có thêm niềm tin để tiếp tục lau sạch tấm bảng của mình.

    Chúc anh ngày mới vui.
    Linh.

    Like

  2. cám ơn anh Hoành vì bài viết này.
    Bài viết ý nghĩa quá !
    em thấy trường hợp của mình giống như Linh Trần vậy đó.
    sẵn cảm ơn Linh Trần đã chia sẽ suy nghĩ cảm xúc của mình vào đây nhé !
    em đang bắt đầu hồi sinh trong một thế giới mới của riêng mình từ khi đọc bài trong ĐCN.
    Cám ơn anh H nhiều nhiều nhé !
    Chúc anh khỏe !

    Like

  3. Mình thường nhớ lại những va vấp của mình để lấy đó làm kinh nghiệm của ngày hôm nay ,mình hòan tòan tha thứ cho những gì mình đã sai,vì mình nghĩ, lúc đó,mình đâu biết là sai,nó hòan tòan khớp với tư duy,suy nghĩ của mình lúc đó, mình lúc đó thể hiện như đúng mình đang là, chỉ có điều, mình nên tránh sai lầm đó ,không để nó lặp lại nữa, thì những sai lầm sẽ là kinh nghiệm quí báu để mình ngày càng sâu sắc hơn.

    Like

  4. Đọc phản hồi của Linh Trần mình thấy rất thông cảm vì giống một tâm sự của người bạn mình, một người bạn nhỏ ,ít tuổi hơn mình nhiều nhưng đã gặp nhiều điều không hay trong cuộc sống , mình đã bảo với em đó: em nhìn những cái cây thân bị sâu đục phần trên, chúng đã không được chọn để sống tiếp, con sâu đã chọn nó làm thức ăn,nhưng ta chặt chỗ sâu ấy đi, còn phần gốc, mầm mới lại nảy sinh, mọi thứ do ta,nhưng phải biết tha thứ cho mình,vì mình cũng đang ở quá trình chọn lọc,cả thân và tâm , bỏ cái sâu xia ,không phù hợp đi, để hình thành cái mới phù hợp hơn, đẹp hơn cái cũ,cái đó là tất yếu của vạn vật, mà đã là tất yếu,thì ta vui vẻ chấp nhận ,vui vẻ thay đổi,đừng bám vào cái cũ mà mất cơ hội thay đổi.Thường thì một cơn đau sâu sẽ đem lại dễ chịu nhất ,mát mẻ nhất , cũng như chỗ tối sau nó phải là rất sáng .
    Linh Trần hãy làm những việc ngược lại với những gì mà em làm và đã thấy là tội,là sai lầm ,cũng vẫn điều đó, làm ngược lại, trước kia ta hỗn với bố mẹ,giờ ta hiếu thảo nhiều hơn người khác ,ta làm ai đó tổn thương, giờ mạnh dạn làm điều gì đó tốt với người đó,hay nếu không làm được gì,cũng nên hàng ngày cầu nguyện cho người đó,và nuôi hi vọng ngày nào đó mình sẽ làm một việc thật tốt bù đắp cho họ,theo chị,đừng nghĩ đến sai lầm ở đây,nhưng sửa nó là cần ,chỉ cần một tấm lòng cầu nguyện điều tốt lành cho ai đó em đã làm tổn thương,cũng rất có ích, chắc em đã làm rồi ,và bây giờ thì đừng nghĩ đến nó nữa ,hành động thôi,mong em vui .

    Like

  5. Anh Hoành phân tích về tính tích cực (born again) của Tin Lành rất hay. Em cũng hiểu nhưng chỉ…lờ mờ, đọc bài anh viết mới vỡ ra 😀

    Like

  6. Tôi không thể nào chối bỏ những sai lầm trong quá khứ, tâm tư luôn dằn vặt chỉ mỗi một lỗi lầm nhỏ.Tôi nghĩ nếu mãi thế này thì có ngày tôi thành thằng khùng mất. Luôn luôn dắn vặt, luôn tự ti, luôn mặc cảm trước cái thua kém của mình với người chung quanh.Làm sao có được “tấm bảng sạch” khi tuổi đời càng dài thi lỗi lầm càng chông chất. Chúc anh một ngày vui .

    Like

  7. Em thấy ở các nhà thờ của đạo Thiên chúa có một hoạt động khá hay đó là “xưng tội”. Qua một tấm chắn có các khe nhỏ, một bên là người xưng tội, thì thầm, kể lể, thổ lộ cho người bên kia là Cha sứ lắng nghe và an ủi, khuyên nhủ. Sau khi xưng tội, nghe khuyên nhủ, an ủi, họ tự có quyết định action tiếp theo…Đây có lẽ là một việc rất tốt giúp mọi người “trút” bớt đi sức nặng của bao tải tội lỗi, dày vò trên mình!

    Tuy vậy, em thấy việc “trút bỏ, rũ bỏ” gánh lỗi lầm cũng cần phải cẩn trọng khi áp dụng, đừng để mình rơi vào tình trạng “ru ngủ, bao biện” cho mình. Ví như vừa làm đau người bạn thân, rồi ân hận dày vò nhưng lại “trút gánh tội lội”theo cách cố quên đi việc đó để đi tiếp thì cũng không đúng. Em ghi nhớ câu của đức Đạt Lai Lạt ma “When you realize you’ve made a mistake, take immediate steps to correct it”. Không thể “trút” kiểu quên đi, mặc đi được. Em thấy nên cố gắng hết sức để tránh lỗi, nếu mắc phải và nhận ra thì cố gắng phân tích những cách có thể fix nó hoặc giảm nhẹ, hoặc ít nhất là thể hiện mình thực sự hối lỗi…Khi mình cố gắng hết sức rồi thì dù kết quả ra sao cũng có thể trút đi nhẹ gánh

    Like

  8. Chào anh!
    Em đã đọc rất nhiều bài anh viết, nhưng em cảm thấy bài này có 1 điều gì đó rất cần đối với em, điều mà em ko bao giờ làm được, em hay bám víu quá nhiều về quá khứ, đôi lúc có 1 vài sai lầm đối với 1 số đối tượng nào đó, và thế là em luôn ray rứt và tìm cách đền bù, nhưng càng làm điều đó em càng thấy khoảng cách giữa mình và người đó xa ra, thế theo anh những trường hợp như vậy, em nên làm gì?
    Mong phản hồi của anh! Chúc anh vui vẻ!

    Like

  9. Hi Phúc,

    Đương nhiên là khi mình nhận ra cái sai của mình thì mình sẽ tìm cách chữa. Đa số mọi người trên đời đều vậy. Chẳng cần phải đợi đến Đạt Lai Lạt Ma nhắc nhở.

    Vấn đề là:

    1. Nhiều người không thấy mình sai và không cho là mình sai. Đây là một trường hợp khác, ta không bàn ở đây, Vì một người cho rằng việc họ làm là đúng thì chẳng có gì để bàn. (Ru ngủ bao biện cũng ở trong trường hợp này. Nhưng, người đã không biết thì không biết. Ta không có gì để bàn được).

    2. Người đó tự thấy mình sai, và sửa chữa cái sai như ta nói đã nói bên trên. Nhưng nếu mình đã sửa mà không được thì sao? Ví dụ: Đã xin lỗi bạn mà bạn không cho xin lỗi và giận mình đến 20 năm thì sao. Hoặc là không sửa được, như một cậu chở em trên xe máy, đụng xe và em mình bị chết, và cậu ấy nhất định đổ lỗi cho chính mình, dù rằng cậu ta chẳng làm gì sai cả.

    Đây là điều mà bài này muốn nói.

    Việc của mình là đã nói sai, và đã xin lỗi. Bạn mình giận 20 năm đó là việc của bạn.
    Việc của mình là chở em mình Đụng xe, em mình chết, là chuyện của trời.

    Chẳng lý do gi mình phải “chấp” vào đó để nhức nhối 20 năm, hay nhức nhối cả đời. Mình đã làm điều mình phải làm, và buông xả nó, không lý gì để rác trong đầu 20 năm hay cả đời như thế (dù là đương nhiên lâu lâu mình sẽ nhớ lại chuyện cũ, và sẽ có một chú hối tiếc. Ai cũng vây thôi).

    Chuyện cũ không nên chỉ huy mình lúc này. (Như là có trường hợp mình thấy cần phải nói một câu tương tự như câu 20 năm trước làm bạn mình giận, mình nhất định không nói vì sợ người kia giận như bạn mình trước kia. Hay không bao giờ chở ai trên xe máy nữa).

    Nói chung là “làm sạch lại bảng” như là võ sĩ đấu võ đài. Người võ sĩ bị đấm một quả nằm xuống sàn. Các phê bình gí sẽ phê phán trên báo chí hàng năm là người võ sĩ đã làm gì sai lúc đó. Nhưng chính người võ sĩ sẽ (1) ngay lúc đó không có thời giờ quan tâm về nó, phải đứng dậy đấu tiếp như chưa từng bị đấm bao giờ, và (2) những năm tháng sau đó có thể suy nghĩ về đòn pháp mình dùng lúc đó để lấy kinh nghiệm. Nhưng dù đúng dù sai thì người võ sĩ phải gạt chuyện đó ra ngoài và mai mốt đi đấu như chưa hề bị ăn đòn bao giờ, không thể để quả đấm đó theo đuổi mình để làm mình nhụt chí.

    Làm sai, lầm lỗi, là chuyện hàng ngày của con người (như là võ vĩ bị ăn đòn thường xuyên). Làm sai thì coi đó là kinh nghiệm tốt, làm mình giỏi hơn, không để nó trong đầu như một cái gai chấm chích tâm trí của mình hàng ngày.

    Liked by 2 people

  10. Hi Y Vũ,

    Bị ám ảnh vì lỗi lầm quá khứ không nhất thiết là do em mà còn do văn hóa:

    — Văn hóa Phật giáo VN có thể chú trọng vào nghiệp tội quá nhiều (thay vì chú trọng vào nghiệp phúc), làm cho đương lối giáo dục tập trung vào “tội lỗi” và “hình phạt”, ơn là “ân phúc” và “phần thưởng”. (Tư tưởng tự do, rông mở và tích cực của Thiền tông Nhật Bản thì rất yếu tại nước ta).

    — Văn hóa Công giáo chú trọng vào “tội lỗi”, “hỏa ngục”, “luyện ngục’ cũng chú trọng vào những thứ tiêu cực đó, hơn là tình yêu, tha thứ và cứu rỗi. (và Công giáo VN + chủ nghĩa thuộc địa + truyền thống đe dọa của Khổng giáo thời mạt pháp sau này làm cho văn hóa công giáo vn có thể rất tiêu cực)

    Cho nên rất nhiều chúng ta là con tin văn hóa của văn hóa của ta.

    Em cứ phải tập nhìn vấn đề đúng cách. Em là võ sinh trên sàn đấu, mỗi ngày em sẽ bị ăn mấy quả đấm méo cả miệng. Mỗi quả đấm là một lần em sai, một bài học mới. Dừng các cái sai của mình một cách tích cực như là các bài học khôn. Và mỗi ngày lại tiếp tục lên sàn đấu, và lại tiếp tục ăn đòn, nhưng mỗi ngày em vẫn khá hơn một chút, và đừng để các quả đấm em bị hàng ngày làm phiền não em. Nhớ chúng một chút để lấy kinh nghiềm rồi quên đi.

    Như vậy thì em mới có ngày thành sư phụ của các võ sinh khác được.

    Liked by 1 person

  11. Hi Y Vũ!
    Những gì anh Hòanh đã chia sẻ với bạn rất thiết thực đầy đủ, mình chỉ xin được chia sẻ thêm với bạn một chút nữa.
    Khi bạn nói ”…và thế là em luôn ray rứt và tìm cách đền bù, nhưng càng làm điều đó em càng thấy khoảng cách giữa mình và người đó xa ra..”
    Việc đền bù để chuộc lỗi là việc không phải ai cũng làm được,bạn đã rất dũng cảm để làm nó, và bạn đã làm điều đó rồi, và bạn đã kinh nghiệm việc khi làm tổn thương ai mình cũng sẽ bị tổn thương không kém, nhớ điều đó,để lần sau trước khi làm gì ,thì cố gắng đừng làm ai tổn thương nữa .Như anh Hòanh nói, quên diễn biến của câu chuyện đi ,việc xảy ra cũng xảy ra rồi ,bạn vẫn đang trưởng thành,và chắc chắn sai sót là chuyện rất thường ,và bạn cũng đã làm điều phải làm rồi, nếu bạn chân thành muốn người đó vui để bù đắp ,bạn yên tâm đi ,không ai còn giận người đã có tấm lòng sửa lỗi, những ít ai lại nói với bạn rằng : OK, tôi không còn giận bạn nữa, bạn là người tốt…đó là điều rất khó với những ai còn có tâm chấp ,họ chẳng bao giờ muốn bạn biết họ đã bỏ qua ,đừng làm khó họ trong khi bạn đang sửa lỗi,lúc này ,họ có nói gì bạn cũng cấp nhận chứ .Còn về ohần bạn ,bạn đã làm điều bạn muốn làm ,bạn đã làm, thế thì chấm dứt câu chuyện thôi , nếu trong lòng bạn thấy càng xa thêm,chỉ là bạn muốn người đó tỏ thái độ chấp nhận bạn ,quên việc đó đi bạn ạ vì đó là điều khó với người khác ,và như vậy bạn đang nghĩ đến mình đấy, nếu bạn thực sự muốn tốt cho người đó, hãy kiên nhẫn với tấm lòng chân thành của mình, nếu người đó là người hiểu biết,thì trước sau các bạn cũng sẽ lại vui vẻ .Nhưng ..bạn phải chân thành đấy nhé ..và đừng mong chờ gì ,những sai lầm trong cuộc sống là những bài học để trưởng thành,nếu không biết chấp nhận đều đó,thì bạn khổ chẳng có gì khó hiểu,hi.
    Bạn muốn mình trưởng thành chứ hay vẫn là một bé con ?

    Like

  12. Rất thật sự cám ơn những đóng góp chân thành của anh Hoành và phonglan ! Chúc vườn chuối 1 ngày trong veo!^^

    Like

  13. Cám ơn anh Hoành và các anh chị đã chia sẻ,
    em có bài thực hành đây:
    – Cầu nguyện với Chúa mỗi tối (cái này anh Hoành viết rồi)
    – Đi đâu thì mang theo áo khoác, đến nơi làm việc, về đến nhà, bước vào giảng đường,… thì cởi áo khoác, gửi vào nó những tội lỗi, sai trái, bực mình…
    – Khi tắm, hãy để vòi sen chảy từ trên cao xuống giống như thác nước, trút bỏ hết những năng lượng tiêu cực, dằn vặt, khổ tâm…
    – Mỉm cười, hết mình, và không trì chiết lỗi lầm của người khác.
    – Cố gắng bù đắp cho người mà mình đã gây lỗi, hoặc nếu không, thì cũng cầu nguyện cho họ, hoặc làm 1 việc khác tương tự gửi đến ai đó và hướng năng lượng tích cực đó gửi đến người mình muốn chuộc lỗi.
    – Lặp lại các bước hàng ngày

    Liked by 1 person

  14. em từng nghe một câu chuyện về một bộ tộc
    họ thức dậy mỗi sáng và nói
    ôi, great spirit, hôm nay hãy cho con được phạm 20 lỗi lầm.
    qua việc phạm lỗi lầm, họ nhận được bài học, và cải tiến mọi thứ. có lẽ mỗi khi cầu nguyện ngay sau khi thức dậy, họ đã cho minh một tấm bảng sạch, họ cầu nguyện phạm lỗi nhiều hơn, khi mà họ còn có thể, họ coi mistake là món quà của tinh linh vĩ đại.
    sáng nay em đã làm sai khá nhiều việc, anh hướng dẫn của bọn em cố tình để bọn em làm sai rồi tự rút kinh nghiệm để học.
    thực ra thì khi phạm lỗi, mình nên có tinh thần “cải tiến, tinh thần làm cho bằng đươc”, sáng tạo thì em chưa dám nói hehe
    . đọc bài của anh em thấy thật nhẹ nhõm, relax,
    cảm ơn anh

    Like

  15. Anh ơi. Đúng là em bị suy nghĩ quá nhiều về nghiệp nhân quả của phật giáo và bị đau đầu vì nó. Nhưng em thấy nó cũng có cái đúng a ạ.

    Like

  16. Hi Hương,

    Nhân quả có nghĩa là đã gieo nhân thì sẽ gặt quả. Hôm nay làm sai, hậu quả xấu sẽ đến ngày mai, ngày mốt.

    Nhưng ngân quả không cố định mà chuyển động với “nghiệp” (karma) cùa mình. Nếu mình tạo nhân là nghiệp lành, tức là làm một việc thiện lành, thì đương nhiên là nghiệp lành (good karrma) của việc đó sẽ mang đến quả tốt cho mình. Và quả tốt từ hành động thiện lành này của mình, có thể làm giảm quả xấu của việc kia xấu mình đã làm. Ví dụ: Mây hôm trước mắng mỏ một cô nhân viên rất bất công và cô ấy đang tính tìm việc nơi khác. Hôm nay mình nhận thấy mình sai, đến xin lỗi cô ấy. Cô ấy cảm động vì thấy mình là boss tốt, sai thì xin lỗi tử tế, thế là cô ấy không muốn đi nơi khác nữa, mình không mất nhân viên tốt.

    Không phài là mình đã làm một điều gì sai là mình bị chết cứng với luật nhân quả. Rốt cuộc, nếu mình làm nhiều điều thiện lành và tích cực, thì sẽ có nhiều quả tốt đánh bật các quả xấu của mình ra ngoài.

    Chúc em vui.

    A. Hoành

    Like

Leave a comment