Syria: An ninh Syria ‘phạm tội chống nhân loại’ – Khối Ả Rập thông qua chế tài với Syria – Nga sẽ cử hạm đội tàu chiến tới Syria


Kiều dân Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối chiến dịch đàn áp của chính phủ ở quê nhà

Lực lượng an ninh của Syria đã vi phạm ‘những tội ác chống lại loài người’ trong cuộc ngăn chặn dòng người biểu tình chống chính phủ vẫn đang tiếp diễn.

Nghiên cứu thực hiện bởi một ủy ban độc lập buộc tội an ninh phạm những tội như giết người, tra tấn và lạm dụng tình dục.

Syria phải có trách nhiệm đối với những tội ác này, báo cáo viết, và thúc giục Damascus xử những kẻ phạm tội.

Chính phủ Syria thì nói họ đang đấu tranh với những băng đảng có vũ khí.

Từ tháng Ba năm nay, tin nói đã có hơn 3.500 người đã chết do bạo lực.

Con số tử vong được UN ước lượng do không được xác nhận vì hầu hết các hãng thông tấn nước ngoài đều bị cấm vào Syria.

“Nổ súng để giết”

 

Hội đồng gồm ba thành viên này đã công bố bản báo cáo dài 39 trang trong một cuộc họp báo ở Geneva vào thứ Hai.

“Ủy ban lo ngại một cách nghiêm túc rằng các tội ác chống nhân loại đã xảy ra ở nhiều địa điểm khác nhau ở Syria,” theo bản báo cáo.

Hội đồng này nói họ đã phỏng vấn 223 nạn nhân, nhân chứng và những quân nhân đã đào ngũ để điều tra liên quan đến những vi phạm nhân quyền tháng 9 tới giữa tháng đến trung tuần tháng 11.

Tuy nhiên, thành viên đội thanh tra cho biết chính đội điều tra này đã bị từ chối cho vào Syri.

Báo cáo bao gồm những chứng cứ lạnh người về sự lạm dụng, những cuộc xử tử chớp nhoáng, bạo lực tình dục và những người dân thường bị bắt bớ trong cuộc biểu tình.

Một vài người được phỏng vấn có nói về những mệnh lệnh “bắn bỏ”để hạ gục đoàn ngươi chiểu tình.

Một cựu quân nhân nói ông chỉ bắn chỉ thiên, và sau đó đã bị bắt lại, đánh đập và tra tấn.

Báo cáo cũng nói an ninh Syria đã giết ít nhất 256 trẻ em trong thời gian qua.

 

Cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập
Syria đã bị đình chỉ tư cách thành viên khối Ả Rập từ tuần trước

Liên đoàn Ả Rập vừa thông qua một số biện pháp chế tài đối với Syria, trong đó có việc phong tỏa tài sản và cấm đầu tư.

Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng bạo động. Liên Hiệp Quốc ước tính chừng 3.500 người thiệt mạng trong khi chính quyền Syria tìm cách dập tắt biểu tình chống chính phủ.

Liên đoàn Ả Rập đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria hồi đầu tháng, động thái mà Damascus lên án là can thiệp vào công chuyện nội bộ.

Ngoại trưởng các quốc gia trong liên đoàn đã thông qua các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ tại một cuộc họp ở Cairo với 19 phiếu thuận và ba phiếu chống.

Trước đó, Syria từ chối cho 500 quan sát viên của khối này được vào trong đất nước để đánh giá tình hình tại hiện trường.

Syria, một trong những sáng lập viên của Liên đoàn Ả Rập, nhanh chóng lên án việc này là phản bôi lại tình đoàn kết của khối Ả Rập.

Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Muallem đã cáo buộc các nước trong liên đoàn là tìm cách “quốc tế hóa” cuộc xung đột.

Từ chối thực hiện

Thủ tướng, đồng thời là Ngoại trưởng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani đã công bố một số chi tiết về biện pháp chế tài tại một cuộc họp báo ở Cairo. Trong đó có:

  • Ngừng giao dịch với Ngân hàng trung ương Syria
  • Ngừng trợ giúp của các nước Ả Rập cho các dự án tại Syria
  • Cấm quan chức cao cấp nước này tới các nước Ả Rập khác
  • Phong tỏa tài sản liên quan tới chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad

Tuyên bố chung của khối cũng kêu gọi ngân hàng trung ương của các nước theo dõi các khoản chuyển ngân tới Syria, trừ ngoại hối của người Syria ở hải ngoại.

Các chuyến bay thương mại giữa Syria và các nước Ả Rập khác có thể sẽ bị đình chỉ, ngày tháng sẽ được thỏa thuận vào tuần tới.

Hai nước láng giềng của Syria là Iraq và Lebanon đã bỏ phiếu trắng.

Iraq cho rằng phong tỏa kinh tế sẽ không có tác dụng.

Sheikh Hamad nói Iraq sẽ không áp dụng chế tài, trong khi Lebanon “đang tự cô lập”.

Iraq là bạn hàng lớn thứ hai của Syria, chiếm tới 13,3% tổng ngân sách thương mại của nước này, tức khoảng 6,78 tỷ euro.

Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ, vốn tham gia cuộc họp với tư cách quan sát viên vì không phải thành viên Liên đoàn Ả Rập, nói sẽ có hành động thể theo quyết định của khối này.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu được hãng thông tấn Anatolia dẫn lời nói: “Khi dân thường bị giết hại tại Syria và chính phủ nước này ngày càng hà khắc đối với người dân, không ai có thể trông đợi Thổ Nhĩ Kỳ và Liên đoàn Ả Rập im lặng được”.

Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ đã đưa ra trừng phạt từ trước đối với Syria.

Trong khi đó, tình trạng bạo lực tiếp tục vào Chủ nhật qua, giới hoạt động chính trị Syria cho hay ít nhất 11 người thiệt mạng trong nước này.

Tại Homs ít nhất sáu người chết trong ba vụ riêng rẽ, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria có trụ sở tại London.

Hành lang nhân đạo

Liên đoàn Ả Rập đã đe dọa trừng phạt Syria hồi đầu tháng sau khi Tổng thống Bashar al-Assad nhiều lần không thực hiện được các biện pháp chấm dứt bạo lực, trong đó có việc cho phép quan sát viên quốc tế tới Syria.

Damascus xuất khẩu khoảng một nửa hàng hóa tới các nước láng giềng Ả Rập, đồng thời khoảng 1/4 lượng nhập khẩu là từ các nước này. Vậy cho nên việc chế tài của khối, cộng thêm Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tăng thêm áp lực đối với Syria và khiến nước này càng bị cô lập hơn.

Hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Syria Muallem đã lên tiếng chỉ trích liên đoàn về việc mời LHQ tham gia phái đoàn quan sát viên, nói đây là mở đường cho can thiệp của nước ngoài thay vì ngăn chặn việc này.

Thế nhưng Sheikh Hamad nói các biện pháp trừng phạt là cần thiết nếu như các nước Ả Rập muốn chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế là “nghiêm túc”.

“Chúng tôi đang nỗ lực để ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài.”

Nga sẽ cử hạm đội tàu chiến tới Syria

Hạm đội tàu chiến của Nga sẽ đến Syria vào đầu năm tới và dừng chân một khoảng thời gian ngắn, trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng xung quanh Syria.
> Trung Đông trong nước sôi lửa bỏng
> Chiến hạm Nga, Mỹ ở Trung Đông

Tàu sân bay Kuznetsov của Nga. Ảnh:
Tàu sân bay Kuznetsov của Nga. Ảnh: Globalmilitaryreview

Hạm đội tàu chiến, do hàng không mẫu hạm Kuznetsov dẫn đầu, sẽ thả neo tại một căn cứ hải quân ít được sử dụng của Nga ở cảng Tartus của Syria vào mùa xuân năm 2012, nhật báo Izvestia của Nga hôm nay dẫn thông báo hải quân nước này cho hay.

Tàu sân bay Kuznetsov, hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động của Nga, sẽ rời vùng cực bắc nước Nga trong tháng 12, rồi theo hướng phía tây của châu Âu để vào Địa Trung Hải thông qua eo biển Gibraltar.

Hàng không mẫu hạm Kuznetsov sẽ không thể cập cảng Tartus do kích thước quá khổ của nó. Thay vào đó, tàu sân bay này sẽ thả neo ngoài khơi Syria và chờ tiếp vận từ các tàu nhỏ hơn đi cùng, tờ báo Nga nói trên cho biết. Kuznetsov từng tới khu vực này trước đây trong các năm 1995 và 2007.

Căn cứ hải quân Tartus, một cơ sở chiến lược của Nga đã có từ thời Xô Viết, hiếm khi là nơi dừng chân của các tàu chiến nước này. Hiện không có một tàu hải quân nào của Nga có mặt tại Tartus, dù một số thường dân và binh sĩ nước này đang đồn trú ở đây.

Một phát ngôn viên hải quân Nga xác nhận kế hoạch cử hạm đội tàu tới Syria, nhưng cho biết thêm rằng việc này không có liên quan tới làn sóng bạo lực ở Syria khi lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đụng độ với phe đối lập.

Cũng theo người phát ngôn này, tàu sân bay Kuznetsov còn ghé thăm cả thủ đô Beirut của Lebanon, cảng biển miền nam Genoa của Italy và đảo Síp. “Đây là một hoạt động đã được lên kế hoạch từ năm 2010 khi Syria chưa gặp phải khủng hoảng như hiện nay. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tích cực cho hoạt động này và không có lý do nào để hủy bỏ nó”.

Nga và phương Tây đang ngày một bị chia rẽ sâu hơn về vấn đề Syria. Moscow cho hay những lệnh trừng phạt và sức ép nhằm vào chế độ Assad không phải là cách để giải quyết cơn khủng hoảng.

Tàu sân bay Kuznetsov hiện cũng có mặt tại Địa Trung Hải để tham gia một cuộc tập trận chung với hải quân Israel tại vùng biển gần vùng đặc quyền kinh tế của đảo Síp. Sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm này gần như trùng với thời điểm Mỹ điều siêu tàu sân bay USS George H.W. Bush, hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis tới khu vực Trung Đông.

Nhật Nam

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s