5 Điều Phạt

Tổng Quan về Phim Hoạt Hình Việt Nam

Tổng hợp bởi Thu Hương, huongdt@5giosang.org

Hoạt hình Việt Nam hay ngành sản xuất phim hoạt hình Việt Nam được ra đời từ năm 1959 với bộ phim nhựa trắng đen đầu tiên “Đáng đời thằng Cáo” giới thiệu năm 1960. Đến nay, ngành sản xuất phim hoạt hình Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1959 – 1975), Thời kỳ bao cấp (1976 – 1985), Thời kỳ đổi mới (1986 – 2000) và Thời kỳ hội nhập Quốc tế (2001 đến nay). Có một sự thật đáng buồn là nếu như ở những thời kỳ trước, phim hoạt hình Việt Nam còn thấp thoáng ở các Liên hoan phim quốc tế thì bây giờ, chuyện gửi phim đi tham dự liên hoan được xem là “quá sức”.

“Không phải phim hoạt hình Việt Nam không thực hiện được những điều lớn lao nhưng hiện nay, nó đang bị bó trong cái nôi của cơ chế xin cho; đang bị hạn chế bởi rất nhiều lý do, trong đó có lý do về kinh tế, lý do về phương tiện kỹ thuật, và quan trọng nhất là lý do về con người.”

Ông Đặng Vũ Thảo-Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam

“Hoạt hình Việt Nam đang chết yểu. Trong Nam, hoạt hình gần như bỏ trống.”

“Tôi nản với nghề vì không nhìn thấy tương lai nào cho hoạt hình Việt Nam.”

“Không lối ra, không đầu tư, không quảng cáo, không trình chiếu”

Nội dung gò ép, hoạt họa nhàm chán.

Phim hoạt hình Việt Nam hiện nay bị gò ép về nhiều phương diện. Sản xuất phim hoạt hình hiện nay được xem như chủ yếu là để hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành đơn đặt hàng sao cho đúng với yêu cầu của trên đưa xuống, chứ hoàn toàn không xuất phát từ mong muốn đáp ứng được tâm tư, tình cảm của khán giả nhí thời đại. Một khán giả nhỏ chia sẻ “Tôi thấy hoạt hình Việt Nam hình ảnh không đẹp, thiếu sáng tạo, chủ yếu là những bài học đạo đức rất khô khan.”

Nếu như mức độ đầu tư cho điện ảnh Việt Nam luôn được xem là “thê thảm” thì có lẽ đầu tư cho phim hoạt hình Việt Nam có thể xem là “vượt trên cả thê thảm”. Phim hoạt hình là loại phim kiêu sa, tỉa tót, cầu kỳ hơn bất cứ loại phim nào trong điện ảnh, tuy vậy hiện nay lại nhận được sự quan tâm và đầu tư hết sức khiêm tốn. Mỗi tập him hoạt hình13 phút chỉ được đầu tư khoảng 130 đến 160 triệu đồng. Mức độ đầu tư này còn thấp hơn cả một tập phim truyền hình trung bình khoảng 200 triệu đồng một tập phim.

“Tôi nghĩ điều chúng ta thiếu trước tiên là thiếu sự tự tin. Sự thiếu tự tin dẫn đến thiếu đầu tư.”

Ông Đỗ Quang Minh, Giám đốc Dofilm

“Lối làm phim của Việt Nam không giống ai. Động đến tiền là cả vấn đề căng, cách tiêu tiền của Việt Nam cũng có một không hai. Tiền sản xuất phim đã ít, khấu trừ cho các chi phí phụ lại rất cao. Tiền chính cầm đi sản xuất phim có khi không được nửa. Còn hơn nửa dành trả lương công cho những người, những việc làng nhàng, ăn theo sự ra đời của bộ phim.”

“Chưa kể bao nhiêu hội thảo về phim hoạt hình diễn ra ở nước ngoài là dịp để anh chị em trong nghề học hỏi bạn bè quốc tế thì quan chức đi thay. Tháng 2/2007, bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên do ngành đầu tư và tôi là đạo diễn, “Giấc mơ của ếch xanh” được đến Indonesia nhận giải thưởng, nhưng các quan chức đã đi và nhận giải hộ. Những dịp như vậy chúng tôi không đượccọ xát thì làm sao hội nhập quốc tế.”

Không truyền thông quảng cáo

Dường như có một tâm lý bất công với phim hoạt hình rằng đây là phim dành cho trẻ con, nên không việc gì phải đầu tư, quảng cáo. Nhưng thực tế, đây là một sản phẩm văn hóa, hay chính là một loại hàng hóa. Mà hàng hóa muốn được nhiều người biết tới thì phải có truyền thông quảng cáo. “Rất muốn con mình được xem những bộ phim hoạt hình thuần Việt nhưng thực sự không biết tìm ở đâu. Hàng triệu trẻ em của chúng ta lớn lên mà trong ký ức tuổi thơ của chúng không hề có bóng dáng phim hoạt hình Việt”, một phụ huynh có con nhỏ chia sẻ.

“Tiền làm phim còn “nhỏ giọt” thế, nói gì đến quảng cáo. Hơn nữa, giả dụ có tiền, nhiều nhà quản lý vẫn chưa chắc đã nghĩ đến chuyện quảng cáo. Dường như họ quan niệm phim cho trẻ con thì không cần quảng cáo.”

“Khán giả không được tiếp xúc với phim hoạt hình Việt Nam, vì phim của chúng tôi làm đâu có chỗ chiếu thường xuyên. Hiện nay, phim hoạt hình Việt Nam nằm trong hệ thống quản lý điện ảnh. Điện ảnh lại có sự quản lý tách biệt với truyền hình nên hoạt hình Việt Nam không có sân để bộc lộ.”

Và lý do cuối cùng cho sự ảm đạm của tương lai phim hoạt hình Việt Nam nhưng có lẽ là cốt lõi nhất đó chính là con người. Với những bế tắc của ngành sản xuất phim hoạt hình Việt Nam hiện nay thì những trái tim tâm huyết đang mất hẳn.

“Phim hoạt hình Việt Nam tụt hậu xa với thế giới. Hiện tại ở Hà Nội cũng đã có một hãng phim hoạt hình riêng, nhưng chỉ để hoàn thành nhiệm vụ chứ những người đau đáu vì nghề thì thưa dần.”

 “Làm phim hoạt hình đòi hỏi rất nhiều kỳ công nhưng lại không được xem trọng. Lương thấp nên nhiều người bỏ nghề. Đầu ra lại không có, nên làm ra phim cũng không biết đứa con tinh thần của mình đi đâu, về đâu.”

Người tâm huyết với ngành ngày càng mai một, người có năng lực chuyên môn cao đủ khả năng sản xuất những phim hoạt họa đẹp và hấp dẫn từ màu sắc, bố cục, đến xây dựng hình tượng nhân vật cứng và đều tay lại càng ít ỏi.

“Hoạ sĩ của mình vẽ đẹp thì không thiếu, nhưng chỉ là vẽ một tranh đẹp, còn vẽ đẹp ổn định nhất quán được từ cảnh đầu tiên đến cảnh cuối cùng vẫn đẹp thì thật ít. Đó là vì khối lượng của công việc hoạt họa rất đồ sộ, rất dễ nản.

Ông Vương Quốc Thịnh, Giám đốc Artsign

Gần đây, khán giả Việt Nam bất ngờ với một số phim hoạt hình do các bạn trẻ đam mê tự làm với nhau như “Dưới bóng cây” của Colory, “Trên ngọn cây” của Biqit, “Gia tài của cha” của Taliban, v.v. Tuy vậy, sau những cú chấn động thu hút vài trăm ngàn lượt xem trên mạng, chính các nhóm làm phim cũng đầy hoang mang về đam mê và lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.

“Những người giỏi tay nghề hiện nay thường ít chọn con đường như nhóm đang theo đuổi bởi họ thích những lời mời công việc với mức lương cao hứa hẹn hơn rất nhiều việc theo đuổi đam mê làm phim. Bản thân nhóm khi thực hiện bộ phim này cũng chưa biết thu lại kinh phí từ đâu.”

Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn, nhóm Colory

Ngoài ra, căn bệnh “chưa thành sao đã thành chảnh” cũng được xem là một trong những lý do khiến cho các tác giả hoạt họa Việt Nam vừa mới có danh tiếng đã hài lòng với thành công hiện tại và không đi tiếp được để tạo ra những tác phẩm khác lớn hơn.

“Cũng có một số tác giả đã thành công trong ngành hoạt họa Việt Nam. Nhưng khi họ bắt đầu thành công và có danh tiếng thì đòi hỏi quá nhiều, hoặc dễ bất mãn, và tách ra riêng.”

Ông Vương Quốc Thịnh, Giám đốc Artsign

Hoạt hình Việt Nam vẫn đang được ví như “đứa bé còi cọc, thiếu sức sống, phải gồng mình lên một cách tuyệt vọng để tồn tại”, hay như “giấc ngủ đông không có hồi kết” hay là “ánh sáng cuối đường hầm”, v.v. Nhân cái sự bế tắc của phim hoạt hình Việt Nam thời kỳ trước và sự nở rộ của những nhóm làm phim hoạt hình Việt Nam gần đây, phải chăng đây là lúc để tập hợp những con người đam mê và tài năng muốn cống hiến cho nền hoạt hình Việt Nam, dành cho họ sự đầu tư và trân trọng xứng đáng, ể khơi dậy sức sống của “đứa bé còi cọc thiếu sức sống”, để đánh thức “giấc ngủ đông không có hồi kết” ấy?

Thông tin & Số liệu

Để có hình ảnh chuyển động trong 1 phút, người họa sĩ phải tốn đến 1.440 hình vẽ ở các góc khác nhau.

Để ra được 10 phút phim hoạt hình cần vài chục con người lao động cật lực 2 năm.

Để làm phim hoạt hình Lion King của Walt Disney cần đến gần 600 họa sỹ làm trong 2 năm rưỡi cho 2h45’phim.

Mỗi năm nhà nước đầu tư cho Hãng phim hoạt hình Việt Nam ra khoảng 9-10 phim, nhưng trong đó chỉ có
vài phim được công chiếu.

Hiện nay, cả nước có 2 đơn vị nhà nước chuyên sản xuất phim hoạt hình là Hãng phim hoạt hình Việt Nam và Xưởng sản xuất phim hoạt hình thuộc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC). Tư nhân có được một vài hãng.

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, bộ phim hoạt hình 3D “Người con của Rồng” được
đầu tư với số tiền kỷ lục cho phim hoạt hình là 6 tỷ đồng.

Các rạp chiếu phim thà bỏ ra thêm 1 tỷ đồng để lồng tiếng Việt cho một bộ phim hoạt hình nước ngoài, phục vụ các khán giả nhí chưa biết chữ, hơn là chiếu một bộ phim hoạt hình trong nước.

Một bộ phim hoạt hình 10 phút hiện nay được đầu tư không bằng một bộ phim truyền hình (160 triệu đồng cho 10 phút phim hoạt hình so với 200 triệu đồng cho mỗi tập phim truyền hình).

Thu nhập của người làm phim hoạt hình ở Hãng phim hoạt hình Việt Nam chỉ là 700.000-800.000 đồng/tháng,
ở Hãng phim Giải Phóng là hơn 1.500.000 đồng/tháng.

Hiện nay, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã xây dựng một đề án “Giáo dục lịch sử, văn hoá, truyền thống yêu nước và cách mạng cho thiếu niên, nhi đồng qua phim hoạt hình” nhằm sản xuất những bộ phim hoạt hình Việt có chất lượng tốt, đồng thời có thể giáo dục kiến thức lịch sử cho trẻ em.

Hiện Hãng phim hoạt hình Việt Nam chỉ có thể làm được 250 phút phim/năm.

Tác giả Dương Minh Lộc đã tốn hơn 1 năm trời với số vốn 1 triệu đồng để tự hoàn thành 9 phút 21 giây của phim hoạt hình 5 ĐIỀU PHẠT.

5 ĐIỀU PHẠT

Đẹp bất ngờ phim hoạt hình vẽ tay Việt Nam

Từ 24/10/2011-Tiệc phim ngắn trực tuyến Yxineff– Giới thiệu phim hoạt hình “5 ĐIỀU PHẠT” của tác giả Dương Minh Lộc.

Nếu như trên các diễn đàn hoạt hình vẫn đang tranh cãi chưa có hồi kết về việc “Đi tìm thương hiệu cho hoạt hình Việt”, thì tác giả Dương Minh Lộc với niềm mê hoạt họa đã dành thời gian lặng lẽ quan sát cuộc sống quanh mình và…vẽ xuống. Thế rồi, 5 ĐIỀU PHẠT ra đời từ một nỗi bận lòng về đề tài gia
đình của tác giả. 5 điều phạt được chọn trong phim bao gồm 4 điều mà tuổi thơ của tác giả hay bất cứ đứa trẻ nào cũng thường làm, và 1 điều mà tác gọi là “ước mơ của Minh Lộc” vì chưa bao giờ làm được.

Trong khi gần đây thị trường phim hoạt hình đang hết sức sôi động với thể loại phim 3D thì tác giả Minh Lộc lại vẫn cặm cụi mê say từng chi tiết để tỉ mỉ hoàn thành phim hoạt hình 2D vẽ tay của mình. Ấy là vì tác giả yêu cái sự quyến rũ tinh tế của hoạt họa 2D-mỗi 1/24 giây trong phim là một bức vẽ
riêng biệt, cho phép người họa sĩ tả hết sức chân thật từ chi tiết và ánh sáng của tranh nền đến từng biểu cảm và chuyển động của nhân vật. Và cũng chính vì sự “quyến rũ” quá nhọc sức này mà đã ba, bốn lần tác giả muốn bỏ cuộc.

Nhưng cuối cùng, sau hơn một năm trời tác giả “thai nghén”, tác phẩm đã hoàn thành và đã được rất nhiều bạn bè nhiệt tình ủng hộ.

Chia sẻ với riêng tác giả, Minh Lộc cũng mong muốn 5 ĐIỀU PHẠT có thể là một động viên nho nhỏ cho các bạn đam mê làm hoạt hình. Tuy làm hoạt hình rất thử thách và vất vả, nhưng không nhất thiết phải có máy móc cực xịn, phần mềm thật chuyên nghiệp, tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài hay cần một ê kíp
làm phim cực lớn để thực hiện. Minh Lộc chính là một ví dụ về một sinh viên chỉ có vỏn vẹn 1,000,000 đồng đầu tư cho bộ phim, xài bảng vẽ cực rẻ, chỉ dùng phần mềm flash, chưa bao giờ ra nước ngoài và hoàn toàn thực hiện bộ phim một mình.

Về nội dung, phim kể về một dịp tình cờ người đàn ông bắt gặp những điều phạt còn dang dở chưa hoàn thành với mẹ trong quá khứ. Mọi thứ đã qua, chẳng có gì đáng nói. Nhưng mỗi người được quyền chọn mình sẽ làm gì. Dù đã qua nhiều năm tháng, đâu là những giá trị ta tin yêu mà ta còn muốn giữ lại
cho mình?

“Có những hình phạt khiến ta đau khổ, nhưng cũng có những hình phạt khiến ta hạnh phúc”, tác giả Dương Minh Lộc chia sẻ.

“Phim hay, đơn giản nhưng khiến người xem suy nghĩ về hiện tại của mình”, một khán giả trên Yxineff chia sẻ.

Tác giả Dương Minh Lộc hiện là sinh viên sắp tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc TpHCM. Với đam mê truyện tranh và phim hoạt hình từ nhỏ, Minh Lộc luôn cố gắng theo đuổi và tìm kiếm cơ hội được sáng tác thật nhiều tác phẩm truyện tranh và phim hoạt hình.

 

</div.

Một suy nghĩ 4 thoughts on “5 Điều Phạt”

  1. Cảm ơn Thu Hương đã giới thiệu đến các bạn Vườn Chuối cuốn phim hoạt họa này, và đã nên lên một vấn đề quan trọng. Phân giới thiệu của Thu Hương rất công phu, chẳng thua kém gì cuốn phiim.

    Anh rất thích phim hoạt họa và tin rằng trong tất cả cách phương cách giáo dục trẻ em, phim hoạt họa đứng hàng số 2, sau bố mẹ và thầy cô.

    Anh tin rằng phim hoạt họa của Việt Nam sẽ khởi sắc, vì nhu cầu của thị trưởng là như thế. Nhưng nó đòi hỏi những người tâm huyết như Minh Lộc.

    Thích

  2. Cam on anh Hoanh,

    May tinh nha em ko vao duoc dotchuoinon. Hom nay ra ngoai nen em moi doc duoc 🙂

    Em thay hanh phuc va tu hao khi duoc xem nhung san pham tu tay nhung nguoi day tam huyet, niem tin va lao dong cat luc vo dieu kien. Nhung chac chan la nhung nguoi nhu Minh Loc se con phai chien dau nhieu 🙂 chi hy vong la den ngay nao do no se duoc thuong thuc va tran trong.

    Cam on anh lan nua & Chuc anh Hoanh ngay vui,
    benho

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s