Chủ tịch Việt Nam thăm Philippines — VN đàm phán mua 4 tàu chiến của Hà Lan

Chủ tịch Trương Tấn Sang
Ông Trương Tấn Sang vừa thăm Ấn Độ và Sri Lanka

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Manila chỉ trích thỏa thuận Việt-Trung về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp Biển Đông đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.Lý do là họ cho rằng thỏa thuận này chú trọng đàm phán song phương mà không tính tới sự tham gia của các bên liên quan, trong đó có Philippines.Tổng thống Benigno Aquino nhấn mạnh trên truyền thông Philippines rằng giải pháp tối ưu nhất trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ là đàm phán đa phương.

Ông tổng thống cũng cho hay sẽ đề cập chủ đề này với Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang

Đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Dương Trung Quốc nhận định với BBC trước thềm chuyến công du lần này của Chủ tịch Sang:“Bây giờ là lúc hơn bao giờ hết Việt Nam thể hiện chủ trương đa phương trong quan hệ quốc tế. Tôi nghĩ Philippines là một trong các quốc gia có thể chia sẻ với Việt Nam rất nhiều, nhất là với vai trò cùng là các nước Asean, đồng thời là quốc gia trong khu vực Biển Đông.”

Đây sẽ là lần thăm chính thức đầu tiên Philippines kể từ khi ông Sang được Quốc Hội bầu làm chủ tịch nước hồi tháng Bảy.

Đàm phán đa phương

Hôm 12/10, Tổng thống Aquino nêu rõ về vai trò trọng tâm của Asean trong việc thoả thuận giải quyết vấn đề Biển Đông qua quan điểm chỉ có đàm phán đa phương là giải pháp tốt nhất để xử lý tranh chấp, theo Reuters.

Trong khi đó, hôm 17/10, hãng Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Duy Minh cho biết Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các cuộc đàm phán, và vì vậy, không cần sự can thiệp của một bên thứ ba.

“Tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Philippines chỉ có thể được giải quyết qua việc đàm phán trực tiếp giữa Trung Quốc và Philippines, một lập trường mà Philippines biết khá rõ”, ông Lưu Duy Minh nói.

Theo tờ báo này, phía Trung Quốc cho rằng các cuộc đàm phán đa phương có thể sẽ làm tình hình thêm phức tạp, chứ không giúp giải quyết được vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, tin cho hay tình trạng ngư phủ Việt Nam xâm nhập lãnh thổ Philippines đánh bắt cá bất hợp pháp cũng nằm trong nghị trình thảo luận giữa nguyên thủ hai nước.

Gần đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Philippines đạt được nhiều điểm nổi bật, đặc biệt là thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng ký hồi đầu tháng 10/2010. Trong đó, hai nước sẽ xúc tiến đàm phán để ký kết hai thỏa thuận quan trọng về hợp tác an ninh-quốc phòng trên biển.

Thỏa thuận này được ký trong kỳ họp lần 6 Ủy ban Hợp tác Song phương Việt Nam-Philippines vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 7/10/2011.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm một xưởng đóng tàu ở Hà Lan
Việc mua tàu chiến được đề cập tới trong chuyến thăm Hà Lan mới đây của TT Việt Nam

Tin cho hay Việt Nam đang thảo luận việc mua bốn tàu hộ tống lớp Sigma của Hà Lan, tổng trị giá lên tới nhiều tỷ đôla.

Truyền thông Hà Lan cho biết kế hoạch mua bốn tàu chiến hiện đại này được thông báo trong chuyến thăm Hà Lan mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong chuyến đi kéo dài từ 27/09-01/10, ông Dũng đã thăm nhà máy đóng tàu của tập đoàn Damen, một công ty khổng lồ đã có hoạt động hợp tác kinh doanh dân sự với Việt Nam.

Hiện giới chức hai nước đang tiến hành thảo luận về ngân vốn cho hợp đồng mua tàu chiến khổng lồ trước khi có thể ký kết chính thức.

Trị giá hợp đồng không được tiết lộ, tuy nhiên theo các nguồn tin quân sự, mỗi chiếc tàu hộ tống lớp Sigma chế tạo và lắp đặt tại Hà Lan có thể có giá tới gần 1 tỷ đôla.

Báo Hà Lan cho hay Việt Nam dự tính mua hai tàu lắp đặt tại nhà máy Schelde ở Vlissingen, Hà Lan; hai chiếc khác sẽ đóng tại Việt Nam, và do vậy giá thành có thể giảm nhiều.

Tàu hộ tống lớp Sigma có lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.692 tấn, dài 90,7m và rộng 13m.

Tàu này được trang bị bốn bệ phóng tên lửa chống hạm MM40 Block 2, hai bệ phóng tên lửa phòng không có điều khiển Mistral, pháo và ngư lôi chống tàu ngầm. Tàu Sigma cũng có sân bay dành cho trực thăng.

Các nước như Indonesia và Morocco đã mua nhiều tàu hộ tống lớp Sigma từ Hà Lan, quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ đóng tàu.

Hiện đại hóa hải quân

Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp hạm đội vốn nghèo nàn và lạc hậu của mình trong bối cảnh Biển Đông đang có nhiều biến động.

Hải quân Việt Nam năm ngoái đã tiếp nhận hai tàu hộ tống Gepard-3.9 từ Nga.

Tàu hộ tống Gepard-3.9 đời mới nhất so Nga sản xuất, sử dụng công nghệ tàng hình, có khả năng tác chiến với cả tàu ngầm và tàu chiến, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không.

Quân đội Việt Nam cũng đã đặt sáu tàu ngầm hạng Kilo và nhiều chiến đấu cơ Su-30MK2 từ Nga.

Ngoài hai tàu Gepard, Hải quân Việt Nam có 2 chiếc tàu tuần tiễu loại nhẹ BPS – 500 và 5 chiếc lớp Petya-III.

Việt Nam cũng đã mua từ Nga 4 tàu hỏa tiễn lớp Tarantul I và tàu chiến siêu tốc Molnya có trang bị tên lửa siêu âm chống hạm và tên lửa phòng không tầm ngắn.

Tuy nhiên hợp đồng mới cho thấy Việt Nam đang muốn mở rộng hợp tác mua bán vũ khí ra các quốc gia vốn không có truyền thống cung cấp vũ khí cho Việt Nam.

Mới đây, một nhà máy ở trong nước loan báo đã lần đầu tiên đóng mới thành công tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động.

Việt Nam cũng đang hy vọng sẽ tự sản xuất tàu chiến ở trong nước theo bản quyền của nước ngoài.

Một bình luận về “Chủ tịch Việt Nam thăm Philippines — VN đàm phán mua 4 tàu chiến của Hà Lan”

  1. Đường lưỡi bò của TQ đẩy cả khu vực Đông Nam Á vào thế bất an.

    Không riêng VN, các nước một mặt vẫn phải ngoại giao mềm với TQ, một mặt âm thầm chuẩn bị vũ khí để đối phó với gã khổng lồ hung hãn này.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s