Tĩnh lặng giải quyết vấn đề cho ta

Chào các bạn,

Bạn học trong một lớp “cách làm quyết định” và đề bài cho bạn là thế này: Bạn có một tiệm phở, và một cô tiếp viên tên Hoa. Mây hôm trước Hoa có đưa Hiền, cô bạn học cùng lớp, đến tiệm chơi, gặp bạn, và bạn bảo Hoa làm một tô phở đặc biệt cho Hiền, không tính tiền. Vài hôm nay Hoa và Hiền có vấn đề, vì cả hai cùng thích một cậu cùng trường. Và Hiền viết lên blog của Hiền một bài dài, tố khổ tiệm phở của bạn—nào là phở tồi ăn vào muốn ói, tiếp viên tiếp kiểu ném bát ném đũa, ăn thì phí cả tiền. Hoa biết được bài viết, vội vã báo cho bạn biết và xin lỗi là đã đưa Hiền vào ăn. Bạn giải quyết vấn đề cách nào?

Thông thường thì các giảng viên bảo bạn ghi xuống giấy tất cả các quyết định bạn có thể làm, như là:

1. Goi điện thoại cho Hiền và yêu cầu cô ấy xóa bài đó.
2. Gọi luật sư hỏi cách chận Hiền.
3. Viết thơ đến Internet company của blog của Hiền và báo cho họ biết bài báo láu cá của Hiền.
4. Trình báo với công an văn hóa.
5. Đuổi Hoa.

Rồi dưới mỗi quyết định bạn ghi các điều lợi, hại, khả năng thành công… sau đó sẽ so sánh các biện pháp để quyết định.

Cách này là cách tiêu chuẩn trong các lớp dạy làm quyết định. Và hầu như mọi lớp đều quên một cách làm quyết định quan trọng nhất—đó là chẳng làm gì cả, đừng nổi nóng, đừng lo, để cho tâm tĩnh lặng, rồi từ từ mới suy nghĩ xem sao.

Có thể là ngày hôm sau, hay hai hôm sau đó, khi ta tĩnh lặng hơn về việc này một chút, ta sẽ không cảm thấy chuyện này có gì quan trọng cả, chỉ là hai cô bé cãi nhau. Đến blog của Hiền đọc thì thấy có bài đó thật, và cả thế giới có thể đọc, nhưng blog này nhìn bài vỡ và phản hồi thì có lẽ cùng lắm là 20 người đọc, cùng lắm là 20 người biết chuyện này, mà chưa chắc trong đó có được 10 người tin Hiền, vì blog nhỏ thế thì thiếu uy tín. Và nếu mai sau có ai đọc được thì mấy ai tin một blog tí xíu như thế? Nếu căng với Hiền thì chẳng lợi được gì. Cô bé lại có thể làm lớn chuyện, chạy sang các blog lớn thông tin là chủ tiệm Phở ỷ giàu dọa nạt sinh viên nghèo, thì có thể cả mạng sẽ biết chuyện. Lúc đó dù sự thật thế nào thì tiệm phở cũng chỉ có lỗ. Thôi để cho nó chìm xuồng luôn cho được việc.

Các bạn, khi ta gặp vấn đề mà không làm gì ngay lúc đó cả, chỉ tĩnh lặng, nếu không tĩnh lặng được thì cầu nguyện hay thiền định để tĩnh lặng. Tĩnh lặng rồi mới nhìn lại vấn đề, thì thường là ta thấy vấn đề đã nhỏ lại rất nhiều. Thường là ta chẳng cần phải giải quyết gì cả, vấn đề sẽ tự biến mất. Đôi khi ta chỉ cần làm một việc gì đó rất dễ và rất nhỏ để giải quyết. Hoặc ta thấy cách biến vấn đề thành cơ hội tốt cho mình.

Một trái tim tĩnh lặng thường thông minh như thế. Và tĩnh lặng thường tự động giải quyết vấn đề cho bạn như thế.

Các bạn nhớ công thức này nhé: “Khi gặp vấn đề, việc đầu tiên ta phải làm là tĩnh lặng. Tĩnh lặng rồi mới nhìn đến vấn đề.”

Tĩnh lặng làm được hai điều:

1. Rất nhiều khi “tĩnh lặng tự nó giải guyết 100% của vấn đề, hay một phần lớn của vấn đề, cho ta.” Ta chẳng phải làm gì cả. Vì tĩnh lặng tạo ra một năng lượng tích cực ấm áp, chính năng lượng đó ảnh hưởng lên trái tim của ta, và của những người khác trong cuộc, và giải quyết vấn đề cho ta, dù ta chẳng làm gì cả.

2. Nếu còn việc để giải quyết, thì tĩnh lặng giúp ta nhìn vấn đề chính xác và thông thái hơn, để giải quyết tốt hơn.

Vi dụ bên trên là dựa vào chuyện có thật. Và mình là người luật sư được hỏi ý ‎ kiến để dạy cho cô bé một bài học. Nhưng mình đã tư vấn thân chủ cho chìm xuồng, và thân chủ này đã làm theo như thế. Và sau đó mọi người đều vui vẻ.

Chúc các bạn một ngày tĩnh lặng và thông thái.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Tĩnh lặng giải quyết vấn đề cho ta”

  1. Câu chuyện ví dụ rất sinh động, nhưng “tĩnh lặng” chỉ là đ/k cần chứ chưa đủ. “Lỗ mọi nhỏ có thể làm đắm thuyền lớn ” mà, Anh Hoành quí mến:).
    Luôn cần tĩnh lặng để nhìn nhận v/đ một cách khách quan nhất!

    Em nghĩ, để giải quyết bất cứ một v/đ gì, điều tiên quyết phải thấy và hiểu (look and see) nguyên nhân chính-phụ dẫn đến sự việc/vấn đề đó. Sau đó cân nhắc để giải quyết, gỡ rối…

    Trường hợp Hoa – Hiền và 1 cậu nào đó, rõ là do tham(tình), tự ái, hiểu lầm nhau… những “handcap” thông thường của tuổi trẻ. Hơi khó để khơi nguồn thông hiểu cho cả 3 tâm hồn này ngay lập tức, song sẽ có rất nhiều cách.
    Có khi sau khi giải quyết v/đ (vô tình ảnh hưởng đến tiêm phở) tình cảm này, tiệm phở tăng doanh thu không ngờ ấy chứ, anh nhỉ 🙂

    Qúi mến!

    Like

  2. Hi Chu Nam Cuong,

    Em nói rất đúng. Nhưng vẫn có một điều em chưa hiểu trong bài. Rất nhiều khi “tĩnh lặng tự nó giải guyết 100% vấn đề cho mình.” Mình chẳng phải làm gì cả. Vì “tĩnh lặng” tạo ra một năng lượng tích cực ấm áp, chính năng lượng đó ảnh hưởng lên trái tim của mình, và của những người khác trong cuộc, và giải quyết vấn đề cho mình, dù mình chẳng làm gì cả.

    Lỗi của anh. Anh viết không rõ. Anh sẽ thêm đoạn này vào bài cho rõ thêm.

    Cảm ơn CNC đã giúp anh thấy vấn đề.

    Like

  3. Em chào anh Hoành…
    Hôm nay em đi làm buổi sáng, đọc được bài viết của anh, quả là một khởi đầu ngày mới tốt đẹp cho em.
    Đây là phản hồi đầu tiên sau 1 năm được biết đến ĐCN, và bây giờ đây, em đã thật sự cảm thấy mình quá may mắn khi được quen biết anh và mọi người, cùng chia sẻ không chỉ những kinh nghiệm sống quý báu mà còn cả những tâm tình bùn vui… Ngày em được biết đến ĐCN và qua từng ngày từng ngày, thấm thoát đã 1 năm rồi, nhưng lúc đó em cũng chỉ là một cô bé sv đi học, chưa va chạm nhiều và câu chuyện anh kể, những bài học quý giá được anh sẻ chia, em đọc và suy ngẫm, giống như tích lũy của cải cho tương lai, và đặc biệt là, tất cả bài viết em đều không phản hồi, có lẽ đơn thuần chỉ là âm thầm đọc, âm thầm suy ngẫm, và âm thầm ngưỡng mộ… Cho đến hôm nay thì cô bé sv đó đã phần nào có cùng tâm trạng, cùng mạch suy nghĩ với những câu chuyện mà anh chia sẻ qua ĐCN, em cảm thấy mình đủ tự tin để giao tiếp vơi mọi người, đặc biệt là với anh, thì em mới viết phản hồi, và em muốn anh biết là em cảm ơn anh rất nhiều, cảm ơn vì tất cả và cảm ơn vì chúa đã dạy dỗ em thông qua anh (em không có theo đạo, nhưng những gì tốt đẹp em đều nghĩ chúa đã phù hộ cho em đó, vì em đc mẹ dắt đi nhà thờ từ nhỏ và em thích Chúa cũng là điều dễ hiều phải không anh? :D)
    Chúc anh và mọi người có một ngày thiệt vui, xin cho em được tiếp thêm ngọn lửa nhỏ này, mong một ngày ĐCN sẽ lớn 🙂

    Like

  4. “Người ta thường hối hận sau khi nóng nảy”
    Và lỗi thường gặp là (đa phần) ta luôn…hành xử nóng nảy khi gặp điều không vừa ý.
    Bài viết anh Hoành rất hay, có nhiều việc nếu bình tĩnh, ta sẽ thấy nó không đáng để…nổi giận.

    Làm được điều này, tất nhiên phải tập luyện.

    Cảm ơn anh Hoành với những chỉ bảo tận tình.

    Like

  5. Chị Ngọc Nho ơi, video này của chị giải thích rõ ràng hơn cho mọi người về Luật hấp dẫn ,à anh Hoành từng giới thiệu chị nhỉ? Em cảm ơn chị nha. Mọi người nên xem video để hiểu hơn về luật này nha.
    Em cảm ơn chị!
    Thân mến,
    E.Diệp.

    Like

  6. Ví dụ minh họa cùa anh Hoành thật cụ thể. Mình cũng có nhiều lần gặp tình huống nổi máu sân si, nhưng vì không gặp ngay lúc đối diện với kẻ thủ phạm để « làm cho ra ngô ra khoai », nên đành nén lòng để đó (chứ chưa phải do tập được « tĩnh lặng » 🙂 ). Nhưng nhờ vậy cơn giận có thời gian hạ nhiệt. Sau đó nhiều khi lại thấy vấn đề không có gì mà ầm ỹ ! Mình thấy nếu võ công « tĩnh lặng » của mình chưa lên được đai đen thì cũng phải ráng tránh đối diện trực tiếp với đối tượng, tránh tuyên bố bất cứ điều gì trong lúc đang « bốc hỏa », như vậy cũng đỡ lắm. Và tất nhiên rèn được tĩnh lặng ngay cả khi đối diện với đối tượng thì đó là tuyệt chiêu rồi.

    Like

  7. “Tĩnh lặng giải quyết vấn đề cho ta”.
    Tâm tĩnh lặng giải quyết được hầu hết mọi việc nếu không nói là tất cả. Vì tâm tĩnh lặng thì sáng như bầu trời trong!
    Cũng có nghĩa là khi tâm chưa tĩnh lặng thì chưa nên có quyết định giải quyết vấn đề, chưa nên nói gì, làm gì?
    Vì rất dễ bị những xung động trong tâm khiến ta quyết định bậy, nói bậy, làm bậy?
    Tôi nghĩ: Đó chính là thực hành đức “nhẫn” của người xưa đã dạy.
    Ngày nay, rất nhiều người, nhất là lớp trẻ, không thích “nhẫn”.
    Vì họ nghĩ “nhẫn” thì “nhục”. Bởi họ thấy 2 chữ ấy thường đi liền nhau: “nhẫn nhục”.
    Với họ, nhẫn là nuốt giận vào bụng, chịu nhục, rồi bị ấm ức.
    Là sợ hãi, chịu khuất phục, không dám nói, không dám làm.
    Là đè nén cảm xúc, đem giấu vào một góc khuất nào đó của tâm thức. (có nguy cơ sẽ bị bùng phát dữ dội bất ngờ, không thể kiểm soát!).
    Tôi hiểu “nhẫn” là không phản ứng tức thì (trừ những việc cấp bách), mà chỉ nói và làm sau khi có cân nhắc, chọn lựa…với tâm bình tĩnh và từ ái – chính là tâm tĩnh lặng.
    Vì vậy, thực hành “nhẫn” chính là thực hành tâm tĩnh lặng. Không khác!
    “Nhẫn” đúng, có cả “trí”, “dũng”, “nhân”. Nhất tự thiên kim!
    Xin vui lòng sửa giúp tôi, chỗ nào tôi nói sai…

    Like

  8. Tĩnh lặng làm được hai điều:

    1. Rất nhiều khi “tĩnh lặng tự nó giải guyết 100% của vấn đề, hay một phần lớn của vấn đề, cho ta.” Ta chẳng phải làm gì cả. Vì tĩnh lặng tạo ra một năng lượng tích cực ấm áp, chính năng lượng đó ảnh hưởng lên trái tim của ta, và của những người khác trong cuộc, và giải quyết vấn đề cho ta, dù ta chẳng làm gì cả.

    2. Nếu còn việc để giải quyết, thì tĩnh lặng giúp ta nhìn vấn đề chính xác và thông thái hơn, để giải quyết tốt hơn.

    Rất đúng …

    Like

  9. Không những bài viết này mà cả trang web tôi rất momg được tuyên truyền cho nhiều người đọc. Thực sự mỗi ngày tôi phải lướt qua trang này, người cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái hơn, nhìn nhận vấn đề tĩnh lặng hơn.
    Cảm ơn Anh Hoành và ban biên tập.

    Like

Leave a comment