SGTT.VN – Muốn giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa mà cứ để tình trạng nhà đầu tư vào xin là cho, rồi sửa quy hoạch thì đến 3,6 triệu ha cũng không còn. Cần quy trách nhiệm rõ ràng khi chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác và xử lý nghiêm. Đồng thời nên có cơ chế đặc thù cho những vùng đảm bảo an ninh lương thực để người dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự phiên họp thứ hai của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ngày 29.9, xung quanh vấn đề Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm năm (2011 – 2015) cấp quốc gia.
Lấy đất lúa phải cải tạo đất hoang để bù
Với tốc độ đô thị hoá và phát triển công nghiệp như hiện nay, việc giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2020 đòi hỏi sự nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị.
|
Thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, thời gian qua, tốc độ giảm diện tích đất lúa nước ở một số địa phương tương đối nhanh (Hải Dương giảm 1.400ha/năm, Vĩnh Phúc 1.200ha/năm, Hưng Yên 1.000ha/năm, TP.HCM 2.700ha/năm, Tây Ninh 3.100ha/năm…) Đất này chủ yếu được chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, còn đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn quả.
Một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước. Vẫn còn tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa nước trong khi vẫn có thể sử dụng các loại đất khác ở địa phương.
Ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật lập luận: không thể vì nhà đầu tư mà chúng ta mất hết đất lúa. Nếu cần, nên bố trí ở những khu đất hoang hoặc chưa sử dụng tới. Muốn giữ được 3,8 triệu ha đất lúa thì phải quyết tâm, nếu vẫn duy trì tình trạng nhà đầu tư vào xin đất (cho dù là đất lúa) là cho rồi sửa quy hoạch thì 3,6 triệu ha cũng không còn. Ở Trung Quốc, nếu lấy 0,3ha đất trồng lúa cũng phải trình quốc hội viện. Nếu ai lấy đất trồng lúa thì phải khai hoang đất xấu để đền bù vào, ta thì chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá dễ.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế, với tốc độ đô thị hoá và phát triển công nghiệp như hiện nay, việc giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2020 đòi hỏi sự nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị. Cần khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiệm ngặt, quy định trách nhiệm rõ ràng, điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có cơ chế và chính sách đặc thù cho những vùng bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, để người dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng.
Nên giảm sử dụng đất đồng bằng
Hiện cả nước có 267 khu công nghiệp với tổng diện tích 72.000ha, nhưng thực tế, các khu công nghiệp đầu tư còn dàn trải, tỷ lệ lấp đầy bình quân chỉ đạt 46%.
Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách, nói: nếu ta cứ tiếp tục phát triển các khu công nghiệp mà không cân đối diện tích đất thì sẽ tồn tại nghịch lý ruộng thiếu, đất thừa. Nên tính tới việc giảm sử dụng đất đồng bằng và chuyển các khu công nghiệp về vùng đồi núi, đất bỏ hoang. Giờ không phải giai đoạn thu hút đầu tư bằng mọi giá mà đầu tư có chọn lọc.
Nhất trí quan điểm này, phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nên cân nhắc phát triển cơ sở hạ tầng tại những khu vực có đất gò, đất trống để thu hút nhà đầu tư.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị, cần tính toán lại đối với diện tích đất dành cho khu công nghiệp. Kế hoạch sử dụng đất cho các khu công nghiệp tới năm 2015 tăng từ 72.000ha lên 150.000ha là quá nhanh, hiệu quả kinh tế thấp. Khi phê duyệt các dự án xây dựng các khu công nghiệp mới cần căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trong phạm vi địa phương và các vùng lân cận.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất cao với chỉ tiêu giữ đất lúa 3,8 triệu ha. Trên cơ sở tính toán đến năm 2020, Việt Nam sẽ thành nước công nghiệp nên việc mở rộng đất công nghiệp lên 200.000ha là phù hợp. Báo cáo nên chỉnh sửa bổ sung thêm các giải pháp làm thế nào giữ được đất lúa để báo cáo Quốc hội lần này. Khi triển khai quy hoạch, Quốc hội sẽ có chương trình giám sát việc triển khai.
Thanh Tuyền