Lặng yên

 

Chiều mang mang như một bức tranh buồn. Ta đi vẩn vơ dưới tán bàng đứng lặng. Bàng mùa này đã bắt đầu điểm vàng, điểm đỏ. Mấy bông hoa nằm vương vất đây đó. Ôi chao là tĩnh lặng! Âm thanh từ chiếc phôn không đủ lấp đầy khoảng không bé tẹo đang ngưng đọng lại này. Thân bàng ướt mềm. Nó đứng yên mà chẳng buồn suy nghĩ. Nó đang chờ đợi một điều gì?

Không nghe tiếng ve râm ran trong những vòm lá nữa. Chúng là nhóm nhạc đi dạo đã sang một hè phố khác. Sân trường giờ đây im nghe… những gì vậy nhỉ? Lòng em đang lắng lại, mang mang một chút buồn, buồn vẩn vơ như vậy. Em muốn bức phá quá! Nhưng em thật dịu dàng. Em đi giữa mùa thu đang trải lòng mình bằng những cơn mưa.

Đã bắt đầu rồi đấy… những cơn mưa dầm, ri rỉ từ đêm, nấn ná sang ngày, rồi khi chiều lắng lại. Cái sự mệt mỏi mưa khiến không gian im lìm. Nó chờ đợi ánh sáng để được bừng lên rạng rỡ. Học trò im lặng quá. Học trò đang thì thầm những điều gì? Chuyện buồn vui nơi cửa lớp có nước mắt ai đang khóc cho một người thân yêu nhất vừa ra đi.

Chiếc lá đã hết thời xanh, chiếc lá vàng đi rồi rụng xuống. Nỗi buồn trong lòng bạn rồi một ngày sẽ qua thôi! Song, tôi biết làm gì cho bạn vui trong lúc này? Những cây bàng vẫn đứng cạnh nhau!

Ngọc Nho

17 thoughts on “Lặng yên”

  1. Không biết vì lý do gì đó mà lá bàng có ấn tượng rất lớn với mình. Có lẽ vì lá bàng rất lớn, so với các loại lá khác. Và khi lá bàng vàng rơi là một mảnh héo úa rất lớn rụng rơi. Khó mà quên được.

    Cảm ơn Ngọc Nho.

    Nhưng không biết Nho có biết là hột bàng ăn rất ngon không, dù là phải dùng đá đập vỏ hột.

    Like

  2. Ngôi trường mà mình học từ cấp 1 cho tới cấp 3 đều có những cây bàng, có thể nói nó đã gắn liền với tuổi học trò của mình và vì thế rất có ý nghĩa cho sự hồi tưởng về một thời dễ thương đẹp đẽ của đời mình. Còn hột bàng thì mình chưa thử qua, có lẽ nó quá quen thuộc và thấy thường xuyên nên ko để ý chuyện ăn nó 🙂

    Like

  3. Hồi nhỏ em hay lông bông đi với mấy đứa bạn ở ngoài quê đi nhặt trái bàng về, rồi dùng chày đập đá đập vỏ ra lấy phần ”cơm hột” phía trong ăn rất ngon, như anh Hoành tả 🙂

    Ngày xưa thiếu thốn nên có những trò vui con nít quý trái, quả dại như thế, chứ bây giờ đầy đủ rồi con người mình lại quay ra khác mất, trái cây mua cả kí mấy chục ngàn về có khi cũng chẳng màng ăn… Em thấy cái thời xưa thiếu thốn, nghèo vậy mà lại đẹp nhiều kỉ niệm nhì 🙂

    Like

  4. Đang đọc đến câu “Em muốn bức phá quá” hình như tác giả nói về sự oi bức của trưa hè? “bức” trong từ “nóng bức”, hay bứt? Mình rất mong nhận được sự diễn giải của tác giả 🙂

    Like

  5. Câu hỏi của HKH rất interesting.

    Vì có câu hỏi này, mình Google mới thấy là đa số mọi người viết “bứt phá”. Vậy là dùng âm miền Bắc làm âm chuẩn rồi. “Bứt” là “cắt đứt” như “bứt dây động rừng”. Vậy thì “bứt phá” là cắt đứt các dây leo, phá rừng mà ra.

    Nhưng âm miền Nam đọc là “bức phá”. Và nếu mình viết có lẽ cũng đã viết “bức phá”, từ chữ ‘bức” trong “nóng bức” mà ra. “Bức” đó là căng, áp lực cao, như “nóng bức”, hay “bực mình”. “Bức phá” có nghĩa là phá ra vì quá căng, như là “bức quá thì phải nổ”.

    Nhưng xét theo số đông, thì có lẽ “bứt phá” là từ chính thức hơn.

    Mình nhận thấy có nhiều “khác biệt” giữa chữ viết nam bắc như thế trong tiếng Việt.

    Hồi trước mình chỉ viết “cám ơn”. Có một lần một cậu ở Hà Nội email cho mình là “Anh viết sai rồi, phải là cảm ơn”. Mình phải giải thích là ở miền Nam chẳng ai nói “cảm ơn”, chỉ nói “cám ơn”.

    Nhưng sau này mình chỉ dùng “cảm ơn”. Bà xã lại hỏi: “Sao bây giờ anh dùng ‘cảm ơn’ thay vì ‘cám ơn’ ?” Mình phải giải thích vì “cảm ơn” thì ai cũng hiểu, “cám ơn” thì có vài bạn miền Bắc có vẻ như không biết từ đó.

    Dù sao đi nữa mình thấy rằng các khác biệt giữa các miền thế này là điều chúng ta nên mừng vui, vì nó làm cho tiếng Việt phong phú hơn. Không nhất thiết phải chuẩn hóa nó thành một cách viết. Càng cố gắng chuẩn hóa, ta càng nghèo đi. Nhưng như vậy, các nhà làm tự điển của ta phải rất giỏi, như khi viết “bức phá” thì phải giải thích “thổ âm miền Nam của ‘bứt phá'”. Mình thấy các nhà làm tự điển VN cứ như là học trò so với các nhà làm tự điển Mỹ.

    Tư điển Webster của Mỹ mỗi năm có nhiều từ mới, hoặc ý mới của các từ cũ, nhờ lượm lặt cách dùng trên đường phố và đưa vào tự điển, Nhờ đó tiếng Mỹ rất phong phú, phát triển chính thức (trên tự điển) hàng năm. Có nhiều cách 10 năm trước là sai văn phạm, nay là đúng văn phạm. Như “I will help you to fix the broken jar”. Trước kia sau “help” thì không có “to”. Bây giờ viết có “to” hay không “to” đều đúng. Đó là làm cho ngôn ngữ sinh đẻ và phong phú ra.

    Like

  6. Phản hồi của anh Hoành rất thú vị và làm em mở mang thêm kiến thức ạ.

    Nhân việc anh nói đến “cám ơn” và “cảm ơn” thì em nhận ra bản thân em dùng cả 2 từ này và phân biệt rõ ràng khi dùng đó ạ.

    Khi nói chuyện thì thường em dùng “cám ơn”. Vì khi nói “cám ơn”, nghe nhẹ và vui. Nói “cảm ơn” thì trịnh trọng và có chút hàm ý “trịnh trọng/appreciate” hơn so với cám ơn.

    Còn giao tiếp bằng email, văn bản nói chung thì dùng “cảm ơn”. Và chú ý là không nên nói “cảm ơn anh” mà cần nói có chủ ngữ “em cảm ơn anh” 😀

    Like

  7. Nói dến sự khác nhau trong tiếng Việt giữa 2 miền Nam Bắc là « gãi đúng chỗ ngứa » của mình đấy 🙂 Mình và bạn bè cũng hay tranh luận dùng từ nào thì đúng : « chia sẻ » hay « chia xẻ », « sử dụng » hay « xử dụng », « dòng sông » hay « giòng sông », « sát nhập » hay « xáp nhập »,… vì sao viết « bắt (có chữ T cuối) nhịp bài hát » nhưng lại phải viết « bắc (có chữ C cuối) nhịp cầu » ? Và còn cách dùng từ khác nhau để chỉ cùng một sự vật, ví dụ : người Nam nói « coi chừng té đó ! » thì người Bắc nói : « khéo kẻo ngã đấy ! », trong Nam « đậu xe » ra Bắc phải « đỗ xe », Nam kêu « cái ly » thì Bắc kêu « cái cốc », v.v… Ngày đầu tiên chị dâu (người Nam rặt) của mình về ở nhà mình, đến bữa cơm, mẹ chồng (người Bắc rặt) bảo : « Con đưa cái môi cho mẹ ». Chị ấy ngẩn tò te một lúc rồi bẽn lẽn hỏi : « Sao con đưa cái môi của con cho má được? ». Mẹ chồng ngạc nhiên: « Môi múc canh mẹ có dưới bếp nhiều lắm mà! ». Chị dâu đỏ mặt : « A, cái giá để múc canh hả ? ». Cả nhà được trận cười bể bụng !

    Like

  8. @ Anh Hoành: Cảm ơn anh đã giúp em về từ “bức phá”. Những thông tin anh cung cấp thật thú vị :). Còn hột bàng ngày xưa em cũng có ăn. Ngon! hì :”> Hum biết ai chỉ nữa!
    @ hiepkhachhanh: mưa ở đây đã bắt đầu nhiều ngày rồi bạn ạ! Không còn chút nóng bức nào nữa cả, thậm chí thoáng lành lạnh. Điều khiến mình muốn bức phá ở đây là không gian đang cô đặc lại, là cái im ắng đến lạ kì, là một chút ngột ngạt không hiểu ở trong lòng…Tóm lại là cảm giác muốn bức phá về cả không gian và tâm trạng @@!! Cảm ơn bạn đã đọc rất kĩ bài của mình và có một câu hỏi rất thú vị 🙂

    Like

  9. Mình thấy tiếng Việt trong khoảng 10 năm trở lại đây đang đi qua giai đoạn phát triển bùng nổ-rất nhiều từ mới được sáng tạo thường xuyên.

    Mình thấy có mấy nguồn chính cho sự phát triển đó:

    — Nam Bắc hòa nhập với cách viết khác nhau của hai miền.
    — Sự sống lại càng ngày càng mạnh của Hán Việt,
    — Sự phát triển của các từ khoa học của công nghệ thông tin, thương mãi, tài chính…
    — Du nhập tiếng nước ngoài vào tiếng Việt, nhất l;à tiếng Anh.
    — Gần đây lại thêm ngôn ngữ texting

    Bùng nổ trong tiếng Việt này làm nhiều người lo âu và phàn nàn, sợ rằng tiếng Việt sẽ thành loạn xà ngầu và mất chuẩn…

    Mình nghĩ là phát triển như thế là đáng mừng hơn là lo. Rồi thời gian sẽ giữ lại cái tốt và dào thải cái xấu. Thay vì giữ chuẩn bằng cách nói từ này đúng, từ kia sai, theo nguyên tắc lười biếng–giữ lại một ít “đúng” thì có thể phe lờ tất cả mọi từ khác ta cho là không đúng (và như thế đương nhiên là các từ mới và cách viết mới luôn luôn là không đúng!), mình nghĩ rằng các nhà ngữ học Việt Nam nên thu nhặt tất cả mọi từ và nói rõ nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Từ nào có nguồn gốc mạnh, nguồn gốc yếu, nguồn gốc cũ, nguồn gốc mới ta đều biết… như thế ta có thể nắm vững được MỌI TỪ của tiếng Việt. Và đó là chuẩn mực đúng nhất cho một quyển từ điển.

    Like

  10. Thổ âm của từng miền có thể xài trong ngôn ngữ nói.Còn viết thì rất nên đúng chính tả chớ!Nếu không,làm sao dạy cho tụi con nít con nôi về chính tả được?

    Like

  11. Chào Minh,

    Thổ âm có nhiều loại vấn đề:

    — Đôi là là những từ địa phương, hoàn toàn khác từ các nơi khác. Đây không là vấn đề.

    – Đôi khi cách phát âm hơi khác và ai cũng biết có một cách đánh vần chuẩn. Như chữ “thịt”, có những vùng đọc là “thịch”. Hay “Đây là vấn đề” có nhưng nơi nói là “Đây nà vấn đề”. Đây là vấn đề phát âm, và thường là mọi người đều biết âm chuẩn. Cũng không phải là vấn đề khó hiểu.

    – Nhưng có nhiều từ có cách đánh vần hơi khác nhau, như vài ví dụ thông thường chị Thiện Châu đã ghi lên: « chia sẻ » hay « chia xẻ », « sử dụng » hay « xử dụng », « dòng sông » hay « giòng sông », « sát nhập » hay « xáp nhập », và một từ mình đã nói là “cảm ơn” hay “cám ơn”….

    Mình thấy cách ấn định chuẩn trong những năm gần đây, trong các trường hợp này là dùng chuẩn miền Bắc, và gạt bỏ chuẩn miền Nam, ra ngoài. Đây rất là kém thông minh, bởi vì:

    — Không lý do gi mà một từ không thề viết được nhiều cách khác nhau, ví dụ chữ “nhà tù” của tiếng Anh có thể viết là “jail” hay “gaol” và phát âm cùng một cách “Jeyl”.

    — Không lý do gì lấy cách viết của Hà Nội làm chuẩn cho cả nước và gạt bỏ ngôn ngữ từ các vùng khác ra ngoài. Đây chỉ là một áp đặt chính trị cũng như mọi thứ khác. Và nó kỳ thị các vùng khác, vì nếu lấy âm Hà Nội làm chuẩn, học sinh Hà Nội có lợi thế hơn các vùng khác về chính tả.

    — Không lý do gì làm cho ngôn ngữ Việt Nam nghèo đi bằng cách gạt bỏ một số từ như là sai.

    Ví dụ từ “chia xẻ” đã được dùng trong miền Nam từ xưa đến nay, có lẽ là cả trăm năm, nó không hơn là các từ tiếng Anh mới du nhập vào năm ngoái, như là “chúng ta cần thêm room để đầu tư”?

    Và còn cách dùng từ Y ngày nay nữa. Kỳ lạ hay kì lạ, Kỷ niệm hay kỉ niệm. Mình cho rằng, từ nào mà viết y hay i mọi người đều đọc ra được, thì viết cách nào cũng được.

    Và chữ f thì sao? Dù ai có luật lệ thế nào, mình chắc chắn là vài mươi năm nữa chữ f sẽ là từ chính thức trong tiếng Việt, vì nó rất tiện hơn là hai chữ ph. Quy luật thị trường, cái gì hay thì sẽ thắng.

    Đây là các vấn đề mà các nhà ngữ học phải quan tâm. Ngôn ngữ một quốc gia là một cây trưởng thành từng ngày. Các nhà ngữ học nên thu lượm sự trưởng thành và ghi lại cẩn thận để mọi người mở tự điển ra là biết mỗi từ, hơn là ngồi đó làm việc không cần thiết là nói từ này đúng từ kia sai. Các tự điển Việt rất nghèo nàn, vì RẤT NHIỀU từ Việt không có trong tự điển. Tự điển Mỹ hay Anh thì tiếng lóng mới ra đời một hai năm là có thể có trong tự điển rồi, đừng nói là các tiếng nghiêm chỉnh hơn tiếng lóng. Một quyển tự điển đúng nghĩa là có tất cả các từ trong đó, với chú giải tử tế. Và mọi người sẽ biết chính tả khi mở tự điển ra đọc.

    Nhưng điểm chính là chúng ta phải cho ngôn ngữ của ta được tự do trưởng thành. Không nên dùng đủ mọi cách để phá sự trưởng thành đó và làm cho ngôn ngữ nghèo đi. Kể cả các cách viết mà ta cho là sai văn phạm hôm nay sẽ thành đúng văn phạm 10 năm nữa nếu càng ngày càng nhiều người dùng cách đó. Đó chính là phát triển và trưởng thành.

    Cho nên cách hay nhất của các nhà ngữ học để làm việc là làm việc tận lực (không làm việc kiểu quan liêu), theo dõi từng từ, từng cách viết, và ghi lai cẩn thận rồi thông tin cho mọi người biết, hoặc trong tự điển hoặc chưa nên vào tự điển ngay thì trong các bài viết hàn lâm.

    Like

  12. “Phải cho ngôn ngữ của ta được tự do trưởng thành”. Cám/cảm ơn anh Hoành rất nhiều. Lập luận của anh khiến mình “sáng” hẳn ra, hết phân vân và cả “thành kiến” về chuyện đúng, sai trong tiếng Việt nữa. Quả thật phải xem mọi ngôn ngữ như những sinh thể năng động chứ không phải là những lề luật hay qui/quy định cứng nhắc để dựa vào đó mà phán ai đúng ai sai. Vì mọi ngôn ngữ được sinh ra từ những cộng đồng khác nhau. Chúng sẽ lớn lên, đâm chồi, nẩy lộc, mọc cành, mọc nhánh, phát triển theo nhiều chiều hướng, hình thái, kích thước, màu sắc rất khác nhau tùy theo cộng đồng đã sinh ra chúng. Và có thể có những chồi, lá hay cành, nhánh, thậm chí cả một “cây-ngôn-ngữ” nào đó chết đi. Ta hãy để ngôn ngữ tiến hóa hoặc thoái hóa theo quy/qui luật sinh tồn của chính nó. Thay vì tranh cãi đúng sai, điều chúng ta cần làm hơn là ghi nhận càng nhiều càng tốt mọi biến thể của ngôn ngữ để mọi người hiểu nó và qua nó mà hiểu nhau.
    Phải chi có dịp mời anh Hoành một ly/cốc cà phê hỉ! 🙂

    Like

  13. Hi chị Thiện Châu và cả nhà,

    Cám ơn chị TC đã đồng cảm. Chúng ta hãy học bài học từ tiếng Anh, ngôn ngữ mạnh nhất trên thế giới ngày nay.

    Tiếng Anh của Anh quốc, Canada, Australia, Mỹ… mỗi nước có nhiều từ khác từ tiếng Anh của nước khác. Và trong mỗi nước, từ mới, cách đánh vần mới, cách viết mới… đôi khi “sai văn phạm” đối với cách cũ được sinh ra hàng ngày… Rất ít khi ta nghe các nhà ngữ học tiếng Anh cãi nhau cái gì đúng cái gì sai. Họ chỉ tận tâm ghi chú sự sinh đẻ của ngôn ngữ.

    Hâu quả?

    Tiếng Anh là tiếng số một của thế giới.

    Và tiếng Anh mà ta không dùng chừng 3 năm là không thể dịch một bài văn mới được (nếu không có tự điển).

    Like

  14. Em cũng hay dùng trang này, cứ search google là thấy nó hiện lên ở những dòng đầu tiên nên em đoán khá là best online. Trang này làm tốt hơn webster nhất là phần thesaurus 🙂

    Like

  15. Nhân nói đến tự điển, mình có nhận xét này, là tự điển Việt có vẻ như không cần với người Việt. Minh nhớ hồi xưa, học xong hết đại học rồi, mình cũng không hề cầm một quyển tự điển Việt trong tay bao giờ.

    Nhưng tự điển Anh là bắt buộc cho tất cả mọi người Mỹ, từ trung học, lên đại học, đến sau tiến sĩ, và trong suốt thời gian làm việc hết cả đời (ngoại trừ các vị làm các nghề kỹ thuật rất ít viết lách bao giờ). Quyển tự điển tiếng Anh (Webster, American Heritage…) luôn luôn là một phần trên bàn giấy của mình. Ngày nay thi ta dùng online, không cần một quyển trên bàn. Nhưng không có tự điển thì không viết Anh tốt được, dù trình độ ta cao đến đâu — (Xem lại đánh vần, qui tắc văn phạm của một từ, ý nghĩa chính xác của từ đó…). (Hồi trước mình cứ tưởng là học tiếng Anh rất giỏi thì có lúc mình không cần tự điển nữa. Nhưng thực tế là trình độ viết tiếng Anh của ta càng cao, ta càng cần tự điển, vì cần mức độ chính xác rất cao).

    Ngày nay minh thỉnh thoảng cũng có dùng tự điển Việt, để kiểm soát lại một chữ. Nhưng tự điển Việt thiếu quá nhiều từ, và có nhiều từ thì thiếu quá nhiều nghĩa, cho đến nỗi không có tự điển cũng không cảm thấy thiếu thốn, cùng lắm là Google.

    Like

  16. Hi anh và cả nhà,

    Hôm nay em đọc lại trao đổi của cả nhà về sự phát triển tự do của ngôn ngữ và nghĩ rằng – có lẽ công việc của các biên tập viên tương lai sẽ chẳng có mục xem lỗi dùng từ vì chẳng thấy từ nào là sai chính tả, từ nào là sai văn phạm cả. 🙂

    Em cám ơn cả nhà.

    Like

Leave a comment