Mấy Mùa Trung Thu

 

Một vầng trăng tỏ
Treo trên đỉnh trời
Bay về đâu thế đàn cò trắng ơi?
Bà ơi chú Cuội
Có nhớ nhà không?
Sao như cháu thấy
Sao như cháu thấy chú đang xuống trần…
Nghìn năm rồi nhỉ, bên gốc cây đa
Cuội ơi em hỏi trăng non hay gìa?
Nghìn năm rồi nhỉ, bên gốc cây đa
Cuội ơi em hỏi trăng non hay già…

Mỗi năm, khi tháng 8 âm lịch vừa đến là lũ nhỏ trong xóm lại rộn ràng xách lồng đèn đi vòng vòng khu phố hẹp… Thường thì thời gian này đang là mùa mưa lũ, có hôm không mưa dầm thì cũng mưa bụi lất phất, và đám nhỏ cứ phải trố mắt canh chừng không có hạt mưa nào là kéo một đoàn diễu hành cùng đủ thứ đèn lồng, đèn pin, kéo quân nhiều màu sắc…

Những năm xưa ấy tôi cũng có cái thú chơi lồng đèn, nhưng không phải loại đèn được chưng bán bình thường mà phải là những lồng đèn mình tự làm, theo một kiểu lạ lùng không giống ai và sặc mùi con nít… Cái xóm nhỏ ở quận Gò Vấp những năm 99, 2000 toàn dân lao động, không nghèo đói nhưng cũng chẳng giàu có, nhà này cửa nọ, xe đẹp xe sang… Và cũng hay cho cái xóm đi vào hẻm cụt, con nít đông đúc sao mà quá chừng chừng. Hầu như nhà nào cũng có lấy một hai đứa đi nhà trẻ, lớp lá lớp mầm hay là học tiểu học, mũi còn tít thò lò..

Hết tháng bảy là mùa ‘’giựt cô hồn’’ và Vu lan báo hiếu, là qua tháng 8 lại đến Trung thu – Tết của những chiếc lồng đèn và bánh nướng rộm vàng hay đậu xanh bọc ngoài bằng bột dẻo. Cái xóm tôi ngày ấy nó lít nhít, trẻ con đủ mọi lứa tuổi chơi với nhau như anh em họ cùng một nhà lớn rất tưng bừng. Và Trung thu về là dịp để mấy cậu lớn lớn trổ tài làm lồng đèn, làm cho mình và làm ké cho mấy nhỏ cùng tuổi hay mấy thằng nhóc ‘’đệ tử ruột’’ của mình 🙂 Mấy anh chàng biểu kiếm những vỏ lon hộp sữa đặc, thường là vỏ lon sữa Ông Thọ đã khoét sạch một đầu lon trụ, rồi lấy kiềm nóng hun những cái lỗ quanh thân hình trụ gọi là ‘’lỗ sao’’ cho ánh sáng thoát ra khi mình đốt lửa bên trong hộp. Dùng dây kẽm xỏ hai lỗ ở đầu hộp rỗng, nối sợi dây dài và tay cầm như những lồng đèn thường có, rồi thắp nến lên mặt ngang ở đầu còn lại của cái lon trụ, là có một chiếc lồng đèn mà ánh sáng rọi ra ngoài bằng những tia vàng xuyên dài qua những chiếc lỗ. Có một dạo không biết là ai đồn về cách giữ cho đèn cháy lâu mà không dùng sợi bấc đèn cầy như thường lệ, lũ nhỏ dùng những cây nến đốt chảy ra hết phần thân sáp thành một lớp dày 2 cm nằm đặc lại chỗ đáy lon, rồi lại dùng một viên phấn trắng chuyên viết bảng cắm vào chỗ sáp đặc ấy, cho nằm yên, và đốt phấn lên thay vì đốt bằng sợi bấc. Có loại phấn chẳng biết làm thế nào mà cháy rất lâu dù thường thì phấn không bắt lửa, để mấy ông chủ nhỏ của chiếc lồng đèn ấy tha hồ mà được lên mặt: ‘’đèn mày dỏm xọm, tốn đèn cầy mà cháy chẳng được bao nhiêu, mày coi đèn của tao đốt phấn coi, cầm cả đêm cháy hoài không cần đốt lại’’… Cái thú khi đốt chiếc lồng đèn bằng lon sữa đặc ấy nó lớn vì làm bằng công của mình, và bằng sự sáng tạo hồn nhiên của con nít mà người lớn trông thấy cũng phải phì cười..

Không thích lồng đèn bằng vỏ lon sữa ‘’nam tính’’ vì đụng vô sắt, thép, lửa, kiềm 😀 , có đứa lại tỉ mỉ đi cắt gọt mấy cây nan tre, nối lại với nhau làm một chiếc khung đèn công phu hình cá chép, nguyệt cầu, ngôi sao… hay hình gì mà chúng nghĩ ra được. Rồi chạy ù ra hàng tạp hóa gần nhà mua những tấm giấy kiếng nhiều màu bọc ra ngoài, làm một lồng đèn đúng nghĩa như những chiếc bán ngoài tiệm, dù, ..chẳng đẹp bằng những chiếc bán ngoài kia.. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đã đủ vui cho mấy nhóm trẻ tụm năm tụm ba qua nhà một đứa, đi bẻ cành cây, chẻ nan, ngồi cà, gọt, cột những mối dây nhợ lòng thòng làm cho lồng đèn ‘’ra hình’’ mà để đèn cầy vào trong đốt được. Làm những chiếc lồng đèn loại này có cái cực là phải biết bẻ lại một cọng kẽm, xoắn theo hình ống hút cột ở giữa khung lồng làm bệ đốt đèn cầy cho đèn không bị ngã, mà cũng phải tính sao cho cây đèn cầy nhỏ cao và phần ánh lửa đốt lên không ăn vào phần giấy kiếng, chứ nếu không cẩn thận để bén lửa là..phụt…lồng đèn bị cháy mất thành than!

Đến tối trăng rằm tháng 8 – ngày 15 là cả đám nô nức nối đuôi nhau khoe lồng đèn đủ loại, đi diễu hành qua xóm khác so đọ cái của đứa này đẹp hơn cái của đứa kia, hay ‘’Ê thằng Tèo xóm bên có cái lồng đèn pin hình con voi to ì mà nhìn xấu de sầu đó mậy’’. Đám nhỏ cỡ 5, 6 tuổi thì vừa đi vừa hát váng:

‘’ Tết trung thu đốt đèn đi chơi, em vác đèn đi khắp phố phường, đèn xinh xinh với đèn ghê ghê, đi thấy xe em leo lên lề’’ 😀

Mấy đứa lớn hơn một chút thì kéo một bầy đi kiếm đám múa lân, hỏi dò mấy đứa ở xóm bên coi chỗ nào nghe tiếng trống thùng xèn và ông lân thì hú nhau chạy qua đi chung, hát om sòm và nhảy nhót làm động một vùng khu dân cư vốn bình thường im lặng.

Những ngày ấy còn tục cúng xóm khi bác tổ trưởng tổ dân phố vui tính còn làm, Trung thu năm nào ông cũng sắp bàn cúng trước nhà, cùng bánh trái và quà, phần nhiều là bánh trung thu loại thường (rẻ rẻ) mà quỹ tổ trích ra mua cho mấy đứa nhỏ, cúng một bàn đó rồi đợi lũ trẻ tới, phát bánh, mở nhạc thiếu nhi rần rần đúng tinh thần là một ngày lễ hội…

Tiếng hát, tiếng cười trẻ nhỏ, trăng, và đèn, và nhạc thiếu nhi… và những chiếc đèn lồng… dập dờn những ngọn đèn khi mờ khi tỏ..
Những ngày ấy, vui nhộn, nghịch ngợm, ồn ào… mà ấm áp tình người, tình làng nghĩa xóm…

Thời gian trôi dần, những đứa nhỏ năm xưa lớn lên, mỗi đứa một phương lo học hành, đi làm, mưu sinh, kiếm sống… Một lần về xóm nhỏ thăm lại thời thơ ấu ngày nào, thấy đứa bạn đi tắm mưa,chơi tạt lon, lò cò, u de… chung ngày nào, hai đứa chỉ mỉm cười nhẹ, gật đầu, chào nhau mà như chào một thời tuổi thơ oanh liệt…

Đám trẻ nhỏ bây giờ, ít có những nhóm trẻ chơi theo xóm đoàn kết, cùng trốn ngủ trưa đi bắt cào cào, chiều về thả diều, câu cá câu ếch mùa lũ về, cùng đi giựt cô hồn, cùng chia những tấm hình siêu nhân xanh đỏ, cùng đi rong ruổi nghịch phá suốt những mùa hè … Chỉ còn những đứa trẻ được bao bọc thật kĩ, chơi những loại đồ chơi hiện đại, trau chuốt vẻ ngoài kĩ càng, và chơi nép trong những căn nhà lớn rộng kín cổng cao tường, dán mắt vào truyền hình và những máy chơi games không tiếp xúc bên ngoài trừ bạn bè từ trường học.

Tôi hiểu lắm chứ cái bản chất của cuộc sống hiện đại này, khi con người càng ngày càng có cuộc sống của riêng mình với những quan hệ xã hội lằng nhằng, tình láng giềng chỉ còn là một điều gì mà người ta cần đễ giữ lễ. Mấy đứa nhỏ bây giờ không có cái thứ khái niệm ‘’bạn hàng xóm’’ cùng chia nhau từng miếng kẹo, mảnh đồ chơi, cùng bên nhau hàng giờ làm đủ thứ trò trẻ nhỏ bên thiên nhiên còn chưa chật người, và tình người còn chưa phai lạt.

Mừng cho các cháu nhỏ bây giờ được sống sung túc, đủ đầy, ăn thừa, mặc đẹp… mà lại tiếc cho những nụ cười hồn nhiên giữa vòng tay bạn bè tuổi thơ và những cái mộc mạc ngô nghê bị mất đi giữa vòng đời đi lên theo chiều lốc xoáy.

Mừng cho các cháu bây giờ được mang lồng đèn pin lớn đẹp, ngồi ấm áp giữa nhà ăn bánh trung thu sang trọng, mắc tiền… mà lại tiếc cho những ánh mắt hớn hở ngắm tia lửa nhảy múa qua lớp kiếng chiếc lồng đèn xiêu vẹo, thấy tuổi thơ trong vắt trôi về miền đất hứa trong tim mình..

Một mùa nữa đấy, và trung thu lại về!

Ngọc Vũ

13 thoughts on “Mấy Mùa Trung Thu”

  1. Các bài văn của Ngọc Vũ luôn trung thực, nhẹ nhàng, dễ thương và nhiều vương vấn. Rất hay Vũ à. Nếu tiếp tục viết như thế này thường xuyên, mai sau em sẽ là nhà văn hiện thực. Tìm đọc Hemingway và John Steinbeck nhé. Đọc tiếng Anh trực tiếp.

    Like

  2. DS có ở Gò Vấp từ năm 73 đến 75, không biết có cùng xóm với NV 🙂

    Bài viết dễ thương lắm NV, làm DS cũng nhớ tết Trung Thu năm xưa, với lồng đèn trong tay đi quanh xóm làng, hát hò lung tung với cả đám bạn cùng xóm 🙂

    Like

  3. Linh cũng như Ngọc Vũ, nhớ những mùa trung thu cả xóm tắt đèn để bọn trẻ con đốt đèn cầy rong ruổi, thích những trò chơi lê la với bọn trẻ trong xóm, và tiếc cho bọn trẻ bây giờ đồ chơi nhiều hơn mà sự háo hức, hớn hở lại có vẻ ít hơn!

    Like

  4. Cảm ơn anh Ngọc Vũ. Bài viết rất hay. Nó khiến em nhớ lại tuổi thơ êm đẹp với bao kỷ niệm. Thuở nhở, ở quê em tới mùa trung thu, em và thằng em trai lại chuẩn bị nào giấy, khung tre, dây, hồ dán để chuẩn bị làm đèn. Ngày đó, 02 chị em chỉ biết làm đèn lồng nhỏ, đèn ông sao do bố dạy cho. Rồi tới trung thu được các cô ở hội phụ nữ đi tới từng nhà phát kẹo. Tối đến đi múa hát, sinh hoạt ở xóm với các anh chị thanh niên. Vui lắm. Nhưng bây giờ, trung thu thật quá đơn giản. Mua đèn, mua bánh và đi chơi ngoài đường thế là hết trung thu. Cái trung thu mà ngày xưa ta đón đợi bây giờ thấy nó buồn quá anh ạ.

    Like

  5. @ anh Hoành: Em cảm ơn anh Hoành quá khen, em viết cũng còn non tay quá nên chắc phải còn lâu mới lên được nữa, tuy nhiên em sẽ ráng luyện tập 🙂
    @ Chị Sương, chị Linh và anh Can: Nếu anh chị có con hết cả rồi, chắc các anh chị sẽ thấy một chút cái hiện thực mà em muốn nhắc đến. Em thấy con nít bây giờ, cụ thể như mấy đứa cháu hay em họ của em, một số các em được bố mẹ thương và quan tâm dữ quá nên vô tình nuôi các em ”trong lồng kính”, thành ra mấy đứa bé đó đôi khi mất đi sự hồn nhiên như lứa của em ngày xưa, vì rủ đi chơi bên ngoài thì kêu là bẩn, mệt vì hoạt động, chỉ thích nằm nhà chơi games, coi phim suốt… Em coi trọng việc cho các em nhỏ chơi ở ngoài nhiều hơn vì có như vậy mới giúp các cháu có kĩ năng xã họi từ nhỏ, lớn lên sẽ biết hòa đồng với mọi người hơn 🙂 (giống em, từ nhỏ tới lớn em đi chơi dữ lắm nên giờ mới ra thế này a :P)
    @ yen_kute: cảm ơn bạn Yến (hi vọng mình không sai tên) đã chia sẻ, chắc Yến cùng lứa tuổi với mình nên có những kỉ niệm rất giống 🙂 Mình là con gái 100%, 22 tuổi bạn a 🙂

    Like

  6. Xin lỗi Ngọc Vũ vì sự nhầm lẫn này nhé. Nhưng cảm ơn bài viết của Vũ nhiều lắm.
    Chúc Vũ Khỏe. Năm nay chắc mình cũng sắm lồng đèn đi chơi hay qua quận 7 thả hoa đăng. Không thể để trung thu qua đi mà không có kỉ niệm như thuở ấu thơ nữa.

    Like

  7. Vũ viết hay thế chắc phải yêu trẻ lắm nhỉ . Vũ có thể viết chuyện tranh cho các em được không, theo mình thích nhưng cũng cần cụ thể ,có sản phẩm ,hihi, nếu chỉ viết cho vui theo mình không nên lãng phí thế, Vũ yêu trẻ em thế thì Vũ cho các em các món quà đi, mình thấy trên thị trường rất ít các sách tích cực cho các em nhỏ, có thể mọi người nghĩ rằng trẻ em thì chưa cần tư duy tích cực hay sao ấy, còn mình thấy trẻ em từ khi học nói ,biết nghe đã cần phải tư duy tích cực rồi, hì hì, ví dụ vì sao bé không mè nheo, vì sao bé không vòi vĩnh….
    Đọc phản hồi của mọi người mình nhớ đến một bài viết của một thầy khi nói đến tính trẻ thơ trong người trưởng thành mà mình thấy rất hay.Tính trẻ thơ không phải là mình sẽ làm như con trẻ, hành động của con trẻ mà là mang tâm hồn con trẻ, nghĩa là chúng ta lớn rồi không thể chơi đèn lồng, băn bi được, nhưng chúng ta có thê thảnh thơi,vô suy nghĩ tận hưởng trăng trong đêm rằm mà không cần nhảy múa,đốt đèn , chúng ta giữ yên tĩnh trong cả mọi việc,sống động và vui vẻ như một đứa trẻ không mang trong lòng sự phân biệt hơn thua, lo lắng , hối tiếc ….theo mình đấy mới là hồn nhiên. Nhiều người nhầm tưởng hồn nhiên có nghĩa mình làm các hành động như con trẻ, ví dụ có bác đã tứ tuần, bảo mình có tính hồn nhiên ,ra công viên cưỡi ngụa gỗ ,nói mình thấy rất vui, mình cho là như vậy không phải.
    Đa phần ai cũng thường tiếc khi tuổi thơ qua,vì đó là thời gian chúng ta chưa tham gia vào cuộc sống nhiều, chưa đắm nhiễm những kĩ xảo để tồn tại, chưa phải tính tóan hơn thua …vẫn mang một tâm hồn yên tĩnh, không hơn thua,phải trái …
    Mình nghe mẹ mình dạy,những người có thể sống với tính hồn nhiên như con trẻ sau những tháng ngày lăn lộn trong cuộc sống và hiểu hồn nhiên là gì,họ tìm được tuổi thơ và sống với tuổi thơ trong những ngày cuối đời, họ đã là thiền nhân.
    Mình hi vọng trong thời gian tới sẽ được đón đọc những tác phẩm cho trẻ em của NVũ.Chúc em luôn giữ trong mình sự hồn nhiên ,mãi mãi…

    Like

  8. Chị Ngọc Vũ ơi,
    Em thực sự cảm phục chị vì chị viết bài hay quá, hay đến nỗi em cứ mường tượng cái tuổi thơ ngày xưa của mình gắn liền với những chiếc đèn ông sao ấy chị ạ. Chị ơi, em thấy cái cách làm lồng đèn bằng hộp sữa Ông thọ của bọn chị thật sáng tạo mà lại thân thiện với môi trường đấy chị à. Chị nói nó hơi nam tính nhưng thành thực mà nói thì em thích cách làm lồng đèn kiểu đó( cách của con trai mới lạ và hay). Lại cái kiểu dùng phấn và nến thay vì cầy nữa em thấy những cách đó rất hay. À chị có thấy không những đồ chơi ngày xưa ấy quả thực không làm hại đến môi trường vì vậy em thích lắm. Hơn thế nữa nó còn mang một nét gì đó rất đậm chất quê (từ này em dùng mang nghĩa tích cực chị ha). À, chị N.Vũ ơi, năm nay em lớp 12 rồi nên có ít thời gian để làm những cái đèn độc đáo như của bọn chị làm, em định thử mày mò làm xem. Dù lớn rồi nhưng em vẫn thích các trò chơi ngày xưa lắm chị ag. Cho dù mọi người có nói sao. Quan trọng là bản thân mình thích và vẫn còn yêu quý nó thôi chị nhỉ. Em ở ngoài Bắc chị Vũ ạ, ở quê em còn có trò này ko biết chị đã nghe nói chưa, thôi em xin nói luôn nha. ha ha aha. Trước trung thu bọn em có tích trữ hạt bưởi chị à, lũ em xâu bọn chúng vào sợi dây thép dài và phơi nắng cho nó càng khô càng tốt xong cái đến tối hôm rằm chúng em châm lửa từ hạt ở cuối xâu đó và nó cứ cháy dần dần vì những hạt bưởi được nằm sát nhau đến mức không thể cựa quậy được nữa như vậy nó mới dễ cháy chị ạ. Nghe hạt bưởi cháy vui tai phải biết giống y tiếng pháo, thích lắm chị ag. Chị ơi, em thấy chị thực có cá tính đó, chị đừng hỏi tại sao em biết sở dĩ em biết là do cách chị thể hiện qua giọng văn của mình đấy như anh Hoành nói là nó rất “trung thực”. hi hi hi. Úi chết, em cứ cười mà quên mất xin phép chị cho em được trích dẫn bài thơ của chị làm tư liệu,chị đồng ý nhé! Chị không chỉ viết được mà làm thơ cũng được nốt, ĐƯỢC. Quá được( nghĩa là hay đấy chị. Chị nói thật đi , chị đang học khoa Văn đúng không ah. Chị khai ra mau không em mách ba, mẹ chị bây giờ… Em xin lỗi chị ha, em đùa tý mà). Em mong chị sẽ có những cống hiến nhiều hơn nữa cho Vườn chuối chúng ta. Em cảm ơn chị Ngọc Vũ( cái tên lạ mà ấn tượng) .
    E. Diệp.

    Like

  9. Hi chị Phonglan và Bích Diệp, cảm ơn 2 người đã đánh giá cao bài viết của em.

    Với riêng mấy lời góp ý của chị Phonglan, em nghĩ mình rất thích làm những việc như chị Pl đề nghị, vì tính em rất gần gũi với con nít và quan tâm nhiều đến trẻ con 😀 Tuy nhiên với việc làm một nhà văn thực thụ để viết riêng cho trẻ em thì rõ ràng là bây giờ em chưa làm được điều đó, vì em còn thiếu nhiều vốn sống và kinh nghiệm viết lắm 🙂 Nhưng, em cũng đã từng có ý nghĩ như chị nói, rằng một lúc nào đó trong cuộc đời của mình, có thể là khoảng 15 năm nữa chẳng hạn (lúc đó Vũ 37 tuổi), khi đã ”yên bề gia thất”, có cuộc sống riêng và gia đình rồi, nhất định em sẽ làm một điều gì đó có ý nghĩa dành riêng cho trẻ em, mà viết truyện cho trẻ em dường như cũng là một ý tưởng rất hay, mà, nếu cố gắng, em sẽ có thể làm được 🙂 Cảm ơn chị đã tin tưởng và động viên em nhiều 😛

    To Bích Diệp: đừng ngạc nhiên nhé Diệp, nhưng trò chơi đốt hạt bưởi khô chị cũng từng chơi rồi, lúc chị khoảng 10 hay 11 tuổi gì đó :), rất chân quê. Chị chưa ra Bắc bao giờ, nhưng sẽ tranh thủ đi thăm Hà Nội và Điện Biên, và mấy vùng quê khác khi có thể, vì chị thích đi chơi thăm thú phong cảnh lắm, và miền Bắc, đọc văn thơ về nó cũng thấm vào mình nhiều rồi nhưng chưa đi được thì cũng thấy nôn nao ^^. Nếu có duyên biết đâu ra đó gặp được Diệp nhỉ 😛 Chị thì không học đại học khoa Văn, mà là dân Kinh tế, tuy nhiên hồi xưa chị cũng chuyên khối D nên có chút xíu máu của nhà văn trong huyết mạch thì phải :D, ngày xưa lớp cấp 3 của chị có nhiều bạn giỏi văn kinh lắm, trong khi chị tệ khủng khiếp là tệ, nhưng chắc lớn lên thì thay đổi nhiều từ lúc nào không biết! Cuộc sống là vậy, không bao giờ biết trước điều gì, chỉ tận hưởng nó và luôn cầu tiến là tốt thôi. Vườn chuối đã trở thành một gia đình mới của chị nên chắc sẽ còn gắn bó lâu dài lắm, em yên tâm!

    Cả nhà khỏe nhé, và, nice weekend 🙂

    Like

  10. Quả đúng là văn chương hay thật, hay đến độ bà kon cô bác khen Vũ quá trời 🙂
    Nếu đám trẻ con bên nhà mình mà đọc và cảm nhận được bài viết này của Vũ thì có lẽ chúng sẽ bỏ bớt game đi một chút mà quan tâm thích thú thực sự với 2 chữ “Trung Thu” rồi. Hồi nhỏ mình rất thích và vui sướng khi Trung Thu đến, nhưng ngày nay trẻ em ít đứa cảm thụ được niềm vui của đợt Tết này.

    Like

  11. Hazzz, chị Vũ ơi, em vui quá đi mất, em năm nay cũng thi Đại học rồi chị ạ. Em cũng thi khối D chị à. Dạ nhưng mà bây giờ em chưa rõ mình thực sự thích gì lắm, em đang phân vân chị ag. nay tiện đây, chị lại học kinh tế mà chị cũng học được 4 năm rồi chị nhỉ, chị cho em một vài tip ôn thi của chị cho em với. Chị không phiền khi cho em email của chị chứ ah, có gì em PM cho chị sẽ easy hơn được chứ chị?
    Ah, chị cho em được trích dẫn bài thơ chị tự suy nghĩ làm ra nha chị? hihihi.
    E.Diệp chúc chị luôn vui,

    Like

  12. Hi Bích Diệp, email của chị là vudo.sgvn@gmail.com, có gì em viết thư liên lạc với chị cho tiện nhe. Còn bài thơ, hè hè, nó là lời một bài hát chị hay hát từ nhỏ tới giờ, chị ko nhớ tên nữa nhưng chắc là search google ra đó em, trình độ của chị chắc chưa làm thơ hay được vậy rồi 😀 Giống như anh (chị) Thiết kế nội thất đẹp khen chị đó, ngại ghê, mình đâu mà hay được vậy, nhưng có mọi người đồng cảm là vui lắm rồi 🙂

    Like

Leave a comment