“Con đường tình ta đi” dẫn về đâu?

 

(Đọc “Những hoàng hôn ta đã đi qua” của TĐH)

Tranh của Henri Rousseau: Nàng Thơ và Nhà Thơ (sáng tác năm1909)

Những hoàng hôn ta đã đi qua

Con đường tình ta đi (*)
Quanh co
Qua những hàng cây rợp lá
Những cánh đồng xanh cỏ mạ

Những đàn bò sữa
Nhẩn nhơ
Nắng hong vàng
Những hành trình bình an
Thân ái
Chỉ hai đứa
Một chiếc xe

Một con đường
Và bầu trời mênh mang
Những mảng hoàng hôn vàng tím
Lòng ta thấm ngập
Mênh mông sắc màu

Từ những hoàng hôn ta đã đi qua…

TĐH
(For my wife Trần Lê Túy-Phượng
Lake of the Woods
Virginia, USA
Tuesday, August 16, 2011)

(*)  “Con đường tình ta đi” là tên của một con đường ở Virginia.

Bài thơ tựa một khúc du ca trong trẻo, cất lên giữa chiều thu yên bình, giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của một miền quê Bắc Mỹ, xuyên qua một con đường quanh co rợp bóng cây mang tên “Con đường tình ta đi”- cái tên như một thứ “định mệnh” ngọt ngào đối với hai người…

Họ đi trong buổi hoàng hôn, ngẩng nhìn bầu trời mênh mang có những chiếc lá vàng loáng ánh chiều tà đang xoay tít, và rơi mãi vào trong hoài niệm… “Chỉ hai đứa/ Một chiếc xe…” Họ đi bằng gì, điều đó không quan trọng. Có thể là một chiếc xe du lịch đời mới. Có thể là một chiếc xe đạp. Có thể là một chuyến xe bò thổ mộ giống ở miền Trung Nam Bộ hồi nào. Cũng có thể dắt tay nhau đi bộ… Nếu không có “những cánh đồng xanh cỏ mạ” và “những đàn bò sữa nhẩn nhơ nắng hong vàng” làm hậu cảnh thì người đọc hoàn toàn có thể hình dung hai người đó giống đôi bạn Nàng Thơ và Nhà Thơ trong tranh của danh họa Pháp Henri Rousseau hồi đầu thế kỷ trước. Con người và cảnh vật hài hòa, đồng cảm, quyến luyến, xa lạ với mọi thứ ồn ào dung tục, con người khao khát “Những hành trình bình an/ Thân ái” – như trong mộng tưởng cao vời của nhân loại từ  thuở xưa…

Nhưng hiện tại thì đôi lứa trong bài thơ lúc này cũng đang được hưởng “Những hành trình bình an/ Thân ái” đó mà chỉ con đường vắng xa ngái và “Những mảng hoàng hôn vàng tím” làm xáo động tâm can. Chỉ có điều, tâm can xáo động ấy lại là “Mênh mông sắc màu” khi ký ức ùa ngập về “Từ những hoàng hôn ta đã đi qua…” Hai con người say đắm thiên nhiên và biết lắng nghe những gì sâu thẳm nhất của lòng mình lên tiếng. Họ như hiểu nhau qua từng ánh mắt, nụ cười, và không hề giống như những kẻ đang phải chạy trốn khỏi những khung cảnh gay gắt, máu lửa – bởi họ cùng mang theo trong mình vẻ đẹp của “những hoàng hôn ta đã đi qua”, biết sống trọn vẹn với từng cung bậc cảm xúc trong lành nhất, đặc biệt là trước Thiên nhiên kỳ diệu, vĩnh cửu. Đột nhiên họ trở thành thi sĩ- dù chỉ là trong những khoảnh khắc, nhưng cũng đủ tạo ra bao hạt ngọc quý của tâm hồn góp phần làm bền chắc hơn, tỏa sáng hơn những giá trị Nhân bản của cuộc đời.

Đọc bài thơ này tôi bỗng nhớ tới đoạn kết một bài thơ buồn của nhà thơ Pháp G. Apollinaire, bài “Automne malade” (Mùa thu đau ốm) :

Les feuille
Qu’on foule
Un train
Qui roule
La vie
S’écoule

(Những chiếc lá (rơi) / Gót người đi / Một con tàu / Đang lăn bánh / Cuộc đời / Cứ thế trôi)

Có điều, nếu trong  “Automne malade”, cảm xúc của nhà thơ buồn tê tái, khi mà “Gió và rừng cứ khóc mãi không thôi” (Le vent et forêt qui pleurent), thì trong bài thơ “Những hoàng hôn ta đã đi qua”  lại thấy “Lòng ta thấm ngập” những “sắc màu” và mối đồng cảm với vẻ đẹp của chiều tà trong những kỷ niệm êm đềm, thi vị. Âu đó cũng là hai trạng thái tâm hồn khác nhau của con người trong một đời người…

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn

 

15 thoughts on ““Con đường tình ta đi” dẫn về đâu?”

  1. Em cứ thắc mắc hoài (mà không dám comment ở bài trước:D) cái tên “con đường tình ta đi” phải chăng là …do hai anh chị đặt cho nó?! 😀

    Em rất thích cách kết của bài thơ này “Từ những hoàng hôn ta đã đi qua …” Đóng bằng một cái mở, kết bằng sự bắt đầu. Như một lời chúc của thế hệ con cháu đối với anh chị, em mạn phép điền tiếp sau dấu “…” bằng một câu khác của anh Hoành: “đến vô lượng kiếp”.:)

    Like

  2. Hi QL,

    Anh chị đặt tiếng Việt thôi. Tiếng Anh nó là Love Road, Lovers’ Road, Road for Lovers… Dĩ nhiên là dùng các tên đường này làm địa chỉ gửi thư thì thư không đến.

    Like

  3. Một bất ngờ vui sướng sau một ngày tất bật.
    Đọc bài bình này của Anh Tuấn xong lại càng thấy yêu “Những hoàng hôn ta đã đi qua” làm sao…

    Chân thành cám ơn Anh Tuấn thật nhiều nhé ! 🙂

    Like

  4. Hi Quỳnh Linh,

    Đích thị là anh chị đã đặt tên Việt cho con đường ấy thật (đúng như anh Hoành đã nói).

    Luật sư có khác hè? Không bỏ sót chi tiết nào hết nơi… 🙂 🙂 🙂 Kinh thật !

    Like

  5. Tuổi của anh Hoành và chị Phượng xấp xỉ tuổi của ba mẹ em, lẽ ra theo văn hóa Việt em nên gọi là cô chú 🙂 Tuy nhiên em rất trân trọng văn hóa bình đẳng mà Vườn chuối đặt ra nên gọi ”cô chú” là ”anh chị”, và hôm nay em mới thấy tâm hồn của anh chị, và các bậc tiền bối khác còn trẻ trung như thế nào như 2 tiếng gọi anh và chị 😀 (comment của em hơi lộn xộn nhỉ 🙂

    Bài thơ hay và lời bình cũng phù hợp quá, nó cho em thấy cái sắt son và tình cảm 2 chiều sâu đậm của người lớn như anh chị để mà noi gương theo và học hỏi!

    Được biết Vườn chuối thật là hay a 🙂

    Like

  6. Hi, anh Hoành:
    Anh Hoành mới nói đúng có…50% thôi. Ví dụ nhà thơ Chăm Inrasara không những là nhà thơ mà còn là một nhà phê bình chuyên nghiệp đấy nhé…

    Like

  7. Anh Hoành khẳng định:”Chỉ nhà bình thơ chuyên nghiệp mới biết bình thơ” khiến em chợt giật mình bởi đã dám “múa rìu qua mắt thợ” đối với các nhà phê bình chuyên nghiệp. Em chỉ là chuyên nghiệp trong lãnh vực làm phim của em thôi ạ…

    Like

  8. Hi Ngọc Vũ,

    Thường người ta nói tuổi tác chỉ là một con số đó mà ! 😉 Băn khoăn làm gì chỉ tổ làm mình thêm lo chứ? Hơn thế, cách xưng hô kiểu văn hóa Việt mình đôi khi lại là rào cản ngăn chia sự gần gũi chia sẻ rất cần thiết trong đời sống là cái chắc.

    Vậy nên NV cứ yên vui tiếp tục gọi anh chị như thường lệ há. Chị thích có cảm giác mình trẻ trung ghê à. 🙂

    Được biết em cũng là một điều hay cho chị. 🙂

    Like

  9. Cha cha, thơ cũng hay phết, hay em cũng làm vài bài thơ về kiến trúc cho site thiết kế nội thất đẹp của mình nhỉ, hihi. Anh Tuấn có tâm hồn thi sĩ quá, văn chương biểu lộ cảm xúc thật, em cũng có làm 1 trang có cố gắng văn chương nhưng nó lại nói về mảng nội thất phòng khách thân thiện nên khó có thể hay và thi vị như của anh được, hic. Chắc chỉ có làm riêng 1 page về lãnh vực thi vị thì may ra.
    Làm thêm vài bài nữa đi anh ^^

    Like

Leave a comment