Lại bạo loạn ở Quý Châu, TQ – Bạo loạn liên tiếp tại Trung Quốc, vì sao?

Lại bạo loạn ở Quý Châu, Trung Quốc

SGTT.VN – Hàng ngàn cư dân thị trấn Kiềm Tây, tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc xuống đường hôm thứ năm 11.8 và xung đột với cảnh sát. Đây là cuộc bạo loạn mới nhất sau vụ một người bán hàng rong bị đánh chết tại thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu ngày 26.7.

Trước cuộc bạo loạn này, hàng trăm người tại thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu đã xung đột với cảnh sát sau khi một người bán hàng rong tật nguyền bị lực lượng quản lý đô thị thành phố này đánh chết chiều 26.7. Ảnh: China Digital Times

Nguyên nhân của cuộc bạo loạn này do sự bất mãn của người dân trước cách xử lý thô bạo của các nhân viên quản lý đô thị.

Theo trang web của đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc hôm thứ sáu 12.8, sự việc bắt đầu từ vụ va chạm giữa lực lượng quản lý đô thị thị trấn Kiềm Tây và chủ một chiếc xe đậu bất hợp pháp chiều 11.8, lôi kéo hàng ngàn người xem, sau đó đám đông kích động đập phá xe cảnh sát và làm tắc nghẽn các trục đường giao thông chính bằng xe nâng và xe tải. Bạo loạn làm hư hại 10 chiếc xe, trong đó có 5 xe cảnh sát.

Sáng sớm ngày 12.8, đám đông gây bạo loạn đã thưa dần khi cảnh sát khẳng định đã kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, 10 cảnh sát bị thương sau khi cố trấn áp những người biểu tình.

Giống như nhiều cuộc bạo loạn trước đây, tin tức vụ này lan truyền rất nhanh trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là trang Weibo (gần giống như Facebook). Thế nhưng chính quyền Trung Quốc rất thận trọng, không để cho bất mãn lan rộng. Chính vì vậy, nếu vào trang Weibo sáng thứ sáu 12.8, người ta sẽ không thể tìm thấy thông tin nào liên quan đến thị trấn Kiềm Tây, hoặc thậm chí là cả tỉnh Quý Châu với thông báo hiển thị “các quy định pháp luật hiện hành ngăn chặn hiển thị kết quả tìm kiếm”.

Tuy nhiên người dùng mạng xã hội vẫn có thể đăng ý kiến của mình. Một số ý kiến so sánh mỉa mai rằng, ở Trung Quốc, các cuộc bạo loạn xảy ra hàng tuần, và thậm chí còn nghiêm trọng hơn các cuộc bạo loạn gần đây ở London và các thành phố khác ở Anh.

Khả Anh (Reuters, China Daily)

Bạo loạn liên tiếp tại Trung Quốc, vì sao?


SGTT.VN – Chỉ trong hai ngày cuối tuần 30 – 31.7, hai vụ bạo loạn liên tiếp xảy ra tại thành phố Kashgar, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc làm 19 người thiệt mạng. Như vậy, chỉ trong tháng 7 đã có 3 vụ bạo động xảy ra tại khu tự trị này làm tổng cộng 37 người chết.

Bạo loạn liên tiếp

Bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo, nơi hai tên sát thủ dùng dao đâm khách bộ hành.

Vụ thứ nhất diễn ra lúc 23g45 tối 30.7, có hai người cướp một xe tải, giết chết tài xế và lái xe lao thẳng vào đám đông trên đường, sau đó nhảy khỏi xe và dùng dao đâm chém vào khách bộ hành. Vụ việc khiến 6 người chết tại chỗ, 28 người khác bị thương. Một sát thủ bị đám đông đánh chết, tên kia bị bắt giữ. Báo chí Trung Quốc gọi hai kẻ này là “khủng bố”. Một phát ngôn viên của khu tự trị cho hãng tin AFP biết hai người này là người Duy Ngô Nhĩ.

Sau đó, vào chiều chủ nhật 31.7, một quả bom phát nổ tại một nhà hàng trung tâm thành phố Kashgar.

“Khi nhân viên cảnh sát và lính cứu hỏa đổ đến hiện trường, một nhóm 5 kẻ tình nghi chạy ra ngoài và tấn công thường đâm,” trang web của chính quyền Kashgar cho biết.

Theo chính quyền địa phương, vụ tấn công này làm 6 dân thường bị thiệt mạng, 15 người bị thương, trong đó 12 người là người Hán (bao gồm 3 cảnh sát). Cảnh sát cũng nổ súng bắn hạ 5 nghi phạm. Còn Tân Hoa Xã đưa tin có 4 kẻ tình nghi bị cảnh sát bắn chết, bốn tên khác bị bắt giữ, và cảnh sát đang truy nã 4 kẻ khác trong nhóm này, được xác định là “khủng bố”. Sau đó chính quyền thành phố Kashgar đã ban hành lệnh giới nghiêm toàn thành.

Hôm thứ hai 1.8, thành phố Kashgar ban hành lệnh truy nã hai kẻ tình nghi trong vụ tấn công ngày chủ nhật 31.7 đã bỏ trốn là Memtieli Tiliwaldi, 29 tuổi và Turson Hasan, 34 tuổi, cả hai đều là người Duy Ngô Nhĩ. Cảnh sát đã treo thưởng 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15.540USD) cho thông tin dẫn đến bắt giữ hai người này.

Do bên ngoài xúi giục?

Cảnh sát đang giải cứu con tin trong vụ bạo loạn ngày 18.7.2011 tại TP Hotan, khu tự trị Tân Cương. Vụ bạo loạn này làm 18 người chết gồm 2 cảnh sát, 2 con tin và 14 phần tử nổi loạn. Ảnh: Reuters

Chính quyền thành phố Kashgar cũng cho biết, theo thú nhận của một trong những kẻ tình nghi, lãnh đạo của nhóm này, một nhóm Hồi giáo cực đoan người Duy Ngô Nhĩ, đã vượt biên vào Pakistan và được Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan tại đây huấn luyện bắn súng và đặt chất nổ. “Các thành viên của nhóm này đang tiến hành cuộc thánh chiến. Bọn chúng đã chế tạo chất nổ và lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công bạo lực khủng bố”, website của chính quyền thành phố nhận định.

Tuy nhiên, theo AFP, phát ngôn viên của bộ ngoại giao Pakistan đã không bình luận gì về cáo buộc này của Trung Quốc.

Báo Hoàn Cầu, ấn bản tiếng Anh của Nhân dân nhật báo, trong bài xã luận ngày hôm nay 1.8 đã thừa nhận: “Các cuộc tấn công khủng bố như thế này đã gia tăng gần đây”, và báo này lên án “Các thế lực cực đoan ở nước ngoài đã xúi giục xung đột giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, trong khi một số phương tiện truyền thông phương Tây đã tỏ ra đồng tình với những kẻ khủng bố. Tất cả những yếu tố này đã góp phần vào sự bất ổn hiện nay.”

Các giới chức Trung Quốc luôn khẳng định các cuộc tấn công định kỳ ở Tân Cương đều do Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (bị Trung Quốc cho là tổ chức khủng bố có liên hệ với al-Qaeda) thực hiện, trong khi một số người Duy Ngô Nhĩ nói rằng bạo lực là ngẫu nhiên và tự phát, vũ khí của họ hầu hết là tự chế.

Bất ổn xã hội

Thành phố Kashgar đã gia tăng lực lượng an ninh sau hai vụ bạo loạn liên tiếp xảy ra trong hai ngày 30 – 31.7.2011. Ảnh: AFP

Dilxat Raxit, phát ngôn viên của Đại hội Duy Ngô Nhĩ thế giới, bác bỏ nguyên nhân bạo loạn do Trung Quốc đưa ra. Ông này nói rằng cuộc xung đột bắt đầu từ một cuộc tranh cãi giữa những người Duy Ngô Nhĩ và cảnh sát thành phố, và hầu hết nạn nhân là cảnh sát. “Nguyên nhân cơ bản của sự cố này là do Trung Quốc áp đặt các luật lệ hà khắc”, ông Raxit trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo Los Angeles Times từ Thụy Điển, nơi ông sống lưu vong.

Người Duy Ngô Nhĩ là sắc dân chủ yếu ở Tân Cương, theo Hồi giáo. Họ bất mãn với các dòng lao động nhập cư và các nhà đầu tư người Hán đến đây. Nhiều việc làm ở đây chỉ được dành cho người Hán. Thành phố cổ Kashgar, một một biểu tượng văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ, phần lớn bị phá hủy để xây dựng các khu căn hộ cao cấp.

Người Duy Ngô Nhĩ “không có cách nào để phản đối một cách hòa bình, và trong cố gắng tuyệt vọng để phản đối, họ bắt đầu một cuộc chiến với cảnh sát”, ông Raxit nói.

Cuộc xung đột tại Kashgar nối tiếp cuộc xung đột hồi tháng trước ở thành phố Hotan cũng trong khu tự trị Tân Cương, trong đó 18 người thiệt mạng sau khi người Duy Ngô Nhĩ tấn công một đồn cảnh sát với chất nổ và dao tự chế.

Sự cố cuối tuần qua ở Kashgar là một phần của các cuộc bạo lực leo thang trong những tuần gần đây ở Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều thập kỷ đã tiến hành không thường xuyên các cuộc phản kháng đòi độc lập và cáo buộc người Hán cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của họ, chủ yếu là dầu mỏ, cũng như về vấn đề tôn giáo.

Hai nghi phạm khủng bố tại Tân Cương bị bắn hạ

Cảnh sát đặc nhiệm đứng gác gần nơi xảy ra vụ tấn công đẫm máu chiều chủ nhật 31.7 ở Kashgar, khu tự trị Tân Cương. Ảnh chụp ngày 1.8. Ảnh: AP

Cảnh sát Trung Quốc đã bắn hạ hai nghi phạm bị truy nã trong vụ bạo loạn tại thành phố Kashgar chiều 31.7, là Memtieli Tiliwaldi và Turson Hasan (người Duy Ngô Nhĩ), khi phát hiện cả hai đang ẩn nấp trong một cánh đồng bắp ở ngoại ô thành phố Kashgar. Vụ bắn hạ diễn ra vào ngày thứ hai 1.8, theo Tân Hoa Xã.

Trong ngày thứ hai 1.8, các cửa hàng, nhà hàng và chợ trên khu phố thực phẩm (nơi xảy ra vụ bạo loạn cướp xe tải làm 8 người chết tối 30.7) tại Kashgar vẫn đóng cửa, cảnh sát vũ trang được tăng cường bảo vệ quảng trường chính.

H.S (theo Xinhua, AFP, LAT)

One thought on “Lại bạo loạn ở Quý Châu, TQ – Bạo loạn liên tiếp tại Trung Quốc, vì sao?”

  1. Cả đất nước Trung Hoa bạo loạn thì hết mộng bá quyền.
    Bài học cho những kẻ cầm quyền Bắc Kinh tham tàn độc ác, đưa chủ nghĩa dân tộc Đại Hán thành mối họa toàn cầu.

    Like

Leave a comment