Vững tâm

Chào các bạn,

Nếu bạn đang đứng trong phòng tối mà thắp một ngọn đèn, thì bao lâu đèn mới sáng ra cho cả phòng? Hai ngày? Một tiếng đồng hồ? 15 phút? Thưa, căn phòng sẽ sáng ngay tức thì. Chẳng lý do gì mà thắp đèn rồi phải đợi vài ngày đèn mới sáng.

Nếu ta khen bạn ta một câu thì khi nào bạn ta mới vui? Hai ngày sau hay tức khắc?

Nếu ta tặng nàng môt bó hoa thì khi nào nàng mới vui?

Nếu ta viết một bài văn có nhiều nụ cười thì khi nào người đọc mới cười?

Nếu ta nhặt rác một quảng đường thì khi nào đường mới sạch?

Nếu ta nói một điều tích cực thì khi nào nguời nghe mới có được năng lượng tích cực?

Các bạn, tất cả mọi thứ ta làm đều có kết quả ngay lập tức, tức thì. Đôi khi ta thấy được kết quả ngay tức khắc trên mặt nguời nhận hành động của ta; đôi khi ta không thấy ngay, nhưng kết quả vẫn đã có. Mọi hành động (nhân) đều tạo ra hậu quả (quả) ngay lập tức, cũng như ta đặt một viên bi trên bàn và bắt đầu đẩy nó đi, viên bi lăn ngay lập tức, dù rằng phải tốn một chút thời gian cho viên bi đến nơi ta muốn nó đến.

Cho nên chúng ta cần phải hiều là một tư tưởng hay một hành động tích cực có hậu quả tích cực trên chính ta và những người quanh ta tức thì, dù ta có thấy kết quả đó hay không. Vì vậy chúng ta đừng lo lắng là mọi việc tích cực ta làm sẽ tốn rất lâu mới có kết quả.

Kể cả khi ta nói chuyện với một người rất tiêu cực, và người đó gạt phăng mọi lời lẽ tích cực của ta như là phi lý, thì các lời lẽ tích cực đó cũng đã có kết quả trên tư duy của nguời đó. Ánh sáng đương nhiên là phải sáng. Khi một luồng ánh sáng tích cực đã qua tai người ấy vào đến tâm thức của họ, nó có thể sẽ nằm đó mãi mãi. Lâu lâu nó sẽ khẽ lay động người ấy và nói cho người ấy nghe.

Vấn đề của chúng ta là môi trường văn hoá của chúng ta đã quá ô nhiễm, chúng ta đã cho phép không khí ta hít thở bị ô nhiễm với tư duy và ngôn ngữ chụp giật, ma cô ma cạo, và rất nhiều người trong chúng ta hùa theo rằng như thế là biết sống, là khôn ngoan. Một văn hoá như thế đương nhiên là tạo ra đủ thứ ma cô tại mọi tầng lớp của xã hội.

Các bạn, hãy gọi Chúa Quỷ đích danh. Hãy gọi chụp giật là chụp giật, hối lộ là hối lộ, ăn cắp là cắp, dối trá là dối trá… và tất cả những thứ này đều là tội lỗi trong tất cả sách vở của loài người tại tất cả mọi nơi trên thế giới.

Và hãy mạnh dạn bảo nhau: Khiêm tốn, thành thật, yêu người.

Một căn phòng chỉ cần một ngọn đèn. Cả trường, cả sở, cả thành phố của bạn có thể chỉ cần một mình bạn làm cho nó sáng hẳn lên.

Chỉ cần một điều kiện duy nhất để bạn sáng như đèn pha 1000 watts là: quyết liệt tin vào tư duy tích cực, quyết liệt tin vào trái tim con người, quyết liệt tin vào đạo đức, quyết liệt tin vào khiêm tốn, thành thật và yêu người.

Nếu bạn cần Chúa Phật thêm sức mạnh cho bạn thì hãy cầu nguyện.

Nếu bạn muốn tâm sự với bạn đồng hành thì đã có Đọt Chuối Non.

Mỗi chúng ta là ánh sáng cho xã hội. Đừng xìu xìu ển ển như cọng bún. Hãy đứng vững như ánh sáng mặt trời, dù là đôi khi, hoặc nhiều khi, bạn có thể sẽ phải đứng một mình.

Nếu bạn vững lòng tin và can đảm, thì đèn bạn sẽ rất sáng và một mình bạn sẽ chiếu sáng một khoảng không rất lớn.

Đã bao nhiêu năm nay, chúng ta cho phép tư duy tiêu cực ô nhiểm bầu không khí. Nay chúng ta phải thở ra hơi tích cực để đẩy không khí xú uế đi xa. Bạn chẳng phải làm gì khó khăn cả. Chỉ cần kiên quyết sống khiêm tốn, thành thật, yêu người. Và khuyến khích nguời khác sống như mình. Và thấy cái sai thì nói thẳng là sai, đừng a dua với đám người ngu dốt và tồi tệ để gọi các hành vi ma cô ma cạo là “biết sống”.

Chúng ta phải tạo được một nền văn hoá đạo đức trong đó mọi nguời chấp nhận một điều: “Các cách sống láu cá gian dối là thiếu chuẩn mực đạo đức của con nguời, và sống như vậy là sống tồi, là không biết sống, là làm hại chính mình, con cái mình, đất nước và đồng bào mình”. Nếu đa số người trong nước có tư duy như thế thì xã hội ta đương nhiên sẽ sáng hơn rất nhiều.

Mỗi người chúng ta là một kiến trúc sư trong việc tái kiến trúc văn hoá đạo đức cho xã hội. Các bạn chỉ cần vững tâm. Thực hành tư duy tích cực, sống đạo đức, và khuyến khích nguời khác sống tích cực, đạo đức. Vấn đề chỉ giản dị có vậy.

Và nhớ mỗi phòng tối chỉ cần một ngọn đèn.

Chúc các bạn một ngày vững tâm.

Mến,
Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 12 thoughts on “Vững tâm”

  1. Anh Hoành,

    Đôi khi em thấy con người mình tồi tệ quá nên rất mặc cảm là mình không sao sửa đổi được những tính nết xấu. Vì sự tiến bộ, ngay cả khi mình luôn cố gắng cũng cứ chậm quá.. và cái sự xấu hổ, nó cứ đến với mình hoài làm nhiều khi mình tuyệt vọng và thấy mình không kiểm soát được tính cách của bản thân.
    Đọc Đọt chuối non, rất may mắn là gặp người thầy như anh Hoành luôn dẫn đường đi bằng những con đường rất rõ ràng cho mình luyện tập. Tuy nhiên đôi lúc em thấy mình cứ thuộc lý thuyết, mà đến khi gặp hoàn cảnh để thực hành thì bỗng quên mất đâu, và lòng tức mình nhiều lắm nhưng cũng không làm được gì hơn cả anh a..

    Thích

  2. Hi Ngọc Vũ,

    Anh đã nói là tập môn gì thì cũng phải làm cả trăm nghìn lần mới thuần thục mà. Mới vài lần không được thì là chuyện thường tình. Phải có sự khác biệt về thời gian và nội lực giữa đai xanh và đai đen chứ. Chuyên tâm luyện tập thôi. Hơi đâu mà thất vọng.

    Thích

  3. Anh Hoành,
    Em cũng đang có tâm trạng như Ngọc Vũ. Em quyết tâm thực hành mà khi đụng chuyện thì thấy mình làm hoàn toàn trái ngược. Chắc em phải xin ơn trên giúp em nhiều lắm.
    Cám ơn anh Hoành đã nhắc nhở chúng em.

    Thích

  4. Hi Hảo và Ngọc Vũ,

    Tâm trí chúng ta là một bộ máy computer lớn. Nếu đã được programmed kiểu nào đó thì cứ như vậy mà làm việc. Nếu xưa nay ai nói động một chút thì ta nổi nóng, vậy thì hệ thần kinh cứ như vậy mà làm việc. Mình tự bảo là phải tập không nổi nóng, nhưng khi bị đụng chạm, hệ thần kinh cứ theo program mà làm việc nổi nóng, override ý định không nổi nóng của mình.

    Chính vì vậy mà các Thiền sư lấy thiền định là chính. Nếu mình tập thiền thường xuyên thì học quen cách kiểm soát cách làm việc tự động của hệ thần kinh, làm cho các tư tưởng đã được programmed không còn sức mạnh như trước, và khả năng kiểm soát tư tưởng của ta cũng cao hơn.

    Một cách khác cũng rất hiệu lực là cầu nguyện–khi biết mình bắt đầu nổi nóng thì cầu nguyện liên tục trong lòng “Xin Chúa/Phật cho co nđừng nổi nóng, xin Chúa/Phật cho con đừng….”

    Một cách khác người ta cũng hay dùng là đứng đậy đi (để tránh cãi nhau tiếp) và lấy một ly nước uống từ từ…

    Nói chung là nếu ta có cách để chận lại hoặc khắc phục được cơn nóng, được 1 ay 2 lần, thì từ từ hệ thần kinh của ta sẽ quen cách thức kiểm soát tư tưởng và cảm xúc.

    Đương nhiên mức cao hơn là mức của các bận thầy. Không nổi nóng bao giờ. Đã không nổi nóng thì chẳng có gì để phải kiểm soát hay ngăn chận.

    Đây là mức nghe một lời nói xúc phạm, mình chỉ thấy thương và tội nghiệp người kia đã hiểu quá sai về mình (đến mức không giải thích cho họ được), hoặc qua gạnh tị với mình, hoặc quá thiếu tự tin với chính họ …. Nói chung là mình thấu hiểu và cảm thông hơn là nổi nóng.

    Các “tật xấu” khác cũng vậy thôi.

    Nhưng để mình lập lại điểm chính trong bài “Pleassure principle” và trong các bài nói về Luật Hấp Dẫn. Đừng tập trung suy tư vào cái yếu của mình, mình sẽ hấp dẫn cái yếu đến làm mình yếu thêm. Hãy tập trung vào điều mạnh mình muốn có. Muốn hết nổi nóng thì đừng nghĩ gì về tính nóng của mình, tập trung vào “Yêu thương và hòa ái với mọi người, kể cả người xúc phạm mình”. Khi nói chuyện, không tập trung tư tường vào “Tôi sẽ không nổi nóng”, mà tập trung tư tưởng vào “Tôi sẽ nói chuyên yêu thương và hòa ái với anh chị này, dù là anh chị ấy có nói gì, dù là có trời sập trên đầu” Nếu tập trung tư tưởng như vậy thì mình sẽ tiến nhanh ít nhất là gấp 10.

    Ghi nhớ Luật Hấp Dẫn: Đâu óc ta tập trung vào điều gì thì điều đó đến. Tập trung vào không NỔI NÓNG, thì nổi nóng đến (Chữ “không” chẳng có giá trị gì). LUật Hấp Dẫn không biết phân biệt thể phủ định và thể khẳng định. Tập trung vào HÒA ÁI, thi hòa ái đến.

    Luật Hấp Dẫn cực kỳ quan trọng trong cách tư duy của ta. Nếu các em vẫn chưa nắm vững được Luật Hấp Dẫn thì hỏi anh. Anh sẽ giải thích thêm.

    Đã thích bởi 1 người

  5. Anh Hoành ơi,

    Em nghĩ anh Hoành viết riêng 1 bài về Luật Hấp dẫn cho tụi em đọc luôn với a, em thấy issue này hay được a Hoành nhắc tới nhiều nhưng em chưa tìm thấy bài viết riêng về nó. Nếu có các ví dụ là kinh nghiệm thực sự của anh lồng vào nữa thì sẽ rất hay và giúp tụi em dễ nhớ a.

    Anh và mọi người khỏe nhé!

    Thích

  6. Hi Ngọc Vũ,

    Anh viết nhiều vài về Luật Hấp Dẫn lắm rồi. Dưới đây là một danh sách cho em.

    Em có thể bỏ bài đầu (LHD) và chỉ đọc bài hai (LHD revised), vì bài hai là bài đầu edited lại cho dễ hiểu hơn rất nhiều.

    A. Hoành

    Luật Hấp Dẫn

    Luật hấp dẫn (revised)

    Nhớ “Luật Hấp Dẫn” ngày đêm

    Tinh thần cao cả trong ta – the Law of Attraction

    Vì và chống – For and against

    Đe dọa và hứa hẹn

    Luật hấp dẫn và tĩnh lặng

    Cầu nguyện, tư duy tích cực, và luật hấp dẫn

     

    Thích

  7. Hi Thế Hòa và các bạn,

    :Luật Hấp Dẫn chỉ là một quy luật tâm lý của con người, kiểu “Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa”. Các bậc thầy lớn rất rành, như chúa Giêsu dạy con người tập trung vào tình yêu và thương đế, Phât Thích ca dạy con người tập trung vào vô ngã, vô chấp và Niết Bàn. Tập trung vào điều tích cực sẽ tạo ra năng lương tích cực, chuyển hóa chính ta và thế giới của ta,

    Tuy nhiên quyển sách The Secret (nói về Law of Attraction) của Rhonda Burne nói quá tải, kiểu tiếp thị tăng tốc: “Bí Mật (The Secret) tiết lộ một Quy luật đầy quyền năng thống trị toàn Vũ Trụ. Những hiểu biết về quy luật này đã được truyền lại như một cẩm nang vàng qua nhiều thế hệ và được giảng dạy bởi những nhà tiên tri, giáo sĩ, những nhà hiền triết, hay Đức chúa Jesu, Phật tổ trong suốt lịch sử, trong suốt cuộc sống của tất cả những con người vĩ đại này họ đều hoàn thành hay đạt đến thành công tột đỉnh nhờ sử dùng cùng một quy luật quyền năng.”

    Quyển sách này và nhiều vị “thầy” tư duy tích cực dựa vào nó để cho rằng chúng ta biết “quy luật đầy quyền năng thống trị toàn Vũ trụ” này cho nên ta muốn gì được nấy, Nhảm nhí! Mọi kiểu nói đó chỉ là tiếp thị, và ngớ ngẩn, không biết khả năng có giới hạn của con người.

    Luật Hấp Dẫn rất quan trọng cho tư duy của chúng ta. Nhưng đời sống chúng ta còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố không biết, mà các truyền thống tâm linh nói là ý Chúa, hay nhân duyên, hay tiền kiếp v.v… Cho rằng ta nắm được Luật Hấp Dẫn là tự ta muốn gì được nấy, là bố láo. Cho nên học khí cụ gì cũng cần hiểu giới hạn nó đến đâu. Con dao thì để cắt thịt, không thể tạo ra con gà.

    Thích

  8. Hi anh Hoành,

    Em mới đọc qua vài bài về Luật Hấp dẫn anh gửi link rồi a, hóa ra quy luật này tác động đến nhiều việc quá 🙂

    Em cảm ơn anh,

    Thích

  9. Hi anh chị em,

    Em là người vẫn phạm nhiều sai lầm trong đời sống. Nhưng em không ngày nào ngừng kiếm tìm và cố gắng sống với sự lương thiện và trái tim Thánh của chính mình.

    Có nhiều người yêu quý em, cảm thấy hạnh phúc và được tiếp thêm niềm tin. Cũng có nhiều người ganh tị nói em bị điên, tẩu hoả nhập ma, tìm cách nhấn em xuống. Và em tin những ai đi con đường Thánh cũng sẽ gặp điều này.

    Em cũng buồn đôi chút. Nhưng em nhìn Chúa Jesus bị giáo hội đóng đinh, nhìn Đức Phật và các vị Thánh bị phỉ nhổ thì em hiểu đó là con đường chúng ta phải đi qua.

    Em chia sẻ điều này để nói rằng: Các anh chị em hãy dũng mãnh lên. Trái tim Thánh của chúng ta sẽ thắng!

    Em Phương

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s