Đoạn đầu bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” (Thanh Thảo)

 

Thanh Thảo là một nhà thơ có mối quan tâm đặc biệt đối với những con người có nhân cách và nghĩa khí dù số phận có thể ngang trái. Trong mạch cảm hứng ấy, nhà văn đã viết “Đàn ghi-ta của Lorca”, in trong tập “Khối vuông ru-bích” (1985). Đây được xem là thành công nhiều mặt của Thanh Thảo mà ngay đoạn đầu của bài thơ cũng đã rất đặc sắc:

“Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn”

(trích “Đàn ghi-ta của Lorca” — Thanh Thảo)

Đoạn thơ gợi lên khung cảnh chính trị, văn hóa Tây Ban Nha mà quan trọng hơn là gợi lên một cách khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lorca — nhà thơ lớn nhất Tây ban Nha thế kỉ XX và cũng là một chiến sĩ dũng cảm trong cuộc chiến chống phát xít. Ông được nhiều người biết đến qua câu thơ nổi tiếng: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” (Câu mở đầu bài thơ “Ghi nhớ”). Có lẽ vì vậy mà Thanh Thảo đã chọn ngay tiếng đàn để mở đầu cho bài thơ viết về Lorca:

“những tiếng đàn bọt nước”

Câu thơ nghe thật lạ lùng nhưng đầy sức gợi. “Những tiếng đàn” hay chính là sự nghiệp sáng tác mà cũng là cuộc đời của nghệ sĩ Lorca. Nhưng sao lại là “những tiếng đàn bọt nước”? Ta thấy ở đây “bọt nước” đã không được dùng với chức năng vốn dĩ là danh từ nữa mà trở thành một tính từ để bổ nghĩa cho “những tiếng đàn”. Hình ảnh “bọt nước” gây cho ta ấn tượng mạnh về sự nhỏ bé, mong manh, dễ vỡ… cứ như cuộc đời Lorca vậy, sao mà ngắn ngủi quá! Nếu như trước đây, câu thơ “tiếng đàn xưa đứt ngang dây” của Tố Hữu viết về Nguyễn Du vốn đã tội nghiệp thì đến đây, “những tiếng đàn bọt nước” của Thanh Thảo viết về Lorca lại càng tội nghiệp hơn. Câu thơ đọc lên nghe mà xót xa! Cả sự hẫng hụt nữa!

Thế thì, ta đánh hướng nhìn qua một góc độ khác, lạc quan hơn, rằng “bọt nước” đúng là nhỏ bé, là mong manh, dễ vỡ thật, chính vì thế mà cần phải tan hòa vào đại dương mênh mông. “Những tiếng đàn bọt nước” trở thành âm vang của trái tim khát khao giao hòa với cuộc sống rộng lớn hay khát khao sự đồng điệu chăng? Mượn hình ảnh bọt nước để nói về tiếng đàn Lorca quả là sáng tạo độc đáo của Thanh Thảo. Sáng tạo này còn được thể hiện ở câu thơ tiếp:

“Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”

Câu thơ này thì rõ là mang đậm không khí Tây Ban Nha khi nhắc đến một nét văn hóa đặc sắc của đất nước này. Đó là những trận đấu bò tót mà ở đó luôn hiển hiện tấm “áo choàng đỏ gắt” của người hiệp sĩ đấu bò. “Áo choàng đỏ gắt” kích thích sự hung hăng của những con bò tót, nghĩa là tăng thêm phần kịch tính, là khi bước vào đấu trường, người hiệp sĩ đã chuẩn bị tinh thần cho cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Trong không gian văn hóa Tây Ban Nha ấy, ta thấy như hiện lên những cuộc đấu khác: Cũng tấm áo choàng ấy, cũng tinh thần ấy, người hiệp sĩ Lorca bước ra đấu trường với một quyết tâm cao dù là trong cuộc chiến không cân sức với bọn phát xít Phrang-cô; còn trên đấu trường nghệ thuật thì đó là cuộc chiến giữa nhà cách tân vĩ đại Lorca với nền nghệ thuật cũ kĩ, lạc hậu, già nua. Cả hai cuộc chiến đều rất cao cả, rất vĩ đại, khiến ta không khỏi cảm phục và thương mến.

Nếu như câu thơ đầu nói lên sinh mệnh ngắn ngủi của Lorca thì câu thơ này là sự lí giải cho sinh mệnh ấy bằng sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ _ chiến sĩ Ph. G. Lorca. Cũng có lẽ vì sứ mệnh cao cả ấy mà nhân cách Lorca càng ngời sáng và tiếng đàn Lorca càng ám ảnh hơn:

“li-la li-la li-la”

Câu thơ trên có thể là sự mô phỏng âm thanh tiếng đàn gắn bó với Lorca, có thể là những tiếng gọi trìu mến về một loài hoa tím của đất nước Tây ban Nha _ hoa li-la (tử đinh hương). Dẫu là gì thì cũng là sự tượng trưng cho cái đẹp, cho nghệ thuật. Và không biết có phải ngẫu nhiên mà trong từ “li-la” có sự đấu nối của hai nguyên âm một ngắn “i”, và một dài “a”, cùng với phép lặp của từ “li-la” khiến câu thơ càng thêm miên man và đầy ám ảnh về cuộc đời ngắn ngủi và sự bất tử của tiếng đàn Lorca?

Sự trải ra của âm thanh tiếng đàn trong câu thơ này còn tạo nền để trải tiếp khoảng không gian mênh mông tiếp sau, mà trên đó, một con người cô đơn vẫn không ngừng bước “đi lang thang trong miền đơn độc”.

Câu thơ miên man với những thanh bằng khiến không gian như càng được trải rộng hơn, bao la hơn. Trên không gian ấy, người nghệ sĩ Lorca vẫn không ngần ngại dấn bước, nhưng hình như không chủ định nên mới… “đi lang thang”. Có phải vì nơi Lorca đến, “miền đơn độc”, không phải là một nơi chốn cụ thể nào mà chỉ là sự đơn độc của con người trong không gian? Và sự đơn độc là vì nơi đây vẫn còn hoang sơ, chưa dấu chân người?

Lorca, trên hành trình của mình, đang khai phá những miền đất mới, những chân trời nghệ thuật mới. Mà hành trang người nghệ sĩ ấy mang theo là “vầng trăng chếnh choáng”. Câu thơ gây ấn tượng về một vầng trăng dập dềnh, xô lệch, nhập nhòa. Và “chếnh choáng” hình như là một từ chỉ trạng thái hơn là một từ láy tượng hình. Một vầng trăng có tâm trạng, bởi vì người nhìn nó có tâm trạng. Người nghệ sĩ Lorca như đang chìm trong thế giới vô thức, nơi ngự trị của “cái tôi đa ngã”, “cái tôi chưa biết”, “cái tôi rất yêu tự do”. “Chếnh choáng”, hay chính là trạng thái say mê, xuất thần trong sáng tạo thi ca.

Nhưng sao trạng thái ấy lại diễn ra trên một yên ngựa “mỏi mòn”? Người nghệ sĩ Lorca vẫn đeo đuổi những khát vọng của mình, nếu có mỏi mòn thì đó là vì năm tháng dài dằng dặc trong người nghệ sĩ cô đơn mà thôi! Ta thấy liền ba câu:

“đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn”

đều có sự song hành của sự đơn độc và sự vận động. Bức tranh hiện lên là bức tranh của những hoang mạc dãi đầy ánh trăng mà trên đó có bóng người nghệ sĩ với cây đàn ghi-ta đi lang thang một người một ngựa…

Vậy là, chỉ với sáu câu thơ đầu, Thanh Thảo đã mang đến cho chúng ta những liên tưởng gián đoạn nhưng rõ nét về Ph.G. Lorca, một chiến sĩ, một nghệ sĩ dũng cảm, yêu tự do, có sự nghiệp vĩ đại nhưng sinh mệnh ngắn ngủi và cô đơn. Đoạn thơ với những sáng tạo độc đáo, giàu chất nhạc và chất họa còn cho thấy cả những nỗ lực đổi mới thơ ca của Thanh Thảo, một con người cũng rất tâm huyết với thơ ca!

Ngọc Nho

6 thoughts on “Đoạn đầu bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” (Thanh Thảo)”

  1. Đây là những câu thơ rất hay. Của Thanh Thảo hay của Lorca vậy? Cảm ơn Ngọc Nho đã giới thiệu.

    Màu đỏ làm anh nhớ đến “Một trăm năm cô đơn” (100 Years of Solitude) của Gabriel García Márquez. Nếu em chưa đọc thì nên đọc. Quyển truyện thuần hình ảnh biểu tượng, viết về 100 năm lịch sử của Columbia, trong đó cuộc đấu tranh cộng sản và chống cộng sản được biểu tượng bằng hai đoàn người trong làng đột nhiên khiêng hai cô bé áo đỏ và áo trắng như hai đoàn rước kiệu để đấu tranh với nhau.

    Marquez được nhiều người cho là nhà văn hay nhất của thê kỷ 20. Anh cũng thấy như thế là đúng. Nhiều người gọi lối viết của Marquez là “magic” (ảo thuật). Anh thấy từ đó cũng xứng đáng

    Like

  2. Chào anh Hoành!
    Đây là bài thơ của Thanh Thảo viết về Lorca ạ. Bài thơ nếu phân tích ra thì khá dài nên tạm thời em chỉ gởi anh bài phân tích đoạn đầu. Bài thơ này cũng đã được đưa vào sách ngữ văn 12 cải cách mấy năm rồi. Em thấy bài này rất hay.
    Cảm ơn anh đã giới thiệu tác phẩm “Một trăm năm cô đơn” (100 Years of Solitude) của Gabriel García Márquez. Em chưa đọc tác phẩm này. Em sẽ đọc nó khi có cơ hội. Cảm ơn anh ạ! ^_^!

    Like

  3. Tác phẩm “Trăm năm cô đơn” được dịch tiếng Việt đã lâu, Ngọc Nho chưa đọc thì hơi …uổng.

    Tất nhiên là hơi khó đọc, vì đươc xếp vào lối viết của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magic realism) đặc trưng của Châu Mỹ Latinh.

    Châu Mĩ la tinh là một khu vực hỗn tạp dân tộc, gồm người bản xứ Anhđiêng, người da đen châu Phi và dân ở các nước châu Âu di cư sang. Kết cấu những tộc người này đã làm cho các đô thị hiện đại xuất hiện ở châu Mĩ la tinh cùng tồn tại với các bộ lạc nguyên thủy, sắc thái kì dị, thần bí bao trùm lên châu lục. Kết cấu dân tộc này cũng là một trong những điều kiện làm nảy sinh chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.

    Like

  4. @ nhuanhsaobang: Mình thấy bài này rất hay và cũng đã phân tích hết cả bài nhưng dài quá nên chỉ post phần đầu. Bạn có thể xem cả bài dưới đây:

    Đàn ghita của Lorca

    “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta”
    F.G.Lorca

    *****

    Những tiếng đàn bọt nư­ớc

    Tây-ban-nha áo choàng đỏ gắt

    li-la li-la li-la

    đi lang thang về miền đơn độc

    với vầng trăng chếnh choáng

    trên yên ngựa mỏi mòn

    Tây-ban-nha

    hát nghêu ngao

    bỗng kinh hoàng

    áo choàng bê bết đỏ

    Lorca bị điệu về bãi bắn

    chàng đi như­ ngư­ời mộng du

    tiếng ghi -ta nâu

    bầu trời cô gái ấy

    tiếng ghi -ta lá xanh biết mấy

    tiếng ghi -ta tròn bọt nư­ớc vỡ tan

    tiếng ghi -ta ròng ròng

    máu chảy

    không ai chôn cất tiếng đàn

    tiếng đàn như­ cỏ mọc hoang

    giọt nư­ớc mắt vầng trăng

    long lanh trong đáy giếng

    đư­ờng chỉ tay đã đứt

    dòng sông rộng vô cùng

    Lorca bơi sang ngang

    trên chiếc ghi ta màu bạc

    chàng ném lá bùa cô gái di -gan

    vào xoáy n­ước

    chàng ném trái tim mình

    vào lặng yên bất chợt

    li -la li -la li -la…

    (Rút từ tập Khối vuông Rubíc, NXB Tác phẩm mới, 1985)

    Like

  5. cam on Ngoc Nho nhiu nha, co bai viet cua ban mih thay bai nay de hieu va de cam thu hon zui .tks Ngoc Nho nhiu nhiu... says:

    cam on Ngoc Nho nhiu nha, co bai viet cua ban minh thay bai tho nay de hieu va de cam thu hon zui.^^

    Like

Leave a comment