Làm gì để hết lo lắng

Dù bạn vẫn luôn tự nhủ mình rằng đừng hối tiếc ngày hôm qua, đừng lo lắng tương lai, hãy sống cho hiện tại vân vân và vân vân…nhưng dù có tự nhủ mình đến mấy, dù chúng ta đã nhận thức rất rõ những nguyên lý căn bản để gỡ bỏ lo lắng, cũng không thể tránh khỏi một ngày hoặc thậm chí một khoảng thời gian dài, chúng ta sống trong những nỗi bất an.

Lo kết quả một kì thi. Lo công việc hiện tại chưa hoàn tất. Lo về sức khỏe dạo này không tốt. Lo khi chưa biết rõ con đường tương lai của mình sẽ ra sao…biết bao những mối lo thường trực đó, dù chúng ta đã tự nhủ rằng lo lắng cũng vô ích, nhưng rõ ràng là trong lòng chúng ta vẫn chưa thể gỡ bỏ được mối bận tâm rất dai dẳng.

Lo ít hay nhiều, mối lo đó sớm hay chậm tan biến phụ thuộc vào “nội công” của mỗi người.

Từ kinh nghiệm của mình, xin chia sẻ với các bạn hai cách để gỡ bỏ những lo lắng đó. Hi vọng là phần nào ít nhiều giúp mỗi chúng ta sống tích cực hơn mỗi ngày.

–          Nói chuyện với một người nào đó

Người này không nhất thiết phải là bạn thân nhất. Vì đôi khi chúng ta có tâm lý là “bụt chùa nhà không thiêng”. Giả dụ làm bài thi không tốt hay cảm thấy quan hệ với sếp không tốt, mẹ hay bạn thân của mình có khích lệ “Chắc không có vấn đề gì đâu” chúng ta sẽ nghĩ là họ đang xoa dịu chứ không nói sự thật. Đâm ra không tin họ và vẫn tiếp tục nghi ngờ chính mình.

Tốt hơn cả là tìm một người bạn trung lập, có kinh nghiệm với vấn đề. Ví dụ nói chuyện với một sinh viên khóa trên, hay đồng nghiệp lâu năm ở công ty vv…

Bạn cũng không nhất thiết phải nói thẳng ra vấn đề của mình nếu không muốn. Nhưng để tìm câu trả lời cho mình, hãy nói cứ chuyện một cách tự nhiên và đặt ra một vài câu hỏi, ví dụ như “ngày xưa anh thi đại học thế nào?” hay “làm việc với sếp A anh thấy thế nào?”…Chắc chắn là bạn sẽ luôn tìm thấy một vài thông tin rất bổ ích kiểu như “ôi anh thi xong cứ tưởng trượt thế mà vẫn đỗ em ạ” (sao giống mình quá!), hay “à chú ấy cũng hay cáu lắm nhưng mau quên thôi, không để bụng nên anh cũng quen rồi”(phew, thế mà cứ tưởng…)

Đến đây thì có lẽ là tâm lý lo lắng đã trút được hơn 50% rồi :). Bạn sẽ thấy là bản thân sự lo lắng đã bị chính ta thổi phồng quá mức trong khi mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều. Khi stress vì lo lắng chúng ta lại có tâm lý nghi ngờ bản thân nên càng thu mình lại trong thế giới nhỏ bé của mình.

Nói chuyện là một cách giúp chúng ta bổ sung thêm cách nhìn đa chiều về vấn đề. Khi thắc mắc chúng ta cũng thường search thông tin trên mạng, nhưng mình thấy rằng nói chuyện personal vẫn là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

–          Nếu ngày mai thức giấc, mối lo lắng vẫn dai dẳng và hành hạ con tim bạn, hãy thực hành cầu nguyện.

Nói đến cầu nguyện thì một số bạn sẽ nghĩ chỉ có người theo đạo mới cầu nguyện. Nhưng thực tế là ai trong chúng ta cũng cầu mỗi ngày. Chắc bạn cũng hay nói “Cầu Trời cho con thi đỗ” hay “Cầu Trời ngày mai sếp không cho con nghỉ việc” vv…

Nhưng cầu nguyện mang một ý nghĩa sâu xa hơn chỉ là những cầu mong đơn giản như vậy.

Bỏ qua chuyện theo đạo hay không theo đạo, chúng ta chỉ quan tâm là liệu chúng ta có muốn trở thành người tốt, khiêm tốn, đang trên con đường thực hành tình yêu mà Chúa Jesu hay Phật Thích Ca dạy chúng ta hay không.

Nếu như vậy, việc cầu nguyện mỗi ngày là nhắc nhở bản thân mình tập trung vào mục tiêu đó. Hôm nay có một mối lo chưa hết, bạn cũng hãy nói điều đó trong lời cầu của mình, mong Thượng đế hãy giúp cho tâm trạng của mình trong ngày luôn được tốt, làm việc hiệu quả, không vì mối lo lắng đó mà trở nên mất bình tĩnh vv…

Việc cầu nguyện như vậy không chắc chắn giúp chúng ta hết ngay nỗi lo, nhưng điều quan trọng là giúp cho tâm trạng của chúng ta không bị ảnh hưởng (nhiều) vì mối lo đó. Nếu không, dễ là chúng ta sẽ mang một bộ mặt ỉu xìu tới cơ quan và thậm chí lỡ lời với sếp thì sự việc còn tồi tệ hơn.

Cứ kiên trì mỗi ngày như vậy chắc chắn là bạn sẽ thấy có kết quả.

Có những lúc quá trình này kéo dài và bạn cũng không biết khi nào sẽ kết thúc. Nhưng chắc chắn là nó sẽ kết thúc. Tất nhiên rồi.

Đôi khi bạn tự hỏi tại sao mình đã thực hành những lời của Chúa, Phật mà trái tim mình vẫn cứ có troubled không thôi. Những lúc như thế, hãy nghĩ tới một điều là bất cứ một sự trưởng thành về mặt tâm linh nào cũng đều phải trải qua những đau đớn (agony). Giống như một chú rắn lột xác. Rất lâu và rất đau. Nhưng sau đó chú rắn trở nên to hơn, cứng cáp hơn.

Con người chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta đang sống trong những lo âu và trái tim ta đang đau, hãy đừng thù ghét chính ta hay bất cứ ai mà ngược lại, chấp nhận điều đó và tin rằng đấy là những thử thách để trái tim ta ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Ngoài hai cách này bạn có thể có rất nhiều phương pháp nữa, như là tập thể thao, tạo sự bận rộn để tránh suy nghĩ tiêu cực, đi du lịch vv…

Chúc các bạn một ngày vui 🙂

Hoàng Khánh Hòa

16 thoughts on “Làm gì để hết lo lắng”

  1. Đề tài gần gũi với mọi người. Vì ai mà không lo? Chết mới hết lo? Cảm ơn tác giả. Hình như HKH còn trẻ tuổi? Mà kinh nghiệm nhiều và chắc là có “nội công thâm hậu”…
    “Lo xa để khỏi buồn gần”. Nhưng nhiều khi ta lại “lo bò trắng răng – lo bà vãi trọc đầu – lo ông đò khát nước”…Cho nên làm tiêu hao năng lượng vô ích.
    Tốt nhất là “cẩn tắc vô ưu” – cẩn thận để khỏi lo lắng.
    Và phải biết rằng: Chính sự lo lắng thái quá đã gây hại cho chúng ta hơn là những gì chúng ta lo lắng…
    Lo lắng thái quá làm giảm chất lượng cuộc sống.
    Nói vậy, chứ tôi cũng có bệnh hay lo.
    Có điều tôi biết chắc chắn là nếu tích cực chữa và dùng đúng thuốc, bệnh sẽ mỗi ngày một giảm…

    Like

  2. Cám ơn bài viết của Khánh Hòa có nhiều nội dung rất hay và như thường lệ, nhiều gợi ý giải pháp rất cụ thể để thực hiện. 🙂

    Nhân đây mình chia sẻ thêm một số suy nghĩ của mình về chủ đề này nhé.

    Chữ lo trong tiếng Việt có hai nghĩa hay hai phần, tạm gọi là “lo toan” và “lo lắng”. Lo toan, tức quan tâm và làm gì đó cho sự việc tốt lên. Còn lo lắng thì chủ yếu chú trọng về kết quả. Khi nói “người hay lo” thường gồm cả hai nghĩa này – với hàm lượng khác nhau tùy theo từng trường hợp.

    Mình nghĩ lo toan là một thái độ tích cực cần thiết để chu toàn công việc và cuộc sống, để là một người có trách nhiềm với mình, với người và với đời.

    Còn lo lắng chỉ là một tâm lý tiêu cực khi bị tách khỏi lo toan: một tâm trạng bồn chồn, bất ổn về tương lai, một sự cầu thị sợ không thành…

    Lo lắng tất nhiên là một động lực của lo toan, nhưng quá mức lại cũng là trở lực của lo toan: một sự rối bời làm tê liệt đầu óc khiến mình không còn lo toan được nữa.

    Vậy nếu nói cố gắng “không lo” là ý nói không lo lắng, còn vẫn phải gia tăng lo toan, tức cố gắng hết sức “lo” ở hiện tại mà không “lo” tương lai.

    Nhưng làm sao để không lo về tương lai? Cần một thái độ chấp nhận và buông bỏ, sau khi đã cố gắng hết sức ở hiện tại. Nếu mình cứ khư khư muốn một điều gì đó, không thể chấp nhận điều không thành, không thể buông bỏ điều muốn của mình, thì làm sao mà không lo về tương lai được? Và, cũng giống như Khánh Hòa, mình nghĩ đời sống tâm linh là ở chỗ này. Đời sống tâm linh giúp bạn có một nơi để phó thác, một cách nào đó để cảm thấy an, bất kể bạn đang giữa biển giông bão hay … giữa phố phường Hà Nội sau cơn mưa to to một tí. 😀

    Like

  3. Phân tích của QL rất hay!
    Mình có thêm 1 ý là: “Tận nhân lực tri thiên mạng”.
    Tận nhân lực là lo toan – Tri thiên mạng là không lo lắng.

    Like

  4. Cảm ơn anh Thảo và chị Quỳnh Linh. Em cũng rất thích phân tích của chị QLinh về chữ lo 🙂

    Bài này là những chia sẻ từ cảm xúc và kinh nghiệm thực sự của em anh Thảo à…Em vẫn đang lọ mọ thực hành thôi chưa thể gọi là nội công thâm hậu được hì hì nhưng phải công nhận là trong 2 năm trở lại đây em trưởng thành nhiều nhờ ĐCN, anh Hoành và anh Hiển.

    E không đọc nhiều sách mà chủ yếu đọc các bài trên ĐCN, một số nguyên lý cơ bản của của Phật giáo và Thiên chúa giáo…sau đó cố gắng thực hành trong đời sống hàng ngày và theo dõi biến đổi của chính mình để sửa dần dần. Nếu có bí quyết gì thì chỉ có vậy thôi ạ 🙂 Em cũng rất vui nếu anh chia sẻ thêm về cách học của anh.

    Hòa

    Like

  5. “…sau đó cố gắng thực hành trong đời sống hàng ngày và theo dõi biến đổi của chính mình để sửa dần dần. Nếu có bí quyết gì thì chỉ có vậy thôi ạ.”
    Rất đúng HKH ạ! 😀
    Tiếng Việt mình hay nói “học hành” – “tu tỉnh” – “tu hành”.
    Tu phải tỉnh là điều trước hết – Học phải hành là việc đầu tiên.
    Và:
    Tu hành cần có cả hai – Trong hai thiếu một chẳng xài vào đâu.
    Thêm nữa:
    Viết một pho sách triết lý dễ hơn thực hành một phương châm.
    Hãy là một hành giả, HKH ạ!
    Hành giả nhưng không hành “giả”, mà phải hành thật! 😀
    Tuần tự nhi tiến thôi!

    Like

  6. Xin chào,
    Em rất cảm ơn bài viết hữu ích của chị Hòa!
    Đúng là người ta có nhiều mối lo, vẫn biết điều đó là không tích cực (bản thân em cũng vậy!). Lo sao ngày quá dài, tháng quá ngắn, lo cho hiện tại, lo cho tương lai, lo cho bản thân vì bản thân và vì những người quan tâm mình. Thật sự có những cái lo không thể không lo được chị àh! Hai phương án của chị (nói chuyện và cầu nguyện), hi vọng nó sẽ giúp mối lo của em tích cực hơn.
    Chúc ngày nhiều niềm vui!

    Like

  7. Hi nthtu…có nhiều cách giúp mình suy nghĩ tích cực và hết lo, một trong những cách mà chị cũng thấy rất hữu ích đó là khi đã bắt tay vào làm cái gì thì mình phải cố gắng hết sức, làm tốt nhất có thể. Sau đó thì dù kết quả thế nào mình cũng không hối tiếc vì đã không cố gắng.

    Đừng tham làm nhiều việc vượt quá sức của mình rồi cái gì cũng nửa vời.

    Hai nữa em chịu khó đọc và học hỏi về triết lý nhà Phật để hiểu bản chất của cuộc sống này, ý nghĩa sự tồn tại của con người là gì.

    Như chị thấy con người ta đặt sai mục đích sống nên đâm ra luôn bất an vì “tham, sân, si”. Nếu nhìn cho đúng thì tất cả những thứ mà chúng ta hay lo thực ra sẽ đến một lúc chẳng có chút ý nghĩa nào cả. Ví dụ như ai đó có trượt đại học 1 năm, sang năm thi đỗ thì 10 năm nữa cũng chẳng ai còn hỏi hồi đó đỗ hay trượt đại học :), trong khi chúng ta cứ cho là việc trượt đại học như là một cái gì đó khủng khiếp lắm.

    Điều quan trọng là cách chúng ta hành xử mỗi ngày với những người mà chúng ta gặp. Liệu chúng ta đã đủ kiên nhẫn để lăng nghe, đủ yêu thương để tha thứ, đủ “không Tôi” để không ganh tị, định kiến với người khác hay chưa 🙂

    E khỏe nhé.

    C Hòa

    Like

  8. Hi chi Hoa,
    Em rất cám ơn lời khuyên của chị ạ!
    Chị ơi, chị hay quá, đúng là em đang phải làm nhiều việc quá sức mình chị à, nhưng mà em không nào để nửa vời được, em không thể làm khác hơn chị à, em biết em cần phải cố gắng nhiều, nhiều lắm.
    Chắc là em chưa đủ nội công như anh chị ở đây nói, em đọc những triết lí Phật giáo và Triết học mà có nhiều em chẳng hiểu đến đâu chị à. ‘tham, sân, si’ ấy em cũng có biết đến vào hôm học Triết học ở trường và cũng được nghe mẹ khuyên, em cũng cố gắng giảm bớt ‘tham, sân, si’ ấy hàng ngày nhưng mà em thấy mình vẫn còn nhiều chị à.
    Em chúc chị luôn khỏe đẹp chị nhé!

    Like

  9. cam on ban da chja se nhung thong tjn bo jch do , no la do 1 phan lo lang trog mjnh, bay jo mjnh se ap dung nhung cach ban chj cho mjnh .

    Like

  10. chân thành cảm ơn bạn mình đã bị như thế này rất lâu rồi nhờ có bạn mà mình bớt đi dk phần nào căng thẳng và mình sẽ làm theo những lời bạn nói cảm ơn bạn rất nhiều

    Like

  11. Cám ơn bạn rất nhiều. Bài viết của bạn làm tăng động lực sống cho tôi. Tôi củng rất hay lo lắng và đôi lúc hoang mang trước những nổi lo lắng.tôi sẻ thử 2cách trên của bạn. Chân thành cám ơn bạn nhiều

    Like

  12. Nhờ đọc nhiều bài của nhiều tác giả trên Dotchuoinon thấy mình có khá hơn trước nhiều, dù cũng còn kém lắm.

    Mình có đọc đâu đó lời khuyên rằng, khi lo lắng điều gì quá thì tự hỏi lại mình liệu 10 năm sau thì điều này có còn quan trọng không? Và mình thấy mình có nhiều cái lo bò trắng răng lắm.

    Cám ơn bài viết của chị. Bài này đơn giản, dễ hiểu.

    Like

  13. Mình đang có nhiều nỗi lo âu và đang lo lắng quá,có hôm mình không ngủ được,thức luôn đến sáng luôn,mình chẳng hiểu được vì sao bạn ah,mình phải làm gì đây

    Like

  14. Hi Hoài Thương,

    Nếu em có nhiều âu lo quá, không ngủ được là chuyện đương nhiên. Nếu em chưa là Thiền sư hạng cao, em sẽ phải mất ngủ.

    Nhưng uống thuốc ngủ thì không tốt cho hệ thần kinh.

    14 năm về trước anh có vấn đề tim mạch – cholesterol làm nghẽn vài nơi trong động mạch – bác sĩ giải phẩu tim phải nong động mạch rộng ra ở vài nơi, và dặn anh mỗi đêm uống một chút rượu vang đỏ (red wine) trước khi ngủ để rửa động mạch, không cholesterol đọng lại.

    Anh làm vậy từ đó đến nay, không ngày nào ngưng. Và khám phá ra rượu đỏ cũng làm cho mình dễ ngủ.

    Vậy có lẽ rượu vang đỏ sẽ giúp em vừa thanh lọc tim mạch vừa giúp em dễ ngủ.

    Và đương nhiên em nên luyện tập tĩnh lặng để không còn lo nữa. Đọc chuỗi bài “Tư duy tích cực” của anh, có link ở cột bên trái của trang ĐCN.

    Chúc em thành công.

    A. Hoành

    Like

  15. (…) “Con người chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta đang sống trong những lo âu và trái tim ta đang đau, hãy đừng thù ghét chính ta hay bất cứ ai mà ngược lại, chấp nhận điều đó và tin rằng đấy là những thử thách để trái tim ta ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

    Ngoài hai cách này bạn có thể có rất nhiều phương pháp nữa, như là tập thể thao, tạo sự bận rộn để tránh suy nghĩ tiêu cực, đi du lịch vv…” (…)

    Những suy tư tích cực có thể làm “mất thời gian” , nếu được xuất phát từ trăn trở , chiêm nghiệm , trong tinh thần và tâm hồn bao giờ cũng là một điều “bỏ vốn” , không hoang phí để đầu tư . Càng gặp tình trạng hoang mang ,bối rối , mất bình an , thì việc đầu tư cho “thời gian chết” này , lại là phương dược hữu hiệu để có thể lấy lại những “định hướng” cần thiết . Tuy nhiên , thường thì những gì ảnh hưởng đến sự bình an “nội tâm” , đều có tính chất ít nhiều “nghiêm trọng” . Chúng cũng có nhiều “nguyên do” mà thường không phải lúc nào ta cũng có thể lý giải được hết, bằng lý trí khôn ngoan , hay ngay cả những đặc tính “tự tin” , vững vàng mà ta đang sở hữu, do tiền tài , sức khỏe, vật chất v.v… Và chúng sẽ trở nên “vô hiệu” , một khi tâm hồn, tinh thần ta bị những nỗi bất an tấn công và chiếm hữu.

    Vì thế , việc khôn ngoan là tìm cho mình một “cố vấn” có kinh nghiệm và khôn ngoan , thấu hiểu, mà bước trước tiên lại xuất phát từ sự chân thành mong muốn những điều tốt đẹp xẫy đến với mình . Nói như thế không phải là “hòa cả làng”, bởi vì ai chẳng mong muốn hạnh phúc , bình an , thăng tiến . Nhưng ở đây dựa theo kinh nghiệm chia sẽ của Đọt Chuối Non , thì xoáy mạnh vào “nền tảng” nơi tâm hồn và tinh thần nhiều hơn . Có nghĩa điều đó đã được nuôi dưỡng và ảnh hưởng ít nhiều trên đời sống . Ví dụ như bạn chọn là người “có đạo” , hơn là “không có đạo”, vì được may mắn theo đuổi từ thời thiếu niên trở thành nề nếp . Hoặc giả là người yêu mến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, và luôn đeo đuổi mục đích đó trong đời. Hay có thể chỉ những điều tốt đẹp đơn sơ , bình thường xẫy ra nởi cuộc sống , đã vô tình “bất chợt” , đánh động, và ảnh hưởng tạo nên “một tầm nhìn khác” nơi cuộc đời .

    Còn rất vô vàng những “ân ban nhưng không” , như thế luôn xẫy đến , nếu biết “bỏ vốn” đầu tư cho những thời gian , cầu nguyện, suy tư , chiêm niệm. Chúng sẽ trở nên tác động “hữu hiệu” khi ứng dụng vào những tình huống tác động tiêu cực gậy ra sự mất bình an, hoang mang , bối rối … Tôi nghĩ , điều đó luôn dẫn đưa đến một vị cố vấn không chỉ xẫy ra nơi tâm trí , tâm hồn không thôi , mà còn trong cuộc sống .

    Vậy không nên bỏ qua những thời gian hữu ích như thế , nhất là những khi bỏ vốn đầu tư mà lại chưa nhận kết quả . Nhưng với một niềm tin tưởng chân thành , và một nền tảng hướng thiện , sẽ giúp ta đạt được sự kiên nhẫn và gặt hái được thành quả. Mà thường khi năng lực có sức biến đổi những điều tiêu cực , lại trở thành sự tích cực hữu ích một cách huyền nhiệm. Và đó cũng là một “sự trả công” đầu tư cho các giá trị tinh thần , tâm hồn và thiêng liêng.

    Like

Leave a comment