Nói và viết giản dị

Chào các bạn,

Trong các kỹ năng nói và viết chuyện, có lẽ kỹ năng khó nhất cho mọi người là giản dị hóa. Trong cuộc họp CSIS về Biển Đông vừa rồi ở Washington, có một anh rất giỏi, nhưng anh ấy nói chuyện luật thì chỉ vài người hiểu được con đường loanh quanh của anh ấy, đa số mọi người không hiểu được. Tương tự như thế, trong rất nhiều cuộc đối thoại hoặc khẩu chiến hay bút chiến ta thường gặp, một người nói/viết một hơi dài, xong rồi những người khác hỏi, “Anh nói/viết cái gì vậy?”

Nói mà người nghe không hiểu thì thà đừng nói, vì không hiểu thì rất có thể là hiểu lầm. Mình nói gà, người ta hiểu vịt thì hỏng.

Nói/viết giản dị dễ hiểu đòi hỏi một nghệ thuật truyền thông cao độ.

• Trước hết là mình phải rất hiểu vấn đề.

• Rồi, biết thính giả hay độc giả của mình là ai.

• Tim ngôn ngữ cực gì giản dị để diễn tả ý mình. Ngôn ngữ mà người yếu nhất trong số thính/độc giả của mình cũng hiểu được ý mình.

• Rồi, nói/viết cách giản dị dễ hiểu nhất.

Cách giản dị và dễ hiểu nhất thường là:

1. Câu ngắn. Chấm phết chính xác.

2. Dùng từ dễ hiểu—mặt trăng dễ hiểu hơn ánh nguyệt. Dùng từ cụ thể–trong tim thì hay hơn nội tâm. Danh từ riêng hay hơn danh từ chung—chị Dung thì rõ ràng hơn “người nữ y tá”.

3. Dùng thể chủ động. Đừng dùng bị động, vì bị động thì vừa yếu vừa mù mờ. Ví dụ: “Nó bị đòn.” Vậy ai đánh nó? Thay vì vậy thì viết, “Mẹ nó cho nó ăn đòn”. Rất rõ.

4. Nói một ý chỉ nên dưới một phút. Nếu mình nói dài hơn là chỉ để lập lại điều vừa nói với các từ khác và ví dụ khác mà thôi. Một ‎ý mà nói dài quá thì rất dễ bị rối rắm khó hiểu.

Viết cũng thế. Viết để người đọc đọc dưới 1 phút là xong một ý ‎.

5. Nói chậm thôi, đừng nói như ăn cướp. (Viêt cũng viết cách để độc giả đọc chậm thôi, như là chấm câu thường xuyên với các câu ngắn, và xuống hàng thường xuyên, để độc giả giảm vận tốc đọc).

6. Nếu bạn nói và người nghe không hiểu, thì đó là bạn nói tồi chứ không phải là người nghe nghe tồi.

7. Nếu viết thì đọc lại trước khi “phát hành”. Nếu nói thì nghĩ câu kệ trong đầu rõ ràng rồi mới nói.

Các bạn, nhớ điều này. Nếu bạn nói: “Hằng đêm anh suy tư mãi về vóc dáng mình hạc xương mai của em để anh thấy rằng trên cuộc trần thế của trăm ngàn hoa thơm cỏ lạ này anh đã được nhân duyên của từ vô lượng kiếp đưa đẩy anh đến một đóa hoa kỳ lạ đã làm thay đổi cả đời anh, đã làm tim anh như muốn vỡ tung khỏi lồng ngực…” Ai biết bạn nói gì? Sao không nói “Anh rất yêu em” cho được viêc?

Các bạn ghi nhớ: Nói giản dị thì người ta hiểu được bạn nói gì. Nói phức tạp thì bạn nói gà người ta hiểu vịt. Vậy thì nói làm gì?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

11 thoughts on “Nói và viết giản dị”

  1. Hi anh Hoành,
    Thế mà các cô gái Việt Nam có vẻ thích được tỏ tình bằng văn chương bay bổng như câu anh Hoành lấy ví dụ đấy anh ạ! :))
    Cảm ơn anh Hoành vì luôn giản dị trong từng bài viết của mình!
    Chúc anh một ngày vui!

    Like

  2. Anh cho em hoi, trong nhieu truong hop, minh phai su dung ngon ngu sao cho nguoi nghe/ nguoi doc cam thay minh la nguoi co trinh` do, chang han nhu viet sach, dac biet la tieu thuyet ken nguoi doc, cung nhu thuyet trinh hay noi hoi thao nay no kia. Khong han la minh noi roi’ ram’ phuc tap de nguoi nghe hieu lam` y minh, ma la cau cu’, tu vung mang tinh chuyen nghiep, the hien nguoi co trnih do.

    Chang han nhu voi’ quang cao’, copywriting thi cach viet cua minh khac, viet van tuong thuat thi khac, phe binh van hoc thi khac, va noi chuyen voi nhung nguoi ban’ hang`, cong nhan ve sinh, thi cang khac nua.

    Bai viet nay em nghi cung chi dung’ trong 1 so’ truong hop cua doc va viet thoi co phai khong anh? Dieu quan trong la phai biet linh hoat (flexible), know your target audience, and adjust to it, hehe.

    Anh nghi co phai vay khong a?

    Like

  3. Chào anh Hoành!
    Nói và viết phải Giản dị. “Cụ thể là giản dị”. Cho nên, sau một câu rất giản dị là “Anh rất yêu em” thì cũng nên viết những câu cụ thể đại loại như đoạn trên: “Hằng đêm anh suy tư mãi về vóc dáng mình hạc xương mai của em để anh thấy rằng trên cuộc trần thế của trăm ngàn hoa thơm cỏ lạ này anh đã được nhân duyên của từ vô lượng kiếp đưa đẩy anh đến một đóa hoa kỳ lạ đã làm thay đổi cả đời anh, đã làm tim anh như muốn vỡ tung khỏi lồng ngực…” để diễn tả là “Anh rất yêu em” chứ anh Hoành nhỉ? Chỉ có điều là dùng từ dễ hiểu tùy đối tượng thôi phải không anh? Cảm ơn anh! Chúc anh ngày mới vui! 🙂

    Like

  4. Hi Huyền Vân,

    Em nói không đúng rồi. Những văn sĩ số 1 thế giới, như Hemingway, John Steinbeck…. viết cực kỳ giản dị. Anh viết rất giản dị vì anh đã phải dạy rất nhiều luật sư (trình độ tiến sĩ) viết giản dị.

    Người phải dùng từ khó khăn để thể hiện người có trình độ là người có trình độ viết rất thấp.

    Người trình độ viết rất cao mới viết giản dị được.

    (Các từ chuyên môn, khi người trong nghề nói chuyện với nhau, không phải là ngoại lệ. Các từ đó rất giản dị đối với người cùng nghề. Nhưng cách nói giản dị dế hiểu không lại là chuyện khác).

    Em khỏe nhé.

    Like

  5. Anh Hoành nói đúng đó, viết và nói giản dị là bước cao của viết dài nói nhiều hihi Đôi khi “văn chương” một tí thì mình diễn tả dài dòng không nói làm gì, nhưng câu “Anh yêu em” biết là giản dị mà có phải ai cũng nói được đâu :). Nhiều khi miệng thì muốn nói nhưng tâm không đủ vững để nói ra 🙂

    Trong giao tiếp nếu tự tin và kiểm soát được phát ngôn thì chắc chắn là ta sẽ chọn cách nói ngắn, đủ ý…cách đó luôn gây ấn tượng và được người nghe đánh giá cao.

    Nhiều khi vì công việc chúng ta cũng phải thêm thắt từ ngữ chuyên môn thì cũng phải chấp nhận theo style đó. Theo mình để viết tốt thì cần đọc nhiều các vấn đề, các tác phẩm/bài viết liên quan tới lĩnh vực đó để thực sự hiểu các từ chuyên môn và vấn đề mình đang nghiên cứu. Một khi đã hiểu rồi thì viết sẽ đơn giản hơn nhiều vì đó là kiến thức của mình, mình viết lại như kể chuyện thôi.

    Like

  6. Em có thêm suy nghĩ thế này, nếu nói về “trình độ” viết thì có từng nấc độ như sau:

    – Nấc 1: Viết bằng ngôn ngữ bình dân (plain language) với độ chính xác và đầy đủ vừa phải của thông tin. Ngôn ngữ bình dân thì hầu như ai nghe cũng cảm thấy mình hiểu, nhưng sự khác nhau giữa cái hiểu của người này và cái hiểu của người khác thường rất lớn. Người tri kỷ là những người có thể hiểu nhau dễ dàng và trọn vẹn trong ngôn ngữ bình dân về một vấn đề nào đó.

    – Nấc 2: Viết bằng ngôn ngữ chuyên môn để diễn đạt với độ chính xác và đầy đủ cao nhất của vấn đề. Vì các từ chuyên môn thường được định nghĩa và gắn kết chặt chẽ với các khái niệm mà nó đề cập, nên hầu như tránh được sự nhầm lẫn và ngộ nhận giữa người đọc và người viết. Và cũng vì thế mà không phải ai cũng cảm thấy mình hiểu hay dễ hiểu, nhưng đã hiểu thì ít hiểu sai.

    – Nấc 3: Viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhưng vẫn giữ được mức truyền đạt với độ chính xác và đầy đủ cao nhất của vấn đề. Cái này thì chỉ có bậc thượng thừa mới có thể làm được. Tức họ phải hiểu rất kỹ về vấn đề, nắm được những cốt lõi, tinh túy và vượt qua sự hạn hẹp cũng như sự “lung linh” của ngôn ngữ, vượt lên trên mọi sự khác biệt về nhận thức và văn hóa để truyền đạt chính xác vấn đề. Bài này của anh Hoành là đang tập cho những người ở nấc 2 lên nấc 3.

    Người ở nấc 2 dùng từ chuyên môn vì họ thấy rằng dùng một từ bình dân không diễn đạt được hết, được đúng ý của họ. Vậy nên nếu một người cố ý dùng từ chuyên môn chỉ để thấy mình “uyên bác” thì họ chỉ là người ở nấc 1 cố gắng thể hiện mình ở nấc 2 thôi. Sự uyên bác hay không là ở nội dung, ở thông tin truyền đạt, không phải ở ngôn từ – cái áo bên ngoài.

    Huyền Vân nói cũng đúng, trong mỗi bối cảnh nên có một style khác nhau – một giọng điệu phù hợp. Tuy nhiên trong mọi style với nhau thì nói dễ hiểu vẫn là trình độ cao hơn, chất lượng hơn nói rối rắm, khó hiểu.

    Like

  7. chào anh Hoành.thật là may mắn và hữu duyên khi vào gặp được những bài viết của anh.
    theo thiển ý của mình, thời đại “mì ăn liền” với tốc độ sống gấp hiện nay thì cái gì cũng được đơn giản hóa và gọn nhẹ, mau lẹ hơn sẽ chiếm ưu thế như những chiếc điện thoại di động, thẻ nhớ,v.v..
    và các truyền đạt thông tin cho người khác, thông tin mang tính phổ thông hay chuyên môn cũng vậy, quan trọng người nhận tiếp nhận một cách đầy đủ và chính xác thông tin là chúng ta thành công. nhưng chúng ta đừng quên rằng: phương pháp truyền đạt là một yếu tố rất quan trọng để chúng ta thành công.
    phương pháp nói và viết “giản dị” không có nghĩa là chúng ta không giỏi trong vấn đề ngôn ngữ mà đó chính là một biệt tài của những nhà hùng biện, chính trị gia, triết gia,…họ sử dụng ngôn ngữ rất cô đúc mà nội hàm rất sâu.chúng ta cũng đừng quên rằng: “giản di” nó rất khác biệt với “giản đơn”.
    mình được biết một phương pháp truyền đạt, đạt được nhiều thành công trong việc truyền đạt thông tin là: sử dụng ngôn ngữ hình tượng.
    ngôn ngữ hình tượng sẽ khiến người nghe cũng như người đọc dẽ nắm bắt nội dung.
    từ ngàn xưa các bậc vĩ nhân cũng đã sử dụng, chẳng hạn trong tích truyện Phật giáo Đức Phật đã sử dụng hình tượng: “một người mù dẫn một đoàn người mù” để chỉ cho người thầy vô minh không tốt sẽ dẫn học trò của mình đến chổ không tốt. kết quả của truyện là cả đoàn người đều rơi xuống hố.
    để liên hệ đến cuộc sống một chút, chẳng những trong ngôn ngữ “giản dị” đạt được nhiều thành quả, mà cuộc sống giản dị chúng ta cũng rất nhẹ nhàng và an lạc hơn.
    cầu chúc các bạn trong cuộc sống luôn “giản dị” và thành công hơn trong việc viết và nói.

    Like

  8. Cảm ơn anh Thiện Tường. Đúng vậy, đúng vậy, ngôn ngữ hình tượng rất giản dị, dễ hiểu, nhưng lại rất phong phú, rất giàu về ý nghĩa. Tất cả các giảng sư lớn của thế giới đều rất giỏi về dùng hình tượng. Và Đức Phật dùng hình tượng thường xuyên. Kinh sách Phật giáo, nhất là kinh Pháp Hoa, đầy dẫy các hình tượng phong phú.

    Chính trị gia, luật sư, giảng sư… hơn nhau thường cũng nhờ cách dùng hình tượng giỏi. Một hình tượng tốt có khả năng nằm trong đầu người nghe rất rõ và rất lâu, và nhờ đó mà thông điệp của mình được hình tượng chuyển tải nằm trong đầu người nghe có thể là vĩnh viễn.

    Chúc anh Thiện Tường vui khỏe.

    Like

  9. Thiện Tường thân chào anh Hoành!
    muốn viết giỏi, người ta cũng phải khổ công rèn luyện.ngoài nội dung phong phú, thể hiện chiều sâu của vốn kiến thức và khả năng tư duy đặc biệt của mỗi người.chúng ta muốn thành công hơn trong việc truyền đạt cho người đọc cũng như có sức thu hút và hấp dẫn được họ, thì chúng ta phải rèn luyện phong cách ngôn ngữ thật súc tích, và những con chữ “khô cứng” giờ đây trở nên sống động và “cọ ngoại, uốn mình” và chuyển động trên trang giấy.
    thật là khó đạt được đỉnh cao như cao thủ, nhưng tin chắc một điều là chúng ta rèn luyện thì sẽ cải thiện được rất nhiều, và sự học của con người là cả đời, chúc các bạn mỗi ngày thành công,thành công hơn nữa!

    Like

  10. Chào chú Hoàng!
    Đọc những bài viết của chú quả thật rất hay ạ. cháu là một sinh viên luật, cháu rất muốn hoàng thiện mình hơn thông qua việc đọc nhiều sách và cháu mong rằng chú sẽ có nhiều sách hay để chia sẽ cùng mọi người ạ.
    Chúc sức khỏe chú!

    Like

  11. Hi Anh Thư,

    Em đang học luật thì có lẽ là nên tập trung vào thành luật sư giỏi là hay nhất.

    – Gọi người đúng tên, vô tòa mà gọi ông tòa hay thân chủ sai tên thì hỏng. Tên anh không là Hoàng.

    – Giỏi ngôn ngữ hành nghề. Em hành nghề tiếng Việt thì phải giỏi tiếng Việt. Tiếng Việt không có từ “hoàng thiện”.

    – Câu nói luôn rõ ràng, chi tiết, chính xác. Hỏi sách mà không hỏi loại sách gì, trong khi có chừng 1000 loại sách khác nhau – thể thao, âm nhạc, lý luận, tôn giáo, võ thuật, nấu ăn… Chỉ hỏi sách mà không nói loại gì thì đó là nói mà chẳng nói gì. (Cách nói này, luật sư cũng thường dùng, khi cố tình “nói mà chẳng nói gì”, như là nói với đối thủ).

    Tập trung vào trau dồi kỹ năng luật của mình là hay nhất.

    Nếu em muốn đọc sách học làm người, thì đọc các cuốn của anh đã xuất bản và ĐCN.

    A. Hoành

    Like

Leave a comment