Rằm tháng tư lại đến với tiếng chuông và trăm vạn Phật tử tụ tập bên Phật điện. Nhiều lần đi ngang các ngôi chùa râm rang câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” tôi lại thắc mắc. Vì sao các tôn giáo khuyến khích giáo dân của họ thường xuyên đọc một số câu ngắn với dụng ý để cầm lòng cầm trí. Tôi nhớ những người Công giáo thì gặp điều sửng sốt thường thốt lên:”Giê su, , Maria, Giu se”. Và Phật tử thì đọc “Nam mô A di đà”
Cứ nghĩ mãi không trả lời được thì tôi lại quên đi rồi khi có dịp câu hỏi ấy lại vang lên trong lòng.
Một lần ở chung phòng với anh bạn cao tuổi, Anh nhờ tôi rót dùmly nước để anh uống thuốc. Sáng nào cũng vậy, anh phải uống thuốc kiểm soát huyết áp. Anh bảo ai đã mắc phải huyết áp thì sống để đó chết mang theo chứ làm sao mà chữa khỏi được…
Hôm ấy phiên họp khá căng thẳng và tôi có phần quá nóng nảy khi tranh luận. tối đến về phòng, tôi tỏ ý ân hận vì sao mình lại khó giữ bình tĩnh đến thế. Anh cười và bổng nảy ra một sáng kiến:
-thế này nhé, mỗi sáng khi thức giấc cậu nhớ nhủ lòng là hôm nay không được nổi nóng…
Tôi phì cười vì cái sáng kiến đơn giản mà hiệu quả ấy. Thế là từ hôm ấy, tôi luôn nhủ lòng hôm nay ráng đừng nỗi giận với ai cả… Các cơn nóng giận lặng lẽ bỏ tôi đi….
Thời gian sau, dù bớt nóng nảy nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn không thể kiểm soát được mình. Tôi suy nghĩ và cho rằng từ nay mỗi sáng ta nhủ thầm rằng hôm nay tôi không được trả đũa. Mỗi khi có việc bất bình, có câu nói khó nghe… tôi lại nhớ rằng mình không nên trả đũa.
Từ từ tôi hiểu được người khác nhiều hơn. Tôi không chỉ nghe những từ ngữ họ thốt ra mà lắng nghe trái tim họ nói gì. Khi nghe được tiếng nói trong tim ấy, tôi bớt nóng giận, bớt phải đối đầu và trả đũa..
Sáng nay em nói sẽ đi chùa. Tôi khuyến khích: “Phải rồi, hôm nay Phật Đản mà” Em nói nhiều người đến chùa các dịp lễ lớn để cầu duyên, cầu lộc, cầu tài… Em đến để luyện cho tâm tĩnh. Ngày thường chùa vắng, bước vào sân đã thấy lòng chùng xuống. Những hôm đại lễ thế này vào chùa muốn tịnh tâm phải luôn miệng niệm A di đà lòng mới tĩnh được….
: “Thế sao” Mỗi ngày tôi cũng đang như em. Tôi tìm sự bình an trong tâm hồn. Tôi đánh thức Phật tính và chơn tâm của tôi bằng những câu:”tôi ơi đừng nỗi nóng, Tôi ơi đừng trả đũa… Và ngày nào đó tôi cũng sẽ làm như em hoặc như bao người khác. Mỗi sáng thức dậy tự nhủ thầm: “Nam mô A Di Đà”…
Mừng Phật đản
Tuesday, May 17, 2011
Trần Bá Thiện
Cảm ơn anh Thiện về bài viết. Tôi xin “nói theo” một chút: Tôi mới bắt đầu học và tập theo cách sau, công phu còn rất non. Xin chia sẻ để các bạn góp ý, nếu thấy có bất ổn.
Người xưa nói: “Tâm viên ý mã” (tâm như con vượn, ý như con ngựa, luôn xung động, khó kiểm soát).
Vì thế không thể cản tâm tưởng đến gì, ý nghĩ đến gì, nghĩa là không thể cản “niệm khởi”. Và niệm thì có niệm trong, niệm đục, niệm lành, niệm dữ…
Đã không thể cản thì không cần sợ. Sợ cũng không cản được. Cho nên:
“Không sợ niệm khởi – Chỉ sợ giác chậm”.
Mỗi khi niệm mới khởi lên, nên kịp nhận biết đó là niệm gì, trong hay đục, lành hay dữ, hẹp hòi hay khoan dung, sợ hãi hay dũng cảm…
Nếu là niệm xấu thì “Adiđà Phật” ngay để kịp quay về chân tâm. Chân tâm thì trong sáng, thiện lành, dũng mãnh…
Cũng có thể thường “Adiđà Phật” để ngăn trước niệm xấu.
Thông thường chúng ta nghĩ: Có tu mới đạt Đạo.
Nhưng Mã Tổ nói: “Đạo không phải do tu, nhưng phải không ô nhiễm”.
Thường “Adiđà Phật” hoặc “Lạy Chúa” là để nhờ Phật / Chúa trong ta giúp ta ngăn ô nhiễm…giúp ta bớt tham lam, bớt sân hận, bớt si mê, bớt kiêu ngạo, bớt sợ hãi…
Đường xa vời vợi…
ThíchThích