Chào các bạn,
Chúng ta đã nói rất nhiều lần, tư duy tích cực luôn bắt đầu bằng luyện tâm tĩnh lặng—khiêm tốn, thành thực, nhân ái. Cố gắng tĩnh lặng luôn luôn. Tập trung vào việc quản lý tâm mình, để tâm ta có thể tĩnh lặng trong mọi trường hợp. Nếu dùng Mười Bức Tranh Trâu để mình họa, thì đó là đoạn dắt trâu lên rừng luyện trâu từ đen thành trắng.
Nhưng xong rồi thì lại cưỡi trâu về thành. Tức là giai đoạn chúng ta phải nhìn vào đời sống thật quanh ta để mà tích cực với nó. Và đây mới là giai đoạn chính của tư duy tích cực. Nếu lên rừng luyện tâm một mình, từ đen thành trắng, thì thật ra cũng chẳng nghĩa lý gì với ai cả, ngay cả với chính mình—chúng ta có thể tự hỏi, liệu tâm mình đen hay trắng có sự khác biệt gì cho mình không nếu mình đang ở trên rừng một mình?
Tích cực hay không chỉ có nghĩa lý khi ta đang ở trong khu phố chợ, đối xử với mọi người, với trái tim trắng tinh tuyền hay với trái tim đen đủi.
Phố chợ có nhiều vấn đề–rác rến, trộm cắp, hiếp đáp, bất công, con người sa đọa… Người có trái tim trắng tinh tuyền phải làm gì, ứng xử thế nào trong phố chợ? Đó là điều duy nhất có nghĩa lý.
Mỗi người tư duy tích cực có một lựa chọn riêng để sống trong phố chợ với cung cách của mình. Nhưng mọi người tư duy tích cực, dù là làm gì, thì đều giống nhau ở một điểm là cố gắng để làm phố chợ tốt hơn một chút cho đời.
Nhưng trước khi bạn quyết định là làm gì, thì ít nhất là tất cả mọi người đều ít nhất phải nhận được đâu là rác rến, hiếp đáp, bất công… Nếu chúng ta thấy rác giữa đường mà cứ tưởng đó là confetti kim tuyến rãi ra mừng Chúa giáng sinh hay Phật hạ thế, thì ta chẳng có ích gì cho đời cả. Thấy hiếp đáp mà cứ xem đó là chuyện bình thường, thấy bất công mà tưởng đó là công lý, thì ta có lợi gì cho đời, hay chỉ là một gánh nặng cộng thêm vào bất công có sẵn?
Nhìn ra cái gì là rác rến đòi hỏi một chút thông minh.
Các bạn có để ý là những vị thầy lớn thường là những nhà cách mạng không? Phật Thích Ca làm cuộc cách mạng về bình đẳng cá nhân và trí tuệ tâm linh, ngược lại với Ấn giáo rất bất bình đẳng và nhiều mê tín dị đoan. Chúa Giêsu làm cách mạng về tình yêu, ngược lại với văn hóa Do thái giáo khô cứng và áp bức thời đó. Gandhi, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln… đều là những nhà cách mạng.
Tại sao?
Tại vì các vị thầy luôn luôn thấy được cái phi lý của xã hội cần phải xóa bỏ, và hoạt động để xóa bỏ nó.
Cho nên, khả năng thấy được rác rến xã hội là trí tuệ đòi hỏi đầu tiên nơi người tư duy tích cực–thấy được những phi lý của xã hội. Rồi hoạt động để xóa bỏ chúng.
“Thấy rác”, nói thì dễ hơn làm, vì nếu mình sinh ra và lớn lên với rác, thì mình chẳng thấy nó là rác, mà chỉ thấy nó như là cây cỏ quanh mình. “Thấy rác” đòi hỏi trí tuệ. Và can đảm. Vì mình nói “rác”, thì mọi người khác chung quanh lại có thể mắng: “Nói nhảm, cây cỏ tự nhiên sao gọi là rác”.
Cho nên các bạn, là người tư duy tích cực, các bạn:
• Có trái tim tinh tuyền
• Sống giữa phố chợ
• Muốn phố chợ đẹp hơn
• Có thể nhìn ra rác
• Và dọn rác
Tóm tắt đời sống của người tư duy tích cực nơi phố chợ là như thế. Trí tuệ và dũng cảm để thấy sự vật khác với người chung quanh, và hành động với điều mình thấy. Mong rằng mỗi chúng ta có thể sống đời sống giản dị, nhưng nhiều thử thách đó. Đó là đời sống của con đường Bồ tát.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Anh Hoành cho em hỏi, bài này có gì mâu thuẫn với những bài viết trước không ạ? Vì những bài viết trước, em nhớ có một bài nói là, “tâm phân biệt tạo nên ảo ảnh”, và thường thì bên nào cũng cho mình là chân lí, do đó, nếu mình hành động theo kiểu bên mình đúng và bên kia sai là không nên.
Nếu vậy thì cho em hỏi, nếu loại rác mà mình nghĩ là rác, bên kia nghĩ là cây cỏ, mình khăng khăng mình đúng, làm sao biết đây anh? Và mình có nên làm biện pháp để xóa bỏ cái mà mình gọi là rác đó không?
Em hơi confused tí. Mong anh giải đáp.
ThíchThích
Hi Huyền Vân,
Câu hỏi của em rất hay. Nhưng trước khi anh trả lời thì em hãy nhớ rằng, vì ngôn ngữ rất giới hạn cho nên các cách trình bày chân lý chính xác nhất thì luôn luôn nghe rất mâu thuẫn, như là “sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Cho nên khi em thấy lời nói có vẻ như rất mâu thuẫn nhau, thì cũng là chuyện rất tự nhiên thôi. Thay đổi nội dung bài viết một chút xíu, là nghe như ngược nhau rồi.
Sự thật là ở đời ai trong chúng ta cũng đều thấy có xấu tốt, đen trắng, đúng sai… và ta sống hàng ngày dựa trên các nhận thức đó, nếu không thì mọi người cứ làm bậy lung tung mà không biết đâu là thiện, đâu là ác. Đó là tâm phân biệt, và ta phải sống với tâm phân biệt đó hàng ngày.
Nhưng, đừng “chấp” vào phân biệt đó. Hay nói theo cách bình thường là “đừng cố chấp”. Như là, thấy em bé nào ăn trộm chẳng hạn. Biết đó là sai, và có thể phạt em đó tội ăn trộm (tức là phân biệt em với các em khác không có tội). Nhưng (1) không phân biệt có nghĩa là vẫn yêu em đó như mọi em khác, và (2) không có thành kiến là em đó là người tồi tệ và các em khác là thánh–mọi người đều có lúc làm sai như nhau. Đó là tâm không phân biệt.
Sống hàng ngày ta vẫn phải phân biệt đúng sai, nhưng đừng quá “chấp” hay “cố chấp” vào đó.
1. Cho nên, trả lời Huyền Vân, mỗi ngày ta vẫn phải quyết định trong rất nhiều vấn đề cái gì đúng, cái gì sai để hành xử.
2. Nhưng nếu người khác có ý ngược với ta, thì ta nên có thái độ cẩn trọng là có thể là anh chàng kia cũng đúng như mình, chứ chưa chắc là mình đúng anh ta sai. Ví dụ mình nói trời đang nóng, anh ta lại nói trời đang lạnh, thì đương nhiên là cả hai đều đúng vì nóng lạnh là việc chủ quan.
3. Trong trường hợp mình tin là mình đúng và anh kia chưa hiểu vấn đề, thì cứ kiên nhẫn tạo cơ hội để giảng và thuyết phục để anh ta hiểu vấn đề từ từ, đừng quá khích.
4. Sống chung hòa bình với những người bất đồng ý kiến với mình. Nếu mình thấy rác thì lượm rác. Người khác không cho đó là rác, thì chẳng sao cả. Mình vẫn cứ nhặt rác. Nhưng nếu họ cho là mình đang xâm phạm cây cỏ, thì đừng nhặt “cây cỏ” của họ, cho đến khi nào họ đồng ý với mình đó là rác.
Người đã đạt được tâm thanh tịnh luôn luôn thấy các vấn đề xã hội quanh mình và luôn luôn tìm cách giải quyết, nhưng thường là có một quả tim rất nhân ái, yêu mọi người như nhau, cho nên thường dùng tình yêu để mà cư xử với mọi người dù người đó đồng ý hay bất đồng ý với mình.
Công thức hành xử một cách gần chính xác nhất là: “Thấy vấn đề thì tìm cách giải quyết vấn đề, nhưng đối với mọi người thì tất cả đều là anh em.” Thấy việc nên làm thì làm, nhưng xử với anh em luôn là anh em dù đồng ý hay bất đồng ý với mình.
Thấy và giải quyết VẤN ĐỀ, đó là tâm phân biệt. Xử với mọi NGƯỜI như là anh em, đó là cái nền “không phân biệt” nằm dưới cùng.
Anh hy vọng là anh làm rõ được một chút. Nếu Vân thấy chưa rõ thì hỏi thêm anh nhé.
Cảm ơn Vân đã có một câu hỏi rất hay.
ThíchThích
Em hiểu rõ hơn rồi. Cảm ơn anh đã giải đáp. 😀
ThíchThích
Tôi muốn bạn Huyền Vân hỏi thêm. Vì người hỏi và người trả lời đều … rất hay!
ThíchThích
Con chào bài Hoành,
Bài viết của bác nói rất đúng với thực trạng hiện nay. Con người phải cần biết được tư duy tích cực nơi phố chợ. Bác cho con hỏi nếu như mình không đủ khả năng để phân biệt được cỏ và rác thì mình cần như thế nào để không mắc sai lầm ạ.
Chúc bác Hoành ngày mới tốt lành.
Con, Hướng Phương.
ThíchThích
Hi Hướng Phương,
Thương thì khi mình yêu mọi người thì tự nhiên mình thấy các bất công xã hội:
Như là, khi thấy phụ nữ có bầu mà không có chồng thì bị cả gia đình ruồng bỏ chửi bới, đôi khi đuổi ra khỏi nhà, và cả làng đối xử khinh khi, nếu mình có lòng yêu người thì tự nhiên mình sẽ tự hỏi: Sao mọi người lại ứng xử tàn tệ với cô này quá vậy? Phụ nữ đang có bầu mà không có chồng bên cạnh lo lắng thì mọi người lại phải cần quan tâm giúp cô ấy chứ? Làm sao người có thai có thể tự do lo mình và baby trong bụng tốt được?
Nếu mình thấy được như vậy, tự nhiên mình sẽ thấy thêm: Có bầu mà không có chồng thì mắc gì mà bị khinh khi? Why?
Thế thì ta sẽ thấy thêm được rằng thái độ tàn tệ của xã hội đối với cô ấy chẳng có một lý do chính đáng nào cả, ngoại trừ đó là một thói quen suy nghĩ phong kiến của mọi người: “Con gái có bầu mà không có chồng thì đáng khinh.” Một công thức ứng xử tồi tệ mà chẳng có một căn bản lý luận gì cả. Đó là một “luật rác” cần được bãi bỏ.
Những nhà cách mạng lớn luôn thấy nhiều điều người đương thời với họ không thấy, vì các vĩ nhân có nhiều tình yêu trong lòng, và tình yêu giúp họ sáng mắt hơn người thường.
Bác Hoành
ThíchĐã thích bởi 2 người