Đức hạnh của quốc gia

Chào các bạn,

Nói đến sức mạnh quốc gia là ta bước vào các loại nói chuyện mà người ta gọi là chính trị. Và nói đến chính trị thì có lẽ là đại đa số chúng ta liên tưởng đến dối trá, láu cá, áp bức, chửi bới, và đánh nhau. Các thông tin và spam trên Internet, nếu có mùi chính trị, thì đương nhiên các bạn đều thấy là 10 điều may ra chỉ có một điều là đáng tin, 9 điều khác là dối trá. Đó là một chuyện rất đáng buồn.

Trong văn hóa của ta, hầu như khi nói đến chính trị là chúng ta có khuynh hướng hành xử như một đám côn đồ với nhau, cũng như nói đến thương mãi là ta có khuynh hướng nghĩ đến lươn lẹo.

Rất đáng tiếc.

Chính trị là quản “trị” quốc gia một cách công “chính”. Nhưng chúng ta xử về chính trị như là tà trị. Và đương nhiên là vì ta bàn chính trị và làm chính trị như là tà trị, quốc gia chỉ có thể phát triển như nhà cửa của một đám côn đồ.

Không cần phải l‎ý luận lăng nhăng ai trong chúng ta cũng thấy là một cá nhân sẽ thành công lớn trong đời nếu hắn ta sống với các chuẩn mực đạo đức, đặc biệt là 3 phẩm hạnh chính: khiêm tốn, thành thật, và nhân ái.

Và nếu nhiều cá nhân, đặc biệt là lãnh đạo, có các chuẩn mực đạo đức như thế thì quốc gia sẽ cường thịnh vì nhiều công dân thành cường thịnh. Đó là chính trị.

Nhưng chúng ta không muốn chính trị như thế. Nói đến chính trị là ta đập đầu nhau bằng đủ loại lý thuyết chính trị, nghi kỵ, thả hỏa mù, thông tin dối trá, phê phán bằng chửi bới, lừa dối nhau, và hạ bệ nhau.

Washington, cha đẻ của nước Mỹ, đã nói: “Có thể nào Thượng đế không kết nối hạnh phúc lâu dài của Quốc gia với Đức hạnh của nó?” Đức hạnh của quốc gia là đức hạnh của đại đa số nhân dân của quốc gia đó, phản ánh qua đức hạnh của giới lãnh đạo—khiêm tốn, thành thật và nhân ái.

Nhưng chúng ta chỉ thích nói đến chủ nghĩa chính trị như là yếu tố quyết định của chính trị. Đó là thuần túy ngớ ngẩn. Chẳng có một lý thuyết quản lý nào trên đời là chân lý duy nhất cả. Thành công của một tập thể, công ty hay quốc gia, lệ thuộc vào những người trong tập thể đó thành thật và yêu thương nhau thế nào, và do đó đoàn kết đến đâu–điều này có tỉ trọng ít nhất là 80%. Lý thuyết quản lý (chủ nghĩa chính trị) chiếm cao nhất là 20% còn lại. Chỉ có những kẻ ngớ ngẩn mới đặt lý thuyết quản lý lên hàng đầu.

Liên hệ yêu thương giữa các công dân, sự thành thật của đa số công dân, đức khiêm tốn của đa số công dân, làm cho mỗi công dân và, do đó, quốc gia thành cường thịnh.

Khi chúng ta nói đến các chuẩn mực sống đạo đức để giúp mỗi cá nhân chúng ta thành công trong đời, chúng ta cũng nói đến các chuẩn mực đạo đức để quốc gia cường thịnh. Nếu chúng ta thù hận, bất công, áp bức và dối trá, mỗi chúng ta sẽ sống như một tên trộm vặt ngoài đường và quốc gia chúng ta sẽ là một khu nhà lá của những kẻ vô gia cư chuyên trộm cắp.

Một dân tộc đoàn kết nhiều sức mạnh là một dân tộc của những người khiêm tốn, thành thật và nhân ái.

Đây là vấn đề rất dễ thấy. Nếu một người không thấy rõ được, đó chỉ có nghĩa là người đó hoặc quá kém thông minh hoặc cố tình tránh nói đến đạo đức để có thể yên tâm tiếp tục thói quen dối trá xưa nay.

Chẳng có lý do gì để bạn có thể tự bào chữa hiện tượng là khi làm việc chính trị bạn thường có tác phong dối trá, lường gạt và áp bức, trong khi nhân danh chủ nghĩa này hay lý thuyết kia, hay nhân danh cả Chúa Phật, trừ khi bạn muốn tiếp tục con đường ma đạo của bạn để tiếp tục thực hiện các ý đồ cá nhân đen tối.

Khiêm tốn, thành thật và nhân ái không chỉ là lối sống trong chùa hay trong nhà thờ. Đó phải là lối sống thường trực của chúng ta, không chỉ là để cho chính chúng ta thành công, mà còn cho thành công của đất nước.

Chúc các bạn một ngày đức hạnh.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Đức hạnh của quốc gia”

  1. Anh nói đúng, “Khiêm tốn, thành thật và nhân ái không chỉ là lối sống trong chùa hay trong nhà thờ. Đó phải là lối sống thường trực của chúng ta, không chỉ là để cho chính chúng ta thành công, mà còn cho thành công của đất nước.”.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s