Từ “Nụ Tầm Xuân….” Đến “Tiếc Cho Cả Một Giới”

    Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3

    Vũ-Đức Vượng, GS Xã hội học,
    Viết từ Hà Nội

Năm nay kỷ niệm đúng 100 năm Ngày Quốc Tế Phụ Nữ.

Ngày 19 tháng ba năm 1911, hơn một triệu người, hầu hết là phụ nữ ở bốn nước châu Âu (Đức, Áo, Thụy sĩ và Đan mạch) đã “xuống đường” tại nhiều thành phố lớn nhỏ đòi quyền được đi học, đi làm, đi bầu, được giữ chức vụ trong chính quyền, và chống đối lại những đạo luật kỳ thị phụ nữ. Đến năm 1913, trước khi thế chiến thứ Nhất bùng nổ, phụ nữ lại biểu tình vào ngày 8 tháng 3 chống chiến tranh, và từ đó ngày này đã thành Ngày Quốc Tế Phụ Nữ (NQTPN.)

Về quan điểm chính trị, NQTPN do phe Xã hội chủ nghĩa (Socialist) Âu châu đề xướng, nên một số nước tư bản như Mỹ lúc đầu đã không “mặn nồng” lắm với ngày này; họ chú trọng hơn về ngày lễ các Bà Mẹ vào tháng năm. Cũng tương tự như Ngày Lao Động QT, 1 tháng 5 không được hưởng ứng nhiều ở Mỹ vì Mỹ chọn ngày thứ hai đầu tháng 9 làm Ngày Lễ Lao Động.

Ở Việt Nam ta, NQTPN chỉ là một trong nhiều ngày mà hàng năm các bậc tu mi nam tử cần phải để ý kẻo không lại bị coi là thiếu “nhạy cảm.” Nhiều ông còn than phiền là họ không được xã hội “tôn trọng” bằng phụ nữ.

Thật ra thì các ông không cần phải bận tâm lắm, vì trong xã hội này, nam giới vẫn còn nắm hầu hết mọi lợi thế. Vào dịp Tết hàng năm, bói cũng không ra được gia đình nào về ăn Tết bên quê ngoại ngày mùng một. Trong gia đình, hầu hết các việc nội trợ –từ chăm sóc con cái hoặc bố mẹ già ốm, đến nấu nướng, giặt giũ, quét dọn… có thể nói đến 90% vẫn còn là “việc các bà.” Ngoài xã hội, vẫn còn rất ít phụ nữ làm chủ, làm giám đốc, làm thủ trưởng … mặc dù phụ nữ chiếm đa số trong lao động. Cho đến nay, vẫn chưa có tôn giáo lớn nào cho phụ nữ tham gia vào hàng giáo phẩm chứ đừng nói là lên đến chức vị lãnh đạo.

Văn hóa và truyền thống “khinh nữ” này không hẳn là của người Việt nguyên thủy, mà là văn hóa Khổng tử do người Hán áp đặt vào nước ta từ thời họ đô hộ ta. Nếu ta nhìn xa hơn về quá khứ, thời mẹ Âu Cơ và bố Lạc Long, thì văn hóa người Việt bình đẳng hơn nhiều. Khi bố mẹ chia tay nhau vì biết rằng không thể sống với nhau mãi mãi, hai người chia nhau 100 đứa con hết sức đồng đều: mẹ dẫn 50 lên núi và bây giờ là những dân tộc anh em; bố đưa 50 xuống đồng bằng mà người Kinh chúng ta là hậu duệ. Không cần phải có máy tính và cũng không cần phải có luật gia đình như bây giờ mới biết cư xử với nhau cho bình đẳng và có tình nghĩa.

Sau hơn 2.000 năm thấm nhuần văn hóa Khổng tử, cũng không lạ gì khi nhiều người Việt ta lầm tưởng rằng văn hóa Việt phát nguồn từ văn hóa Trung quốc. Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải “chỉnh” các cô, cậu làm hướng dẫn viên du lịch khi họ khẳng định với du khách như thế.

Sang đến thế kỷ 21 rồi nhưng dân ta, dân Tàu, dân Ấn … vẫn còn “trọng nam khinh nữ”đến nỗi sẵn sàng phá thai nữ nhi để rồi “làm lại” với hy vọng sẽ được con trai. Không mấy ai đi chùa, nhà thờ cầu xin được con gái. Và với phương tiện y khoa ngày càng tiến bộ, không ít người đã phá thai khi biết bào thai là nữ giới. Vì thế, tỷ số các trẻ em sơ sinh hiện nay đã chênh lệch đáng kể : khoảng 115 nam với 100 nữ ngay ở Việt Nam.

Trong thực tế, xã hội ngày nay cũng đang chuyển hướng rất nhanh về bình đẳng giới: chỉ 100 năm trước thôi, rất ít phụ nữ ở bất cứ nước nào được đi học và đa số vẫn còn mù chữ. Sang đầu thế kỷ 21 này, tình trạng đã thay đổi hẳn: ở Mỹ, con số nữ sinh viên học đại học đã vượt xa số sinh viên nam; mỗi năm nhiều nữ sinh viên tốt nghiệp hơn nam vì họ học nhanh hơn nam; và trong nhiều nghề “tiêu biểu” như luật, y, nha ngày nay số sinh viên nữ tốt nghiệp cũng đã gần ngang bằng với nam.

Ở Việt Nam cũng thế. Từ khi chữ quốc ngữ trở thành chữ chính thức của ta năm 1919 và nhất là sau đó trong cuộc cách mạng dành độc lập Bác Hồ đã chú trọng đặc biệt đến bình dân học vụ để dạy quốc ngữ cho toàn dân, cả nam lẫn nữ ở nước ta đã mau chóng học đọc và viết. Ngày nay, Việt Nam đã thành công vẻ vang về mặt xóa nạn mù chữ trong nước: 95 – 97% dân ta biết đọc, viết. Song song vào đó, tỷ số nam/nữ đang theo học bậc đại học cũng không khác với ở Mỹ bao nhiêu.

Lấy chồng sớm làm cản trở bước tiến của phụ nữ ?

Cái khả năng “tiềm ẩn” của phụ nữ Việt quả thật không phải là nhỏ; nhưng nó vẫn chỉ là “tiềm ẩn”. Một trong những lí do mà chị em Việt vẫn chưa đạt được bình đẳng với nam giới ở các địa vị then chốt trong xã hội có lẽ là cái bệnh lấy chồng sớm.

Tuần lễ trước Tết, lên chợ Bưởi sắm hoa, tôi gặp một cô bạn trẻ trong ngành truyền thông, rất thông minh, linh động, và đầy triển vọng. Tôi thường nghĩ biết đâu một cô như thế này sễ làm tổng giám đốc truyền hình VN một ngày gần đây. Hay biết mấy. Cô bạn này báo tin mừng là sắp làm đám cưới. Sau khi chúc mừng cô ta cho phải phép tôi nhìn thấy mấy bó tầm xuân nhuộm mầu xanh, đỏ, vàng… Tôi vẫn nghĩ tầm xuân phải “xanh biếc” như trong câu ca dao… và liên tưởng ngay đến câu thứ hai về việc cô bạn trẻ sắp lấy chồng .. “anh tiếc lắm thay.”

Và nghĩ cũng tiếc thật. Không phải trong cái nghĩa thường tình của câu ca dao về một mối tình không thành tựu vì chàng trai đã “không hỏi những ngày em còn không”; nhưng trong một bối cảnh lớn hơn của đa số phụ nữ Việt.

Xã hội ta vẫn còn khắt khe về tuổi nào người con gái phải lấy chồng, không thì bị chê là “ế.” Trong qua khứ, cuộc đời người ngắn ngủi… 50, 60 tuổi đã là “già” và người phụ nữ thật sự lệ thuộc vào nhà chồng để có chỗ nương tựa. Ngày nay, rất nhiều phụ nữ học không kém gì nam giới, làm việc hiệu quả hơn nam giới, và họ có thể sống đến 90 hay 100 tuổi cũng không có gì lạ. Họ có cái khả năng tự lập về mặt kinh tế, công ăn việc làm, sức khỏe mà các thế hệ trước chưa khi nào dám mơ tưởng đến.

Thế nhưng trong xã hội ta ngày nay, phụ nữ vẫn phải lấy chồng khoảng từ 20 đến 25 để “được giá”, và về cuối đời làm việc, vẫn phải về hưu trước nam giới 5 năm. Thế là phụ nữ Việt bị “chiếu tướng” ở cả hai đầu.

Lúc còn trẻ, khi đang còn phải phấn đấu mạnh để đạt được kinh nghiệm, khả năng, và cơ hội tiến thân trong nghề nghiệp thì lại vướng vào việc phục vụ chồng, con, và có khi cả đại gia đình nữa. Trong khi nam giới cùng lứa tuổi được tự do tung hoành, móc nối với những liên hệ nghề nghiệp cần thiết để tiến thân… thậm chí cả đến những quyết định quan trọng cho cả gia đình như đổi việc, đổi nhiệm sở, có khi còn đi làm ở nước ngoài cho thêm kinh nghiệm nữa… thì các cô, các bà vợ trẻ bị hạn chế về những giao tiếp hoặc những cơ hội này.

Ở Mỹ, trong vấn đề nghề nghiệp, hoặc tiến thân, người ta hay dùng câu tục ngữ “it’s not what you know, but who you know”. Tạm dịch là “những gì bạn biết không quan trọng bằng những ai bạn quen.” Tôi nghĩ ở Việt Nam chắc cũng không khác lắm. Và như vậy, phụ nữ Việt quả là bị thiệt thòi về con đường sự nghiệp khi mới bắt tay vào nghề.

Và còn hơn thế nữa, một số phụ nữ vượt qua được những trở ngại lúc ban đầu để đạt được những vị trí có uy tín trong xã hội thì lại bị “loại ra khỏi vòng chiến” đúng vào lúc họ đang sung sức nhất. Tuổi 50 là lúc đa số những ai làm việc có công tâm và cầu tiến gặt hái được những kinh nghiệm và kỹ năng làm việc ở độ cao. Tuổi này cũng tương đối thoải mái hơn lúc tuổi 25-40, vì vấn đề kinh tế đã ổn định, con cái cũng đã khá lớn, và cũng “biết mình, biết người” hơn. Người ở tuổi này, nam hay nữ, thường đã đạt được chút địa vị, danh tiếng, và thường là những “nhân vật” được đề cử vào những chức vụ lãnh đạo.

Thế nhưng, đến 55 tuổi phụ nữ phải về hưu, hoặc nếu còn làm việc thì cũng không được thăng tiến nữa, vì lí do tuổi tác. Có phải là một lần nữa, phụ nữ Việt lại “nhường bước” cho đàn ông không?

Cuối cùng, càng về già tôi càng thấy Bác Hồ đã có tầm nhìn rất xa (mặc dù không dám quả quyết là Bác có nghĩ như vậy không) về vấn đề bình đẳng giới tính này, khi Bác nói một câu để đời: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do.”

Hà Nội, tháng ba năm 2011.

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Từ “Nụ Tầm Xuân….” Đến “Tiếc Cho Cả Một Giới””

  1. Trong 2 clips này hai cô đều vật thắng hai cậu.

    Đây là vật truyền thống, có nguồn từ rất lâu rồi, và cho thấy truyền thống nam nữ bình đẳng – gần với chế độ mẫu hệ và xa hơn với chế độ phụ hệ VN học được của Tàu và Tây. Tổng cục du lịch VN nên khuyến khích các thành phố dùng biểu diễn vật cổ truyền nam nữ thế này tại các tụ điểm du lịch cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài để thấy được võ thuật/thể thao VN, sức mạnh của con cháu Bà Trưng Bà Triệu, và tinh thần bình đẳng nam nữ hiếm có trên thế giới.

    Nữ sinh viên Ngọc Khánh đấu với đô vật Trung của làng Ninh Hiệp. Ngọc Khánh có kỹ thuật cao hơn và dẻo dai hơn, dù sức mạnh kém hơn một chút. Ngọc Khánh hình như có học kỹ thuật vật Tây phuong.

    VĐV Minh Thư (Hải Phòng) đấu với cậu trai làng Vân Trà. Cậu nầy thua, một năm sau cậu tập luyện thêm và cả 2 tái đấu, cậu lại thua lần nữa. Minh Thu rõ ràng là rất giỏi nhu đạo/nhu thuật

    Thích

  2. Em đã xem clips anh gửi, rất hay ạ.

    Mong Tổng cục du lịch VN khuyến khích các thành phố biểu diễn vật cổ truyền nam nữ. Và mong VN khôi phục lại truyền thống nam nữ bình đẳng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc VN, thay vì truyền thống phụ hệ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Trung Quốc.

    Em Hương

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s