Có ánh sáng le lói cuối đường hầm?

Chào các bạn,

Khi ta đang lần mò trong đường hầm tối đen dài đăng đẳng, chợt xuất hiện một tia sáng ở cuối đường hầm, đó là tia hy vọng. Đó là sự sống trở lại từ trong cõi chết.

Nhưng nếu lần mò hoài mà chẳng thấy một tia sáng le lói nào ở cuối đường hầm thì sao? Làm sao có được tia hy vọng khi con đường mình đang đi chỉ là một khoảng tối vô cùng?

Đây mới là câu hỏi chính cho chúng ta. Nếu bạn đang học năm thứ 3 đại học và “hy vọng” là sẽ xong cử nhân, thì hy vọng đó có nghĩa l‎ý gì? Bằng cử nhân hầu như là đã chắc trong tay bạn, chỉ còn phải đợi một năm nữa thôi. Hay chàng và nàng đang yêu nhau, thì “hy vọng” sang năm sẽ làm đám cưới có nghĩa lý gì?

“Hy vọng” chỉ thực sự có nghĩa lý khi bạn bị ung thư và hy vọng là bạn sẽ chiến thắng ung thư, hay vừa đi học tiểu học vừa phải mót khoai hàng ngày kiếm sống và hy vọng mai sau sẽ làm bác sĩ, hay chồng bạn có người yêu bên ngoài và bạn hy vọng là anh ta sẽ sáng suốt lại và quay về với bạn…

Hy vọng chỉ thực sự có nghĩa lý khi người ta ở trong tình trạng tuyệt vọng, hay hầu như là tuyệt vọng.

Khi ta không còn tí hy vọng nào, lúc đó là lúc cần nhiều hy vọng nhất. Vì thế, chính lúc tuyệt vọng là lúc ta cần biết tạo hy vọng cho chính mình.

Và hy vọng đến từ NIỀM TIN — niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của mình, vào sự bất khả chiến bại của mình, hay vào lẽ công bình cuối cùng của trời đất, hay vào thần linh của mình (Quán Thế Âm Bồ tát, Mẹ Maria, Chúa Giêsu…)

Hy vọng hầu như luôn luôn vượt trên logic. Nếu tôi thấy một cây cổ thụ cách tôi 1000m và tôi “hy vọng” có thể đến đó, thì đó không phải là hy vọng, vì theo logic tôi có thể bước 1000m dễ dàng. Nhưng nếu quân địch đang có thể tràn ngập thành tôi; tôi và đồng bạn nhất định cố thủ, thà chết không hàng, và chúng tôi hy vọng là nếu chúng tôi không chết, cố thủ lâu ngày, quân địch có thể mệt mỏi mà rút đi—đó là hy vọng, dù là có chút logic thì xác suất của nó quá nhỏ trong thực tế đến nỗi nó nghe như rất phi logic.

Bất kì niềm tin nào cũng có một phần phi logic trong đó. Lòng tin là một sự thật mạnh mẽ chúng ta cảm nhận trong tim, nhưng thường rất phi logic đối với cái đầu.

Nhưng chính niềm tin mạnh mẽ và phi logic lại là nguồn hy vọng lớn. “Tôi có cảm tưởng rất mạnh mẽ trong lòng là Phật Bà Quan Âm sẽ cứu tôi và chúng tôi sẽ tai qua nạn khỏi”, “Tôi cảm nhận rất mạnh trong lòng là tôi sẽ thắng”, “Tôi tin là Chúa sẽ giúp tôi chiến thắng”, “Dù tôi có chết đi thì tôi biết chúng tôi sẽ thắng”.

Chúng ta đã nghe rất nhiều chuyện về “phép lạ” khi người bệnh nan y cầu nguyện hay uống “nước thánh” và lành bệnh, hoặc trong các trắc nghiệm tâm lý khi bác sĩ cho bệnh nhân uống nước lã và nói là thuốc thần và bệnh nhân lành bệnh nhanh hơn những người uống thuốc thật.

Lòng tin, ngoài việc cho chúng ta tĩnh lặng trong cơn bão, còn cho chúng ta thêm năng lượng để chiến đấu và chiến thắng. Chính vì thế mà trong chiến tranh, luôn luôn có những nghi thức cầu nguyện thường xuyên cho các đoàn quân, để quân binh có thể lấy thêm năng lượng từ chính lòng tin của mình.

Cho nên, các bạn, những lúc tuyệt vọng nhất là những ta cần trở lại với niềm tin của ta, dù niềm tin đó là gì—Chúa Phật Thánh Thần, luật nhân quả, luật công bình, chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa, v.v… Và nếu ta có thể cầu nguyện khi tuyệt vọng, vì đó là cách tuyệt vời nhất để lấy lại lòng tin và hy vọng.

Đừng tuyệt vọng. Nhớ rằng hy vọng không cần đến từ ngọn đèn le lói ở cuối đường hầm. Hy vọng thực sự đến từ trái tim đầy tin yêu của bạn—tin tưởng và yêu thương, vào Chúa Phật Thánh Thần, luật nhân quả, luật công bình, hay chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa…

Hy vọng không cần đến từ sự kiện nào ở bên ngoài, mà đến từ trái tim luôn hy vọng của bạn.

Luôn hy vọng, luôn hy vọng, luôn hy vọng, dù ta đang sống trong tuyệt vọng. Và hy vọng sẽ cho ta năng lượng để trở ngược ván cờ.

Chúc các bạn một ngày đầy hy vọng.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Có ánh sáng le lói cuối đường hầm?”

  1. Cảm ơn chú ! Cháu mong rằng chú sẽ có nhiều bài viết hay và hữu ích hơn nhé. Cháu rất thích đọc những bài viết của dcn và nhất là của chú đấy, nó rất hữu ích với riêng cháu. Từ khi đọc trang này cháu có được rất nhiều bài học đáng quí, từ đó cháu đã trở lên tốt hơn, Cảm ơn chú Hoành rất nhiều !

    Like

  2. Hi Harmony,

    Qua các trao đổi, anh biết em là người có suy nghĩ sâu rộng và tầm nhìn rất lớn, cho nên em cho phép anh đổi câu hỏi của em thành “em nên làm gì” cho rộng đủ. Vì em có khả năng lãnh đạo, cho nên anh trả lời cho em như là một người nhiều tiềm năng lãnh đạo.

    1. Cho cả cá nhân lẫn tập thể, thắng hay bại rốt cuộc vẫn là tư duy tích cực hay tư duy tiêu cực. Cho nên điều quan trọng nhất cho các thầy cô là thuần thục tư duy tích cực, sống với tư duy tích cực hàng ngày, để cách sống này thấm vào cách các thầy các cô giảng dạy và sống, và thấm sang tất cả các học sinh.

    Và tư duy tích cực bắt đầu với tư duy và tác phong của chính mình.

    (Hôm nay ĐCN sẽ post một bài trên Vietnamnet.vn nói về dân Nhật (nước Nhật) bình tĩnh và trật tự thế nào với trận Tsunami kinh hoàng vừa xảy ra. Một quốc gia hùng cường thì mọi người dân dều tĩnh lặng như thế. Anh đọc các bài viết về dân miền Bắc trong thời chiến tranh, mọi người cũng rất bình tĩnh và trật tự mỗi khi có phi cơ Mỹ thả bom. Có phải vì thế mà ta thắng trận không? Tinh thần tĩnh lặng vững chắc đó biến đi đâu rồi? Chúng ta phải có cách lấy nó lại. Trước nhất là bằng chính sự tĩnh lặng vững chắc của cá nhân mình).

    2. Thầy cô không phải là chỉ là chuyên gia bình thường như luật sư bác sĩ. Thầy cô là các vị trồng người cho tương lai đất nước. Vai trò này phải được nhấn mạnh thường trực với tất cả mọi người, và tất cả mọi người từ thầy cô, bố mẹ, đến toàn guồng máy hành chánh phải hành xử với tư duy này—từ cung cách cư xử đến các chính sách về lương bỗng, nhà ở, hưu trí…

    Đây là vấn đề quản lý lớn cho đất nước. Nếu Harmony vận động, lobby, viết bài, làm blog để thúc đẩy nó… Nó đủ để em bận rộn một đời.

    Kế hoạch trăm năm là trồng người. Anh chẳng còn thấy việc gì trong nước mà quan trọng hơn giáo dục.

    3. Giúp thầy cô năng động hơn. Mỗi trường (hay mỗi ấp) nên có một blog giáo dục để các thầy cô, bố mẹ, và học sinh chia sẻ; để các thầy cô có thể học hỏi về nghề nghiệp từ các bài viết lấy từ các nơi khác về, và để các thầy cô có thể viết để chia sẻ kinh nghiệm và suy tư. Đây là cách giúp thầy cô học thêm và năng động thêm, thường trực, và ít tốn tiền nhất. (Đây là các “báo” địa phương, không phải là các website quốc gia. Blog của trường, hay của ấp, có sự thân mật giữa thầy cô bố mẹ học sinh ngay tại địa phương).

    4. Ba môn học quan trọng nhất cho VN trong vòng 50 tới là tiếng Anh, tiếng Anh, và tiếng Anh. Thử tưởng tượng, Internet hiện tại là một thư viện vĩ đại ngay tại đầu ngón tay mình. Chẳng phải đi đâu để tìm sách. Nhưng rất ít người Việt nhận được nhiều lợi ích từ thư viện này, vì phần lớn tài liệu đều bằng tiếng Anh.

    Cách duy nhất để dân ta bắt kịp thế giới là phải làm việc được bằng tiếng Anh thường trực.

    Harmony đã giỏi tiếng Anh rồi, nếu em có thể nghiên cứu các cách thức và dụng cu dạy tiếng Anh, vận động phát triển tiếng Anh, giúp các thầy cô và các em tiếp cận với tiếng Anh thường trực hơn… thì đây là project cho em bận rộn ít ra là cũng 20 năm.

    5. Điều quan trọng kế tiếp cho chúng ta là vi tính—computer access cho TẤT CẢ mọi người. Đây chính điểm tạo ra chênh lệch giữa các quốc gia tiền tiến và các quốc gia đang phát triển.

    Hiện nay các công ty trong kỹ nghệ vi tính thế giới rõ ràng là đồng lõa với nhau sản xuất khí cụ vi tính có giá trị chỉ trong 3 năm. 3 năm sau là coi như đã quá cũ, vận tốc quá chậm, không dùng được. Điều này làm cho các quốc gia chậm tiến không đuổi kịp.

    Làm sao có thể có vi tính cho tất cả các em học sinh từ thành thị đến thôn quê, rất rẻ, mà không cần phải thay máy mỗi 3 năm, hoặc nếu thay thì cũng không quá đắt tiền.

    “Computer access for all” phải là nhiệm vụ của kỹ nghệ vi tính Việt Nam và là mục tiên hàng đầu của hệ thống giáo dục.

    Nếu em làm việc với các chuyên gia và công ty computer vào mục tiêu phát triển mạng lưới vi tính cho học sinh khắp nơi (ít nhất là khởi đầu trong trường mình), đồng thời kiến tạo máy vi tính rẻ tiền, dễ cập nhật, dùng được lâu… thì đây cũng là một project có thể làm cho mình bận rộn cả 10, 20 năm.

    (Project này vừa là giáo dục vừa là phát triển kỹ nghệ vi tính nội địa).

    Anh nghĩ rằng đây là những điều nền tảng nhất cho hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, cộng với nhiều vấn đề linh tinh khác, tất nhiên. Nếu em tìm cách rớ tay vào các việc này, đương nhiên là em sẽ biết tìm học điều gì em cần học, và các loại projects này sẽ giúp em bận rộn, có thể đến lúc về hưu.

    Bắt đầu cách nào? Bất cứ cách nào em thấy được. Where there is the will there is the way. Kể cả việc chỉ viết bài thường trực về các vấn đề này.

    Harmony khỏe nhé.

    Like

  3. Tuy không phải là một nhà giáo, giáo dục vẫn luôn là đề tài thu hút em nhất. Vậy cho em mạn phép theo dõi và tham gia cuộc trao đổi này giữa anh Hoành và chị (?) Harmony nhé. Và nếu được, để tiện trao đổi, em có thể biết chị Harmony dạy cấp lớp nào và môn nào được không ạ?

    Like

  4. Hi Harmony,

    Nếu em muốn học thêm một môn nào đó, như là học tiếp để lấy tiến sĩ chẳng hạn thì anh nghĩ là em nên chọn Education Management, vì Vn hiên nay cần nhân tài quản lí. Anh search Internet thấy các chương trình Master về Education thường có các cua sau: research methodology, theories of learning, theories of management, curriculum planning, psychology of learning, and educational management.

    Hiện nay có nhiều trường có uy tín ở MỸ có distance learning. Rất tiện để em học luôn đến Tiến sĩ mà chẳng phải đi đâu cả, có lẽ chỉ phải qua Mỹ vài ba lần, ngắn hạn.

    Và trong công việc dạy học, thì em luôn luôn có thể đọc thêm nhiều điều cần thiết để áp dụng với học sinh. Anh thấy việc dạy học khó nhất là tìm ra cách dạy với từng học sinh, và từng nhóm học sinh, chứ kiến thức tổng quát thì đọc một lúc trên Internet là biết hết.

    Muốn cho học sinh giỏi và tự tin thì:

    1. Cho học sinh làm việc nhiều hơn là thầy cô. Như là cho bài về nhà nghiên cứu, hoặc trong lớp thầy cô hỏi và để học trò thảo luận nhiều hơn.

    2. Cho bài tập vừa mức mỗi học sinh.

    3. Chú trọng vào sức mạnh của mỗi em hơn là điểm yếu. Và tìm cách khai thác điểm đó. Bài tập nên nhắm vào việc này, ví dụ: Viết về môn thể thao em thích (thì hay hơn là “Viết về bóng đá” vì có em không thích bóng đá).

    4. Cho bài tập chung cho nhóm thường xuyên, để các em quen teamwork. (Dân Việt tồi teamwork chắc cũng gần số 1 của thế giới).

    5. Dạy các em chú trọng vào tư duy tích cực và teamwork.

    6. Cho các em các cơ hội nói, hát, đóng kịch, trình bày, giảng giải, tranh luận trước đám đông (trước cả lớp, cả trường) để gây tự tin. Dạy tiếng Anh thì cơ hội hát tiếng Anh, đóng kịch tiếng Anh là cơ hội rất tốt để “làm văn nghệ” cho cả trường.

    Vài ý kiến góp ý với Harmony.

    Like

  5. Dear Harmony,

    Không biết là chị hay bạn thì xưng là mình vậy nhé! Quàng vai bá cổ cho dễ nói chuyện. 🙂

    Thấy những trăn trở của Harmony, mình rất cảm phục tinh thần cầu tiến cũng như tâm huyết với nghề, với học sinh của Harmony.

    Harmony chọn dạy cấp I là rất hay đó. Mình vẫn luôn đánh giá cấp I là cấp quan trọng nhất vì đây là thời kỳ hình thành những nề nếp học tập đầu tiên và cũng như xây dựng những tính cách và nhận thức xã hội đầu tiên của học sinh.

    Có lẽ vì là giáo viên dạy tiếng Anh nên Harmony cảm nhận nhiều về culture barries – bên dưới mỗi ngôn ngữ là một nền văn hóa mà. Về điều này, mình nghĩ có một cách để vượt qua culture barries là … đừng để nó trong từ điển. Chấp nhận mình là mình. Đón nhận bạn là bạn. Cởi mở để bày tỏ mình như mình vốn là. Cởi mở để tìm hiểu bạn như bạn vốn thế. Con người không ai giống ai, không cứ gì giữa hai quốc gia – văn hóa khác nhau, và tìm hiểu mỗi người là một khám phá thú vị.

    Tranh thủ tán gẫu với Harmony một chút. Chúc Harmony vui và khỏe nhé.

    Like

Leave a comment